Không quá ồn ào, náo nhiệt như chợ Dân sinh, chợ Giời ở Việt Nam, cũng không có cái không khí thân mật gia đình như “gara sale” ở Mỹ, chợ bán đồ lạc xoong Surabaya ở thủ đô Jakarta (Indonesi) tồn tại lặng lẽ, nhưng lại tràn ngập đủ món hàng độc đáo có thể níu chân du khách hàng giờ.
Mâm đĩa than cổ kèm loa kèn từ đầu thế kỷ 20
Tới Indonesia vào một ngày cuối năm, khá ngược với không khí lạnh giá tại Hà Nội là cái nắng nóng của đất nước ở vùng xích đạo: nắng thậm chí còn gắt hơn ở TP HCM, và có phần oi ả hơn cả Hà Nội. Cũng không phải đợi lâu, món “đặc sản” tắc đường ở Jakarta đã đón tôi ngay trên đường từ sân bay về khách sạn. Quãng đường chừng 60km đã “nuốt” trọn 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Song đây cũng là dịp may để tôi có cơ hội “nhẩn nha” ngắm đường xá, con người, xe cộ ở Jakarta.
Ở đây, người ta cũng lái xe bên phải đường với tay lái nghịch như ở Thái Lan, Singapore. Với những đoạn đường có khoảng trống, lái xe cũng đạp lút chân ga cho vọt lên với vận tốc từ 80-100km/h, song do đường tốt nên người ngồi trên xe không có cảm giác về tốc độ. Một điều khá thú vị là nếu không muốn kẹt xe thì tốt nhất nên đi… motor. Chỉ cần khoảng cách từ 80-100cm giữa các làn xe hơi đã đủ cho xe máy phóng đi với tốc độ chóng mặt và biến mất trong chớp mắt giữa sự ngẩn ngơ, thèm thuồng của cách tài xế xe hơi khi phải nhích từng mét một trên đường. Dường như kẹt xe đã hình thành nên một phong cách chạy motor không giống ai của người Jakarta khi có thể phóng tốc độ cao cả chục km trên những con đường… 1m kiểu như vậy để dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Điện thoại quay số cổ thường gặp trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam những năm bao cấp
Một cửa hàng thuộc loại lớn ở khu Surabaya
Trong dòng giao thông đi xuôi ngược tấp nập, tôi nhận thấy thương hiệu xe phổ biến nhất ở đây cũng chính là Toyota, từ những chiếc xe loại bình dân như Corolla Altis, Innova cho đến RAV 4, Venza. Có điều, những mẫu xe Toyota lắp ráp trên thị trường Việt Nam khi xuất hiện ở Jakarta đều có kiểu dáng đẹp hơn một chút, “khôn” hơn một chút và có nhiều mầu sắc bắt mắt hơn. Sau khi hỏi qua anh bạn lái xe người bản xứ, tôi được biết giá xe ở đây “mềm” hơn hẳn giá xe tại Việt Nam, chỉ xấp xỉ 50% do chính sách thuế và quốc gia này cũng đã có một nền công nghiệp xe hơiđang trên đà phát triển mạnh với sự đầu tư lớn từ các hãng sản xuất xe hơi hàng đầu như Toyota, General Motor, Peugeot…
Một điểm chung ở Jakarta cũng như ở các quốc gia phát triển hơn Việt Nam là rất hiếm khi nhìn thấy xe sang hay xe siêu sang chạy trên đường. Tuy nhiên, xe hơi của họ nom đẹp và “chất hơn” hẳn so với những chiếc xe cùng hạng ở Việt Nam. Một phần vì ở Việt Nam, những mẫu lắp ráp phổ biến đều ở dạng tối giản, các model đã lỗi mốt, màu sắc đơn giản chỉ với vài màu như đen, bạc, xám…, chưa kể chất lượng sơn kém. Ngoài ra, môi trường tại các thành phố lớn ở Việt Nam có nồng độ bụi cực lớn khiến những chiếc xe vừa rửa xong chỉ sau một vài giờ đã phủ một lớp bụi mờ, hiếm khi nhìn thấy được màu thật của xe. Bên cạnh đó, những con đường ở Việt Nam vừa ngắn, vừa hẹp, xe cộ đi lại không theo một nguyên tắc nào nên lúc nào cũng có cảm giác như một bầy ong vỡ tổ đầy hỗn loạn.
Máy chữ, tiền thân của máy tính và chương trình soạn thảo Microsoft Word
Bàn là dùng than
Sau hơn 2 tiếng, cuối cùng chúng tôi cùng “bò” về được khách sạn đã được đặt trướcở Jakarta. Một kinh nghiệm để đặt phòng khách sạn rẻ và thuận tiện là sử dụng các trang đặt phòng trên mạng như agoda.com, booking.com… Qua hệ thống này, có thể đặt phòng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới với chi phí chỉ từ 30-60% so với giá niêm yết, chỉ cần sở hữu một chiếc thẻ tín dụng. Ngoài ra, nếu muốn tiết kiệm hơn, ở Jakarta cũng rất sẵn những nhà nghỉ sạch sẽ với giá chỉ từ 30-40 USD mỗi tối. Ngược lại, nếu muốn sinh hoạt tiện nghi và gần gụi với thiên nhiên hơn, nơi đây cũng không thiếu resort các loại với giá phổ biến từ 100-200 USD.
Có thói quen tới đâu cũng phải mang về một món quà lưu niệm đặc trưng văn hóa miền đất mình đi qua, lần này công tác tại Jakarta, tôi cũng hy vọng tìm được cho mình một món đồ mang đặc trưng của đất nước vạn đảo. Sau 2 ngày công tác, khi tìm hiểu, tôi được biết tại Jakarta cũng tồn tại một khu chợ dân sinh có tên chợ đồ cổ Surabaya, tôi quyết định bắt taxi tới khu chợ theo chỉ dẫn của nhân viên khách sạn.
Radio cổ chạy bóng đèn điện tử
Chiếc mũ thợ lặn trong phim Men of honor
Đi taxi tại Jakarta cần lưu ý một điểm, đó là có hai hãng lớn là Blue Bird Taxi và Silver Bird Taxi. Nếu muốn tiết kiệm tiền và đi các xe bình dân, có thể chọn hãng Blue Bird với loại xe Vios phổ biến. Tuy bình dân nhưng xe của Bule Bird khá sạch sẽ, lái xe có thái độ lịch sự, thân thiện và đặc biệt, mức cước rất rẻ, chỉ non nửa nếu so với cước taxi ở Việt Nam. Trong trường hợp muốn khẳng định “đẳng cấp” với taxi hạng sang, có thể chọn dòng Silver Bird với dòng xe Mecerdes hạng E đặc trưng. Ngay cả sử dụng Silver Bird Taxi thì giá cước cũng chỉ xấp xỉ so với cước xe taxi ở Việt Nam.
Khác với hình dung ban đầu, chợ Surabaya tọa lạc tại khu dân cư quận Menteng không ồn ào và náo nhiệt như những nơi buôn bán thông thường mà trái lại, khá tĩnh lặng khiến tôi có cảm giác như bước vào một viện bảo tàng đường phố. Surabaya chỉ họp về một phía của con phố vắng, dài chừng 500m. Ở đây, các cửa hàng, đúng hơn gần 200 ki-ốt nằm san sát, mỗi ki-ốt rộng chừng 5-10m2.
Khẩu thần công bằng đồng lên nước gỉ xanh
Một thợ đang “mông” mâm đĩa than ở khu bán đồ audio second-hand
Tại đây, hàng hóa bày bán đa dạng tới mức người xem có cảm giác như trên là trời, dưới là đồ… souvenir (đồ lưu niệm). Hàng bày bán ở Surabaya có thể thỏa mãn du khách với những sở thích sưu tập khác nhau. Những ai ưa thích đồ quân sự, ắt hẳn sẽ quan tâm đến các ki-ốt bầy bán từ kiếm Nhật, cho đến các họng pháo thần công, ống nhòm thế kỷ 17, cho tới chiếc mũ thợ lặn của hải quân Mỹ bằng đồng thau nặng trịch, bóng loáng từ thế chiến thứ hai, vốn quen thuộc qua bộ phim Men of Honor với vai diễn rất thành công của Cuba Gooding Jr… Hẳn các audiophile ưa sưu tầm hàng vitage sẽ không thể bỏ qua các gian hàng bày bán thiết bị audio cổ như radio chạy bóng đèn điện tử, mâm đĩa than, máy quay đĩa kèm theo loa kèn…
Bên cạnh đó, hàng loạt các vận dụng gia đình, công sở phổ biến ở thế kỷ 20 khiến tôi nhớ đến một thời bao cấp ở Việt Nam, nay xuất hiện ở Surabaya như máy chữ, đèn măng-xông (Machon), bàn là dùng than, quạt Marelli, điện thoại quay số… Ngoài ra, những món đồ thủ công mỹ nghệ như con rối, mặt nạ dân gian, tượng gỗ, tượng đồng tôn giáo, truyền thuyết của người Indo, bình gốm Trung Hoa… cũng hiện diện khắp nơi trong chợ Surabaya.
Đi dần về cuối chợ, những gian hàng mỹ nghệ, đồ cổ lần lượt nhường chỗ cho một chợ… audio second-hand. Hàng hóa ở đây khá giống với đồ audio bán ở chợ Giời (phố Huế, Hà Nội) với chủ yếu là loa, ampli, cơ đĩa than cũ của Nhật Bản từ những năm 70, 80 cùng những thương hiệu quen thuộc như Denon, Sansui, Onkyo, Pioneer…, kèm theo hàng loạt chương trình cassette, LP nhạc pop từ những thập niên 70. Sau khi khảo giá, các món hàng tại đây đắt hơn so với ở Việt Nam chừng 20-30%, song về hình thức thì thua xa, cho thấy công nghệ “mông má” đồ điện tử cũ ở Việt Nam đã đạt tới đẳng cấp nhất định trong khu vực.
Việc mua bán ở đây khá đặc biệt, cũng có cảnh chèo kéo khách, song có điều, người bán không bao giờ có những cử chỉ hoặc lời nói tiêu cực như thường xảy ra ở những chợ đồ cũ tại Việt Nam. Tại Surabaya, người bán hàng sẽ đưa ra một mức giá khá cao khiến người mua thường “nguội” ngay cảm xúc với những món đồ họ còn chưa kịp thẩm định tính thật-giả, đặc biệt với những món được cho là đồ cổ có niên đại từ một trăm năm trở lên. Người bán không bao giờ chủ động giảm giá hoặc đưa ra một mức giá khác thấp hơn mà chỉ hỏi khách hàng duy nhất một câu: “Vậy giá nào thì mua được?” Và bất cứ mức giá nào bạn đưa ra cũng đều… hớ cả, chỉ đơn giản là giá cả ở Surabaya cũng thuộc dạng trên trời, và không ít món đồ nếu quan sát kỹ có thể phát hiện ngay ra những chi tiết giả cổ vụng về.
Tốt nhất, hãy chỉ chọn những món đồ không phải là đồ cổ như một số hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị vừa phải, nếu quy ra tiền Việt Nam cũng chỉ từ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng nếu bạn không muốn bị “cò quay”. Và cũng không nên trả giá nếu không thật ưng, hay cũng chưa hiểu về món đồ mình cầm trên tay.
Không sầm uất như những trung tâm thương mại chọc trời tại thủ đô Indonesia, Surabaya vẫn lặng lẽ tồn tại giữa dòng chảy xuôi ngược bộn bề của Jakarta và là nơi mưu sinh của hàng trăm con người. Ở đây, du khách, nhất là các du khách Việt Nam có thể bất chợt bắt gặp một cảm giác quen thuộc nào đó bỗng gợn lên trong miền ký ức. Tuy không thật lớn nhưng Surabaya có những nét độc đáo riêng khiến Bill Clinton khi còn là tổng thống Mỹ, vào năm 1994 đã dành cả tiếng đồng hồ để dạo quanh Surabaya và tấm tắc khen “đã”!
Bài & ảnh: Huy Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét