Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Những cung đường ngoạn mục trên bán đảo Eyre nước Úc

Rời khỏi thành phố Adelaide, xe chúng tôi tiến vào xa lộ Eyre – trục đường chính trên bán đảo Eyre thuộc bang Nam Úc (South Australia) của nước Úc. Bán đảo có chiều dài bờ biển hơn 2.000km này là điểm đến nhiều thách thức cho những tay lái xe đường dài, song cũng là món quà lớn cho dân mê chụp ảnh. Eyre còn khá hoang vu, dân cư thưa thớt nhưng phong cảnh đẹp đến khó tin và sở hữu nhiều tuyến điểm “độc nhất vô nhị”.
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-5
Thiên nhiên tiểu bang Nam Úc

Sân golf kỳ lạ nhất thế giới

Gần hết buổi sáng, qua những cánh đồng lúa mì bao la, qua làng Penong với những trại chăn nuôi có hàng ngàn con bò đen Angus và nai, cừu thả rong, chúng tôi đến Yalata, cánh cửa đi vào vùng đất của thổ dân Aboriginal. Từ đây trở đi chỉ còn những khu rừng khuynh diệp trải dài hút tầm mắt. Yalata nằm gần vịnh biển Head of Bight – một trong ít nơi hiếm hoi trên thế giới người ta có thể đứng trên bờ để quan sát cá voi. Tại đây, cá voi tạt vào sinh sản và nuôi con trong mùa thu, để hết đông thì xuống vùng biển lạnh Nam cực. Khi xuống tới bãi, chúng tôi đã có dịp thử tài chụp hình hai mẹ con cá voi đang nhấp nhô trong sóng, chỉ cách bờ chừng 200m. Lần đầu tiên trong đời mọi người được nghe tận tai, thấy tận mắt tiếng rít gió như còi và chùm hơi nước phụt lên mịt mù khi cá trồi lên thở.
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-1
Phong cảnh ngoạn mục hai bên xa lộ Eyre
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-8
Một thị trấn nhỏ giữa hoang mạc Eyre mênh mông
Vừa rời Yalata một lúc, cánh rừng khuynh diệp biến mất, dấu hiệu thiên nhiên cho biết xe đã đi vào trong Nullarbor Plain (Vùng đất phẳng không cây). Thực ra, toàn vùng nay là một phiến đá vôi lớn nhất thế giới, diện tích bằng hơn phân nửa Việt Nam. Tại đây chỉ có những bụi cây gai Spinifex còi cọc là còn ráng mọc được, xe cộ thưa vắng, các trạm đổ xăng cách nhau vài trăm cây số trong những thị trấn đìu hiu chỉ có khu cắm trại dành cho khách đường xa. Đặc biệt, Nullarbor Plain sở hữu sân golf lớn nhất thế giới. Phải mất khoảng bốn ngày để một tay chơi golf hoàn tất hành trình đánh golf vào đủ 18 lỗ trong sân Nullarbor Links, vì chiều dài của sân là 1.365km. Nullarbor Links nằm dọc theo xa lộ Eyre và vươn đến bờ biển phía nam nước Úc. Các lỗ golf được thiết kế ở 18 thị trấn và trạm xăng thuộc hai tiểu bang, bắt đầu từ Kalgoorlie ở bang Tây Úc (Western Australia) và kết thúc ở thị trấn Ceduna, bang Nam Úc (South Australia).
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-2
Bán đảo Eyre có nhiều vịnh biển nên thơ
Chơi ở không gian golf gồm 13 sân cỏ nhân tạo và năm sân cỏ tự nhiên này, du khách sẽ phải chỉnh đồng hồ cho phù hợp với hai múi giờ khác nhau. Lái xe, dừng ở trạm, đánh trái banh golf, rồi lại lên xe chạy khoảng 100km mới thấy lỗ golf kế tiếp. Tay chơi golf nào hoàn thành hành trình golf dài dằng dặc này sẽ được cấp giấy chứng nhận để làm bằng chứng về sức khỏe, sức bền và sự kiên trì của mình.
Mà đó thực là một hành trình thể thao nhớ đời vì trong thời gian tìm đến các trạm và thị trấn để đánh golf và nghỉ ngơi, các tay chơi golf còn có dịp ngắm những cảnh quan độc nhất vô nhị, từ tượng đá chuột túi lớn, rừng bạch đàn rộng hết tầm quan sát qua những quần thể san hô hóa thạch đến những đàn cá voi di trú tìm thức ăn ở vùng biển ấm áp.
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-9
Du khách bơi cùng cá voi ở Head of Bight
Các tay chơi golf cũng có cơ hội tìm hiểu cuộc sống quanh năm dầm mưa dãi nắng của những cattle drover, tức những tay chăn bò, cừu kiểu Úc, và bị choáng ngợp trước hình ảnh những đoàn road train (gồm những toa tàu của ngành đường sắt nhưng chạy trên đường tráng nhựa) vận chuyển đủ các loại quặng lấy lên từ những hầm mỏ khổng lồ lộ thiên.

Lái xe qua miền hoang dã

Không mất thời gian cho việc đánh golf, xe chúng tôi đến được cung đường mang tên “Next 96km” vào sáng hôm sau. Đoạn đường bắt đầu bằng tấm bảng cảnh báo độc đáo với logo ba con thú: lạc đà, kangaroo và con wombat, một loại thú có túi mập ú nửa giống gấu nửa giống heo. Lạc đà là do những công nhân làm đường người Afghanistan mang đến để chở vật liệu hồi đầu thế kỷ XX. Khi làm xong, công nhân bỏ lạc đà lại khiến chúng trở thành thú hoang hung dữ, hiện giờ có tới hơn nửa triệu con lang thang trong sa mạc. Ai bắn được và cắt đuôi làm bằng chứng thì sẽ được chính phủ trả tiền. Trong suốt vùng Nullarbor Plain, logo trên bảng cảnh báo thay đổi liên tục: ngoài ba con thú kể trên còn có đà điểu emu, nai, rồi bò, cừu, ngựa… Đi thêm nữa, qua khỏi vùng hoang mạc này thì có vịt trời, rắn, bọ cạp và cả chuột bandicoot.
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-7
Đọan đường dài 146,6km thẳng tắp như thước kẻ
Hết chặng “Next 96km”, xe băng qua ranh giới giữa hai tiểu bang Nam Úc và Tây Úc, được đánh dấu bằng trạm kiểm soát thực phẩm hoạt động hết sức gắt gao. Sau màn soát các túi hành lý trên xe, mọi thứ rau trái tươi của cả đoàn bị thu giữ hết để tiêu hủy. Qua biên giới này, hầu như xe nào cũng ghé vào làng Eucla ngay đó để châm cho đầy bình xăng rồi chạy thêm hơn 200km nữa tới khúc xa lộ nổi tiếng thế giới: đoạn đường dài 146,6km thẳng tắp như thước kẻ. Do nắng lóa, tài xế chạy xe trên đường này hay bị ảo giác, thấy đường chân trời dường như biến mất.
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-6
Đường mòn hoang dã
Cuối chặng xa lộ này là làng Balladonia. Cũng như nhiều trạm nghỉ chân khác trong vùng sa mạc, Balladonia có một cụm dân cư, bên cạnh đó là trạm xăng, nhà nghỉ, quầy hướng dẫn du lịch, nhà hàng. Trong vùng Nullarbor Plain hoang vu ngày trước có các quán trọ dọc đường – road house, dành cho những người lỡ đường ngủ qua đêm. Đến ngày nay xe hơi và đường sá đã cải tiến nhiều, những quán trọ này không còn lý do để tồn tại. Người nào gặp rủi ro không thể tới những trạm nghỉ chân cách nhau cả vài trăm cây số thì chỉ còn cách ngủ trong xe. Có những trường hợp xe hư dọc đường, quá giang xe khác tới trạm sửa xe, khi trạm cho xe tới trục về thì chủ xe lại phải bấm bụng mua thêm bốn bánh xe mới vì ai đó đã nhanh tay rinh đi mất!
Rời Balladonia, xe chúng tôi đi tiếp về hướng tây thêm 200km để tới Norseman, thị trấn đông đúc đầu tiên sau vùng Nullarbor Plain. Từ đây đổ lên mạn tây bắc có vùng mỏ vàng và nickel, xa hơn nữa sẽ đến vùng khai thác ngọc trai. Từ Norseman đi xuống là vùng tây nam Úc với bờ biển nhiều tôm cua, những khu rừng khuynh diệp đại thụ và những trang trại trồng nho cất rượu. Tại Norseman, gần ngàn cư dân sống nhờ mỏ vàng lớn thứ nhì tại Úc. Mỏ vàng này suốt ngày bụi mịt mù và ồn ào tiếng máy. Khách du lịch có thể mua vé vào một khu dành riêng để “tìm may mắn”.
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-4
Bãi biển đẹp gần cảng Esperance
DNP774-nhung-cung-duong-ngoan-muc-tren-ban-sao-Eyre-nuoc-Uc-3
Hồ nước màu hồng trên cung đường Esperance Great Ocean Drive
Giã từ Norseman xe rẽ xuống phía nam. Thay vì đi xa lộ, chúng tôi men theo con đường mòn khi xưa là đường liên tỉnh, hiện nay đã thành một di tích được bảo tồn. Gọi là giữ nguyên trạng, nhưng thực tế con đường bị bỏ hoang lâu ngày, quanh co gập ghềnh với những bảng chỉ đường mờ nhạt. Thế rồi con đường mòn cuối cùng cũng nhập vô đường xa lộ. Xe chạy đến bờ biển phía nam gặp cảng Esperance. Esperance có con đường nổi tiếng cho du khách ngắm cảnh dài 38km mang tên Esperance Great Ocean Drive. Khúc đầu đường dẫn qua gần chục bãi biển đẹp, mỗi nơi một vẻ, gió thổi ù ù mát rượi. Đi thăm hết những bãi này cũng mất gần hai tiếng. Qua đoạn dọc bãi biển, con đường chạy ngang qua hồ lớn mang tên Pink Lake. Đáy hồ có loại tảo xanh lục, khi gặp điều kiện thích hợp – nhiệt độ, độ mặn và ánh sáng trong mùa hè, chúng sinh ra beta-caroten nhuộm nước thành đỏ hồng…

Không có nhận xét nào: