Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Hiểm họa núi lửa "thiên đường" chờ ngày bùng nổ



Ngọn núi lửa tuyệt đẹp nằm giữa Trung Quốc và Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phun trào trở lại trong tương lai.
Núi Trường Bạch (hay còn gọi là Bạch Đầu) là một thắng cảnh hùng vĩ giữa biên giới hai nước Triều Tiên và Trung Quốc. Trong tiếng Triều Tiên, núi còn có tên gọi là Paektu hoặc Baekdu. Núi được ví như một "thiên đường trên mặt đất" bởi quang cảnh kì ảo và đẹp như tranh vẽ.

Trên đỉnh núi Trường Bạch, có một hồ nước xanh thẳm mang tên Thiên Trì (hay Cheonji). Vào mùa đông, nước hồ đóng băng trắng xóa. Thật khó có thể tưởng tượng hồ nước nên thơ này vốn là miệng của một siêu núi lửa có chu kỳ phun trào khoảng 100 năm. Vụ phun trào lần cuối của núi Trường Bạch là năm 1903.


Quang cảnh hồ Thiên trì.

Sử sách vẫn còn nhiều ghi chép về lần phun trào ghê gớm nhất của Trường Bạch cách đây khoảng 1.000 năm. Khi đó, những cơn mưa bụi diễn ra trên một vùng rộng 33.000km2 ở cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc. Thậm chí, tro núi lửa còn bay sang tận Nhật Bản, phủ một lớp bụi dày khoảng 5cm tại nhiều nơi trên đảo Hokkaido. Các nhà khoa học dự đoán, do cấu tạo đặc trưng của dung nham, Trường Bạch đang tích luỹ áp suất lớn, một vụ nổ dữ dội có thể sắp xảy ra.


Hồ Thiên trì trắng xóa vào mùa đông.

Nếu núi lửa phun trào, nước hồ Thiên Trì sẽ hòa với đất đá và dung nham, tạo thành một bể bùn nhão khổng lồ. Lớp bùn sẽ nhanh chóng dâng lên rồi tràn xuống một thung lũng phía Trung Quốc, trực tiếp đe dọa sinh mạng của 60.000 người.


Ta có thể nhìn thấy các ngôi nhà thưa thớt trong thung lũng phía xa. Khi núi lửa phun trào, tính mạng của những người này sẽ bị trực tiếp đe dọa.

Trong những tháng gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện một số thay đổi đáng lo ngại của núi Trường Bạch. Nhiệt độ các suối nước nóng trên sườn núi đang tăng lên. Tuy nhiên, dung nham hiện vẫn chưa dâng lên bề mặt, điều đó có nghĩa là nguy cơ phun trào chỉ có thể xảy ra trong tương lai xa.


Các suối nước nóng trên ngọn núi có hiện tượng nóng dần lên.

Cùng với vụ phun trào của núi lửa Tambora (Indonesia) năm 1815, vụ phun trào cách đây 1.000 năm của Trường Bạch là một trong hai trận núi lửa phun trào lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Việc dự đoán chính xác khi nào núi Trường Bạch sẽ tỉnh giấc là một vấn đề vô cùng cấp thiết. Tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học Anh đã lắp đặt một máy thăm dò địa chất nhằm ghi lại chi tiết những biến đổi của ngọn núi này.


Việc theo dõi sự biến đổi của núi Trường Bạch là vô cùng cấp thiết.

Không có nhận xét nào: