Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada

TTO - Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free là nơi duy nhất mà người dân giữa hai quốc gia có thể bước sang lãnh thổ của nhau một cách hợp pháp mà không gặp bất cứ rào cản nào. Lý do vì công trình này nằm giữa biên giới Canada và Mỹ.

Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free có hai địa chỉ khác nhau. 
Nếu bạn hỏi một người Mỹ, câu trả lời sẽ là "Số 93, đường Caswell, Derby Line, Vermont". Nếu hỏi một người Canada, bạn sẽ được trả lời rằng nó nằm ở "Số 1, đường Church, Stanstead, Quebec". 
Thế nhưng, cả hai địa chỉ đều chính xác và sẽ đưa bạn đến cùng một tòa nhà.
Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada - Ảnh 1.
Ảnh: Nekonomist/Flickr
Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free nằm ở biên giới Mỹ - Canada. Một nửa tòa nhà nằm ở phía thị trấn Derby Line của Mỹ, còn nửa kia ở thị trấn Stanstead của Canada.
Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free được vợ chồng Mỹ - Canada là Carlos Haskell và Martha Stewart Haskell xây bằng bằng đá theo phong cách Queen Anne Revival từ năm 1904. Đây là món quà mà cặp vợ chồng này tặng cho người dân hai nước.
Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada - Ảnh 2.
Ảnh: Jimmy Emerson/Flickr
Ngôi nhà được cố ý xây dựng giữa biên giới để cả người Canada và người Mỹ đều có quyền bình đẳng khi vào đây.
Tuy nhiên, tòa nhà chỉ có một lối vào nằm bên phía lãnh thổ Mỹ. Một lối ra khẩn cấp được mở ở phía bên Canada. Người dân hai nước đều có thể đi vào bằng lối cửa này nhưng phải đảm bảo rằng khi ra ngoài họ trở về phía bên nước mình ngay mà không tiếp tục đi sâu sang phía bên kia.
Tuy là biên giới, nhưng xung quanh khu vực này không có những hàng rào dây thép hay bức tường nào.
Bên trong thư viện, trên sàn nhà được vẽ một đường sơn màu đen. Đường sơn này chạy thẳng trong nhà chia cắt các đồ vật.
Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada - Ảnh 3.
Ảnh: wikipedia
Ở phòng đọc sách dành cho trẻ em, đường đen chia cắt nơi để sách ở bên lãnh thổ Mỹ, phần phòng đọc ở bên Canada hay như các ghế ngồi trong nhà hát ở phía Mỹ còn phần sân khấu lại nằm bên Canada.
Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada - Ảnh 4.
Ảnh: Getty
Vì vậy, đôi khi người dân hai nước gọi một cách hài hước rằng "phòng đọc duy nhất ở Canada không có sách" hay "nhà hát duy nhất của Mỹ không có sân khấu".
Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada - Ảnh 5.
Ảnh: Globe and Mail
Nhiều thập kỷ trôi qua, thư viện trở thành một địa điểm mà người dân từ cả hai nước gặp gỡ, nói chuyện. Đó có thể là nơi duy nhất mà các thành viên gia đình chia cắt bởi biên giới Canada-Mỹ có thể gặp nhau mà không cần phải thông qua các thủ tục hải quan phức tạp.
Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free cũng trở thành một địa điểm du lịch được nhiều người ghé thăm. Phần lớn là để chụp ảnh lưu niệm.
Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada - Ảnh 6.
Ảnh: TripAdvisor
Bên ngoài luôn có một đội an ninh đứng canh gác 24 giờ một ngày.
Do tính chất đặc biệt của nó mà nơi này cũng bị những kẻ buôn lậu lợi dụng để thực hiện hành vi của mình. Vào năm 2011, một người đàn ông Canada đã bị bắt vì cố tuồn một ba lô đầy súng sang Mỹ trong nhà vệ sinh của thư viện.
Sau cuộc tấn công ngày 11-9, an ninh trên biên giới được cả hai nước thắt chặt.
Con đường phía trước tòa nhà trước đó mọi người đi qua dễ dàng thì nay bị đóng cửa.Du khách đến thăm thư viện cũng được kiểm tra kỹ càng hơn.
Thư viện và nhà hát kịch nằm giữa Mỹ và Canada - Ảnh 7.
Dọc theo biên giới này, người dân hai nước cũng "dùng chung" nhiều dịch vụ khác như bưu điện, dịch vụ y tế, dịch vụ cấp thoát nước.
Một bưu điện nằm trên đại lộ Canusa phục vụ cả hai quốc gia. Bưu điện có một người quản lý, nhưng có hai cửa ra vào và hai quầy bưu điện, mỗi nhân viên phục vụ khách hàng từ một quốc gia khác nhau.
Người dân Derby Line và Stanstead đều có cùng hệ thống nước. Nước uống được bơm từ giếng khoan ở Canada, chứa trong hồ chứa ở Mỹ và phân phối qua hệ thống được duy trì bởi người Canada.
MINH HẢI (Theo Amuzing Plannet)


Không có nhận xét nào: