Những cái tên như bánh mì hamburger, khoai tây chiên, bánh táo nướng hay sốt cà chua... chắc hẳn sẽ khiến bạn liên tưởng đến nước Mỹ đúng không? Vậy thì có lẽ bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rõ sự thật bất ngờ dưới đây!
Bánh hamburger đến từ Hamburg, Đức.
Theo kênh History Channel, Hamburgers có thể được biết đến như là một món ăn phổ biến của Mỹ ngày nay, nhưng câu chuyện về nguồn gốc của chúng bắt đầu từ sự phát triển gia súc ở Hamburg, Đức vào thế kỷ 12. Ở đó, các thịt viên được gọi là frikadellen hay buletten.
Trong thế kỷ 19, tình trạng bất ổn chính trị đã khiến nhiều người Đức di cư sang Mỹ, sau đó họ mở các quán bia và phục vụ thịt bò nướng cắt khúc “Hamburg”. Dần dần, món ăn trở nên phổ biến và người Mỹ đã kết hợp những viên thịt để ăn cùng bánh mì. Thế là chiếc bánh mì hamburger, món fastfood này ra đời để rồi mỗi khi nhắc đến, ai cũng đinh ninh là món ăn này thuộc về ẩm thực Mỹ.
Khoai tây chiên không phải từ Mỹ: chúng đến từ Bỉ và Pháp.
Nguồn gốc thực sự của khoai tây chiên vẫn là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi, nhưng chắc chắn một điều, chúng không đến từ Mỹ như chúng ta hay nghĩ.
Các nhà sử học thực phẩm cho rằng: khoai tây chiên được tìm thấy tại các quầy bánh đường phố của Pháp vào đầu những năm 1780, được gọi là “pommes frites”. Trong một dịp tình cờ, Thomas Jefferson, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, đã có dịp thưởng thức và thích chúng đến nỗi chọn món khoai tây chiên để đãi khách trong suốt nhiệm kỳ của mình. Dần dần, món ăn này nổi tiếng khắp cả nước và trở nên phổ biến như một loại snack ăn vặt tại Mỹ cho đến tận ngày nay.
Công thức ban đầu cho sốt cà chua được chế biến ở Trung Quốc.
Theo National Geographic, dù cho món sốt cà chua Ketchup là một đại diện tiêu biểu cho ẩm thực Mỹ nhưng nguồn gốc của nó lại bắt nguồn từ ý tưởng về một loại thực phẩm lên men xuất phát từ vùng Hokkien ở Trung Quốc gọi là “kê-tsiap”
Bánh táo có nguồn gốc ở Anh.
“As American as apple pie”, một câu thành ngữ quen thuộc ví von như món bánh táo là một thành phần của văn hoá Mỹ. Nhưng sự thật lại không phải thế, công thức cho món bánh này được tìm thấy trong những cuốn sách nấu ăn của người Hy Lạp cổ đại. Lúc đó, bánh táo được biết với cái tên “pyes” với vỏ gọi là “coffyns”, và thường phần nhân là thịt.
Còn theo tờ The Culture Trip, chiếc bánh táo hiện đại được với lớp vỏ đan khéo léo được tạo ra bởi những người làm bánh Hà Lan trong thế kỷ 15. Một số chứng cứ khác lại cho rằng, món bánh hoa quả nướng được phát minh đầu tiên ở Anh trong thế kỷ 16, thời nữ hoàng Elizabethan. Dù nguồn gốc của món bánh táo nướng vẫn là một bí mật nhưng thật sự, chúng không có nguồn gốc “thuần Mỹ” như chúng ta vẫn biết.
Macaroni xuất phát từ một cuốn sách nấu nướng thời Trung cổ ở Ý.
Ai cũng cho rằng, chính Tổng thống Thomas Jefferson là người đã sáng tạo ra món mì ống phô mai macaroni bởi vì ông là người đặt tên cho nó. Nhưng sự thật là macaroni xuất phát từ từ tiếng Ý “maccheroni”, vào thời đó là một thuật ngữ chung cho mì ống. Sau một lần ghé thăm châu Âu, có dịp thưởng thức món ăn này, ông homas Jefferson vô cùng yêu thích và đã mang hương vị này về Mỹ.
Bên cạnh đó, công thức đầu tiên nhất cho món mì ống nướng với nước sốt phô mai đã được tìm thấy trong cuốn sách giáo khoa thế kỷ 14 “Liber de Coquina”, được cho là đã viết bởi một tác giả người Ý. Những minh chứng như vậy có đủ để chứng tỏ món macaroni mà chúng ta hay dùng không phải mang cùng “dòng máu” người Mỹ chưa?
Người phát minh bơ đậu phộng là mang quốc tịch Canada.
Một câu chuyện phổ biến mà người Mỹ hay truyền tai nhau chính là việc George Washington Carver đã phát minh ra bơ đậu phộng. Tuy nhiên món ăn này đã được cấp bằng sáng chế cho Marcellus Gilmore Edson, một người Canada chính gốc vào năm 1884.
Sau đó 11 năm, phương pháp sản xuất bơ đậu phộng với hương vị béo và ngậy hơn được cải tiến bởi tiến sĩ người Mỹ, John Harvey Kellogg. Ở Mỹ, bơ đậu phộng được ưa chuộng đến mức bất kì nhà gia đình nào cũng đều có một lọ để ăn kèm với sandwich cho những bữa sáng vội vã.
Tiểu Huyên Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét