Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tới Oudong nhớ Công Nữ Ngọc Vạn

(Nguoiduatin.vn) - Nắng chiều tắt dần tại Oudong, để lại một nỗi buồn u tịch về một quá khứ vàng son, ngắm nhìn ngọn tháp thiêng danh tiếng Gropa, lòng tôi chợt nghĩ và nhớ thương đến Công Nữ Ngọc Vạn.
Oudong là kinh đô của Campuchia từ 1618 đến 1866. Hoàng cung này cách thủ đô Phnôm Pênh khoảng 30-40 km về phía Tây Bắc, nằm phía trên bến đò Kompong Luong.   Ngày nay cố đô này trở thành một huyện của tỉnh Kampong Speu, giáp ranh với huyện Ponhea Leu của tỉnh Kandal ở phía Đông Nam, với tỉnh Kampong Chhnang ở phía Bắc. Hoàng cung Oudong là ngọn núi có đền tháp (lăng mộ hoàng gia) ở huyện Ponhea Leu tỉnh Kandal. Trung tâm của Oudong ngày nay là Phsar Oudong, cách Phnom Penh 34 km theo đường chim bay về phía Tây Bắc, gần quốc lộ số 5 của Campuchia.

Oudong, còn được gọi là Udong  là cố đô của Chân Lạp từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ 19. Nằm khép mình trước Phnom Penh, Oudong bị rừng già bao phủ, kiến trúc không có gì là đặc sắc lắm và không được xây dựng bề thế và quy mô so với các cố đô khác. Tôi đến đây vì một mảnh tình quê.

Dấu ấn nổi giữa thiên nhiên là những tháp Gropa cao vút, trên đỉnh tháp có điêu khắc. Các tháp cao được xây dựng tương tự như cố đô Ayuthaya - Thái Lan và hiện nay các tháp hầu hết đều đổ nát. Người ta ra sức trùng tu nó bằng phương pháp theo chính phương pháp mà người Khmer đã từng làm là trùng tu hoàn toàn bằng thủ công với công cụ chính là ròng rọc để kéo các nguyên liệu cần thiết cho việc trùng tu.

Chính tại nơi đây, Công nữ Ngọc Vạn đã vì dân, vì nước toàn tâm, toàn ý cho công cuộc Nam tiến. Trong thời kỳ gây dựng xứ Đàng trong, các chúa Nguyễn đã từng mở rộng lãnh thổ nước ta về Nam, chiếm cả vùng Thủy Chân Lạp trước đây của vương quốc Phù Nam mà Chân Lạp đã chiếm giữ. Đó là Nam bộ, vựa lúa to lớn nhất của Việt Nam bây giờ. Chính đồng bằng Nam bộ này đã làm điều hòa, đã giảm thiểu tình trạng đói kém cho nước ta trong những năm gặp thiên tai hạn hán. Nếu không có đồng bằng Nam bộ, vào những năm mất mùa, không biết dân ta sẽ khốn đốn tới mức nào? Chết chóc tới mức nào? Nhờ ai mà ta có vựa lúa vĩ đại đó? Tất nhiên là công lao của các chúa Nguyễn. Nhưng giả như cuộc Nam tiến đó "thiếu" sự đóng góp công sức cả một đời  của một người đàn bà, người đàn bà duy nhất có đủ khả năng làm tiên phong mở lối, cũng là người trong dòng họ Nguyễn, liệu các chúa Nguyễn có làm nên chuyện được không?



Công nữ Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, gọi tắt là Ngọc Vạn,  là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Khoảng thời gian đó, triều đình Xiêm La gần như trực tiếp thống trị Chân Lạp. Vì vậy, khi lên ngôi vua, vị vua anh hùng vang danh của Chân Lạp là Chey Chetta II (ở ngôi từ năm 1618-1628), liền cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong (Vũng Long hay Long Úc) và cầu thân với chúa Nguyễn để chống lại sự khống chế của Xiêm La dù bản thân ông đã có chính cung là người Chân Lạp, nhị cung là người Lào.
Năm Canh Thân (1620), Công nữ Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.   Công nữ Ngọc Vạn trở thành đệ tam Hoàng Hậu nước Chân Lạp với tước hiệu cao quý là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac.
Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở Đàng ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Công nữ Ngọc Vạn vừa đẹp người, đẹp nết nên bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy, mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Nghĩ về đất nước, Ngọc Vạn đã dùng sắc đẹp và tình cảm của mình để thuyết phục người chồng bà là vị vua Chân Lạp - Chey Chetta 2, có những nhượng bộ và thân tình  đối với các chúa Nguyễn. Sau một thời gian làm hoàng hậu rồi làm thái hậu nước này (bà có hai người con lần lượt thay nhau làm vua Chân Lạp), bà đã giúp các chúa Nguyễn củng cố được gốc rễ cho di dân người Việt sống trên đất Thủy Chân Lạp.
Công nữ Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta 2 vào năm 1620 và được sắc phong hoàng hậu Chân Lạp. Khi vua Chey mất, hai người con của bà Chau Ponhea To rồi Chau Ponhea Nou lần lượt lên làm Vua, Ngọc Vạn đương nhiên trở thành Thái hậu nước Chân Lạp.
Qua quá trình 52 năm đóng vai quốc mẫu Chân Lạp đó, Ngọc Vạn đã làm được nhiều việc cho dân tộc Việt mà thiết tưởng không có ai khác của nước Việt làm nổi:
Xin với vua Chey cho người Việt di cư sang khai hoang sinh sống ở Mỗi Xuy (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai) để rồi từ đó dân Việt tỏa rộng ra trên khắp miền Thủy Chân Lạp.
Xin phép cho di dân nước Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất Thủy Chân Lạp.
Xin phép vua Chey thành lập một sở thuế thương mại đầu tiên ở Prey Kor (Sài Gòn - Chợ Lớn) làm đầu cầu chiến lược vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp.

Năm 1628, vua Chey Chetta II từ trần, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp ngôi giữa những hoàng thân. Nhiều nhà vua bị anh em họ, rể, cháu...giết chết một cách thê thảm.





Sau khi hai người con bà đã chết, mặc dù những người khác trong hoàng tộc thay nhau lên làm vua, bà Ngọc Vạn vẫn tiếp tục giữ ngôi vị thái hậu. Nhờ thế, mỗi khi có chuyện tranh chấp nội bộ trong chính quyền Chân Lạp, bà Ngọc Vạn vẫn "cố vấn" cho những người yếu thế chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Dĩ nhiên là chúa Nguyễn lúc nào cũng sẵn sàng "chiếu cố giúp đỡ"...
Sau hơn 50 năm luôn phải tìm cách tồn tại trong chốn vàng son,  nhiều lần thay đổi ngôi báu đẫm máu ấy, Thái hậu Ngọc Vạn đã theo vua Nặc Ông Nộn về sống ở Sài Gòn làm vua Thủy Chân Lạp và đóng đô ở khu vực hiện nay là gò Cây Mai (Thành phố Hồ Chí Minh), sau đó bà lui về sống ở Bà Rịa. Nơi đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, Đồng Nai), rồi ẩn tu cho đến hết đời.
Ngọc Vạn đã có thời sống với chồng, đã có thời sống với con , nhưng lúc nào bà cũng đơn độc. Sau đó bà lại tiếp tục làm Thái Hậu qua nhiều đời vua Chân Lạp khác chẳng có dính dáng tí máu huyết nào với bà một thời gian dài đằng đẵng. Nhìn quá trình ấy, ta hãy tưởng tượng, trên đời còn có nỗi cô đơn nào to lớn bằng nỗi cô đơn của người đàn bà này? Công lao mở nước to lớn đến thế, chịu nỗi cô đơn to lớn đến thế…Cảm xúc khi nghĩ đến nỗi đau lớn mà người đàn bà tài tình, quả cảm phi thường này chịu đựng, tôi viết bài báo về Công Nữ Ngọc Vạn như thắp một nén hương để tưởng niệm công lao của bà.
Theo Mask

Không có nhận xét nào: