Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Cung điện "Vô tư đi" ở Postdam


TTO - Có một công viên rộng lớn và tòa lâu đài đẹp tuyệt mang tên "Vô tư đi" - Sanssouci ở thành phố Postdam, thủ phủ bang Brandenburg, gần thủ đô Berlin. Đến đây dường như những phiền muộn, lo âu cũng tan đi theo gió.
Vườn nho bậc thang ở Sanssouci đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố Postdam - thủ phủ bang Brandenburg, Đức - Ảnh: Hoàng Hải

Sáng sớm mùa xuân, không gian ở Sanssouci thật tĩnh lặng. Chỉ có tiếng chim kêu lảnh lót, tiếng gió thổi qua các tán cây đang bừng lộc biếc, tiếng dòng nước chảy róc rách, tiếng vịt vẫy cánh trên hồ… Mấy ngày cuồng cẳng ở Berlin, đi giữa dòng người cuồn cuộn trên các khu phố chính giờ mới được duỗi chân tay thư giãn, hít thở bầu không khí quá đỗi trong lành tinh khôi ở khu công viên đẹp đẽ này.
Năm 2012 là một năm rất đặc biệt với Postdam vì thành phố kỷ niệm 300 năm ngày sinh nhà vua Frederik đệ nhị, chủ nhân của khu vườn Sanssouci. Lễ kỷ niệm sinh nhật vào ngày 24-1-2012 nhưng các hoạt động văn hóa diễn ra trong suốt năm.
Được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1990, cụm quần thể công viên và lâu đài Sanssouci của thành phố Postdam luôn xứng danh là di sản thế giới, thu hút hàng triệu lượt người thăm từ khắp nơi trên hành tinh. Hầu như du khách nào đã ở Berlin đều cố gắng đi tàu khoảng nửa tiếng để đến Postdam và dành ít nhất vài tiếng đắm mình trong quần thể danh tiếng này.
Không có bậc vua chúa nào của đế chế Phổ (công quốc Preussen) lại có mối liên hệ mật thiết với Postdam như Frederik đệ nhị. Không chỉ vì ông là người cho xây dựng khu công viên và lâu đài Sanssouci, mà còn vì những năm tháng gắn bó của ông ở nơi đây.
Những lần dạo chơi với Voltaire ở các lối đi quanh co giữa muôn cây và bàn luận về triết học, những buổi chiều tà thổi sáo bên các bậc thang của vườn nho xanh mướt và biết bao kế hoạch quân sự tài tình dẫn dắt quân đội hùng mạnh của người Preussen (Phổ) đã được ông nghiền ngẫm, khai sinh ở cung điện mùa hè này.
Lâu đài Sanssouci là công trình đặc trưng của phong cách kiến trúc Barock - Ảnh: Hoàng Hải

Khu nhà tắm kiểu La Mã trong quần thể cung điện Sanssouci - Ảnh: Hoàng Hải

Frederik đệ nhị rất yêu cung điện Sanssouci. Nơi nghỉ mát dành cho hoàng gia được xây dựng rất nhanh chóng, chỉ trong vòng hai năm từ 1745. Đó là một kỷ lục vào thời ấy. Sau đó được các thế hệ con cháu của dòng dõi nước Phổ xây dựng thêm, tạo thành một quần thể đẹp tuyệt vời.
Cung điện Sanssouci gồm năm lâu đài nội thất trang hoàng lộng lẫy phong cách hoa mỹ Roccoco, nhiều lầu ngắm cảnh hóng gió, hàng trăm tượng đá sa thạch theo lối Barock, khu nhà kính trồng cam chanh và nhiều loại cây nhiệt đới quý hiếm với châu Âu, một vườn nho rộng rãi hình bậc thang, hồ nước, đài phun và công viên đi dạo rộng lớn với chiều dài các lối mòn lên tới 76km.
Tòa Tân cung có lẽ là nơi chứa đựng đầy đủ nhất những dấu ấn của các đời vua trị vì, sức ảnh hưởng, thẩm mỹ về nghệ thuật, văn hóa của họ. Hằng năm có đến 250.000 lượt khách thăm Tân cung và có nhiều triển lãm chuyên đề diễn ra tại đây. Nhưng những nhà quản lý không bao giờ để cùng lúc 3.000 khách trong cung nhằm tránh nguy cơ xuống cấp của nội thất cung điện và nguy hại cho các bức tranh, vật liệu trang trí cổ.
Cung Belvedere cuối con đường xanh miên man nhìn từ Cối xay gió cổ - Ảnh: Hoàng Hải

Tân cung tráng lệ bên ngoài - Ảnh: Hoàng Hải

Và lộng lẫy phong cách rococo bên trong - Ảnh: Hoàng Hải

Mùa xuân sang, các buổi hòa nhạc ngoài trời thường diễn ra cuối tuần ở ngay cạnh vườn nho bậc thang. Nếu gặp may đến đúng lúc dàn nhạc biểu diễn miễn phí, hẳn bạn sẽ không dời gót cho đến khi buổi biểu diễn kết thúc.
Khung cảnh đẹp đẽ được tạo bởi bàn tay bao người từ kiến trúc sư bối cảnh, những người làm vườn, thợ xây dựng… phối kết những rung rinh của hoa, của cỏ, của lá mùa xuân với âm nhạc dạt dào. Chắc chắn bạn sẽ đón chuyến tàu muộn hơn để quay lại Berlin ngủ đêm nếu chỉ có ý định đến Postdam trong ngày.
Và còn tháp Rồng theo phong cách phương Đông giữa khu cây cối cổ thụ cho ta cảm giác phiêu lưu. Còn cối xay gió cũ kỹ vẫn quay cánh đều và cho ra lò những mẻ bột mới lại cho ta hoài niệm về thời xưa cũ ở châu Âu. Còn bảo tàng tranh đầy ắp những tác phẩm hội họa kinh điển của các họa sĩ tài ba Hà Lan như Peter Paul Rubens, Anton van Dyck hay họa sĩ Ý Caravagio...
Ngay cả khi nhấm nháp miếng bánh quy xốp ngọt trong lòng cối xay gió khổng lồ mà vẫn tưởng như đang lạc vào một không gian cổ tích!
Ngôi nhà nhỏ kiểu Trung Hoa mang âm hưởng châu Á đến với cung điện châu Âu - Ảnh: Hoàng Hải

Tà áo dài Việt Nam cũng thật hợp trên nền cối xay gió cổ từ thế kỷ 18 - Ảnh: Hoàng Hải

Đến Sanssouci nhiều lần và với các bạn đồng hành khác nhau mỗi lần, tôi đều có những cảm xúc mới. Cũng không hẳn vì chọn cung đường đi thay đổi. Thường thì tìm đến lâu đài Sanssouci đầu tiên rồi ra vườn nho bậc thang, trèo lên bảo tàng tranh rồi đi đến Vườn cam trong nhà kính, rồi mới tới các điểm khác trong quần thể.
Nhưng cũng có lần lại đưa mọi người tới Tân cung trước để chiêm ngưỡng một điển hình của phong cách nội thất rococo, băng qua cả khu vườn rộng tới Tháp Rồng, men theo lối mòn ngoằn ngoèo tươi xanh đến cung Belvedere trên đồi Klausberg rồi đi dọc con đường miên man cỏ hoa giữa bốn hàng cây cao vút.
Tháp Rồng hiện ra giữa muôn cây như trong chuyện cổ - Ảnh: Hoàng Hải

Ăn trưa ở nhà hàng cổ kính nằm ngay trong tháp Rồng cũng là một trải nghiệm thú vị. Xúp ngon, nóng hổi được dọn ra cùng bánh mì. Đừng quên gọi một ly bia nồng nàn hương vị Đức, Sanssouci đúng là khu vườn vui tươi từ thế kỷ 18 cho mãi đến bây giờ!
MINH LÝ - DU NHÂN

Không có nhận xét nào: