Nếu ai đó xác định đây là một chuyến du lịch theo kiểu tham quan bình thường, hẳn sẽ như một chị bán vải chợ Bến Thành nói "Hành, hành…, một trăm thứ hành mới đến một chữ hương!".
Nhưng nếu bạn coi cuộc đời là sự nếm trải các cảm xúc, Ấn Độ thực sự là nơi bạn nên đến, mở hết ngũ quan thu nhận tất cả ái, ố, hỷ, nộ để làm giàu có chính con người bạn.
Tượng Phật nhập niết bàn ở Kusinagar. Ảnh: Việt Văn
. |
Thiền định ở “Tứ động tâm”
Các nhà sư và các Phật tử chỉ mơ một lần trong đời được đến 4 thánh tích của Phật giáo, còn gọi là “Tứ động tâm”: Lâm Tỳ ni (Lumbini) - nơi Phật đản sinh, Bồ Đề đạo tràng (Bodh Gaya) - nơi Phật thành đạo, Ba la nại (Varanasi) - nơi Phật chuyển Pháp luân (Phật giảng bài kinh đầu tiên) và Kusinagar - nơi Phật nhập Niết bàn.
Chúng tôi càng may mắn hơn khi có trưởng đoàn - Thượng tọa Thích Nhật Từ - một tiến sĩ học ở Ấn Độ và hằng năm 2 lần dẫn đoàn đi Ấn để thuyết pháp. Sự uyên bác trong vốn kiến văn giàu có, lối diễn đạt duyên dáng và cả sự nhạy bén, linh hoạt trong mối quan hệ Đạo - Đời của Thượng tọa là đáng khâm phục.
Tôi đã chứng kiến một Phật tử người Ấn Độ khóc nức nở bên tháp xá lợi Phật, đôi vai to bè của anh rung lên và người bạn đồng hành chỉ lặng im vỗ nhẹ an ủi vào lưng anh. Điều gì khiến anh khóc khi mà Phật đã mất cách đây cả ngàn năm?
Điều gì khiến một nhà sư Myanmar đứng hàng giờ liền trước tháp Đại giác ngộ ở Bồ Đề đạo tràng, chắp tay thành kính như một pho tượng mặc cho người qua lại. Và đây, trong âm hưởng của tiếng trống, tiếng kèn của những kinh kệ rì rầm tạo thành một âm thanh u u như mời gọi mọi người về đây để hòa trong không khí của tình thương, ni sư bé nhỏ Tây Tạn) với gương mặt thánh thiện dâng hoa quả cúng Phật mà như múa một vũ điệu tâm linh.
Những người đàn ông, đàn bà phương Tây vẻ mặt bình thản, lặng lẽ ngồi thiền từ 5h… Niềm tin tôn giáo quả là mãnh liệt.
Và tôi bị chìm đắm vào không khí của thiền định
Một xác chết được nhúng xuống nước trước khi được tưới dầu hỏa thiêu. Ảnh: Việt Văn.
|
Ở Việt Nam hay có chuyện kêu ca lễ bái vào lưng, vào mông nhau, nhưng ở Bồ Đề đạo tràng, việc lễ như thế là bình thường. Bởi ở đây, sự tập trung về tinh thần (nhất tâm) của mỗi cá nhân là quan trọng nhất. Vì thế họ không bị xao lãng bởi xung quanh - những cá nhân cùng đảnh lễ trước Phật tổ.
Đông nghẹt mà không ngột ngạt, khó thở mà ngược lại, năng lượng ở đây thật tràn trề. Dường như trong thế giới rất chật này luôn có chỗ cho mỗi con người.
Tôi không phải là một Phật tử mà chỉ là một người thích tìm hiểu đạo Phật, và nói như một nhà tu hành là có duyên với Phật pháp, mà nhìn những thánh tích Phật giáo chỉ còn là phế tích mà thấy bùi ngùi. Cây Bồ Đề biểu tượng cho Đức Phật do đệ tử Ananda trồng để các đệ tử nhớ Ngài mỗi khi Phật đi xa giảng pháp, với những trụ bêtông đỡ ở dưới để giữ cho cây chống chọi với thời gian.
Nền nhà của trưởng giả Cấp Cô Độc trơ trọi, hang đá nơi Ca Diếp - đệ tử của Đức Phật - ở lạnh lẽo, Kusinagar - nơi Phật nhập diệt với pho tượng Phật nằm lặng lẽ - tất cả chỉ còn là vỏ vật chất nhưng lại ẩn chứa một tinh thần mà ai đến mới có thể cảm nhận bằng tâm.
Sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh và các tôn giáo khác đã khiến cho đạo Phật ở ngay nơi Ngài sinh ra cũng không thể giữ mãi sự thịnh trị như lúc ban đầu.
Đến thăm Tứ động tâm càng nhận rõ Đức Phật không phải là huyền thoại của trí tưởng tượng, mà Ngài cũng là một con người thường với ý chí phi phàm và bao công phu nỗ lực tinh tấn để trở thành bậc thầy tâm linh.
Dấu chân của Ngài khi sinh ra còn đây, sự khổ hạnh trong thời kỳ đầu tu theo hướng sai lầm cùng các đạo sĩ Bà la môn giáo còn để lại dấu vết trong hang.
Tôi thấm thía lời Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích về chiến lược hoằng pháp của Đức Phật tại ngôi chùa Trúc Lâm - ngôi chùa mà một vị vua đã tặng cho Đức Phật để Ngài dùng làm nơi tu tập. Đức Phật đã không giữ lời hứa khi không trở lại độ ngay cho nhà vua khi Ngài giác ngộ mà độ cho 5 anh em Kiều Trần Như trước… rồi sau mới trở lại độ cho nhà vua. Bởi Ngài luôn quán chiếu để chọn đúng người độ, để công cuộc hoằng pháp được mỹ mãn.
Như thế, sống trọn vẹn trong “sát na” hiện tại không có nghĩa là bỏ qua tương lai, mà vẫn phải luôn tính toán sắp xếp cho tương lai, miễn là đừng có lo lắng cho tương lai.
Chùa Khỉ ở thành Tỳ xá li (Vaishali) nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới, nơi Đức Phật thành lập ni đoàn, cho 500 ni cùng lúc xuất gia. Ngày nay, cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới còn diễn ra trên nhiều quốc gia trên thế giới thì ngày xưa, Đức Phật đã chú ý tới vấn đề này - sự văn minh và tiến bộ rõ rệt của đạo Phật.
Hai mặt của đồng xu
Một đất nước có nhiều mâu thuẫn, văn minh, lạc hậu, sang trọng, bình dân… cùng hòa hợp, cùng chung sống. Nhưng đó mới là cuộc đời.
Quê hương của Đức Phật, nơi có trường đại học đầu tiên trên thế giới Na lan đà ở Rajgir, nhưng trước cửa các thánh tích là hàng chục người ăn xin, teo cơ, túc trực; là hàng chục đứa trẻ mắt sáng như sao mà thất học, cùng chìa hàng chục cánh tay ra chen nhau chỉ để tranh 100 rubee (bằng 34.000 VND); chưa kể những kẻ chăn dắt trẻ em thu hồi lại những đồng rubee hiếm hoi đó để phân chia lại một lần nữa.
Ấn Độ có nhiều cái chẳng giống ai. Bảo tàng, thánh tích nhiều khi cấm quay phim nhưng lại cho chụp ảnh (mà máy ảnh giờ đa phần có chức năng quay phim). Có nơi lại cho máy quay nhưng phải bỏ tiền ra và cấm mang chân máy vào. Khách sạn 5 sao mà nhân viên tỉnh bơ lừa tiền taxi ra sân bay của khách như hét giá tối trước là 2.400 rupee, hôm sau đã thản nhiên tăng giá lên 4.300 rupee, đến khi khách phản ứng lại thì OK ngay giá cũ. Đây cũng là nơi có tình trạng Wi-Fi kinh hoàng với tốc độ rùa bò và liên tục rớt mạng. Còn khách sạn nào có Wi-Fi miễn phí thì khách đừng có mơ, 21h mới có mà chỉ được một lúc lại ngắt. Nơi đây có việc tăng giá đồ uống tùy tiện. Giá chai nước tăng từ 50 rupee, tối sau là 70 và tối kế tiếp là 80 rupee, chỉ vì thấy khách gọi nhiều là khách sạn tự động tăng giá.
Ấn Độ có nhiều ăn xin, nhưng không ai móc túi lấy ví và điện thoại di động của khách, thế nên chen qua cả ngàn người ở lễ cầu an sông Hằng mà có thấy ai kêu mất gì đâu.
Xe máy Ấn bóp còi inh ỏi đinh tai nhức óc quá Việt Nam. Giao thông Ấn đi ẩu tả còn khiếp hơn Việt Nam, rác thải phố xá, mùi xú uế kinh hơn Việt Nam… Xe buýt Ấn giờ không được che rèm cửa, sau mấy vụ hiếp dâm du khách nước ngoài. Xe máy lạnh nhưng tài xế không được hưởng, phải chịu nóng vì tài xế không thể ngủ quên. Ở Ấn, hút thuốc và uống rượu là dành cho lớp cùng đinh xã hội. Nếu chiếu theo tiêu chí đó mà xét ở VN thì nhiều “cùng đinh” quá!
Một thứ mà nhiều người không hiểu hay nhăn mặt là dân Ấn hay ăn bốc. Thế kỷ này mà mất vệ sinh thế sao? Thượng tọa Thích Nhật Từ lý giải chân xác: Đó là văn hóa, không hề mất vệ sinh. Trước khi ăn, người Ấn đều rửa tay rất kỹ và ăn bằng tay phải. Thực ra ăn bốc ngon hơn ăn đũa. Hồi bé chúng ta ăn vụng không ăn bốc sao? Ăn bốc kích thích vị giác, sự tiếp xúc trực tiếp giữa tay và miệng, chưa kể vừa ăn vừa mút ngón tay - rất thú vị. Nhiều món Ấn lại hay làm hình tròn, để dễ vo viên ăn bốc.
New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới khi nhìn đống rác chất cao như núi, quạ đen bay rợp trời, thậm chí bu đầy cả những trạm điện cao thế. Nhưng New Delhi cũng là nơi có những thánh tích, di tích kỳ vĩ như đền Ấn giáo Swaminarayan Akshardham lớn nhất thế giới. Ngôi đền được xây dựng trong vòng 5 năm với 11.000 người, 300 triệu giờ lao động với những mái vòm cao vời vợi, với những voi, tượng làm bằng đá tinh xảo và sống động đến không thể tưởng tượng nổi, với đường nét kiến trúc đẹp, công phu… Hay ở Agra có ngôi đền Taj Mahal - một trong “10 điểm nên đến trước khi chết”, một tượng đài của tình yêu bất tử theo thời gian, một công trình kiến trúc muôn đời.
Vì thế nói Ấn Độ có nhiều thành phố ô nhiễm, bẩn nhất thế giới cũng đúng mà nói Ấn Độ là nơi thú vị nhất, giàu màu sắc văn hóa, phong tục nhất thế giới cũng chẳng sai. Như hai mặt của đồng xu vậy.
Hỏa thiêu và lễ hội
Con sông Hằng huyền thoại, nhiều nhà khoa học kêu là ô nhiễm nhất thế giới, nhưng với những người Ấn Độ giáo thì đó là con sông linh thiêng nhất. Đến các chính trị gia muốn lên cao bắt buộc phải một lần đến tắm nước sông Hằng.
Bình minh sông Hằng là nơi để cầu nguyện, để tắm mát, để lấy nước thiêng về nhà… Chiều đến là nơi tụ tập cầu nguyện, các đôi yêu nhau thề thốt, là rước dâu trong đám cưới, là nơi để hỏa thiêu người chết với ý nghĩa là để giải thoát, trước khi sang buổi tối là lễ cầu an với những màn múa lửa ngoạn mục.
Chúng tôi đã chứng kiến cảnh hỏa thiêu để quán vô thường. Thường người chết chỉ mấy giờ sau là đem chôn, nên mùi tử khí không quá nồng nặc.
Khá đông người tụ tập quanh các giàn hỏa thiêu, thường có 5 giàn, đám được thiêu ở vị trí cao nhất là giàu nhất và có địa vị nhất. Họ tưới dầu lên thi thể đã được quấn kín lụa và đốt… Tuyệt nhiên không một tiếng khóc hay một lời kêu than. Những con trâu, bò loanh quanh đợi lửa tắt, nguội để xem còn nhặt được miếng xương của hài cốt còn lại nào để ăn không. Sau đó, tro sẽ được rải xuống sông… Và có những người cũng loanh quanh bờ sông để ngụp lặn vớt xem có mót được tý vàng nào từ đồ trang sức hay bộ răng của người chết sau khi hỏa thiêu còn sót lại không.
Thường người Ấn không cho chụp ảnh khi hỏa thiêu vì họ sợ linh hồn người chết không thoát được. Có những đối tượng không được hỏa thiêu: Đứa trẻ bị rắn cắn, bà mẹ mang thai, đạo sĩ, người chết đuối… vì lý do không thể giải thoát, và khi chết là thả trôi sông.
Tôi đã trải qua nhiều cảm xúc trái ngược nhau: Từ cảm giác khó nói thành lời khi chứng kiến cảnh hỏa thiêu trên sông Hằng, từ sự thành kính đến vô bờ của những người đàn ông có, đàn bà có chắp tay về phía mặt trời ngụp lặn trong nước sông Hằng. Từ sự hoang dại, cuồng nhiệt và pha chút huyền bí của những người múa lửa, từ nhiệt huyết của những dòng người ken nhau trên bến dưới thuyền chứng kiến lễ cầu an… Từ hình ảnh những người vô gia cư nằm dài trên mặt đất bên cạnh những con bò phủ phục - sự tương phản với ánh sáng, âm thanh náo nhiệt của lễ hội ngay bên cạnh, cách đó vài trăm mét.
Osho - nhà hiền triết Ấn Độ - đã từng nói: Hãy làm sao để ngày nào cũng là ngày lễ hội, thay vì một năm chỉ có vài ba ngày hội thì những ngày còn lại là đau khổ, tăm tối sao.
Vậy thì sông Hằng huyền thoại đây, ngày nào chả có lễ hội trên bờ sông, ngày nào mà hàng trăm người không phân biệt giàu, nghèo, giai tầng xã hội cùng chen vai thích cánh nhau xem hội. Có lẽ chính cái cảm giác chờ đợi hội hè buổi tối đã làm cho nhiều người nghèo lấy đó làm động lực để sống, để vượt qua những cơm áo gạo tiền thường nhật.
Rupak Kumar Sigh - hướng dẫn viên du lịch - có nói: Một hành trình bao giờ cũng có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, dù là hành trình du lịch, hành hương hay hành trình của đời người. Anh luôn biết ơn Đức Phật vì nhờ có Ngài mà hằng năm, anh dẫn 10-15 đoàn khách đi chiêm bái các thánh tích Phật, có cơ hội trình bày các tư tưởng minh triết của Ngài - bậc thầy tâm linh của thế giới.
Theo Việt Văn / Báo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét