Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Nhà hát lớn nhất châu Âu có căn phòng "Mặt trăng - Mặt trời"


Đằng sau nhà hát tráng lệ này là cả một kho chứa những bí ẩn vô cùng thú vị và đáng sợ!
Thủ đô ánh sáng hoa lệ của thế giới vốn nổi danh với nhiều công trình kiến trúc như Khải hoàn môn, tháp Eiffel, đại lộ Champs-Élysée… Hôm nay, chúng mình cùng đến thăm một địa danh khác tuyệt vời không kém, đó là nhà hát Opera Garnier de Monaco.

Ý tưởng xây dựng nhà hát độc đáo được khơi nguồn với mục đích phục vụ giới thượng lưu, quý tộc trong việc giải trí. Chủ nhân của sắc lệnh này là Nam tước Haussmann - tỉnh trưởng Paris năm 1853, chính ông đã vạch ra những kế hoạch về việc xây dựng nhà hát trên diện tích 10.000m2.


Một cuộc thi đã được tổ chức để tìm ra kiến trúc sư phụ trách xây dựng. 171 thí sinh đã lần lượt trình bày ý tưởng của mình và chỉ có Charles Garnier - 1 kĩ sư trẻ tuổi ít được biết đến nhưng cũng đã đạt được giải thưởng Rome năm 1848 mới lọt vào tầm mắt của ngài nam tước. Cuối cùng, Garnier đã được chọn làm kiến trúc sư phụ trách xây dựng. Viên gạch đầu tiên của công trình được đặt vào ngày 21/07/1862 và nhà hát bắt đầu mở cửa vào 05/01/1875.

Nhà hát Opera Garnier de Monaco là nhà hát lớn nhất châu Âu với sức chứa hơn 2.000 người, dài 172m, rộng 124m và cao 79m. Mặt tiền của tòa nhà là một kiến trúc cổ điển nhưng được tô điểm bởi một phong cách trang trí đa dạng với những bức tượng điêu khắc nổi tiếng như:

La Danse - tác phẩm của Jean-Baptiste Carpeaux.

L’Harmonie – tác phẩm của François Jouffroy.

Bên trong nhà hát là đại sảnh với những tác phẩm của thời kì Phục Hưng. Nó bao gồm 5 hành lang gắn liền các phòng khách với nhau. Trên tường là các bức tượng lớn được đúc theo phong cách trữ tình.


Đáng chú ý hơn cả đó là căn phòng “Mặt trăng” và “Mặt trời”. Sở dĩ người ta gọi như vậy vì một căn phòng được xây trên tông màu lạnh (màu bạc) còn căn phòng kia được xây trên tông màu nóng (vàng óng). Hai căn phòng này đều có 4 cửa nằm ở 4 hướng. Giữa mỗi cửa là một chiếc gương tạo nên một hiệu ứng vô cùng thích mắt.

Phòng "Mặt trăng".
Phòng "Mặt trời".

Điểm tiếp theo đưa chúng ta đến với hành lang lớn dẫn vào phòng khách và phòng biểu diễn. Ngoài ra, nó còn dẫn đến vườn hoa, tầng thượng, tầng dưới của sân khấu.


Để hoàn thành được một kiệt tác nghệ thuật như vậy các bạn có biết đằng sau đó là bao bí mật kì lạ không? Khi xây dựng nó, điều mà Garnier không ngờ tới đó là dưới nhà hát này là một cái giếng ngầm chảy từ con sông Seine luôn gây lụt lội, ảnh hưởng đến công việc thi công. Sau một thời gian chán nản, Garnier đã khắc phục điều này thành công bằng một lớp tường kép dưới đất. Để hút hết nước, ông đã phải sử dụng đến 8 máy bơm hoạt động liên tục ngày đêm trong vòng 8 tháng. Tiếp đó, để loại bỏ áp suất nước ngầm, Garnier phải xây 1 cái hồ ở dưới tầng hầm. Đó là nơi bắt nguồn của những màn kịch ghê rợn… Dưới thời công xã Paris, chính quyền cách mạng làm đó là nơi đựng hàng hóa. Khi quân Vecxai đột nhập thành công vào Paris ngày 21/5/1871, tầng hầm được dùng làm ngục tối và là nơi thực hiện những màn tra tấn dã man.

Hồ dưới tầng hầm của nhà hát Opera Garnier.

Những tấm thảm kịch này có lẽ là điểm xuất phát của những điều kì lạ xảy ra ở tầng hầm nhà hát… Những bộ xương được tìm thấy ở đó, bí ẩn của cái hồ, những bức tường kép là cảm hứng cho toàn bộ tác phẩm kinh dị của Gaston Leroux vào năm 1925, tiêu biểu là tác phẩm “Con ma của nhà hát”. Đó là câu chuyện của Erik, sống bên dưới Opera Garnier, trong những căn phòng tra khảo cực hình, ngăn cách bởi những bức tường kép. Dường như Gaston Leroux đã nghiên cứu vô cùng kĩ lưỡng nhà hát này. Tác phẩm đã được chuyển hóa thành phim bởi đạo diễn Brian de Palma với bộ phim tựa đề “Phantom of the Paradise”.

Ngoài ra, cũng có những tin đồn về hàng loạt tai họa xảy ra sau khi khánh thành nhà hát. Đầu tiên là những chiếc đèn chùm rơi trong các buổi diễn. Sau đó là việc các nhân viên của nhà hát được tìm thấy chết trong tư thế treo cổ và những lá thư nặc danh đòi tiền. Tuy đó chỉ là những lời đồn đại nhưng câu chuyện về sự tồn tại của giếng nước dưới tầng hầm là hoàn toàn có thật.

Không có nhận xét nào: