Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Tết bốn phương và những phong tục lạ “nhất quả đất”


(Kienthuc.net.vn) - Nhiều nước trên thế giới có những phong tục rất kỳ lạ thể hiện hy vọng của người dân về một năm mới nhiều may mắn, của cải, hạnh phúc ngập tràn. 
Cùng Kiến Thức điểm qua những cái Tết và phong tục "cổ - lạ - độc" về năm mới trên khắp địa cầu. 

Tết “cuồng hoan” ở Colombia

Đất nước Columbia ở Nam Mỹ có hơn một nghìn Tết dân tộc trong năm, nghĩa là bình quân mỗi ngày có gần tới 3 cái Tết. Những ngày Tết của người Columbia được chia theo từng nhóm nhỏ: Tết Thần nông nghiệp, Tết tôn giáo của từng sắc dân, Tết thi sắc đẹp nam-nữ, Tết thu hoạch cà phê. Tết Nông nghiệp được hình thành trên một 100 năm nay là Tết tiêu biểu, đặc trưng nhất của người dân Columbia. 

 Tết ở Columbia.
Tết này còn được gọi là Tết "cuồng hoan" bắt đầu từ ngày mùng 5 tháng Giêng, là Tết quốc gia lớn nhất được mọi người từ lớn, bé, già, trẻ hưởng ứng cuồng nhiệt nhất trong năm của xứ sở này. Trong mấy ngày Tết, tất cả trai, gái các sắc tộc, các địa phương trong nước đều ăn mặc rất đẹp và diêm dúa, rồi kéo nhau ra đường hát, múa. Họ hòa những chậu bột màu đen, trắng tung lên người qua đường, rồi cuối ngày mới ra sông tắm và trở về nhà.

Tết “hào phóng” ở Nepal

Nepal có 36 dân tộc hợp thành nên các tập tục ở nước này vô cùng phong phú và nơi đây cũng có rất nhiều lễ tết. Nepal có hơn 120 cái Tết khác nhau, trong đó, Tết tiêu biếu nhất, được tổ chức long trọng nhất và có thời gian tổ chức dài nhất là Tết Desai.

 Tết ở Nepal.
Tết Desai được tổ chức để chào mừng sự bội thu theo truyền thống, kéo dài liên tục suốt 10 ngày liền. Chính phủ Nepal quy định, trong thời gian Tết Desai, tất cả các cơ quan của Chính phủ được nghỉ 10 ngày để vui tết. Các trường học được nghỉ 15 ngày. Vào dịp này, những người thợ, viên chức, người làm thuê đều được thưởng rất hậu. Chính phủ cũng sẽ bù lỗ để mở "chợ Tết Desai" bán rẻ các loại hàng hóa cho người dân. Cũng chính vì lý do đó, Desai còn được gọi là Tết hào phóng ở Nepal.

Tết đèn ở Myanmar và Israel

Ánh sáng là yếu tố gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, biểu tượng cho sức sống, điều tốt lành, tính công minh... Vì thế, một số dân tộc đã tôn vinh nó bằng việc tổ chức Tết đèn. 

Tại Myanmar, Tết đèn được long trọng cử hành trong ba ngày, từ 14-16/7 hàng năm. Dịp Tết, buổi tối, trước cửa các nhà đều được trang trí bằng đủ loại đèn với những hình dáng, kích thước và màu sắc phong phú. Nhân dân kéo nhau đi xem đèn, rước đèn, tham gia các tiết mục văn nghệ và thi dệt áo cà sa dưới ánh sáng lung linh. 

 Tết đèn ở Myanmar.
Ở Israel, Tết đèn còn là nghi thức quan trọng không thể thiếu của năm mới. Đêm giao thừa (đêm ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái), cả gia đình thắp chung một ngọn nến trên chiếc đèn menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp thêm một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện, rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn nến này ở cửa sổ mở, ngụ ý chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.

Tết đánh quỷ ở Nhật Bản

Người Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch. Đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama mà người Nhật gọi là “Oshogatsu”. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho Oshogatsu từ ngày 8-12 (ở vùng Kanto là ngày 13).

 Một sợi dây rơm được phù phép.
Vào đúng 0h đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.

Dịp đầu năm, người Nhật Bản cũng tiến hành nghi lễ xua đuổi ma quỷ, cầu được mùa, gia đình bình yên, tránh bệnh tật, tai ương. Nghi thức được cử hành tại đàn tế Thần và miếu. Trước tiên, người ta hóa trang bôi vẽ cho một người nào đó thành hình quỷ nhảy múa lung tung một hồi, sau đó trong một tiếng hô “phúc đến quỷ đi”, người ta bày ra những thức gọi ra “phúc dậu” để chế ngự ma quỷ.

Đón năm mới "tâm sự" với linh hồn
 ở Mexico

Nói chuyện với các "linh hồn" là một phần trong tín ngưỡng của người Mexico. Người Aztec (Mexico) tin rằng, sau khi chết, "linh hồn" của họ sẽ đi đến một trong 3 nơi: Tlalocan, Mictlan và mặt trời. Đêm giao thừa được coi là dịp thích hợp nhất để các "linh hồn" truyền tải những thông điệp hay những lời chỉ dẫn cho những người còn sống. 

  Người Mexico chuẩn bị đón Tết.
Trong dịp lễ lớn này, gia đình và người thân sẽ tập trung nhau lại để tưởng nhớ những người đã khuất. Người ta thường đến thăm mộ của người chết, mang theo những hộp sọ bằng đường, cúc vạn thọ hay những loại thực phẩm, đồ uống yêu thích của người đó.

Người Chile đón giao thừa tại… nghĩa trang

Talca, một thị trấn nhỏ ở Chile có phong tục đón năm mới đặc biệt và có phần kỳ quặc: đón năm mới tại nghĩa trang. Phong tục “quái đản” này đã thu hút được rất nhiều du khách bị kích thích trí tò mò với nơi đón giao thừa có một không hai, nhưng nó cũng làm không ít người “lạnh sống lưng”. 

 Talca, một thị trấn nhỏ ở Chile có phong tục đón năm mới ở nghĩa trang.
Truyền thống này được bắt đầu vào năm 1995 khi một gia đình địa phương trèo hàng rào vào nghĩa trang đúng đêm giao thừa để đón năm mới bên mộ cha của họ. Đã có 5.000 người tiếp nối hoạt động này mỗi năm và ngày càng nhiều khách du lịch cũng như người dân địa phương coi nghĩa trang là nơi đón giao thừa ý nghĩa của họ.

Người Ecuador đốt bù nhìn chào đón năm mới

Phong tục đốt bù nhìn rơm vào đêm cuối cùng của năm cũ còn được người Ecuador gọi là “Ano Viejo”. Đây là một truyền thống lạ và độc đáo với khá nhiều người nhưng có ý nghĩa sâu xa và thú vị. Nhiều người Ecuador tin rằng đốt cháy bù nhìn cũng chính là đốt cháy tất cả những điều xấu đã xảy ra với họ trong năm cũ, chỉ những điều tốt đẹp còn lại trong năm mới.

 Người Ecuador đốt bù nhìn chào đón năm mới.
Theo truyền thống, người dân thường đấm đá vào bù nhìn trước giờ đốt ít phút như một cách để trút hết sự không may và để vận xui không bao giờ quay lại. Đó cũng là phần yêu thích nhất của lũ trẻ. Sau màn “đấm đá” này, người ta sẽ để chung bù nhìn của nhiều gia đình trong khu với nhau. Giao thừa đến cũng là lúc người ta đốt bù nhìn cùng với những gì không hài lòng của năm cũ, ôm hôn những người họ yêu thương và nhập tiệc đón chào năm mới.

Con gái Ireland để lá tầm gửi dưới gối để tìm chồng

Phụ nữ độc thân ở Ireland luôn mong chờ tới đêm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới vì đây là thời điểm có thể mang tình yêu đến cho cuộc đời của họ. 

Phụ nữ độc thân tại quốc gia này sẽ đặt lá tầm gửi dưới gối với hy vọng "tóm" được chồng tương lai. Theo văn hóa Ireland, hành động trên có thể giúp người thực hiện thoát khỏi vận rủi.

Mỹ: Hôn hoặc sex vào nửa đêm để cuộc sống suôn sẻ
Hôn bạn trai hoặc bạn gái hay với bất kì ai nếu bạn chưa có người yêu là một phong tục thú vị ở Mỹ. Nụ hôn vào lúc giao thừa sẽ làm cho năm sắp tới của bạn cực kỳ tuyệt vời.

Người Mỹ tin rằng phong tục trên sẽ đem tới một tình yêu đích thực và cuốn trôi mọi ký ức tồi tệ, những điều không may trong quá khứ để đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới tràn ngập yêu thương và tràn đầy sức sống. 


Anh Tuấn (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: