Nhiều du khách đã vui đùa gọi Đại Phân là làng đại gia, bởi nhà nhà, người người đều sở hữu hàng trăm kiệt tác nghệ thuật của thế giới, tuy nhiên tất cả đều là giả.
Đại Phân là một ngôi làng nhỏ nằm ở ngoại ô Bố Cát, quận Long Cương, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Du khách phương Tây khi ghé thăm nơi này đều bày tỏ sự thích thú khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới bày la liệt ở nhiều cửa hàng, lối đi trong làng.
Tới đây, bạn có thể dễ dàng chiêm ngưỡng các bức họa nổi tiếng thế giới như Mona Lisa, Bữa Tiệc Ly... cùng nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng thời phục hưng, hiện đại và đương đại mà không cần phải chen lấn như trong bảo tàng Louvre, Paris, Pháp.
Tất nhiên, các bức họa ở đây đều là hàng giả, được họa sĩ đương thời sao chép. Ngôi làng được hình thành từ những năm 1990, khi một nhóm khoảng 20 nghệ sĩ tới đây trú ngụ. Công việc chính của họ là ngày đêm sao chép lại các tác phẩm để đời của Van Gogh, Dalí, Leonardo Da Vinci, Rembarndt hoặc Warhol.
Công việc làm ăn của các họa sĩ này nhanh chóng gặp thuận lợi và họ kiếm được rất nhiều tiền. Để đáp ứng nhu cầu mua tranh giả ngày càng tăng, rất nhiều họa sĩ đổ tới đây để sao chép tranh. Vào năm 2006, ngôi làng là nơi trú ngụ của 1.000 họa sĩ.
Ngày nay, Đại Phân có khoảng 5.000 cư dân là họa sĩ, cả chuyên và không chuyên với hơn 600 phòng trưng bày. Mỗi năm, nơi đây sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu bức tranh giả.
Trên ảnh là họa sĩ Zhao Xiaoyong. Ông chỉ mất khoảng 30 phút để "sao y bản chính" một tác phẩm nổi tiếng. Ông cũng đã bán được khoảng 70.000 bức vẽ của Van Gogh, với giá từ 200 tệ (khoảng 665.000 đồng) đến 1.500 tệ (gần 5 triệu đồng).
Theo ChinaDaily, khoảng 60% những bức tranh giả được bán trên toàn thế giới có nguồn gốc từ Đại Phân. Trên lối đi vào làng, du khách có thể nhìn thấy khá nhiều họa sĩ đang ngày đêm miệt mài "múa cọ".
Ảnh: Amusing Planet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét