Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Sống ở Triều Tiên

Ở Triều Tiên, nữ cảnh sát được cấp mỹ phẩm, chỉ xe công mới được lưu thông trên đường và dân thường không được mặc như giới tư bản.

Một nữ cảnh sát giao thông ở Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên, đứng gác trang nghiêm bên đường, tay cầm gậy chỉ huy.
Nữ cảnh sát ở Triều Tiên phải cao trên 1m63. Họ được tuyển chọn từ 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp hai, và bị buộc xuất ngũ ở tuổi 26. Trong thời gian công tác, nữ cảnh sát được chính phủ cấp miễn phí mỹ phẩm Pomhyanggi, hãng mỹ phẩm tốt nhất tại Triều Tiên, theo QQ.
Trong nội thành thủ đô Bình Nhưỡng, nhà cao tầng mọc san sát, đường phố rộng rãi, sạch sẽ, khắp nơi treo tranh tuyên truyền và hình các lãnh đạo.
Toà nhà 45 tầng bên sông Taedong được xây dựng năm 2012, là trung tâm mua sắm cao cấp kết hợp khu căn hộ hạng sang. Chỉ tầng lớp tinh hoa trong thành phố mới được sống tại đây. 
Các cô gái Triều Tiên mặc Joseon-ot, trang phục truyền thống của nước này, đi trên đường. Người dân Triều Tiên có câu "trai phương nam, gái phương bắc", ý chỉ vẻ đẹp của con gái Triều Tiên và con trai Hàn Quốc. 
Dân số Bình Nhưỡng khoảng 2,85 triệu người, chủ yếu là những người lai lịch "đáng tin cậy". Chính quyền không giới hạn số dân, nhưng chỉ những người có giấy tờ đặc biệt hoặc làm thủ tục đăng ký mới được sống tại đây. Vì vậy, thủ đô Bình Nhưỡng là giấc mơ của không ít người dân Triều Tiên.
Một cặp cô dâu, chú rể đang chụp ảnh cưới trong công viên. Trong hôn lễ ở Triều Tiên, cô dâu mặc váy truyền thống, chú rể mặc âu phục, trường hợp là quân nhân thì phải mặc quân phục. 
Tuyến tàu điện ngầm Bình Nhưỡng được xây dựng từ những năm 1960, độ sâu trung bình 100 mét, nơi sâu nhất là 200 mét. Khu vực này có nhiều du khách ngoại quốc, nhân viên nhà ga thường tới kiểm tra bất chợt.
Tại Triều Tiên, kiểu tóc cũng được quy định kỹ càng. Phụ nữ được phép uốn tóc nhưng không được nhuộm màu lạ.
Khác với trạm tàu điện ngầm, giao thông trên mặt đất tương đối thoáng, không ách tắc, chủ yếu là phương tiện công cũ kỹ và tàu điện cỡ nhỏ, lác đác vài xe ôtô trên đường. Do tình trạng thiếu dầu ở Triều Tiên, chỉ những cán bộ có công với nhà nước mới sở hữu xe riêng. Các xe gắn máy trên đường hầu hết là xe công. 
Người dân thường đi lại bằng hệ thống giao thông công cộng, xe đạp hoặc đi bộ. Lượng xe ít nên ở các ngã tư không có đèn giao thông, chỉ có cảnh sát đứng chỉ huy. 
Khoảng cách từ Bình Nhưỡng tới núi Kongo thuộc thành phố cảng Wonsan là 260 km, mất 7 tiếng chạy xe. Các con đường ở ngoại ô thành phố thường được đổ bê tông, không được rải nhựa do thiếu nguyên liệu.
Tại Wonsan, thành phố du lịch phía đông Triều Tiên, đường sá hẹp và cũ kỹ. Nông dân ở đây chủ yếu lao động tập thể, mỗi người lớn kiếm được một công mỗi ngày, một công đổi được 0,9 kg gạo.
Thành phố Kaesong nằm giáp Hàn Quốc. Khu vực này có khu công nghiệp Kaesong do Hàn Quốc đầu tư nên được xem là một trong những nơi phát triển nhất ở Triều Tiên.
Khu công nghiệp này nhiều lần đóng cửa. Hồi tháng hai, do ảnh hưởng của các vụ thử hạt nhân và phóng vệ tinh, phía Hàn Quốc ngừng mọi hoạt động tại đây, còn phía Triều Tiên tuyên bố trục xuất mọi công nhân Hàn Quốc và cho quân đội vào quản lý, khiến nhiều thương nhân Hàn Quốc trắng tay. 
Ban công các toà dân cư ở Kaesong đặt nhiều tấm pin năng lượng mặt trời. 
Điều kiện khách sạn ở Triều Tiên không quá tốt, nằm xa khu dân cư. Tivi trong phòng chỉ có vài kênh, phần lớn là các tiết mục tuyên truyền và nhạc cách mạng, tin tức đưa từ nước ngoài rất ít.
Lẩu của Triều Tiên thường bỏ nhiều hạt tiêu. 
Mỳ lạnh là món đặc sản ở quốc gia này, giá khoảng 0,3 USD một bát. Thu nhập một tháng của người dân trung bình từ 5.000 đến 8.000 won Triều Tiên (khoảng 45 đến 75 USD), vì thế, hiếm có người bỏ tiền ăn mỳ lạnh. 
Hải Yến (Ảnh: QQ)
  • 5 ngày ở quốc gia bí ẩn nhất thế giới Triều Tiên

    Khách tham quan chứng kiến phụ nữ mặc trang phục truyền thống đi dạo ở Bình Nhưỡng, thanh niên hăng say học tập ở thư viện quốc gia, nơi phòng nào cũng treo ảnh hai cố chủ tịch.

    Cuối tháng 8, đoàn khách Trung Quốc từ sân bay Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, đáp máy bay của hãng hàng không Triều Tiên Air Koyro tới thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, bắt đầu chuyến tham quan 5 ngày tới một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
     
    Phi cơ của Triều Tiên do công ty Antonov ASTC của Ukraine sản xuất, có 73 chỗ ngồi. Tiếp viên đều nói tiếng Trung lưu loát. Một vị khách mang thẻ nhớ máy ảnh 32G do Samsung sản xuất buộc phải bỏ lại, vì Samsung là công ty Hàn Quốc, quốc gia đang có mâu thuẫn với Triều Tiên.
     
    Bữa ăn trên máy bay có cà ri bò với cơm, gà nướng, thịt lợn tẩm bột chiên xù, rau củ xào và bánh mỳ ăn kèm bơ, mứt dâu.
     
    Sau hơn hai tiếng, máy bay đáp xuống sân bay Bình Nhưỡng. Hướng dẫn viên du lịch có 1/4 dòng máu lai Nga, giọng nói rất êm tai. Mỗi lần nhắc tới lãnh đạo Kim Jong-un, cô không gọi thẳng tên, mà dùng những từ như "chủ tịch, tướng quân, đồng chí" để gọi. Người nước ngoài cũng không được phép gọi thẳng tên nhà lãnh đạo trẻ.
     
    Ngày đầu tiên, đoàn khách tham quan nội đô Bình Nhưỡng. Điểm đến đầu tiên là Đại học đường Nhân dân, nằm gần quảng trường Kim Nhật Thành. Nhiều phụ nữ Bình Nhưỡng mặc trang phục truyền thống khi ra đường. 
     
    Một cô gái mặc bộ váy xanh hướng dẫn đoàn khách tham quan Đại học đường. 
     
    Đại học đường tương đương với thư viện quốc gia. Công dân đủ 17 tuổi được phép vào đây nghe giảng. Thư viện tổ chức diễn giảng và các lớp tập huấn định kỳ. Những người đến nghe giảng đa phần là thanh niên, muốn nâng cao trình độ làm việc. Mỗi gian phòng đều treo ảnh hai lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
     
    Bắt đầu từ năm 2012, Triều Tiên thực hiện chính sách giáo dục bắt buộc 12 năm. Mọi công dân học xong cấp hai, có thể lựa chọn đi bộ đội, lên đại học hoặc đi làm. Tỷ lệ học lên đại học là 50%. Những người đã đi làm có thể tiếp tục học thêm để nâng cao trình độ. Họ đều lựa chọn học thêm tiếng Anh hoặc tiếng Trung. 
     
    Đài Vạn Thọ nằm gần quảng trường Kim Nhật Thành, là nơi đặt tượng đồng hai vị lãnh tụ. Người đến viếng chỉ được phép đặt hoa cúc, không được phép chạy nhảy, cười đùa, bắt chước tư thế tạo dáng của tượng. 
     
    Từ Bình Nhưỡng, đoàn khách ngồi xe 260 km về phía đông, tới khu thắng cảnh Kumgangsan mất 7 giờ vì đường xấu. Ven đường đều được trang trí bằng tranh cổ động.
     
    Khu du lịch Kumgangsan là một biểu tượng hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Toàn bộ công việc thiết kế, khai thác và quản lý thuộc về một công ty Hàn Quốc trong 50 năm, bắt đầu từ năm 2000.

    Tuy nhiên, năm 2008, sau vụ một binh sĩ Triều Tiên bắn chết du khách Hàn Quốc, chính quyền Triều Tiên cho đóng cửa khu này. Tới năm 2011, Triều Tiên hủy bỏ quyền kinh doanh của công ty Hàn Quốc, biến thành đặc khu du lịch quốc tế, cho khách nước ngoài đến ở.
     
    Điện thoại di động của người ngoại quốc không sử dụng được ở Triều Tiên. Muốn liên lạc về nước, khách phải dùng điện thoại bàn của khách sạn trong Kumgangsan.
     
    Khu vực phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

     
    Hồng Hạnh (theo QQ)

Không có nhận xét nào: