(VOV)- Lang thang trên các con phố, tôi như lạc từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Thời gian hiện diện trên từng viên đá, con đường, góc phố.
Lần đầu tiên đặt chân tới Prague, Cộng hòa Czech trong một ngày mùa Đông tuyết trắng, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mê hồn của thành phố được mệnh danh là Thành phố của “hàng trăm chóp nón" và "Thành phố vàng”.
Đã biết thủ đô của Cộng hòa Czech là một trong những thành phố hiếm hoi ở Đông Âu không bị chiến tranh hủy hoại, nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trước khung cảnh cả rừng mái nhà phủ tuyết trắng xóa với hàng trăm ngọn tháp đủ kích cỡ soi bóng xuống dòng sông Vltava.
Lang thang trên các con phố nơi đây, tôi như lạc từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Thời gian hiện diện trên từng viên đá, con đường, góc phố.
Sông Vltava chia Prague thành hai nửa. Phía tả ngạn là khu vực đồi Strahov. Đây là khu Prague xưa nhất với vô số công trình kiến trúc cổ như lâu đài Prague, hoàng cung, tu viện, tháp toà thánh St.Vitus, cung điện mùa hè...
Bên bờ hữu ngạn là Stano Mesto - khu phố cổ. Không xa với Stano Mesto là Nove Mesto - khu phố mới, trung tâm của Prague hiện đại với những đại lộ thênh thang và quảng trường Venceslas danh tiếng.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Prague là nơi hội tụ nhiều phong cách nghệ thuật và kiến trúc độc đáo, từ Roman, Gothique, Phục hưng, Barốc... Hầu hết các công trình kiến trúc đều được xây bằng đá hoa cương và được chạm khắc công phu, nghệ thuật.
Nếu Prague là một bức tranh thì đó là bức tranh mà các nghệ nhân đã chuyền tay nhau tô vẽ, hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm.
Prague chụp từ Đồi Strahov |
Đi bộ kết hợp với tàu điện là cách hợp lý nhất để tham quan Prague trọn vẹn, vừa thỏa mắt ngắm nhìn những kỳ quan kiến trúc cổ vừa hít thở không khí sôi động của thế kỷ 21, cảm nhận một Prague sống động và cổ tích.
Dẫn chúng tôi đi thăm Quảng trường Venceslas là một cán bộ người Hà Nội đang công tác tại Cộng hòa Czech-anh Lưu Tuấn. Anh chỉ giới thiệu qua các địa danh, nhường lại mênh mông sắc màu Prague cho tôi tự khám phá, tự cảm nhận.
Dẫn chúng tôi đi thăm Quảng trường Venceslas là một cán bộ người Hà Nội đang công tác tại Cộng hòa Czech-anh Lưu Tuấn. Anh chỉ giới thiệu qua các địa danh, nhường lại mênh mông sắc màu Prague cho tôi tự khám phá, tự cảm nhận.
Hệ thống tàu điện trong thanh cổ Prague |
Từ Quảng trường Venceslas, tôi bắt đầu những giây phút ngất ngây với Prague. Quảng trường được bao bọc bởi những đền đài, nhà thờ, khách sạn mà mặt tiền được trùng tu theo phong cách Barốc.
Toà Thị chính được xây dựng năm 1338 là công trình đẹp nhất của quảng trường này. Trên tháp toà Thị chính có chiếc đồng hồ mà trong suốt hơn 500 năm qua, cứ tròn 1 giờ, chú gà trống trên nóc đồng hồ cất tiếng gáy, rồi 12 vị thánh tông đồ, tượng trưng cho 12 tháng trong năm lần lượt xuất hiện. Người ta đồn rằng những ai nghe được tiếng gà gáy thì chuyến đi sẽ gặp nhiều may mắn.
Quảng trường Con gà |
Rời Quảng trường Venceslas, tôi trôi theo dòng người trên đường Karlova tới nơi hò hẹn của Tình yêu: cầu Charles (người Việt quen gọi là Cầu Tình). Hơn 500 năm trước đây, cầu Charles là cây cầu duy nhất nối liền đôi bờ sông Vltava. Cầu mang tên người đã khai sinh ra nó. Hai bên thành cầu được điểm tô bằng 30 pho tượng thánh. Mỗi pho tượng đều gắn liền với một huyền thoại. Từ trên chiếc cầu huyền thoại này, tôi thả mắt chiêm ngưỡng Prague: Sông Vltava lặng lờ trôi, bầy hải âu chao liệng, những công trình kiến trúc độc đáo soi bóng nước dòng sông…
Trên cầu Charles |
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi cầu Charles là Cầu Tình, vì nơi đây chứng kiến rất nhiều lời thề nguyện của các đôi trai gái yêu nhau. Người ta nói rằng, nếu ai đặt tay vào một trong những bức tượng tại Cầu Charles và phát tâm cầu nguyện thì sẽ ước gì được nấy. Tôi không biết mọi người ước gì, phần tôi, vào phút tâm thành ấy, tôi cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu của mình.
Trên cầu Charles, dưới những bông tuyết trắng bay bay, tôi sững sờ trước người nghệ sĩ già với cây đàn pha lê say sưa gõ từng nốt nhạc, phả vào không gian một trời thanh âm mê đắm, diệu kỳ.
Các nghệ sỹ đường phố biểu diễn trên cầu Charles |
Một trong những sản phẩm nổi tiếng của Czech là pha lê. Ngắm các cửa hàng pha lê trên các con phố, tôi như chìm trong thế giới của sắc màu lung linh, huyền ảo, mê mẩn chẳng muốn rời.
Trong số ít ỏi kỷ vật tôi mang theo khi rời Prague có một chiếc cốc pha lê với hình ảnh chiếc cầu Charles. Mỗi lần nhìn chiếc cốc pha lê ấy, tôi lại thấy mình như đang còn ở Praha, bên dòng sông Vltava, đứng dưới chân cầu Charles ngắm những bông tuyết rơi./.
Đặng Trần Bùi/VOV online
Cộng hòa Czech không chỉ đẹp...
(iHay) Cộng hòa Czech có nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ. Nhưng không chỉ là vẻ đẹp, những triết lý sâu xa mà người xưa gửi gắm vào các công trình kiến trúc ấy và cả tấm lòng của người Việt nơi đây là câu chuyện thú vị hơn nhiều... Trong hành trình của mình, chúng tôi được đến thành phố nổi tiếng Karlovy Vary và thủ đô Praha cổ kính.
Nhớ thành phố Karlovy Vary
Chúng tôi đến Karlovy Vary trước, thành phố nằm cách Praha 126 km, gần biên giới phía đông nước Đức với thời gian di chuyển khoảng 1 giờ 40 phút. Xe lao vun vút qua những cánh đồng cỏ xanh mượt, những nông trại thấp thoáng xa xa với những chú bò đang gặm cỏ. Thỉnh thoảng lại gặp một vài cửa hàng bán đồ gốm sứ trang trí cho sân vườn với những bình hoa, phù điêu và tượng trang trí bày la liệt hai bên vệ đường, trông khá sinh động.
Từ bãi đậu xe, chúng tôi lên shuttle bus đi khoảng 3 km, sau đó đi bộ vào trung tâm phố cổ của Karlovy Vary. Một dòng suối uốn lượn quanh co, dòng nước trong vắt chảy róc rách, hai bên là những dãy nhà san sát nhau với kiến trúc đậm chất châu Âu. Karlovy Vary nhỏ nhắn và nhẹ nhàng.
Từ thời trung cổ nơi đây đã là một điểm nghỉ dưỡng được yêu thích của giới quý tộc châu Âu bởi có suối khoáng nóng ngày đêm tuôn chảy, dòng nước ấm giàu khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe. Các trung tâm tắm khoáng, spa rất phát triển ở đây. Một nhà tắm khoáng có lối kiến trúc theo kiểu mái vòm có kính màu rất đẹp được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước cho đến nay vẫn còn được dùng làm trung tâm tắm khoáng cho du khách.
Đặc biệt, ngay ở đầu một con phố, có một khách sạn khá sang trọng, bề thế với kiến trúc đẹp - khách sạn Grandhotel Pupp. Khách sạn có quy mô 228 phòng, được xây dựng từ năm 1701 theo kiến trúc Tân Baroque. Nội thất bên trong khách sạn rất xa hoa, những tấm thảm với nhiều hoa văn và màu sắc trang trí họa tiết cầu kỳ, tinh xảo. Đến năm 2006, khách sạn này càng trở nên nổi tiếng vì được dùng làm bối cảnh quay bộ phim Sòng bạc Hoàng gia. Hàng năm, Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary cũng được tổ chức tại đây.
Dọc theo hai bên con phố có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, đặc biệt, cuối con phố của Karlovy Vary có một vài cửa hàng của người Việt chuyên bán các loại sản phẩm pha lê Bohemia và các hiệu khác của Tiệp. Chúng tôi gặp chủ tiệm tên Cường, chú đến Tiệp từ những năm 1980. Bất ngờ khi gặp đồng hương, chúng tôi trò chuyện khá lâu về cuộc sống của người Việt trên đất khách. Những món quà lưu niệm tôi mua được giảm giá rẻ hơn. Mãi đến khi trời sắp tối, chúng tôi mới lên xe quay về lại Praha... Hai bên quyến luyến mãi không thôi. Chân khó bước đi không chỉ bởi sau lưng chúng tôi là thành phố Karlovy Vary xinh đẹp và yên bình mà vì nơi ấy còn có những tấm chân tình đến cảm động.
Ấn tượng khó phai ở Praha cổ kính
Praha là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Cộng hòa Czech. Mặc dù cũng phải trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhưng thủ đô Praha gần như không bị tàn phá. Những công trình kiến trúc cổ kính được bảo tồn khá nguyên vẹn. Từ trên cao, thành phố nổi lên giữa bầu trời xanh với hàng trăm mái chóp nhọn, những hàng cây rợp bóng mát, những ngọn đồi nhấp nhô, những con phố cổ lát đá quanh co…
Cũng như bao thành phố cổ của châu Âu khác, những chiếc cầu bắc qua sông luôn là nơi níu bước chân tôi dừng lại lâu nhất. Tôi có thể đứng hàng giờ trên những cây cầu để ngắm dòng người qua lại. Nhìn dòng nước nhẹ trôi, bầu trời xanh vời vợi, tôi miên man thả hồn theo những xúc cảm của thời gian. Chiếc cầu kia đã chứng kiến bao cảnh buồn vui của thời cuộc...
Chiếc cầu tôi đang đứng là một trong những chiếc cầu cổ xưa nhất của Praha, cầu Charle. Cầu mang nét đẹp lãng mạn nên rất được các cặp tình nhân yêu thích và nó còn có tên gọi khác do người Việt ở Cộng hòa Czech đặt cho là cầu Tình. Chiếc cầu được xây dựng từ những năm 1357 dưới thời vua Charles đệ tứ. Mất hơn 50 năm để hoàn thành. Chiếc cầu đã tồn tại qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn còn khá vững chắc. Dọc theo hai bên cầu, những bức tượng với những chủ đề khác nhau được chạm trổ khá công phu, sắc sảo.
Rời cầu Tình, tôi đi về phố cổ, nơi có tòa thị chính và chiếc đồng hồ thiên văn được làm từ hơn 6 thế kỷ trước.Theo một số nhà nghiên cứu, chiếc đồng hồ này được làm từ năm 1410. Ngày nay nó vẫn còn chạy khá chính xác và là một điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách thập phương. Tương truyền, vào thế kỷ 15, có một người thợ làm đồng hồ tên là Hanus đã làm ra chiếc đồng hồ này. Do nó quá đẹp và độc đáo, nên rất nhiều người muốn đặt ông làm một chiếc đồng hồ như thế, nhưng tất cả đều bị ông khước từ. Ông giữ bí mật hoàn toàn về cơ chế hoạt động của nó.
Rồi đến một ngày, có người đồn rằng Hanus sẽ làm một chiếc đồng hồ khác to hơn, đẹp hơn cái hiện tại. Viên quan tổng trấn cảm thấy ghen tị. Ông quyết định chọc mù mắt người thợ làm đồng hồ này để ông không thể làm cái thứ hai. Để trả thù, người thợ đã phá hỏng nó. Và chiếc đồng hồ bị hư, không hoạt động trong thời gian dài. Mãi hơn một thế kỷ sau mới có người sửa được nó.
Ngày nay, khi đến đây, các du khách đều dành thời gian để đến ngắm chiếc đồng hồ trứ danh ấy. Chiếc đồng hồ khá to, có 3 tầng, được gắn trên vách tường bên phải của tòa thị chính với những họa tiết và hình ảnh minh họa cho hệ mặt trăng và mặt trời. Cứ mỗi giờ, chiếc đồng hồ sẽ reo, có một chú gà trống sẽ cất tiếng gáy, lúc ấy hai cánh cửa sổ mở ra.
Đồng hồ có tượng của 12 vị tông đồ của Chúa và họ sẽ đi một vòng tròn. Bên mặt trước phía dưới có một vị thần chết. Trên tay thần cầm một cái chuông và ông bắt đầu rung. Ngang hàng với thần chết có 3 bức tượng: người thứ nhất cầm một cái gương soi; người thứ hai trên tay cầm túi tiền và một thanh gươm; vị thứ 3 ôm một cây đàn. Khi nghe tiếng chuông gọi hồn của thần chết, cả 3 đều lắc đầu từ chối. Họ hãy còn trẻ lắm, họ hãy còn nhiều tiền lẫn quyền lực. Họ hãy còn yêu đời lắm. Làm sao họ có thể chấp nhận cái chết được?
Tuy nhiên, thần chết không chừa một ai cả. Họ cứ chối từ, nhưng thần chết vẫn cứ làm phận sự của ngài. Tiếng gõ nhịp thời gian của chiếc đồng hồ kết thúc. Cánh cửa khép lại. Mọi vật trở về vị trí cũ. Tôi vẫn còn đứng đó ngắm nhìn chiếc đồng hồ. Những triết lý của người xưa để lại thâm sâu quá. Mọi thứ đều là vô thường, nhưng để chấp nhận và ngộ ra lẽ vô thường là đều không dễ cho tất cả mọi người từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Chiếc đồng hồ vẫn cứ tí tách gõ đều nhịp thời gian… Một Praha rất thật, một thành phố đẹp lung linh, nhưng có một chút gì đó đang mờ ảo trước mắt tôi. Bầu trời Praha dần nhạt nắng…
Trần Văn Trường
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Vẻ đẹp thuần khiết của Prague
Không bị tàn phá bởi cuộc Đại chiến thế giới thứ hai, thành phố Prague ngày nay vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ kính và quyền quý từ thời Trung Cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét