Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Kỳ lạ Côn Minh


(VOV) - Từ Hà Nội, đáp tàu hỏa đi Lào Cai. Sau đó làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu và bắt xe đi thêm 1 ngày là tới Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam (Trung Quốc). 
Con đường nhiều hầm nhất châu Á? 
Do nằm sâu ở vùng núi phía Tây Nam, Trung Quốc địa thế hiểm trở nên khách nước ngoài ít tìm đến Vân Nam. Điều này thấy rõ ở cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu: dòng người du lịch từ Hà Nội lên Lào Cai khá đông, nhưng đến Lào Cai thì chuyển xe đi Sapa là chính. Do vậy, tìm hiểu Vân Nam sẽ không “đụng hàng”, lại có cái cảm giác háo hức cho ai thích khám phá.
Với chúng tôi, Vân Nam vốn là đất của Man Vương Mạnh Hoạch - một nhân vật lịch sử của hơn 2.000 năm trước gắn liền với cái tích “Thất cầm Mạnh Hoạch” trong truyện “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Đây cũng là nước Đại Lý của thế kỷ 13, nơi mà tướng nhà Nguyên, Ngột Lương Hợp Thai sau khi triệt hạ nước này đã phát quân tiến đánh Đại Việt, để rồi chuốc lấy thất bại thảm hại trước nhà Trần.
Một góc rừng đá Thạch Lâm
Vào những năm 30 thế kỷ trước, trong quá trình hoạt động cách mạng cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Côn Minh, sống và làm việc trong một đơn vị hồng quân Trung Hoa. Chị Lương Hải Bình - hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Người Côn Minh mới đây đã xác định được căn nhà mà trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh trú ngụ và đang lên kế hoạch trùng tu và gắn biển di tích lịch sử cho căn nhà này”.
Từ Hà Khẩu tới Côn Minh trải dài 500 km trên đường cao tốc Mông Tự- Hà Khẩu (6 làn xe). Tiếp đó khoảng ngót trăm km đường cấp 1 nhỏ hẹp, qua cơ man là hầm đào xuyên núi. Cái ngắn nhất vài trăm mét, cái dài nhất khoảng 1km.
Có lẽ đây là con đường nhiều hầm chui nhất châu Á (22 hầm chui tất cả). Nhiều chỗ, liên tục có 4 - 5 hầm nối tiếp nhau, tạo những khoảng sáng giữa 2 hầm khá lộng lẫy.
Mông Tự thuộc Châu Hồng Hà nổi tiếng với các vườn lựu xanh mỡ màng, trĩu trịt quả màu hồng đào, lập lòe trong nắng. Nếu Mông Tự để lại ấn tượng bao nhiêu thì TP Côn Minh lại ít mang lại cảm xúc bấy nhiêu. Chẳng thấy đâu một Côn Minh như danh xưng là “xuân thành - thành phố mùa xuân”. Có lẽ, bụi bặm từ các nhà máy và công trình đang thi công đã làm mờ đi ít nhiều dáng dấp lãng mạn ở thủ phủ tỉnh Vân Nam. 
Du khách đến Côn Minh khó mà có cơ hội mua sắm vì thành phố này phải nhập hàng hóa ở các tỉnh khác về nên giá cả đắt đỏ. Chị Lương Hải Bình cho biết, 1 đôi tất xịn ở Trung tâm Thương mại Côn Minh, giá đến 200 NDT (tương đương 600.000 đồng).
Nâng cao giá trị của di tích
Ấn tượng nhất của Côn Minh lại nằm ở các di tích và thắng cảnh. Thắng cảnh Côn Minh nổi tiếng với rừng đá Thạch Lâm, Vân Nam bảy sắc, hang động Cửu Hương, Tây Sơn Long Môn… Khách đến các điểm du lịch chủ yếu là khách nội địa.   
Đẹp, sạch và sang trọng là điều dễ nhận thấy ở các khu du lịch, các di tích và thắng cảnh của Côn Minh. Người Côn Minh rất có ý thức trong việc chăm chút và làm đẹp cho các danh thắng và di tích. Điều đáng chú ý là khuôn viên và cảnh quan xung quanh điểm du lịch đựơc tạo cảnh, chăm chút kỹ càng. Đặc biệt, việc khắc chữ Hán trên đá để tạo điểm nhấn cho di tích được đề cao. 
Thanh kiếm đá bị gãy
Ở khu rừng đá nổi tiếng Thạch Lâm nằm phía ngoại ô TP Côn Minh, nơi đựơc coi là thiên hạ đệ nhất kỳ quan được thiên nhiên bài trí rất độc đáo với những hình dáng lạ mắt, người ta căn cứ vào đó mà “trông mặt đặt tên”. Nào là tượng Quan Công, thanh đồ thiên kiếm gãy. Kia là vết chân của dị nhân, tất cả tạo thành một rừng đá trùng điệp cao thấp xen lẫn những cảnh vật hiền hoà, thấm đẫm chất huyền thoại.
Đây là kỳ quan có một không hai của Trung Quốc và thế giới, có nhiều cảnh quay trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc Tây Du Ký năm 1983. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khu rừng đá này đã suýt bị phá. Tại đây, người ta còn tổ chức cho các nghệ nhân người Di trong trang phục dân tộc nhảy múa và hát các bài hát của người Di với đàn ba dây ngay tại sảnh rừng đá rất ấn tượng và độc đáo. Năm 2007, UNESCO đã công nhận khu rừng đá này là di sản thế giới.
Lên cao rồi xuống động. Động Cửu Hương là một trong những hang động đẹp và trữ tình nhất Trung Hoa. Động nằm sâu dưới mặt đất gần trăm mét. Đi hết lòng động từ trên xuống phải qua hàng ngàn bậc đá. Để tham quan động, người ta thiết kế đường sàn bằng bê tông cốt thép vững chắc, chạy viền quanh vách đá khá hoành tráng.
>> Vé vào cửa tham quan các điểm du lịch nói trên là 175 NDT/người (tương đương hơn 500.000 đồng). Một chuyến xe điện dạo vòng ngoài khu rừng đá Thạch Lâm giá 200 NDT.
Đặc biệt là trong lòng động Cửu Hương có rất nhiều vũng nước hình con sò, nằm gối lên nhau từ cao xuống thấp, tạo thành hệ thống ruộng bậc thang mini, vũng nào cũng đầy nước trong vắt, lại đựơc chiếu sáng có chủ ý, trở nên long lanh, tráng lệ.
Rồi đâu đó từ trên cao, những thác nước trắng xóa ầm ầm đổ xuống, xa xa thấp thoáng tượng đá hình con hổ trong khoảng sáng của cửa động thông lên trời thấy hùng vĩ lạ thường.
Ở đây còn có đội dịch vụ vận chuyển, khiêng người bằng kiệu hoa, sẵn sàng đáp ứng cho du khách nào thấy mệt mỏi. Lên đến cửa động đã có hệ thống cáp treo đưa du khách vượt núi trở lại điểm xuất phát.
Thay lời kết
Ở Côn Minh, khi xe từ khách sạn “mùa xuân vàng” chuẩn bị đi ra sân bay, chị Lương Hải Bình xướng số các phòng phải thanh toán tiền bổ sung cho khách sạn. Người trả thêm 65 NDT, người trả 100 NDT, khiến ai cũng phải thắc mắc. Đến khi quản lý khách sạn liệt kê, mọi người mới vỡ lẽ. Hóa ra, trong khách sạn, dùng bất cứ thứ gì, dù chỉ là tờ giấy trắng để trên đầu giường cũng phải trả tiền.
Người xưa nói: “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chuyến tham quan Côn Minh quả thật ấn tượng, đem lại cho chúng tôi những nhận thức mới về cách tôn tạo di tích kết hợp chặt chẽ với tổ chức du lịch của nước bạn. Qua đó nâng cao giá trị gia tăng của di tích, vốn quý văn hóa- lịch sử ngay trên quê hương mình./. 
Minh Quân

Không có nhận xét nào: