TTO - Thành phố Lisbon đẹp đến ngỡ ngàng nằm trên 9 quả đồi kề bên biển cả mênh mang, nơi cửa sông hùng vĩ. Còn ở quận Alfama lâu đời nhất Lisbon, nhịp sống vẫn cứ chậm rãi trôi trong làn khói nướng cá sardin.
Nhà phố mái ngói đỏ rực của Lisbon nhìn từ lâu đài São Jorge - Ảnh: Vi Bằng |
Giống như những khu phố lâu đời khác ở đây, Alfama cũng chứa trong lòng những bí ẩn của riêng mình.
Vẻ đẹp của khu phố người nghèo
Chúng tôi xuống tàu điện ở bến Portas do Sol để leo lên lâu đài São Jorge sừng sững trên ngọn đồi cao. Tầm nhìn có được ở nơi thành trì vững chắc của Lisbon thật tuyệt!
Nhà phố trải dài phía dưới, gió xuân thổi rung rinh những cánh buồm trắng trên mặt biển xanh thẳm, cây lá bung sắc và tỏa hương, những rung cảm của mùa xuân Lisbon lay động mọi người.
Từ trên bệ tường của lâu đài có thể nhìn thấy tượng thánh Vincent bằng hoa cương trắng đặt tại quảng trường Santa Luzia, người bảo trợ cho Lisbon và cho tất cả các thủy thủ Bồ Đào Nha. Cảng biển nằm ngay phía dưới gợi nhớ các chuyến đi chinh phạt châu lục mới, khao khát thám hiểm của Vasco da Gama.
Đứng trên bờ tường đá vững chắc của lâu đài cũng là pháo đài São Jorge nhìn toàn cảnh Lisbon - Ảnh: Vi Bằng |
Tượng thánh Vincent, người bảo trợ của Lisbon và các thủy thủ với hai con quạ hộ tống ông - Ảnh: Vi Bằng |
Alfama trong tiếng Ả Rập al-hamma có nghĩa "nguồn nước" hay "bể tắm". Người Moor từ Bắc Phi thống trị nhiều thế kỷ ở đây, vào thế kỷ 12 những người Kitô giáo thế chân họ cùng với những lái buôn giàu có người Do Thái. Đến thế kỷ 16, dân gốc Do Thái bị xua đuổi và rồi quận cổ xưa nhất Lisbon tràn ngập người làm nghề thủ công, phu khuân vác, thủy thủ, gái mại dâm, những kẻ trộm cắp.
Alfama trở thành nơi cư trú của bao tầng lớp người nghèo. Năm 1755, một trận động đất kinh hoàng đã chôn vùi 30.000 dân Lisbon, phá hủy các ngôi nhà, nhà thờ, cung điện, đền đài… nhưng Alfama hầu như không suy suyển.
Cho đến ngày nay, Alfama vẫn là nơi tập trung dân nghèo thành thị. Những dãy nhà cũ kỹ nhiều năm không được tu sửa, những cột gỗ, các vỉ xà đã oằn mình dưới gánh nặng thời gian. Dân cư buôn bán nhỏ, bám đường mà sống. Nhưng chính đặc điểm này lại tạo ra một vẻ rất riêng cho cả khu vực.
Chợ trời họp hàng tuần bán đủ thứ từ đồ cổ chính hiệu, vải vóc thêu ren tinh xảo đến đồ điện sinh hoạt "made in China". Những người đàn ông chơi cờ domino ngay trước cửa hàng tạp hóa của mình và bật nhạc Fado từ chiếc đài nhỏ để bên. Hai bà già bưng đĩa bánh phủ khăn trắng gõ cửa nhà hàng xóm để cùng nhau dự tiệc trà buổi chiều... Tất cả hiện ra như một thước phim sống động.
Nhiều ngôi nhà trong quận Alfama hằn dấu thời gian nhiều thế kỷ - Ảnh: Vi Bằng |
Cuộc sống vẫn êm đềm trôi ở phố cổ Alfama - Ảnh: Vi Bằng |
Nỗi buồn da diết trong các bản nhạc Fado
Trong vòng 60 năm (1580-1640) Bồ Đào Nha bị Tây Ban Nha cai trị tuy vua Bồ thời đó đã cố gắng tìm cách cứu vãn đất nước bằng cách kết hôn liên minh tới hai lần nhưng không thành. Nỗi buồn của những người chịu ách thống trị càng thống thiết khi chịu thảm họa động đất năm 1755. Sự u sầu không thể nào chôn cùng hàng chục nghìn nạn nhân thiên tai năm nào, cứ ám ảnh trong dòng nhạc Fado.
Ai hiểu âm nhạc Fado có thể hiểu được tinh thần của người Bồ Đào Nha. Giai điệu buồn bã lẩn quất từ hẻm này sang hẻm khác, được cất lên bằng giọng ca buồn thảm của những cô gái thợ giặt nghèo, ngư dân, thủy thủ, thậm chí cả đám ma cô.
Ngày nay, người ta vẫn hát về những mất mát đau buồn của tình yêu và Fado có mặt trên nhiều bản tổng kết ca khúc hit trong nước. Những quán nhỏ chuyên biểu diễn Fado hằng tối trở thành điểm hút khách du lịch ở quận Alfama.
Có thể xem các nghệ sĩ được đào tạo chính quy biểu diễn Fado một cách chuyên nghiệp tại nhiều tụ điểm cao cấp nhưng cũng có thể thưởng thức Fado thuần túy, mộc mạc từ những người nghiệp dư mà ca hát tựa như cơm ăn, nước uống hằng ngày của họ.
Bước vào những câu lạc bộ đêm hay nhà hàng, trả vé vào cửa chỉ chừng 10 euro, ngồi xuống gọi một ly bia và chờ đợi đến sau 21g, âm nhạc sẽ réo rắt nổi lên. Nỗi buồn trong dòng nhạc Fado như được xoa dịu đi rất nhiều sau bao năm tháng qua.
Nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn dòng nhạc Fado trên sân khấu lớn - Ảnh: Vi Bằng |
Cổ kính Alfama
Alfama là quận cổ nhất của Lisbon, chứng kiến bao cuộc tranh giành, kế thừa quyền cai trị. Alfama chạm vào mọi nền văn hóa cả của phương Đông lẫn phương Tây. Và thật may mắn các công trình kiến trúc cổ của Alfama không bị phá hủy bởi thảm họa động đất năm 1755.
Ngày nay, du khách năm châu vẫn được ngắm nhìn thỏa thích sàn nhà lát đá hoa cương lộng lẫy ở nhà thờ Santa Engracia, các bức tranh ghép sứ azulejo tuổi thọ nhiều trăm năm trên tường lầu vọng cảnh Miradouro de Santa Luzia và trầm trồ khi tàu điện sơn màu vàng óng chạy luồn qua nhà thờ Chính tòa (Cathedral) sừng sững kiểu Gotic.
Phố xá với những ngôi nhà lợp ngói đỏ, các bậc thang dài tưởng như vô tận nối các hẻm ngõ ngách thoải trên đồi, các quảng trường nhỏ xinh đều được giữ nguyên trạng. Không có nơi nào của thủ đô Bồ Đào Nha lại có các con phố gần nhau đến vậy và con người lại cởi mở đến thế như ở quận Alfama. Không có nơi nào giản dị mà duyên dáng nhường ấy như Alfama.
Và người khách phương xa nhận ra vẻ đẹp ấy ngay từ khi đang ngồi trong tuyến xe điện cũ kỹ số 28 leo lên ngọn đồi Graça băng qua các con đường hẹp, dốc và nhìn các mái nhà lợp ngói đỏ đã ngả màu xếp liền nhau, thấp thoáng những chậu cây phong lữ đỏ rực trong nắng xuân...
Tranh ghép sứ azulejo cổ ở lầu vọng cảnh Santa Luzia - Ảnh: Vi Bằng |
Tàu điện tuyến 25 trứ danh chạy xuyên qua lòng nhà thờ chính Cathedral - Ảnh: Vi Bằng |
Xếp hàng mua bánh ngọt tẩm đường trên phố - Ảnh: Vi Bằng |
Nghỉ chân cạnh bức tường đá đã có gần 10 thế kỷ - Ảnh: Vi Bằng |
NAM VINH - VI BẰNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét