Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Bình bịch trên nóc nhà thế giới


(Nguoiduatin.vn) - Trong những dịp lang thang trước đây trên đất nước Trung Hoa rộng lớn, cứ mỗi lần ngắm những rặng núi tuyết mênh mông cao vút nơi đường chân trời phía Tây, tôi đều tự hỏi, đằng sau dãy núi cao vút – nóc nhà thế giới ấy là gì? Liệu có phải một Shangri-La – miền thiên đường?

Shangri-La của người Trung quốc mà tôi đã đến, đẹp thì cũng đẹp, lạ thì cũng lạ, và cũng đôi lúc nhớ nhớ về nó, nhưng hẳn không thể là Shangrila theo đúng nghĩa của nó. Vẫn dãy núi cao ấy, thậm chí còn nhìn thấy đỉnh đen sẫm cao nhất của Everest hiện ra trong ô cửa nhỏ bé của máy bay. Độ cao đang ngang ngang với Everest đằng kia, tuy thế, lần này dặng núi cao không nằm phía Tây xa xa đường chân trời mà ở ngay đây - Đông Bắc – tôi đã ở bên kia của dãy núi. Nhìn xuống dưới, thung lũng Kathmandu mờ mờ ẩn ẩn trong làn sương mờ hay làn bụi bặm nổi tiếng. 
Hành trình Nepal mà tôi đã lên lịch từ sau Tết 2009 hóa ra khá là trắc trở. Từ kế hoạch ban đầu với 8 người tham gia, vì đủ lý do giờ chỉ còn có 2 người. Nhưng rút cuộc thì 2 người vẫn đủ thành một đội có tiền đội – hậu đội, dù tiền đội lái xe và hậu đội ngồi sau xe, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch khám phá đất nước nhỏ bé nhưng cao vút này bằng xe máy.
Nepal là điểm-đến-trên-đường của hầu hết các du khách Việt Nam. Thường là một hành trình Tây Tạng về qua Nepal, hoặc là Ấn Độ vòng lên Nepal.
Chúng tôi thi không thế, quyết dành 2 tuần chỉ lang thang ở đây và coi nó là một đích đến chứ không chỉ là một điểm ghé qua. 10 năm trước, tán gẫu với mấy chú Tây lang thang vòng quanh thế giới, chúng đã tấm tắc khen Nepal như một trong những điểm đến đẹp nhất thất giới.
Rời khỏi sân bay Bangkok đẹp như khách sạn 5 sao, Thái Airway đưa chúng tôi 3 tiếng bay trên những vùng đất trơ trọi của Myanmar, những vùng biển xanh óng ả của Ấn độ. Rồi rặng Himalaya hiện ra dưới cánh máy bay mà đỉnh Everest là một trong những đỉnh núi lô xô dưới kia chỉ hơn kém nhau khoảng 1mm trong ống kính máy ảnh của chúng tôi. Đỉnh núi mà bao nhiêu nhà leo núi chuyên nghiệp và không chuyên đã ám ảnh với giấc mơ chinh phục tới mức cứ 5 người leo lên đến đỉnh thì 1 một người phải bỏ mạng. Tôi đọc lại câu chuyện của một chàng ba-lô người Việt đã tiếc không bỏ ra 160 USD bay vòng quay đỉnh núi và hẹn rằng mình nhất định phải bay trên đỉnh núi này như chúng tôi đã bay trên Grand Caynon ở bang Arizona khi đến Mỹ. Đó là cách tốt nhất để chiêm ngưỡng đỉnh núi cao nhất thế giới 8848m khi mình chưa thể chinh phục bằng chân.
(Từ Việt Nam có thể nhiều hành trình tới Kathmandu nhưng tính đi tính lại, chúng tôi vẫn chọn Thai Airway. Tuy đắt hơn chừng 100 USD nhưng đổi lại, đặt vé đổi chuyến đều dễ dàng, đơn giản, giờ bay cũng khá phù hợp. Vé máy bay là chi phí lớn nhất trong chuyến đi này, khoảng 800 USD
Hà Nội – Bangkok 20.30 – BKK – Kath 10h30 hôm sau.
Có những chặng bay sau tới Kath
Hà Nội - BKK - từ đây đi bằng TG hàng ngày, Nepal Airlines - thứ 2-4-6, hoặc đi tiếp qua India (Transit Delhi hoặc Kolkata... transit mất chắc thêm ngày nữa).
Hà Nội - Hong Kong , HK - Kath ,Nepal airlines, tuần 2 chuyến
Hà Nội  - KL, KL - Kath, Nepal Airlines).
Khác xa với sân bay Thái Lan hiện đại và mới tinh khôi, sân bay Kathmandu nhỏ hơn. Số máy bay lớn đậu trên sân bay chỉ khoảng chục cái (tiếc là chưa thấy màu xanh quen thuộc của Vietnam Airlines). Có vài chục cái trực thăng và máy bay cỡ nhỏ của các hãng bay phục vụ du khách chinh phục Everest bằng mắt. Nhà ga sân bay Kathmandu là một ngôi nhà cao 2 tầng xây bằng gạch mầu nhựa thông, không trát vữa. Kiến trúc nặng nề khiến ta dễ liên tưởng đến một tòa án hay một nhà tù. Tường gạch được làm bóng. Ưu điểm của sân bay này là họ tuân theo cách xây dựng truyền thống của Nepal với tường gạch trần trụi sau này chúng tôi gặp lại rất nhiều trên đường đi khám phá Nepal. Xe bus đưa chúng tôi chạy qua sân bay một chút xíu và dừng lại cạnh một đống gạch ngổn ngang. Nếu không có biển Immigration bên cạnh khó có thể nghĩ rằng nơi đó là lối vào làm thủ tục nhập cảnh.
Nepal trip. Đi máy bay cũng cần có mũ
Mình ngồi cao hơn Everest một chút
Máy bay nhỏ tí này chuẩn bị lêo Everest đấy
Còn máy kéo là để kéo máy bay cất cánh
Bên trong nhà ga sân bay: Có vài đường lấy đồ nhỏ tí.
Khác xa với sân bay Thái Lan hiện đại và mới tinh khôi, sân bay Kathmandu nhỏ hơn. Số máy bay lớn đậu trên sân bay chỉ khoảng chục cái (không có máy bay nào của Vietnam Airlines vì chúng ta chưa có tuyến bay này).

Có vài chục cái trực thăng của các hãng bay phục vụ du khách chinh phục Everest bằng mắt. Nhà ga sân bay là một ngôi nhà cao tầng xây bằng gạch mầu nhựa thông, không trát vữa. Kiến trúc nặng nề khiến ta liên tưởng đến một tòa án hay một nhà tù. Tường gạch được làm bóng. Ưu điểm của sân bay này là họ tuân theo cách xây dựng truyền thống của Nepal với tường gạch trần trụi, sau này chúng tôi gặp lại rất nhiều trên đường đi khám phá Nepal.
Khách du lịch xếp hàng dài chờ xin visa. Dù không đông khách du lịch lắm nhưng thủ tục hải quan làm rất chậm. Thỉnh thoảng mấy chị nhân viên lại đưa chen ngang hồ sơ của khách quen vì thế càng chậm hơn. Visa cửa khẩu đơn giản và dễ dàng như bán vé xem phim ở trung tâm chiếu phim quốc gia, 25 USD cho visa 15 ngày trở xuống, 35 USD cho visa 3 tháng – bác nhân viên - trông chả có vẻ gì là nhân viên công lực gác cổng quốc gia mà giống ông bảo vệ ở trường tiểu học – dán cho một cái tem vào hộ chiếu rồi khóat tay, xong rồi – làm mình ngẩn ra.
Vợ mình tranh thủ đi trước đã nhập cảnh xong từ lúc nào mà hộ chiếu và visa của vợ mình vẫn đang cầm đây. Cứ lừ lừ đi qua cửa nhập cảnh cũng chả chú nào hỏi gì! Hôm về còn buồn cười hơn, đang đứng xếp hàng để làm xuất cảnh tự dưng thấy một gia đình Tây vợ chồng con cái tay xách nách mang đi ngược từ khu cách ly – tức là đã xuất cảnh rồi ra ngoài xếp hàng lại. Té ra là gia đình này thấy cửa chả có ai gác đi vào tận trong mới hoảng hồn nhận ra là sắp đến cửa ra máy bay rồi – cũng chả ai buồn hỏi gì nữa.
Đi sang khu lấy hành lý mới ngộ. Cả đoàn đi lòng vòng nhìn qua cửa kính thấy đồ của mình mà chả biết cửa đâu để mà qua. Té ra cái cửa nó bé tí như cửa ra vào nội bộ của nhân viên. Ai cũng phải ngớ người ra khi được chỉ qua cái cửa tò vò ấy, về sau mới biết cửa bé tí là lối kiến trúc của người Nepal. Nhà ga sân bay thật nhỏ, chỉ có 2-3 đường nhận hành lý. Nhà vệ sinh cũng nhỏ và không thật sạch sẽ lắm. Bắt đầu thấy mùi dầu hồi đặc trưng của người Nepal và Ấn Độ.
Thong dong đẩy hành lý qua cửa, một anh chàng Nepal mặc áo đen quàng lên cổ chúng tôi hai cái khăn lụa mầu mỡ gà và đội lên đầu tôi chiếc mũ mầu đen. Một anh chàng khác nhanh nhẹn chụp ảnh. Đội cái mũ đen vào, thoắt cái mình biến ngay thành người Nepal rồi đó. Đoán già đoán non đây là dịch vụ chụp ảnh ở sân bay và đoán chắc lát nữa sẽ trả ảnh hoặc khi về họ sẽ đón lõng ở sân bay nhận mặt để lấy tiền. Ơ nhưng mà sao họ có thể đợi được hay nhận mặt được chúng tôi trong bao nhiêu du khách khác. Sau này đọc dòng chữ họ in trên khăn một bên là năm du lịch của Nepal, một bên là “Everest it is our beer”, chúng tôi mới biết là chiến dịch chào đón khách du lịch nhân năm mới, năm du lịch của đất nước có đỉnh Everest tự hào này và hãng bia nội địa của Nepal - bia Everest - thành nhà tài trợ.
Toàn cảnh thung lũng Kathmandu, đằng sau đường chân trời mờ mờ phía xa là dãy Hymalaya, giờ đã bị làn sương bụi che kín
Chen giữa nhà còn thấy những đám ruộng bậc thang nhỏ xíu
Còn lại là sự đông đúc chật chội của những cư dân ở miền thiên đường.
Đường phố không vỉa hè
Xe vận tải hành khách
Và hàng hóa
Xe bus đây
Nepal là một nước khá nhỏ, diện tích bằng nửa nước ta, theo chiều Bắc Nam khá hẹp, chỉ chừng chưa tới 200 km, còn theo chiều đông tây cũng không quá 800 km.

Hẹp vậy nhưng Nepal lại có những vùng khí hậu khá đặc biệt. Tòan bộ Nepal chia thành 3 dải khí hậu đều nhau.
Vùng đồng bằng hẹp chỉ rộng chừng 20-30 km chạy dọc theo biên giới Ấn Độ, khí hậu khá đặc trưng của miền nhiệt đới, ẩm ướt, rừng rậm rịt, chỉ có độ cao chừng hơn 200m. Ở đây có 2 địa danh khá nổi tiếng, một địa danh mà người Nepal rất tự hào là nơi sinh ra của Đức Phật – Lumbini, nằm cách biên giới Ấn Độ chừng 20km, điểm còn lại là một khu bảo tồn thiên nhiên của đất nước này – rừng quốc gia Chitwan – nơi bạn có thể cưỡi voi xem tê giác.
Đi lên phía bắc của dải đồng bằng nhỏ hẹp này chỉ chừng vài ba chục cây số là những dãy núi thấp cao chỉ hơn 2000 mét, xen lẫn là những tiểu cao nguyên và thung lũng nhỏ. Nơi đây có hai điểm du lịch và cũng là hai thành phố quan trọng của Nepal. Đó là thung lũng Kathmandu và phía tây của thung lũng này, cách chừng 200 km là một thànhphố nhỏ xinh xắn – Pokhara. Kathmandu hấp dẫn bởi những quần thể kiến trúc cổ nổi tiếng chạm khắc tinh xảo còn Pokhara thì là một thành phố nhỏ nằm sát cạnh dãy núi tuyết – điểm đến của dân chơi outdoor.
Nếu bước chân ngay tới dải đồng bằng và khu vực “trung du” này, du khách chắc chả bao giờ nghĩ là mình đang ở nóc nhà thế giới. Bởi nó chả khác gì những vùng đồi núi trập trùng nhấp nhô mà bạn có thể thấy ở những nước như Việt Nam ta. Thế mà chỉ dịch lên phía bắc thêm mươi cây nữa, là những dãy núi tuyết khổng lồ cao tới trên 5000m của dãy Hymalaya.
Nepal có những vùng leo núi và trekking mà dân leo núi thường thích, đó là các khu vực công viên quốc gia Sagarmantha – nơi có đỉnh Everest trứ danh nằm cách Kathmandu chừng 150 km về phía Đông Bắc, khu công viên quốc gia Langtang nằm Bắc Kathmandu 50 km và công viên Anapurna nằm ở phía Tây chừng 200km.
Nepal nằm kẹp giữa hai đất nước khổng lồ cả về dân số, lãnh thổ lẫn văn hóa, phía Bắc là Trung Quốc và phía Nam là Ấn Độ. Tuy thế, hầu hết ảnh hưởng văn hóa, lối sống và kinh tế đều từ Ấn Độ đến. Phần vì cách cả dãy núi Hymalaya cao ngất và cao nguyên Tây Tạng rộng lớn, phần vì chủng tộc và huyết thống Nepal gần gũi với người Ấn hơn. Thế nhưng sự đa dạng về địa hình và khí hậu của đất nước này khiến du khách không thể không kinh ngạc.
Toàn bộ hành trình vòng quanh những điểm du lịch đặc sắc của Nepal thung lũng Kathmandu - thung lũng kiến trúc, Pokhara - cao nguyên với những núi tuyết, Lum bi ni - đất Phật và Chitwan – rừng nhiệt đới cũng chỉ ngót nghét 1.500 km. Do vậy, phương tiện mà chúng tôi nghĩ ngay từ khi lập lịch trình đi Nepal sẽ lại là xe máy.
Nepal có những điểm nhấn chính sau:
Thung lũng Kathmandu với các thành phố cổ - kiến trúc tinh xảo như ở Kathmandu, Bhaktapur và Patan.
Pokhara, nằm chân dãy núi tuyết – là trung tâm du lịch outdoor như trekking (dân Tây đi trek ở đây còn nhiều hơn mạn núi Everest).
Lumbini, nơi sinh của Đức Phật
Chitwan, khu bảo tồn thiên nhiên ở dẻo đồng bằng hẹp phía Nam
Ngoài ra, còn một hành trình khét tiếng nữa là trekking các dãy núi tuyết mà đặc biệt là Everest, tuy thế, đó sẽ là một hành trình khác chứ không phải là đích đến của chúng tôi trong chuyến đi này.
Nepal có cánh đồng hoa cải
Cảnh giống Gia lâm quê ta
Nhưng mà là dưới chân Hymalaya
Nơi tàu lá chuối phất phơ bên núi tuyết
Lại có nắng và gió miền nhiệt đới
Những con thác bí hiểm
Và những con người thần bí
Tabalo

Không có nhận xét nào: