(iHay) Trên mọi nẻo đường ở đất nước Myanmar, có hai dạng hàng quán du khách luôn tìm thấy được dễ dàng. Một là quán trầu hai là quán trà.
Tất nhiên, đây là loại trà được uống mỗi ngày để giải khát, như cách mà ở Việt Nam chúng ta thường nói về quán cà phê theo một nghĩa bình dân nhất. Cũng có thể hiểu, nếu người Việt chúng ta nói “cà phê đi”, khi muốn kiếm chỗ ngồi nghỉ chân uống nước, gặp mặt, trò chuyện… thì người Myanmar nói “Trà đi”.
Không như cách thưởng thức trà, nâng tầm trà thành một loại nghệ thuật có nghi thức như trà đạo của Nhật, hay thưởng thức trà cung đình kiểu Trung Hoa, uống trà ở Myanmar đơn giản là đến một quán nước công cộng và ở đó phục vụ chủ yếu là nước trà. Nói đúng hơn, trà là món thức uống phổ biến, thân thuộc và được yêu thích nhất ở xứ sở Phật giáo nguyên thủy này. Mọi người mọi lứa tuổi đều uống trà, uống bất kể giờ nào trong ngày, nên trà thường được phục vụ miễn phí tại các quán ăn, bàn chờ tiếp khách. Trà còn là thức uống chính trong các dịp hội hè, nghi lễ tôn giáo… Điều này cũng lí giải phần nào cho chuyện đồ uống có cồn được tiêu thụ rất ít ở đây. Trung bình một năm, người Myanmar uống chỉ vào khoảng 10 chai bia. Còn cà phê ở đây đồng nghĩa là những túi cà phê hòa tan, trong khi trà thì có rất nhiều loại và cách thưởng thức khác nhau.
Trà ngọt là trà sữa
Một quán trà bình dân luôn là nơi tụ tập yêu thích của số đông người dân Myanmar, nhưng chủ yếu là đàn ông. Họ thường có kiểu ngồi túm tụm quanh những chiếc bàn nhỏ, thường là đọc báo, bàn chuyện hằng ngày và nhìn người qua kẻ lại. Mặc dù cũng là vùng nhiệt đới, nhưng người dân ở đây lại ít khi dùng đồ uống có đá, nên trà cũng thường là trà nóng. Quán bar, beer club, pub...là hàng hiếm ở Myanmar, chủ yếu mở ra là để phục vụ khách du lịch. Vì vậy, nếu muốn hòa nhập vào địa phương là phải đến quán trà, mới hiểu được sinh hoạt bản xứ.
Nếu trong vai du khách, nhìn vào menu để gọi món nước thì chắc chắn bạn sẽ được phục vụ loại trà ngọt, tức là nước trà (trà nấu từ lá trà khô) pha với sữa đặc có đường (còn những loại trà thông thường thì đã ở sẵn trên bàn). Có nhìn quanh, bạn cũng sẽ không thấy ai uống loại nào khác ngoài trà ngọt, vì sự thật cũng chỉ có một loại trà được pha đậm, hoặc nhạt mang hương vị riêng của mỗi quán. Thực khách nếu có các yêu cầu gì cho tách trà của mình thì chỉ là ngọt hay ngọt hơn mà thôi!
Uống trà và ăn trà
Thói quen uống trà của người Myanmar có thể lý giải là một phần bị ảnh hưởng từ thời thuộc địa Anh và được phổ biến qua những người gốc Ấn nhập cư, nhưng ăn trà lại là nét văn hóa ẩm thực bản địa mười mươi. Vì trà còn được dùng là một loại nguyên liệu chính để làm món trộn có tên là Lahpet thoke, nghĩa là “Salad trà tươi”.
Những lá trà chất lượng và còn nguyên vẹn sau thu hoạch sẽ được đem đi hấp. Sau đó, lá trà được đóng vào một thùng tre và ép chặt để thực hiện quá trình lên men. Người ta sẽ dùng những lá trà ngâm chín mùi này để trộn chung với các loại hạt, tỏi phi, tôm khô và rau củ…được gia giảm tùy theo sở thích người dùng. Món salad lúc này chủ yếu đậm đà ở độ giòn xốp, bùi nồng của các loại hạt, nhưng dậy mùi thơm và tạo phong vị riêng là ở những lá trà mềm mềm mằn mặn lúc này.
Những lá trà chất lượng và còn nguyên vẹn sau thu hoạch sẽ được đem đi hấp. Sau đó, lá trà được đóng vào một thùng tre và ép chặt để thực hiện quá trình lên men. Người ta sẽ dùng những lá trà ngâm chín mùi này để trộn chung với các loại hạt, tỏi phi, tôm khô và rau củ…được gia giảm tùy theo sở thích người dùng. Món salad lúc này chủ yếu đậm đà ở độ giòn xốp, bùi nồng của các loại hạt, nhưng dậy mùi thơm và tạo phong vị riêng là ở những lá trà mềm mềm mằn mặn lúc này.
Ở Myanmar, các món trộn salad, đồ ăn vặt dạng snack là những món ăn đường phố phổ biến, nhưng Salad trà tươi mang nhiều ý nghĩa hơn trong văn hóa ẩm thực của Myanmar. Theo các câu chuyện kể, món salad trà tươi thường được mang ra đãi như một món ăn hữu nghị, giải quyết tranh chấp từ thời Vua Chúa xa xưa. Nó còn mang tính dân chủ vì thực khách hoàn toàn chủ động lựa chọn phần nguyên liệu họ muốn ăn cùng với lá trà ngâm. Như vậy ai cũng dễ dàng tận hưởng cho đến miếng cuối cùng.
Kể ra, việc uống trà và ăn trà ở Myanmar cũng có phần thuần nhất. Dường như có rất ít sự can thiệp của kĩ xảo chế biến vào cách người dân ở đây dùng trà. Sự thô sơ, mộc mạc như thế cũng là một phần tính cách con người và cũng là một nét văn hóa ẩm thực riêng biệt đáng để trải nghiệm.
Bài và ảnh: Thiên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét