Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Giáo dục ở Phần Lan hiệu quả hơn ở Mỹ

Không có thanh tra giáo dục, miễn học phí, nghề giáo rất được coi trọng là những điểm khiến giáo dục Phần Lan xếp hạng cao bậc nhất thế giới. 


giao-duc-o-phan-lan-hieu-qua-hon-o-my
Giáo viên ở Phần Lan được tự do thiết lập chương trình giảng dạy, trong khi ở Anh và Mỹ, giáo viên phải tuân thủ tuyệt đối chương trình giảng dạy quốc gia. 
Phần Lan nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung nổi tiếng với hệ thống giáo dục luôn đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu. Làm việc quá sức và bị trả lương thấp là tình trạng chung của giáo viên nhiều quốc gia, nhưng không phải ở Phần Lan.
Hội đồng Giáo dục quốc gia Phần Lan vạch ra tầm nhìn của đất nước qua cơ hội bình đẳng của học sinh. Không có một kỳ thi quốc gia nào cho học sinh bậc giáo dục cơ bản. Thay vào đó, giáo viên có trách nhiệm đánh giá các môn học dựa trên mục tiêu đặt ra trong chương trình giảng dạy của mình. 
Video so sánh giáo viên Mỹ và giáo viên Phần Lan đăng tải trên Facebook ATTN ngày 12/9 đạt 36 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ.
Học sinh Phần Lan gần như không có áp lực về bài vở. Ở cấp tiểu học, các em thậm chí còn không được giao bài tập về nhà.
Trả lời thắc mắc về việc này, Anna Hart, giáo viên lớp 1 tại Phần Lan chia sẻ, nếu học sinh muốn leo cây thay vì làm bài tập, các em sẽ học được cách leo cây. Suy nghĩ này chứng minh giáo dục Phần Lan coi trọng sự phát triển tư duy tự nhiên, không gò bó học sinh trong khuôn khổ.
Chỉ có 20 tiếng một tuần ở trường học, 15 phút để chơi trong tiết học 45 phút, học sinh Phần Lan vẫn xếp hạng cao nhất về điểm số trong các kỳ thi trên thế giới. 
Một khác biệt lớn nữa là học phí ở Phần Lan được miễn cho tất cả học sinh ở mọi trình độ; sách, bữa ăn và phương tiện di chuyển cũng được cung cấp miễn phí. Học sinh Phần Lan không có bất kỳ quy định nào về đồng phục, do đó phụ huynh cũng không phải tốn chi phí cho khoản này như ở các nước khác. 
Phiêu Linh (theo Independent)

Môi trường giáo dục không áp lực ở Phần Lan

“Hãy học hỏi Phần Lan, quốc gia có nhiều trường tốt nhất và nền giáo dục ở đó có nhiều điểm khác biệt với Mỹ”, Howard Gardner, chuyên gia giáo dục của Harvard từng khuyên người Mỹ. 

Theo lời khuyên của Gardner, William Doyle, người giành được học bổng Fulbright khóa 2015-2016 và là giảng viên về truyền thông giáo dục tại Đại học Đông Phần Lan, đã đăng ký học cho con trai 7 tuổi vào trường tiểu học Joesuu. Và ông Doyle đã không phải thất vọng. Chỉ mới 5 tháng, gia đình ông đã được trải nghiệm hệ thống giáo dục "tuyệt vời và không áp lực".
Một buổi tối, ông Doyle hỏi con trai về những gì cậu bé đã làm vào giờ thể chất hôm đó và nhận được câu trả lời: “Chúng con được đưa vào rừng với một tấm bản đồ và la bàn. Chúng con phải tìm đường ra”.
Từ lâu, Phần Lan đã được biết đến là quốc gia phương Tây giành được điểm cao nhất trong các cuộc thi toàn cầu. Ngoài ra, Phần Lan còn đứng vị trí thứ nhất trong các bảng xếp hạng toàn cầu, ví dụ là nước có tỷ lệ biết chữ nhiều nhất. 
Ở Phần Lan, trẻ em không được học chính thức cho đến khi 7 tuổi. Cho đến lúc đó, nhiều trẻ em được gửi vào lớp chăm sóc ban ngày và học qua các trò chơi, bài hát và trò chuyện. Hầu hết trẻ em đi bộ hoặc đạp xe đến trường cho dù còn rất nhỏ tuổi. Thời gian học ở lớp ít và dường như không có bài tập về nhà.
Các trường ở Mỹ đang cắt giảm giờ nghỉ của trẻ. Trái ngược với Mỹ, cứ mỗi một tiếng, học sinh Phần Lan luôn có 15 phút chơi tự do ngoài trời. Không khí trong lành, thiên nhiên và hoạt động thể chất thường xuyên được coi là năng lượng cho việc học. Theo châm ngôn Phần Lan: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ”.
moi-truong-giao-duc-khong-ap-luc-o-phan-lan
Theo quy định, trẻ sẽ có 15 phút nghỉ giải lao ngoài trời sau mỗi tiếng học trong lớp. 
Phần Lan không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp, đăng ký và các câu đố. Trong lớp, trẻ được vui chơi, cười đùa và mơ mộng cả ngày. Người Phần Lan luôn nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”.
Không khí lớp học luôn là ấm áp, an toàn, tôn trọng và hỗ trợ. Không có một bài học được viết trước hay những yêu cầu chuẩn mực như đi trên một đường thẳng hay ngồi thẳng lưng. Một sinh viên kiêm giáo viên Trung Quốc học ở Phần Lan đã làm ông Doyle ngạc nhiên: “Trong trường học Trung Quốc, bạn sẽ cảm thấy như đang ở trong quân đội. Còn ở đây, bạn cảm thấy mình là một phần của một gia đình tuyệt vời”. 
Ở Phần Lan, giáo viên là những chuyên gia đáng tin cậy và được ngưỡng mộ nhất sau bác sĩ. Họ phải có bằng thạc sĩ về giáo dục và chuyên môn trong nghiên cứu và giảng dạy. “Nhiệm vụ của người lớn là bảo vệ trẻ em khỏi các chính trị gia. Chúng ta phải có trách nhiệm đúng đắn và yêu cầu những nhà kinh doanh tránh xa khỏi môi trường giáo dục”, một chuyên gia giáo dục Phần Lan về trẻ nhỏ đã trao đổi với ông Doyle. 
Các trường học ở Phần Lan được đầu tư và trang bị kỹ lưỡng: các giáo viên có trình độ, uy tín cao, và chuyên nghiệp; quy mô lớp học vừa phải; giáo trình phong phú và chính xác; hoạt động thể chất thường xuyên; rất ít hoặc không có các bài kiểm tra tiêu chuẩn không đem lại kết quả; không có thời gian và năng lượng bị lãng phí hay độc hại. Học sinh được đánh giá hàng ngày từ giáo viên; không khí lớp học an toàn, hợp tác, ấm áp và tôn trọng dành cho trẻ.
moi-truong-giao-duc-khong-ap-luc-o-phan-lan-1
Người Phần Lan luôn nói rằng: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”. 
Vào một ngày cuối tháng 11/2015, ông Doyle nghe thấy một tiếng động mạnh bên ngoài cửa sổ văn phòng giảng viên và gần khu vui chơi ngoài trời. Ông đã ra đó để tìm hiểu.
Sân chơi tràn ngập trẻ em. Chúng đang thưởng thức những bông tuyết đầu tiên của mùa đông. Người phụ trách giờ giải lao, một giáo viên đặc biệt, trong bộ áo khoác bảo hộ màu vàng hỏi ông: “Ông nghe thấy chứ?”. Và rồi cô tự hào trả lời: “Đó là âm thanh của hạnh phúc”.
Quỳnh Linh (theo smh.com)

Ngày đầu tiên đi học như chơi ở Phần Lan

Không theo giáo trình định sẵn, thay vào đó thầy và trò chơi trò chơi, ngồi kể cho nhau về kỳ nghỉ hè vừa qua, thậm chí còn nghỉ nửa ngày học.

Trở lại trường học đồng nghĩa với việc ngồi trên lớp, học và làm bài tập về nhà. Nhưng ở Phần Lan, câu chuyện hoàn toàn khác. Thay vì làm theo những giáo trình cứng nhắc, giáo viên Phần Lan tổ chức các trò chơi, tập thể dục và chia sẻ về kỳ nghỉ hè vừa qua để giảm bớt áp lực cho học sinh khi quay lại trường.
Theo Atlantic ngày 6/9, một số giáo viên thậm chí còn cho học sinh nghỉ nửa ngày học đầu tiên. Johanna Hopia, giáo viên trường tiểu học Martti Ahtisaari (Kuopio), chia sẻ: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là có một khởi đầu dễ chịu để trẻ dần thích nghi với các phương pháp và thói quen học tập”.
Giáo viên Jere Linnanen từ trường phổ thông hỗn hợp Maunula (Helsinki) đồng tình: “Tôi muốn bắt đầu năm học với càng ít căng thẳng càng tốt, cho cả bản thân mình và học sinh”.
ngay-dau-tien-di-hoc-nhu-choi-o-phan-lan
Khởi đầu dễ chịu giúp trẻ dần dần thích nghi với các phương pháp và thói quen học tập. Ảnh: Huffington Post.
Phương pháp giảng dạy nới lỏng này rất lạ đối với các trường Bắc Mỹ, nơi giáo viên thường phải tuân theo giáo trình và kế hoạch giảng dạy chặt chẽ được lên trước đó.
Và đó không phải điểm duy nhất khác biệt. Ở Phần Lan, trẻ không đi học chính thức cho đến khi lên 7. Không có bài thi tiêu chuẩn, ngày học ngắn và trẻ dường như không có bài tập về nhà. Và trên tất cả, hệ thống giáo dục Phần Lan tin tưởng mạnh mẽ vào phương pháp học qua các trò chơi, cho học sinh nghỉ giải lao 15 phút sau mỗi tiết học 45 phút.
Phương pháp giảng dạy khác thường này được Phần Lan chứng minh là hiệu quả khi có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhất thế giới.
Quỳnh Linh (theo Huffington Post)

Không có nhận xét nào: