Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Một thoáng Tula


(VOV) - Tula- một tỉnh nằm gần thủ đô Moscow của Nga, là nơi vua Pie Đại đế chọn làm xưởng sản xuất vũ khí của nước Nga. Tula cũng là quê hương và nơi ở cho đến lúc cuối đời của đại văn hào Nga Lev Tolstoi, tác giả “Chiến tranh và Hoà bình”  

Sau ngày thứ tư ở Moscow, chúng tôi về Tula. Để có thể đi và về trong ngày, chúng tôi khởi hành từ sớm, theo ngả đường thứ 2 (M2) rời Thủ đô, đó cũng là con đường dẫn đến 2 thành phố Anh hùng thời chiến tranh vệ quốc: Tula và Belgorod.
Trời tối đen. Tuyết rơi nhè nhẹ. Những làn gió lạnh bốc tuyết trên đường quấn theo bánh xe quay, từng vệt từng vệt. Bên ngoài là âm 20 độ C. Người đi lại thưa thớt nhưng những dòng xe đi ra ngoại ô bắt đầu tấp nập. Hai bên đường là những cánh đồng tuyết trắng.
Tượng đài kỷ niệm chiến sĩ Hồng quân ở làng Sevpunovo
Gần 200km đường hầu như không có giao lộ. Lâu lâu lại thấy một cụm làng mạc, với những ngôi nhà thấp nhỏ, mái dốc đứng, còn đang chìm trong giấc ngủ. Những cây thông lá còn xanh, những cây bạch dương thân trắng, những cây dương thân đen và những cành thuỳ dương tuyết đọng dày nhưng vẫn không che được vẻ tha thướt.
Chúng tôi đón bình minh lúc đã ở khá xa Moscow. Lúc đầu chỉ là một vệt hồng trên những tán rừng đen thẫm. Rồi nắng bỗng hiện lên. Đồi cao, đồi thấp, những cánh đồng tuyết sáng long lanh, chốc chốc lại thoáng thấy ánh nắng soi sáng những vạt rừng còn trơ thân cành, tuyết đọng lốm đốm. Vẫn là những cánh đồng tuyết phủ. Những hàng bạch dương vẫn lưa thưa ven đường chắn ngang tầm nhìn.
Chớm vào địa phận Tula, xuất hiện những túp lều đầu tiên, nơi người dân Tula bày bán món bánh nướng Tula nổi tiếng. Làng Sevpunovo, một ngôi làng ven đường nhà cửa lưa thưa. Trong vườn một nhà vẫn còn sót lại những quả táo đỏ mùa hè. Casirina V.A, cô gái trẻ khăn trùm kín đầu chỉ hở đôi mắt và đôi gò má đỏ hồng, cười bẽn lẽn khi đoàn đề nghị chụp ảnh cùng. 23 tuổi, chưa có gia đình, Casirina học xong lớp 12 thì đi bán hàng. Hỏi ra, mới biết cô cũng không ở đây, mà ở tận làng Rodecsvennia, quận Leninski đến đây. Cô cho biết, cuộc sống ở đây “cũng tạm ổn”.
Có thể câu chuyện ở làng Sevpunovo chỉ có vậy nếu chúng tôi không lội tuyết đi sâu vào quanh làng và chợt thấy ở ven đường, một góc vườn vuông vắn, tượng đài bán thân một chiến sĩ Hồng quân với khẩu tiểu liên băng đạn tròn nổi tiếng, hàng chữ Nga khắc ở thân tượng đài “Những người ngã xuống vì Tổ quốc 1941-1945”. Gạt lớp tuyết phủ dầy trên phần mộ, những lẵng hoa, đa phần là hoa hồng đỏ, để quanh chân tượng hiện ra- dấu hiệu sự tri ân của những người đang sống với những người lính Xô-Viết đã ngã xuống.
Bên mộ đại văn hào Lev Tolstoi.
Tula, thành phố Anh hùng, công binh xưởng của nước Nga hầu như không thay đổi trong 20 năm qua. Đại lộ Lê-nin, quảng trường trung tâm với bức tượng Lê-nin toàn thân. Lẵng hoa dưới tượng đài còn tươi. Quảng trường Chiến thắng và chiếc xe tăng T.34 đặt trước cổng Đại học Sư phạm Tula. Tấm bia kỷ niệm chiến công của Hồng quân chặn đứng đà tiến đánh Moscwo của quân phát xít Hitle 65 năm về trước. Và tượng đài Lev Tolstoi.
Trong cái nắng và khí trời trong trẻo của mùa đông nước Nga, chúng tôi vào thăm Bảo tàng Lev Tolstoi đặt ở ngay trang ấp của gia đình văn hào vĩ đại. Hồ nước, vườn táo, khu tàu ngựa, những ngôi nhà cho người giúp việc, biệt thự lớn của gia đình Lev Tolstoi… tất cả ngập trong tuyết trắng. Ánh nắng rọi qua những thân cây bạch dương phủ chút ánh vàng lên nấm mộ đại thi hào- nơi có những bông hồng còn đỏ tươi dưới lớp tuyết.
Mặc gió lạnh buốt trên những nẻo đường tuyết phủ trong trang trại của Leptonxtoi, du khách vẫn tấp nập đến thăm khu di tích này. Có những cặp vợ chồng dắt theo đứa con mới lẫm chẫm đi, những tốp sinh viên rồi vài đoàn khách châu Á. Họ đều được đón tiếp ân cần, niềm nở khi vào tới ngôi nhà trưng bày những di vật của Lev Tolstoi.
Những người hướng dẫn đều là những phụ nữ đứng tuổi. Chúng tôi hỏi chuyện ngẫu nhiên một phụ nữ tóc cắt ngắn, vẻ mặt phúc hậu, mặc một chiếc áo len dệt dài đến gối: Bà Epdokimova T.C. Bà cho biết đã làm ở đây được 23 năm rồi, trên tinh thần tự nguyện, vì bà có người ông là người học trò đầu tiên của Lev Tolstoi.
Nội quy của Bảo tàng Lev Tolstoi là không được chụp ảnh trong nhà. Nhưng khi biết chúng tôi là người Việt Nam, bà Epdokimova đã đồng ý.
Từ phần mộ Lev Tolstoi, chúng tôi tìm đường đến cây sồi nổi tiếng trong trang trại. Cây sồi mà chúng tôi tin là nguyên mẫu của cây sồi trong tác phẩm “Chiến tranh và hoà bình”.
Chú rể bế cô dâu đi qua chiếc cầu bắc trên sông Oca
Những con đường phủ đầy tuyết trắng, hai bên cao vút là những hàng bạch dương, thuỳ dương. Những ngôi nhà của người “mu-gích” Nga quần tụ trên những sườn đồi quanh trang trại khiến chúng tôi như đang sống trong một thế giới khác- thế giới của Lev Tolstoi. Ở khu vực bán đồ lưu niệm bên ngoài bảo tàng, Gienia, một phụ nữ có gương mặt đẹp và nụ cười tươi vồn vã chào chúng tôi. Gienia đã có 13 năm làm y tá, học 5 năm khoa Toán Cao đẳng Sư phạm, ngày thứ 7 và Chủ nhật bán hàng ở đây. Khi biết chúng tôi là phóng viên Đài TNVN từ Hà Nội sang, Genia nói thật vui: Cho chúng tôi gửi lời chào Việt Nam. Vậy là ở Bảo tàng Lev Tolstoi, trong một buổi sáng, hai lần những người Việt Nam được chào đón thân tình.
Khi trời đã về chiều, từ Bảo tàng Vũ khí Tula ra quảng trường Trung tâm thành phố, chúng tôi chợt nghe một câu tiếng Việt. Tuấn (nam), Trang (nữ) là hai sinh viên Việt Nam mới đến Tula được 1 tháng, học Khoa Phiên dịch Đại học Sư phạm Tula. Cả hai đều có những nhận xét tốt đẹp về người dân Tula. Hy vọng Tula sẽ là nơi ghi lại những kỷ niệm êm đẹp về cuộc đời sinh viên của hai bạn trẻ.
Mùa đông ở nước Nga trời mau tối. Trăng đã treo chênh chếch từ lâu trên đỉnh pháo đài Tula và rồi chúng tôi rời Tula. Lất phất mưa tuyết. Những quầy bán bánh nướng Tula vẫn sáng đèn và những Casirina vẫn đứng trong mưa tuyết bán hàng. Cuộc sống là như vậy. Dù thế nào thì người ta vẫn phải làm việc cật lực để sống.
Và để yêu nữa. Ở Tula có một phong tục còn tồn tại đến bây gờ. Trong đám cưới, chú rể phải bế cô dâu đi qua chiếc cầu bắc trên sông Oca, con sông cắt ngang tuyến đường cao tốc từ Tula đến Moscow. Thứ 7 (23/1) là một ngày đẹp trời. Chúng tôi đã gặp từng đôi, từng đôi chú rể bế cô dâu qua cầu trên sông Oca trong tiếng hò reo cổ vũ của người thân và bè bạn.
Cuộc sống của người Tula, một thoáng qua là vậy./. 
Trương Cộng Hoà

Không có nhận xét nào: