Ý tưởng đi Szentendre cách Budapest 21km sau hai ngày mưa ủ ê ở Budapest là do chị Phương Thảo đề ra. Chị là một doanh nhân thành đạt ở Budapest mà bất cứ người Việt nào sống lâu ở đây cũng đều biết đến. Chị Thảo ca ngợi nhiều về nó, bảo rằng nhiều cuối tuần chị về đây cho yên ả (dù tôi cho rằng Budapest cũng đã đủ yên ả và vắng vẻ lắm rồi), để tận hưởng không khí thơ mộng của nó. Chị bảo rồi tôi sẽ thấy, Szentendre là một bản hiếm nữa của Hội An.
1. Khi đặt bước đầu tiên vào khu phố cổ Szentendre, tôi hơi giật mình. Gì thế kia? Đúng là Hội An thiệt. Cũng những con đường trải gạch nhỏ hẹp tấp nập khách đi bộ. Cũng tường vàng sậm, cửa gỗ thâm u, mái ngói nâu trầm. Cũng những cửa hiệu đua nhau bán đồ thời trang handmade. Cũng những ngách nhỏ rẽ xiên bất thường. Cũng vẻ lãng mạn, thi vị, rêu phong cổ kính ấy. Đông đúc mà lặng lờ những lắng đọng thời gian. Kỳ lạ chưa, sao lại có những trùng hợp nhường ấy. Phía đường cái kia, Szentendre nằm nép mình bên dòng Danube khiêm nhường, âu cũng như Hội An nhiều thế kỷ ngả bóng xuống Thu Bồn lặng lẽ.
Sông Danube dài 2.850km, chạy khúc khuỷu qua nhiều thủ đô của Châu Âu, và nghe đâu khúc Danube uốn lượn quanh Szentendre cũng là đoạn sông hữu tình nhất. Szentendre có diện tích 44 cây số vuông với gần ba vạn dân, cũng xấp xỉ 60 cây số vuông của Hội An, dù dân số phố Hội giờ đã gần trăm ngàn người. Chả thế mà chắc tình cờ có đoàn xứ Quảng đi thăm Budapest, rồi ghé Szentendre, về nhà lập tức bàn bạc anh em kết nghĩa, và tin vui ấy là đúng ngày Quốc khánh Hungary 20.8.2014, hai thành phố nổi danh về du lịch, văn hóa và nghệ thuật đã bắt tay hữu tình. Đọc báo nghe đài thấy bảo hôm ký kết có Thị trưởng thành phố Szentendre và Chủ tịch UBND thành phố Hội An. Ở lễ ký kết, chủ tịch ta bảo thị trưởng họ rằng ngắm sông Danube lại nhớ tới... Thu Bồn. Đấy, cũng đâu phải mình tôi nói thế. Mà thực ra sông nào mà chẳng là sông, nước dòng ở đâu cũng là giống nhau, chỉ khác có đôi bờ.
2. Duy có một thứ rất khác ở Szentendre là giá cả đắt khiếp. Tây họ trọng đồ thủ công, nghĩa là trọng sức lao động bằng đôi tay, mình thì lao động rẻ, nên về Hội An coi như được mua sắm tẹt ga, còn dạo một vòng quanh Szentendre khó mà mua được thứ gì. Đồ gốm, đồ thêu tay, túi da thuộc, nữ trang hổ phách... ấy là đắt “cắt cổ”.
Nếu như Hội An có rất nhiều nhà cổ được bảo tồn với kiến trúc hình ống chạy dài vào tận sân trong cùng những gian gác, cột kèo, nhà ngang bí ẩn thì ở Szentendre cũng có vô số bảo tàng được tận dụng từ nhà dân (có thu phí vào cửa). Ở thành phố lâu đời xinh xắn như một thị trấn này, hầu như nhà nào cũng có một hầm ngầm dưới đất. Toilet được đặt dưới ấy, và cũng nhờ đi toilet mà tôi được lạc xuống dưới hầm, trước có lẽ là hầm chứa rượu, giờ biến thành nhà hàng.
Trên mặt đất người ta bán thời trang, dưới lòng đất người ta ăn uống trong bóng tối om om của vách đá chật hẹp, với những lối đi trần thấp rẽ ngang dọc in như thời trung cổ. Đi lại dưới ấy, cứ e ngại bỗng đâu lại thình lình bắt gặp một bóng hồn mặc áo gia nhân kiểu dáng thế kỷ 18 đứng im lìm chẹn ngang đường hầm với một giá nến lập lòe trên tay. Ấy thế mà để đặt được một bàn dưới hầm thì cũng đắt ra phết, chứ không rẻ như trên mặt đất.
Những con giống làm bằng kẹo. |
Cũng giống như Hội An, khắp nơi Szentendre người ta mở bảo tàng và phòng tranh. Đặc biệt nhất là bảo tàng nổi tiếng thế giới Marzipan. Ở đây người ta trưng bày các tác phẩm điêu khắc làm từ... kẹo. Khách sẽ được chứng kiến các nghệ nhân nhoay nhoáy nặn kẹo thành những nhân vật bé xíu trong phim hoạt hình. Tuy nhiên, tác phẩm vĩ đại nhất lại chính là ca sĩ Michael Jackson và Công nương Diana với kích thước bằng người thật. Trọng lượng của “M.Jackson kẹo” là 62kg và người ta đã phải mất 336 giờ đồng hồ để điêu khắc cho ra hình dạng ông vua nhạc Pop, còn công nương nặng 55 cân kẹo thì cũng mất tới 340 giờ chế tác. Các loại nhạc cụ, ôtô, đầu máy xe lửa, chậu cây xương rồng được nặn tinh tế đến từng chi tiết, và đặc biệt là tòa nhà quốc hội ở Budapest được tạo tác trong vòng 4 tháng trời mới xong. Ừ thì ở Hội An người ta chỉ dùng kim chỉ mà thêu dệt thành những bức tranh khổng lồ thì tại phố thị này, họ nặn kẹo ra các tác phẩm điêu khắc. Ấy cũng thực là cân sức cân tài.
3. Ở Hội An người ta đi chùa Cầu, còn đến Szentendre hãy trèo lên đỉnh đồi để đứng ở sân nhà thờ trung tâm mà ngắm toàn cảnh mái đỏ nhấp nhô của thành cổ. Đến Hội An, khách lãng du tìm ăn cơm gà, cao lầu, bánh đập... thì ở đây, giữa Szentendre này nhất định phải ăn súp cá và bánh Lángos. Món súp cá trứ danh của xứ Hung tôi đã say mê miêu tả về nó trong cuốn “Nụ hôn thành Rome”, vì thế giờ chỉ nên nói đến Lángos. Chính thế, cái cách người ta mua bánh ăn mới giống ở Hội An làm sao.
Tôi vẫn còn nhớ hồi lang thang phố Hội, có lần hỏi đại một người đi đường rằng quanh đây có hàng hoành thánh, bánh vạc nào ngon thì được chỉ vào trong một ngách nhỏ. Bán tín bán nghi đi vào trong ấy, càng đi thấy đường càng chít hẹp, thấy giống đi thăm người bà con thất thập cổ lai hy sống quên lãng ở nơi hang cùng ngõ hẻm chớ đâu giống lối vào một tiệm ăn nổi tiếng. Ngờ đâu gần cuối ngõ có một cái nhà hàng thiệt. Mà thực ra ấy cũng vốn là một nhà dân, chủ nhà ngày ngày vẫn sinh sống ở đó, chỉ tiện việc kê thêm vài bộ bàn ghế cọc cạch vào phòng khách, bày cái bàn chế biến ra ngoài sân, ấy đã là thành... tiệm. Ngồi quán ăn trong con ngõ vắng hoe mà cứ in như về quê ăn cỗ.
Ở Szentendre này cũng hệt như thế. Cũng ngóc ngách lắt lẻo trèo leo, rồi khi nhìn thấy một cái sân quê mùa treo tấm bìa đề Lángos, trên tường sát mái nhà còn lủng lẳng một chiếc bánh Lángos bằng nhựa to gần cái chậu, lại thắt ngang nơ vải ba màu quốc kỳ, bên cạnh treo cái ấm nhôm, chị Thảo bảo tôi: “Đây là nơi bán bánh Lángos ngon nhất vùng này”.
Ngon nhất Szentendre ấy cũng là ngon nhất Hungary. Nhất Hungary đồng nghĩa nhất Trung Âu. Mà nhất Trung Âu tức ngon nhất thế giới rồi. Bởi bánh Lángos từ xứ Hung mà ra. Vậy mà cái tiệm bánh trứ danh chỉ là ngôi nhà một tầng treo rèm mành mành kiểu Việt Nam, với ô cửa sổ trổ ra, ngày xưa chủ nhà dùng để đón nắng gió, giờ thêm cái bàn vào bậu cửa để biến thành chỗ bán bánh. Lại chế thêm chiếc ghế băng dài và hẹp cao như quầy bar cho khách đứng tạm mà ăn. Nhưng mà bán hàng kiểu ấy là rất tài tử, rất kiêu, dù ở Hội An hay Szentendre thì cũng như nhau. Hết giờ bán rồi. Mặc cho khách nghếch mũi đứng ngoài rào mà nhòm vào sân trong sự thèm nhỏ dãi.
Đúng là nhà của mình có khác, chả mất tiền thuê, cũng chả phải mướn nhân công, bữa nào khỏe thì nhóm lò, gặp hôm mệt thì nghỉ, chả có làm sao sất. Khách số đen cả đời mới đến Szentendre một lần, lại nhằm đúng hôm chủ nhà kiêm người bán kiêm bồi bàn kiêm đầu bếp khó ở trong người thì đành nuốt bực cất mấy đồng xu trở lại túi quần. Chị Thảo bảo bữa nào có hàng bán thì khách đứng xếp dọc cái sân con này.
4. Tôi nhớ đường rồi, ấy là cái ngách dẫn lên nhà thờ. Đời mình chả lẽ không quay lại Hung lần thứ ba. Lần sau ấy, nhất định sẽ quay lại Szentendre, và nhất định sẽ lại leo lên ngách, đứng xếp hàng ở sân con để chén kỳ được món bánh thượng hảo hạng ấy mới yên lòng yên dạ. Nhưng không được ăn bánh của bà đầu bếp làm Lángos siêu nhất địa cầu thì ăn chỗ khác chớ sao.
Lúc ra xe để đi về, tim tôi chợt thắt lại khi nhìn thấy một biển hiệu Lángos bên bờ sông. Mừng húm. Tôi cuống cả lên mua bánh, chỉ sợ tất cả những người bán bánh Lángos đều có chung một đặc điểm là thích đóng cửa hàng đúng vào lúc người ta muốn ăn nó nhất. Lángos thực chất là một loại bánh mì tròn dẹt nên nó cũng được bán như cách ta bán bánh kebab hay bánh mì kẹp thịt, khách mua xong là mang đi luôn chứ không có chuyện ngồi ăn tại chỗ, nên quầy bánh thường chỉ là một ô vuông nhỏ để nhận tiền trả bánh.
Bánh Lángos được làm bằng bột mì, sữa, men, đường và muối. Sau khi nướng, bánh sẽ nóng hôi hổi, thơm lừng, phồng to lên và mềm mại để có thể vừa xé vừa ăn. Mặt bánh phủ sốt kem hoặc sữa chua, hoặc khoai tây nghiền, pho mát, xúc xích, thịt nguội, trứng, nấm, bắp cải, rượu kefia. Vị ngọt thì có đường và mứt. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là bánh trơn, loại “không người lái” ăn với nước sốt tỏi. Cũng giống ở Áo, đây người ta để sẵn cốc tỏi xay với nước và một cái chổi (loại chổi quét sơn nhỏ). Khách đến ăn lấy chổi phết sốt tỏi lên mặt bánh cho đượm. Lángos vì thế vừa giống bánh mì Nan của Ấn Độ, vừa có vị quẩy chấm mắm chua ngọt.
Tôi gọi một chiếc Lángos pho mát, giá quãng chừng bốn năm chục ngàn tiền Việt, nhưng bự tổ chảng vài người ăn chẳng hết, thấy quả đúng như người Hung nói, đến xứ này mà không biết súp cá và Lángos thì mất nửa cuộc đời, khác nào đi Bắc Kinh mà không được ăn vịt quay, ghé Hà Nội mà bỏ qua phở vậy. Chưa phải chiếc bánh mua từ lò Lángos nổi tiếng trong ngõ hẻm trên đường dẫn lên nhà thờ, vậy mà miếng bánh xốp mềm đã tan trong miệng béo ngậy cùng vị đằm pha trộn của pho mát và tỏi xay. Lángos không chỉ nổi tiếng ở Hungary mà còn chu du sang cả Áo, Czech, Slovakia, Croatia, Serbia, Rumani, Ba Lan và Anh Quốc. Người Anh còn đặt tên riêng cho nó là “Bánh mì chiên Hungary”.
5. Chị Thảo là một nữ doanh nhân có đầu óc kinh doanh thứ thiệt, nhìn đâu cũng ra ý tưởng và lợi nhuận. Thấy chúng tôi tò mò và thích thú với bánh Lángos, chị bảo chỉ cần có người quản lý chung thì ngay lập tức sẽ đưa bánh Lángos về sát Tháp Rùa, nơi tập trung những cái miệng sành ăn nhất xứ Việt. Sẽ chẳng khó gì việc chở một gã đầu bếp người Hung tóc vàng hoe sang đứng lò. Đến giờ tôi vẫn cứ ngóng mãi cái dự án bánh Lángos của chị. Cơ mà khổ, cái người chỉ thèm ăn bánh thì có bao giờ mà làm ra tiền được, nên chị Thảo nói xong liếc mắt một vòng nhìn quanh đầy ý nghĩa xem ai có ý kiến gì, ngõ hầu chỉ thấy người ăn bánh tì tì, chẳng ai có ý định chung chia làm giàu gì hết nhờ Lángos. Đành gõ ra mấy dòng này, hy vọng có độc giả nào đó đọc được mà chợt nảy ý định mở nhà hàng chuyên bán súp cá và Lángos ở ngay Hàng Bông. Lúc ấy mình bỗng được nhờ.
LĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét