Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới

Người cuối cùng của bộ tộc vô danh


TTO - Năm 2019 được Liên Hiệp Quốc gọi là 'Năm quốc tế các ngôn ngữ bản địa' nhằm bảo vệ ngôn ngữ và cuộc sống các bộ tộc. Cho đến nay vẫn còn hơn 100 bộ tộc sống biệt lập với thế giới loài người.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 1: Người cuối cùng của bộ tộc vô danh - Ảnh 1.
Túp lều của "người sống trong hố" - Ảnh: FUNAI
Sống một thân một mình và thường xuyên lẩn trốn vì sợ bị phát hiện, đó là cuộc sống thường nhật của người duy nhất còn sống sót của một bộ tộc đã diệt vong tại Brazil. Ông sống đâu đó trong khu bản địa Tanaru thuộc bang Rondônia.
Cuối tháng 7-2018, Quỹ Thổ dân quốc gia của Brazil (Fundação Nacional do Índio, viết tắt là FUNAI) đã tiết lộ hình ảnh chưa từng công bố về người đàn ông này. Ông ta không có tên, bộ tộc ông cũng không có tên và không ai biết ông nói thổ ngữ gì.
Các bộ tộc sống biệt lập không phải là di vật người nguyên thủy. Họ là người cùng thời với chúng ta và có nguy cơ gặp thảm họa nếu mất đi lãnh địa.
Ông STEPHEN CORRY (giám đốc Tổ chức Survival International) 
Người đàn ông cô độc nhất thế giới
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 1: Người cuối cùng của bộ tộc vô danh - Ảnh 3.
Người sống sót cuối cùng của một bộ tộc vô danh đã diệt vong tại Brazil - Ảnh: FUNAI
FUNAI đã ghi hình ông bảy năm về trước, nhưng giữ kín để bảo vệ ông. Đoạn băng video ngắn được quay lén từ xa một cách tình cờ. Hình ảnh cho thấy một người đàn ông đóng khố, tóc dài tới gối cầm rìu chặt cây trong rừng.
Altair Algayer, điều phối viên của FUNAI phụ trách tổ giám sát, nhận xét: "Ông ấy có sức khỏe và thể lực tốt".
Các nhà nhân loại học cho rằng ông khoảng 55-60 tuổi, sống cô độc trong rừng sâu 22 năm nay sau khi những kẻ lấn chiếm đất và lâm tặc thuê bọn giang hồ có súng ống tiêu diệt bộ tộc ông từ thập niên 1970.
Vụ tấn công cuối cùng vào cuối năm 1995 đã sát hại năm người còn lại của bộ tộc. Chỉ còn mình ông sống sót.
Tháng 6-1996, FUNAI hay biết sự việc nên tiến hành điều tra và tìm thấy căn chòi rơm bỏ hoang của ông. Từ đó FUNAI thành lập một tổ giám sát theo dõi từ xa một con người đồng thời thực hiện kế hoạch giám sát toàn khu vực để ngăn chặn bọn xấu làm hại ông.
Tổ giám sát nhiều lần tìm cách tiếp xúc với người đàn ông cô độc, nhưng rõ ràng ông ta không muốn giao tiếp. Năm 2005 ông từng bắn tên xuyên phổi một nhân viên FUNAI đến gần chòi. May mắn người này chỉ bị thương.
Tổ giám sát đã để hạt giống và các vật dụng cần thiết ở những địa điểm ông có thể tìm thấy để giúp đỡ ông từ xa.
Năm 2015, FUNAI khoanh vùng 3.000ha rừng dành riêng cho ông trong khu bản địa Tanaru giữa bốn bề là trang trại chăn nuôi và đồn điền. Nông dân trong vùng tỏ thái độ không bằng lòng. Tổ giám sát càng tăng cường công tác bảo vệ.
Năm 2009, bọn xấu đã từng nổ súng và ông may mắn thoát chết. Ông có vẻ tin tưởng tổ giám sát nên biết cách đánh dấu để họ tránh các hố bẫy thú của ông.
Ông có lẽ là người đàn ông cô độc nhất thế giới. Ông thường xuyên thay đổi chỗ ở. Các căn chòi dựng tạm bợ cho thấy ông biết trồng bắp, khoai mì, đu đủ, chuối, biết sử dụng bầu khô đựng nước và lấy nhựa cây làm đèn.
Ông thường săn heo rừng, chim chóc, khỉ bằng cung tên và bẫy thú bằng hố sâu khoảng 2m có cắm cọc nhọn. Chòi của ông cũng có đào hố bên trong. Các nhà nghiên cứu suy đoán hố đào trong nhà có thể là nơi cất giữ thú săn, chỗ trú ẩn hoặc liên quan đến tập tục tổ tiên nào đó của ông.
Do thiếu thông tin, FUNAI đã đặt biệt danh cho ông là "người sống trong hố" (índio do buraco).

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 1: Người cuối cùng của bộ tộc vô danh - Ảnh 4.
Thuyền độc mộc và căn chòi của bộ tộc Flecheiros - Ảnh: FUNAI
Bộ tộc "người dùng cung tên"
Điều khiến tổ giám sát ngạc nhiên là ý chí sống còn của người này. Điều phối viên Altair Algayer nhận xét: "Ngay cả khi đã mất tất cả, mất bộ tộc và tập tục truyền thống, người đàn ông này đã chứng tỏ dù một mình trong rừng vẫn có khả năng sống sót".
Fiona Watson, giám đốc nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Survival International, nhận xét: "Ông ấy là biểu tượng cuối cùng về khả năng thích ứng và chịu đựng. Nhưng chúng ta đang chứng kiến trực tiếp nạn diệt chủng.
Một khi ông ấy ra đi, bộ tộc của ông ấy sẽ biến mất mãi mãi cùng với lịch sử và kiến thức của bộ tộc".
Tương tự người đàn ông cô độc là một bộ tộc vô danh cư trú trong khu bản địa thung lũng Javari thuộc bang Acre (Brazil).
Cuối tháng 8-2018, FUNAI công bố băng video ghi hình từ máy bay không người lái cho thấy vài thổ dân đi lại trong khoảnh rừng thưa. Trong số đó có một người đàn ông cầm cây cung dài và nhiều mũi tên bằng tre.
Bộ tộc mới phát hiện chỉ còn 16 người. Các nhà dân tộc học không rõ tên bộ tộc là gì và họ nói thổ ngữ nào nên đặt tên là bộ tộc Flecheiros, nghĩa là "người dùng cung tên" vì họ sử dụng thành thạo cung tên.
Nhiều ý kiến e ngại hai băng video được FUNAI công bố trong vòng một tháng sẽ kích thích những kẻ phiêu lưu truy tìm các bộ tộc sống biệt lập.
Điều phối viên Altair Algayer giải thích FUNAI công bố hai băng video với hi vọng bảo vệ các khu bản địa về mặt pháp lý và đánh động dư luận về điều kiện sống bấp bênh của các bộ tộc sống biệt lập ở Brazil.
Ông Bruno Pereira, giám đốc Phòng Các bộ tộc sống biệt lập của FUNAI, giải thích: "Công chúng càng thông hiểu, cuộc tranh luận càng sôi nổi và càng có cơ hội bảo vệ các bộ tộc ấy.
Sống giáp giới vùng nông nghiệp và các hoạt động như khai thác mỏ và rừng trong rừng Amazon, họ có thể sẽ biến mất trước khi được biết đến".
10 bộ tộc biệt lập nhất
Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế Survival International (trụ sở chính ở Anh), trên thế giới có 370 triệu dân bản địa, trong đó có 150 triệu thổ dân cư trú tại hơn 60 quốc gia.
Cách đây 30 năm còn nhiều bộ tộc sống biệt lập ở khu vực Borneo, Thái Lan, Philippines, Úc nhưng dần dà họ đã giao tiếp với xã hội công nghiệp.
Hiện nay vẫn còn hơn 100 bộ tộc sống biệt lập, hầu hết cư trú ở Nam Mỹ, đặc biệt trong rừng Amazon tại Brazil (khoảng 60%).
Trong số này có 10 bộ tộc sống biệt lập hơn hết gồm bộ tộc Sentinel và bộ tộc Jarawa ở Ấn Độ, bộ tộc vô danh còn một người duy nhất và bộ tộc Korubo ở Brazil, bộ tộc Mashco-Piro ở Peru, các bộ tộc ở New Guinea, bộ tộc Pintupi Nine ở Úc, bộ tộc Ayoreo ở Bolivia, bộ tộc Carabayo ở Colombia và bộ tộc Wayampi ở Guyane.

Bộ tộc Sentinel và cái chết của nhà truyền giáo


TTO - Cái chết của John Allen Chau vì bị 'mưa tên' đã khiến cho dư luận thế giới đổ dồn chú ý vào một bộ tộc có tên Sentinel - bộ tộc này đã bắn tên giết chết John Allen Chau.

Bộ tộc Sentinel và cái chết của nhà truyền giáo - Ảnh 1.
Nhà truyền giáo John Chau - Ảnh: REX
Bộ tộc Sentinel là dân tộc hòa bình. Chúng ta là những người xâm lăng, những người cố xâm nhập lãnh thổ của họ. Chúng ta phải để cho họ yên.
Nhà nhân loại học Triloki Nath Pandit
Nhà truyền giáo Tin Lành John Allen Chau, 27 tuổi, người Mỹ, là người có đầu óc phiêu lưu. Ngày 17-11-2018, anh thuê các ngư dân chở đến đảo North Sentineltrên Ấn Độ Dương (quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ).
Vừa đặt chân lên đảo, anh đã bị các thổ dân bộ tộc Sentinel bao vây và bắn tên giết chết. Họ cột dây vào thi thể nạn nhân kéo vào rừng, sau đó mang thi thể ra phơi trên bãi biển.
Không thể thu hồi thi thể
John Chau có cha người gốc Hoa và mẹ người Mỹ, đã trải qua lớp huấn luyện truyền giáo của hội thánh Tin Lành All Nations. Anh đã từng đến quần đảo Andaman bốn lần. Vài ngày sau biến cố, mẹ của nạn nhân đến báo Washington Post trao nhật ký của con trai dài 13 trang.
Theo nhật ký, John Chau đã đến đảo North Sentinel ba lần. Lần đầu anh không thể tiếp xúc với thổ dân. Lần thứ hai anh mang theo quà gồm hai con cá lớn, cái đục, kim băng, một trái bóng và dùng ít câu thổ ngữ Xhosa học được để giao tiếp.
Các thổ dân và anh ngồi với nhau khoảng một tiếng. Khi anh đưa quà, một thổ dân trẻ tuổi bắn tên vào cuốn Kinh thánh anh cầm. John Chau sợ hãi quay về đất liền. Đến lần thứ ba, anh nói với các ngư dân anh sẽ ở lại đảo suốt đêm nên họ quay về để anh một mình.
Và rồi biến cố đã xảy ra. Trong thư để lại cho cha mẹ, John Chau giải thích anh kiên trì tiếp xúc với các thổ dân hung hãn nhằm giảng đạo cho họ.
Sau khi hay tin nhà truyền giáo John Chau bị sát hại, cảnh sát Ấn Độ đã mở cuộc điều tra và bắt giữ bảy ngư dân vì giúp đỡ John Chau lên đảo North Sentinel.
Cảnh sát cũng đã điều động một máy bay trực thăng và một tàu ra đảo North Sentinel với hi vọng xác định vị trí thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, tàu và máy bay trực thăng giữ khoảng cách với đảo và quan sát chứ không vào gần. Công tác khảo sát có thể sẽ mất nhiều ngày.
Tình hình hiện nay hết sức khó xử. Nếu lực lượng tìm kiếm lên đảo để tìm thi thể nạn nhân, tình trạng sống biệt lập của thổ dân Sentinel sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể gây hậu quả khôn lường.
Chính quyền Ấn Độ đã kêu gọi các nhà nhân chủng học cùng các chuyên gia về các bộ tộc và rừng tư vấn giải pháp tiếp theo. Quan điểm của Ấn Độ là thận trọng và bất cứ giá nào cũng không gây rối loạn đến thổ dân Sentinel và môi trường sống của họ.
Tổ chức phi chính phủ Survival International đã kêu gọi Ấn Độ đừng nên tìm cách thu hồi thi thể John Chau vì đội tìm kiếm có thể gặp phản ứng nguy hiểm từ phía thổ dân, còn các thổ dân cũng có nguy cơ nhiễm bệnh ngoại lai.
Mục sư Justin Graves nhận xét về John Chau: "Điều anh ấy làm không khôn ngoan. Bộ tộc ấy có thể nhiễm căn bệnh chết người và các ngư dân đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tôi tôn trọng John và nhiệt huyết của anh ấy nhưng đây không phải là tấm gương cần bắt chước mà là một bài học đắng cay".
Bộ tộc Sentinel và cái chết của nhà truyền giáo - Ảnh 3.
Thổ dân bộ tộc Sentinel trên đảo North Sentinel - Ảnh: National Geo
Bộ tộc biệt lập nhất thế giới
Lối sống và luật tục của thổ dân Sentinel hiện nay vẫn còn là điều bí ẩn vì không ai dám đến gần. Họ sống ẩn mình trên đảo North Sentinel rộng 72km2 từ 60.000 năm qua. Ước tính bộ tộc chỉ còn từ 50-200 người. Tổ chức Survival International đánh giá đây là bộ tộc biệt lập nhất thế giới.

Năm 1879, bộ tộc Sentinel tiếp xúc lần đầu với thực dân Anh. Trong thập niên 1970 và 1980, Chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần tổ chức khảo sát để tiếp xúc nhưng đều thất bại.
Chỉ duy nhất vào đầu năm 1991, đoàn khảo sát của nhà nhân loại học Ấn Độ Triloki Nath Pandit tiếp cận được thổ dân Sentinel sau 24 năm kiên trì để vật dụng nấu ăn, dừa trái, dao búa trên bãi biển. Song ông cũng chỉ có thể trao quà cho họ ở mép nước. Lúc ông định bước lên bãi, một thổ dân vung dao ra dấu ông sẽ bị chặt đầu.
Thổ dân Sentinel là bộ tộc săn bắt, hái lượm, không rõ nói thổ ngữ gì. Thế giới biết đến bộ tộc này nhờ một bức ảnh nổi tiếng. Sau trận sóng thần kinh hoàng trên Ấn Độ Dương vào tháng 12-2004, cảnh sát biển Ấn Độ đi máy bay trực thăng ra đảo North Sentinel để đánh giá hậu quả bão.
Lúc bấy giờ một thổ dân dưới đất đã bắn tên lên máy bay và cảnh sát đã ghi lại được hình ảnh này từ trực thăng. Ấn Độ đã cấm đến gần bộ tộc này trong phạm vi 5km.
Nhà dân tộc học Patrick Bernard người Pháp từng đến gần đảo North Sentinel ở phạm vi ngoài tầm bắn cung tên (tối đa 200m). Ông giải thích bộ tộc Sentinel nhận thức về thế giới bên ngoài khá hạn chế.
Trong quá khứ, các tàu ghé đảo North Sentinel thường là tàu của bọn xấu như hải tặc, dân buôn lậu. Chúng nhìn thấy thổ dân là bắn. Do đó, thổ dân nghĩ rằng những gì từ biển vào đất liền đều gây hại cho họ nên hễ nhìn thấy người là họ tấn công.
Tính hung hăng của họ xuất phát từ thực tế đó chứ không phải bản chất tự nhiên của bộ tộc săn bắt - hái lượm. Năm 2006, tàu của hai ngư dân Ấn Độ trôi dạt vào đảo và họ cũng đã bị giết chết. Các thổ dân đã móc thi thể vào cọc cắm trên bãi biển.
Ông Stephen Corry, giám đốc Tổ chức Survival International, lưu ý: "Bộ tộc Sentinel đã nhiều lần tỏ thái độ muốn sống biệt lập. Mong muốn của họ cần được tôn trọng. Trong thời kỳ chiếm đóng quần đảo Andaman, thực dân Anh đã giết chết hàng ngàn thổ dân và chỉ còn một ít dân bản địa sống sót. Vì vậy thái độ sợ người lạ của thổ dân Sentinel cũng dễ hiểu".
Nhà nghiên cứu Fiore Longo người Argentina nhận xét: "Đây là một bộ tộc thời hiện đại như chúng ta. Rừng của họ còn nguyên vẹn vì họ là những người gác rừng tốt nhất".
Bộ tộc Sentinel và cái chết của nhà truyền giáo - Ảnh 4.
Năm 1991, nhà nhân loại học Ấn Độ Triloki Nath Pandit (thứ hai từ trái) trao quà cho thổ dân Sentinel - Ảnh: Indian Express
Phản ứng từ Bộ Ngoại giao Mỹ
Ngày 7-2, ông Samuel Brownback - đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - tuyên bố Chính phủ Mỹ không yêu cầu cũng như theo đuổi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trong vụ thổ dân Sentinel sát hại nhà truyền giáo người Mỹ John Chau dù đánh giá đây là tình huống bi thảm.
Thông thường Mỹ phản ứng rất mạnh mẽ với các vụ tấn công nhà truyền giáo. Tuy nhiên lần này thái độ của Mỹ có chừng mực vì trên thực tế nhà truyền giáo John Chau có thể đe dọa đến sự sống còn của bộ tộc Sentinel. Gia đình nạn nhân cho biết đã tha thứ cho bộ tộc này và mong muốn chính quyền Ấn Độ trả tự do cho các ngư dân bị bắt

Phát hiện lớn từ một tiếng cười

TTO - Vài năm trước, FUNAI ước tính bộ tộc Kawahiva còn khoảng 50 thổ dân nhưng hiện nay có thể họ chỉ còn từ 25-40 người.


Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 3: Phát hiện lớn từ một tiếng cười - Ảnh 1.
Ông Jair Candor đã tiếp xúc với hai thổ dân Piripkura năm 1998 - Ảnh: FUNAI
Nếu không có tiếng họ cười, đoàn khảo sát đi cách họ 30m chắc không phát hiện ra họ.
Ông Jair Candor (điều phối viên của FUNAI)

Quỹ thổ dân quốc gia Brazil (FUNAI) tiếp xúc lần đầu với bộ tộc Piripkura vào cuối thập niên 1980. Lúc bấy giờ bộ tộc còn khoảng 20 người. FUNAI đã lập được đầu mối tiếp xúc với ba thổ dân nhưng không rõ bộ tộc còn người nào nữa sống sót...
Từ một tiếng cười, tìm thấy một bộ tộc
Ông Jair Candor - điều phối viên của FUNAI phụ trách bộ tộc Piripkura - kể lại cuộc tiếp xúc năm 1998: 
"Tôi yêu cầu canô chạy lên thượng nguồn sông Garcinha. Chúng tôi nghe có tiếng cười trong bụi cây và quan sát thấy có dấu chân trên bờ sông. Tôi bước xuống canô và chờ đợi. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gặp này. Khi hai thổ dân bước ra từ đám lá, lập tức tôi bỏ chạy. Thổ dân nhiều tuổi hơn đe dọa tôi nhưng rồi họ nhanh chóng hiểu ra chúng tôi không làm hại họ. Hai thổ dân đi theo phiên dịch cho chúng tôi đã trò chuyện với họ. Họ đồng ý theo chúng tôi về trại tiền trạm. Nếu không có tiếng họ cười, đoàn khảo sát đi cách họ 30m chắc không phát hiện ra họ".
Cuối thập niên 1930, nhà dân tộc học Đức Curt Nimuendajú và nhà nhân chủng học Pháp Claude Lévi-Strauss đã biết có một bộ tộc nói thổ ngữ Tupi-Kawahib sống trong khu vực sông Garcinha nhưng không ai gặp được. Bởi thế, cuộc gặp gỡ các thổ dân Piripkura bất ngờ vào năm 1998 được xem là một phát hiện lớn.
Thổ dân lớn tuổi tên Tucan, khoảng 50 tuổi. Khi về đến trại tiền trạm, ông than đau bụng dưới. Cô y tá trong đoàn khảo sát nhận thấy nước tiểu của ông sậm màu nên đưa đi bệnh viện. Bác sĩ phẫu thuật cho biết bàng quang của Tucan đã hoại tử và chậm một tuần ắt sẽ chết. 
Sau 15 ngày sống trong thành phố, Tucan lại mắc bệnh thủy đậu. Thổ dân còn lại tên Mande-I khoảng 35 tuổi sống trong trại tiền trạm được một tuần rồi có lẽ cảm thấy buồn chán nên quay về rừng.
Trong quá trình bình phục, Tucan đã cung cấp nhiều thông tin về bộ tộc Piripkura. Qua người phiên dịch, ông kể lại chuyện gia đình bị thảm sát: "Nhóm thổ dân chúng tôi dùng thuyền vượt qua con sông lớn. Họ vừa đến bên kia sông, những người da trắng bắt đầu bắn. Nhiều người chết. Những người khác hoảng sợ bỏ chạy bằng thuyền. Người da trắng rượt theo đến tận làng. Tôi đang ở trên cây cao lấy mật nên nhìn thấy hết. Tôi vội vàng leo xuống ẩn nấp và quan sát từ xa. Người da trắng cột tay những người trong gia đình tôi và lần lượt chặt đầu. Họ đặt đầu bên cạnh thi thể rồi đốt".
Tucan bỏ chạy vào rừng, sau đó gặp Mande-I và vài thổ dân sống sót khác. Tucan và Mande-I không có cung tên nên chỉ có thể săn mồi bằng khúc cây hoặc con dao tìm thấy bên đường mòn. Họ chạy trốn như thế cho đến khi gặp đoàn khảo sát của FUNAI. Sau khi xuất viện, Tucan quay về rừng như Mande-I. Hiện nay, bộ tộc Piripkura chỉ còn ba thổ dân, trong đó chỉ có hai thổ dân đang tiếp tục sống biệt lập.
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 3: Phát hiện lớn từ một tiếng cười - Ảnh 3.
Hình ảnh hiếm hoi của thổ dân Kawahiva được ghi lại năm 2011 - Ảnh: FUNAI

Băng ghi hình hiếm hoi về bộ tộc Kawahiva
Cách nơi đoàn khảo sát của FUNAI gặp hai thổ dân Piripkura khoảng 70km hiện nay là khu bản địa Rio Pardo dành cho bộ tộc Piripkura và bộ tộc Kawahiva. Hai bộ tộc này có nhiều điểm tương đồng vì cùng sống du mục, nói chung thổ ngữ Tupi-Kawahib, kiểu cắt tóc và cách chế tác đầu mũi tên giống nhau. Thông tin về bộ tộc Kawahiva rất ít bởi họ không tiếp xúc với các bộ tộc đã biết khác và thường xuyên thay đổi chỗ ở.
FUNAI phát hiện bộ tộc Kawahiva từ năm 1999. Sáu năm sau, FUNAI tìm thấy các chỗ dựng lều của thổ dân Kawahiva với dụng cụ nấu ăn và thực phẩm. Các nhà nghiên cứu thu thập thông tin từ các lều bỏ hoang này. Đến năm 2011, đoàn khảo sát của FUNAI đã may mắn ghi hình được bộ tộc Kawahiva.
Băng ghi hình cho thấy chín thổ dân Kawahiva trần truồng đi trên con đường mòn, có lẽ họ chuẩn bị đi săn hoặc tìm nơi hạ trại. Những người đàn ông cầm cung tên. Trong nhóm có một phụ nữ mang thai và một phụ nữ khác địu con trên lưng. Người phụ nữ địu con phát hiện có người quay phim đã la to: "Tapui" (nghĩa là "Kẻ thù kìa"). 
Cả nhóm định ẩn nấp nhưng khi nhìn thấy nhóm quay phim không có vẻ gì đe dọa, họ bèn rút lui vào rừng, để lại một người bọc hậu quan sát người lạ từ bụi rậm. Vào lúc ghi hình, sức khỏe nhóm thổ dân trông có vẻ ổn.
Trung tuần tháng 8-2013, FUNAI đã công bố băng video về bộ tộc Kawahiva. Đây là hình ảnh đầu tiên về bộ tộc sống biệt lập này. Các bộ tộc lân cận gọi họ là "người đầu đỏ" hay "người lùn". Do thường xuyên di chuyển, họ không có nhiều con, không thể trồng trọt gì lâu dài, chỗ ở dựng tạm bợ và sống chủ yếu dựa vào săn bắt lợn lòi, khỉ, chim bằng cung tên và làm bẫy bắt cá. 
Vài năm trước, FUNAI ước tính bộ tộc Kawahiva còn khoảng 50 thổ dân nhưng hiện nay có thể họ chỉ còn từ 25-40 người. Dân số trước kia rất đông nhưng trong thế kỷ 20 họ đã bị những kẻ chiếm đất sát hại. Một số khác tử vong do bệnh tật và điều kiện sống khắc nghiệt trong bối cảnh chạy trốn liên tục.
Khu bản địa Rio Pardo dành cho hai bộ tộc Piripkura và Kawahiva mới được thành lập năm 2016, tọa lạc tại thị trấn Colniza (bang Mato Grosso). Trong thập niên 1970, các vụ thảm sát dân bản địa vẫn thường xảy ra. Tình hình bộ tộc Kawahiva nguy hiểm đến mức lần đầu tiên vào năm 2005, một công tố viên được chỉ định điều tra về tội ác diệt chủng đối với bộ tộc này. Sau đó, 29 người bị bắt vì tình nghi sát hại thổ dân, trong đó có một thống đốc và một sĩ quan cảnh sát cấp cao. Rốt cuộc tất cả đều được trả tự do vì không đủ chứng cứ kết tội.
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 3: Phát hiện lớn từ một tiếng cười - Ảnh 4.
Hai thổ dân Mande-I và Tucan thuộc bộ tộc Piripkura trong thời gian tiếp xúc với bên ngoài - Ảnh: FUNAI
4 bộ tộc sống biệt lập bị đe dọa nhất Brazil
Theo thống kê của FUNAI, tại Brazil còn 817.962 dân bản địa thuộc 305 sắc tộc, sử dụng 274 thổ ngữ. Brazil có số bộ tộc sống biệt lập nhiều nhất thế giới. FUNAI đã ghi nhận có 114 dấu hiệu nhận dạng các bộ tộc sống biệt lập, đặc biệt tại bang Amazonas gần biên giới Peru. Trong đó có 27 bộ tộc đã được xác định.
Chính phủ Brazil đã dành 13% diện tích lãnh thổ cho các dân tộc bản địa. Bộ tộc Kawahiva và bộ tộc Piripkura là hai trong bốn bộ tộc sống biệt lập bị đe dọa nhiều nhất tại Brazil. Hai bộ tộc còn lại là bộ tộc không tên với một người duy nhất còn sống ở bang Rondônia và bộ tộc Korubo sống trong thung lũng Javari thuộc bang Amazonas.

Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro


TTO - Nhà khảo cổ Diego Cortijo - thành viên Hội Địa lý Tây Ban Nha - cùng đoàn khảo sát đã đến Peru tìm kiếm các bức họa khắc trên đá dọc sông Madre de Dios lớn nhất miền nam Peru.

Đoàn khảo sát đã thuê Nicolás "Shaco" Flores, 65 tuổi, thổ dân bộ tộc Matsigenka, làm hướng dẫn viên. Flores kết hôn với một phụ nữ Mashco-Piro nên biết nói thổ ngữ đủ để giao tiếp với bộ tộc sống biệt lập Mashco-Piro. Trong nhiều năm ông đã giữ vai trò như người trung gian giữa bộ tộc này với thế giới bên ngoài...
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 4: Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro - Ảnh 1.
Thổ dân Mashco-Piro cắm chéo hai mũi tên cấm người lạ - Ảnh: Survival International
Đây là những bức ảnh quý giá nhất từ trước đến nay. Các thổ dân được chụp ảnh chỉ ở khoảng cách 120m.
Tổ chức Survival International nhận xét ảnh chụp của Diego Cortijo

Tính khí thất thường của thổ dân
Một ngày năm 2010, Nicolás "Shaco" Flores gặp một nhóm thổ dân Mashco-Piro trong lúc đánh cá trên sông. Ông tặng dao rựa cho họ rồi nói họ theo ông về nhà chơi. Sáng 16-11-2011, thổ dân xuất hiện bên kia sông Madre de Dios và gọi tên Flores. Từ trong nhà Flores, nhà khảo cổ Diego Cortijo đã tận dụng cơ hội sử dụng ống kính chụp xa chụp ảnh một gia đình thổ dân khoảng 10 người. Sáu ngày sau, không rõ vì lý do gì Flores đã bị thổ dân Mashco-Piro bắn tên trúng tim thiệt mạng trong lúc ông đang làm vườn.
Hay tin Flores bị giết, nhà khảo cổ Diego Cortijo không tin đó là sự thật. Ông nói: "Quả thật đây là cú sốc lớn". Ông giải thích thổ dân có thể giận dữ vì Flores không đáp ứng yêu cầu của họ. Hôm đó, khi nhìn thấy thổ dân ra hiệu bên kia sông, Flores có nói với ông: "Họ muốn tôi sang đó và cung cấp dao cho họ nhưng tôi không đi". Flores cho biết hội đồng bản địa khu vực có khuyên ông hạn chế tiếp xúc vì thổ dân có thể gây nguy hiểm cho ông và ông cũng có thể vô ý truyền bệnh cho họ.
Vài tháng trước khi bị sát hại, ông đã từng bị họ nhắm bắn hai lần nhưng không trúng. Người dân bản địa giải thích: "Khi thổ dân Mashco-Piro muốn điều gì mà bạn nói không, họ đe dọa sẽ bắn bạn. Nếu bạn hỏi họ quá nhiều hoặc hỏi đi hỏi lại họ cũng tức giận".
Theo nhà nhân loại học Glenn Shepard người Brazil, tính khí thất thường của thổ dân Mashco-Piro có thể do họ sợ khi Flores liên tục bày tỏ thái độ muốn tiếp cận. Các bộ tộc lân cận nói với ông trong nội bộ bộ tộc Mashco-Piro có bất hòa, vì thế các thổ dân muốn giữ lối sống biệt lập đã giết Flores bởi không muốn những người trong bộ tộc tiếp xúc với người ngoài.
Từ lâu bộ tộc Mashco-Piro được đánh giá là những chiến binh ngạo mạn nhất khu vực Amazon. Họ không muốn tiếp xúc với bên ngoài, không muốn bị chinh phục và là một trong các bộ tộc hiếu chiến nhất. Họ rất hung hãn nếu vô tình gặp người ngoài. Họ sẵn sàng tấn công hoặc để lại dấu hiệu dằn mặt ai đến gần họ. Họ đã nhiều lần bắn tên vào du khách và nhân viên kiểm lâm để cảnh cáo. Tháng 10-2011, một nhân viên kiểm lâm Peru đã trúng tên bị thương.
Bộ tộc Mashco-Piro chọn lối sống biệt lập vì cho rằng đây là cách sống sót duy nhất. Năm 1894, hầu hết bộ tộc đã bị đội quân của trùm cao su Carlos Fermin Fitzcarrald tàn sát trên sông Manu. Trong cơn sốt khai thác cao su từ năm 1879-1912, nhiều thổ dân đã bị bắt làm nô lệ khiến họ phải chạy sâu hơn vào rừng. Nhà nghiên cứu Glenn Shepard lưu ý: "Lịch sử tiếp xúc của bộ tộc Mashco-Piro in đậm dấu ấn sợ hãi đối với bạo lực và bóc lột".
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 4: Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro - Ảnh 3.
Ông Nicolás “Shaco” Flores (bìa trái) đã bị trúng tên tử vong vào tháng 11-2011 - Ảnh: exploringtraditions.com

Chiến lược "tiếp xúc có kiểm soát"
Đến nay rất khó biết bộ tộc Mashco-Piro có bao nhiêu người. Con số ước tính từ 600-800 thổ dân. Họ sống du mục, săn bắt, hái lượm, di chuyển theo từng nhóm gia đình. Mùa mưa nước dâng cao, họ rút sâu vào rừng. Đến mùa khô, họ ra bãi bồi dọc sông dựng lều đánh cá và thu gom trứng rùa.
Những năm gần đây xuất hiện hiện tượng thổ dân Mashco-Piro muốn tiến ra bên ngoài. Đây là hiện tượng lạ. Năm 2013, thổ dân xuất hiện hơn 100 lần tại các nơi có dân, đặc biệt dọc bờ sông. Họ mang theo cung tên dài gần 3m và dao. Tháng 6-2013, gần 100 thổ dân ra bờ sông Las Piedras tiếp xúc với dân làng ba ngày. Họ đòi chuối, dây và dao rựa, sau đó quay vào rừng.
Cuối năm 2014, khoảng 200 thổ dân Mashco-Piro đến làng Monte Salvado (tỉnh Tambopata). Họ đòi dân cung cấp lương thực và vật dụng như dây, nồi, dao rồi đập phá nhà, lấy đồ. Chính quyền phải tạm sơ tán dân làng. Năm 2015 xảy ra nhiều vụ thổ dân lén lút vào nhà dân lấy nồi, dao. Tháng 3-2015, họ bắn tên suýt trúng một phụ nữ. Hai tháng sau, 30 thổ dân tấn công và bắn tên giết chết một người dân bản địa. Cuối năm 2015, họ bắn tên như mưa vào những người dân đánh cá trên sông.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận các bộ tộc sống biệt lập thường không hung hãn và họ chỉ phản ứng quyết liệt khi cảm thấy bị đe dọa. Có thể thổ dân Mashco-Piro bị áp lực từ bọn lâm tặc phá rừng, bọn buôn ma túy đi qua lãnh địa của họ và hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực. Bộ Văn hóa Peru đã khuyến cáo người dân không cung cấp thức ăn, quần áo cho thổ dân Mashco-Piro và không tiếp cận trực tiếp vì họ dễ nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với bên ngoài.
Đầu tháng 8-2015, Chính phủ Peru đã thông qua chiến lược "tiếp xúc có kiểm soát" với nội dung hạn chế người ngoài đến con sông nơi thổ dân Mashco-Piro hay xuất hiện, tuyên truyền cho dân địa phương hiểu vấn đề và mở chiến dịch tiêm chủng. Sống biệt lập là biện pháp duy nhất bảo vệ bộ tộc Mashco-Piro. Nhà nhân loại học Glenn Shepard nhận xét: "Cái chết của Nicolás "Shaco" Flores là một bi kịch. Ông ấy là người tốt bụng, can đảm, thông minh. Ông ấy nghĩ mình có thể giúp bộ tộc Mashco-Piro. Không may họ lại quyết tâm muốn sống biệt lập".
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 4: Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro - Ảnh 4.
Tháng 11-2011, nhà khảo cổ Diego Cortijo đã chụp những bức ảnh đầu tiên về bộ tộc Mashco-Piro ở cự ly gần nhất 120m - Ảnh: Diego Cortijo
16 bộ tộc sống biệt lập ở Peru
Tại Peru có 16 bộ tộc sống biệt lập với khoảng 4.500 thổ dân, trong đó có các bộ tộc Mashco-Piro, Mastanahua, Matsigenka, Murunahua, Cacataibos, Isconahua, Nanti và Yora. Ngoài ra còn có ba bộ tộc với 2.500 thổ dân thỉnh thoảng có tiếp xúc với bên ngoài. Các bộ tộc cư trú trong ba khu bảo tồn Ucayali, Madre de Dios và Cusc ở miền đông Peru.
Nói chung, các bộ tộc sống biệt lập ở Peru được bảo vệ tương đối khá hơn ở Brazil. Sống biệt lập thật ra chỉ là khái niệm mang ý nghĩa tương đối bởi các bộ tộc vẫn chú ý quan sát thế giới xung quanh. Thông thường họ vẫn sử dụng các công cụ bằng kim loại, chứng tỏ họ vẫn duy trì tiếp xúc với người ngoài qua hình thức nào đó.

Bộ tộc ăn thịt phù thủy


TTO - Bộ tộc Korowai cư trú trên nửa đảo phía tây New Guinea thuộc Indonesia. Bộ tộc này từng nổi tiếng về tục ăn thịt người.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 5: Bộ tộc ăn thịt phù thủy - Ảnh 1.
Hình ảnh cuộc sống thường nhật gần đây của thổ dân Korowai được công bố vào tháng 10-2018 - Ảnh: Maxim Russkikh
Chúng tôi không ăn thịt người. Chúng tôi ăn thịt khakhua.
Thổ dân Korowai
New Guinea (Tân Ghi Nê) trên Thái Bình Dương là đảo lớn thứ hai trên thế giới sau Greenland (Đan Mạch). Về chính trị, New Guinea được chia làm đôi. Nửa phía tây gồm hai tỉnh Papua và Tây Papua thuộc Indonesia. Nửa phía đông là quốc gia Papua New Guinea.
Bộ tộc Korowai cư trú trên nửa đảo phía tây thuộc Indonesia. Bộ tộc này từng nổi tiếng về tục ăn thịt người. Họ gọi người phương Tây là "laleo" (nghĩa là "ma quỷ") vì người phương Tây có nước da tái nhợt.
Người giết "khakhua" nổi tiếng nhất
Người phương Tây đầu tiên vào rừng sâu tiếp xúc thành công với bộ tộc Korowai là nhà báo người Úc Paul Raffaele.
Năm 2006, chiếc thuyền độc mộc có bốn tay chèo đưa ông và hướng dẫn viên Kornelius Kembaren vượt sông Ndeiram Kabur. Kornelius người gốc đảo Sumatra đã có quá trình 13 năm giao tiếp với thổ dân Korowai.
Paul Raffaele đã ngủ tám đêm với các thổ dân để tìm hiểu tục ăn thịt người.
Đối với bộ tộc Korowai, cái chết có thể hiểu được nếu ai đó ngã từ trên chòi xuống đất hoặc chết trong lúc đánh nhau. Nhưng đối với cái chết do nhiễm trùng, vì không có kiến thức y học nên họ xem đó là cái chết bí ẩn và thủ phạm là "khakhua" - phù thủy đến từ địa ngục.
Người Korowai tin rằng khakhua mang hình hài đàn ông, giả dạng người thân hay bạn bè, chờ ban đêm nạn nhân ngủ sẽ nhập vào thân thể rồi dùng ma thuật ăn dần bên trong cơ thể và thay vào đó bằng tro bếp để nạn nhân vẫn tưởng cơ thể nguyên vẹn.
Cuối cùng khakhua giết chết nạn nhân bằng một mũi tên ma thuật vào tim. Chính vì vậy, họ tin rằng ăn thịt người chết là ăn thịt khakhua để trả thù. Nạn nhân trong lúc hấp hối thều thào tên ai, người đó cũng bị xem là khakhua.
Nếu có thổ dân giết người, gia đình nạn nhân được phép tìm giết thổ dân đó. Trẻ em dưới 13 tuổi không tham gia tập tục này vì dễ bị ma quỷ nhập.
Trong chuyến đi, Paul Raffaele đã gặp hai anh em thổ dân Kilikili và Bailom. Kilikili là người giết khakhua nổi tiếng nhất bộ tộc. Kilikili cho biết đã xử 23 khakhua. Họ lấy cho xem sọ đầu của khakhua mới nhất là Bunop - bạn của họ.
Trước khi chết, một ông anh họ nói Bunop là khakhua đã ăn gan ruột ông.
Hai anh em bèn trói gô Bunop dẫn ra suối bắn tên giết chết. Paul Raffaele đã hỏi họ ăn thịt người vì lý do gì, họ trả lời: "Chúng tôi không ăn thịt người. Chúng tôi ăn thịt khakhua". Trong ý thức của họ, dù đó là người thân trong gia đình họ vẫn không xem đó là con người mà là khakhua.
Bailom lý giải: "Trả thù là một phần văn hóa của chúng tôi. Khi khakhua ăn con người, con người sẽ ăn lại khakhua. Tôi không cảm thấy buồn vì đã giết Bunop dù đó là bạn tôi".
Trả lời tạp chí Vice (Canada) vào cuối năm 2014, Paul Raffaele cho biết ông không biết thổ dân Korowai có còn ăn thịt khakhua nữa hay không vì nhiều năm rồi ông không quay lại chốn cũ.
Ông có hỏi thăm Kornelius và người này cho biết vẫn còn số ít thổ dân ở khu vực xa xôi hẻo lánh giữ tập tục này.
Trong khi đó, các nhà nhân loại học nhận xét tập tục này không còn vì thật ra trên thực tế, ăn thịt khakhua không phải là nghi lễ chính thức của bộ tộc Korowai mà chỉ là truyền thống dân gian. Họ không giết và ăn thịt người lạ đặt chân lên vùng đất của họ.

Nói chung, Korowai là bộ tộc sống hòa bình. Nếu có ẩu đả chỉ liên quan đến phù thủy khakhua.
Nhà nhân loại học Mỹ Rupert Stasch cho rằng thổ dân Korowai hiện nay đã bỏ tục ăn thịt người vì hai yếu tố. Một phần do họ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với bên ngoài và phần khác trong nội bộ bộ tộc cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau về khakhua.
Ngoài tục ăn thịt người trong quá khứ, bộ tộc Korowai còn nổi tiếng về làm nhà trên cây. Họ làm nhà bằng tre, lợp lá ở độ cao từ 10-40m để tránh muỗi mòng, côn trùng, thú dữ và mặt đất ẩm ướt.
Nhà có thể ở được từ 3-5 năm. Xung quanh nhà họ phát trống cây cối để có thể thấy kẻ thù từ xa. Mỗi nhà chứa khoảng 10 người. Nam giới và phụ nữ ở nhà riêng.
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 5: Bộ tộc ăn thịt phù thủy - Ảnh 3.
Nhà của bộ tộc Korowai (ảnh chụp năm 2010) - Ảnh: JIMMY NELSON
Lập khu định cư cho thổ dân
Bộ tộc Korowai còn được gọi là bộ tộc Kolufo, sống săn bắt, hái lượm trong rừng sâu ít được khai phá nhất thế giới. Họ sống theo từng nhóm nhỏ từ 10-20 người.
Tỉ lệ tử vong trong bộ tộc rất cao vì họ không có kiến thức y học và không có thuốc gia truyền nào để chữa trị vết thương hoặc chữa bệnh. Số thổ dân sống thọ rất hiếm.
Nhà nhiếp ảnh Maxim Russkikh người Nga từng trải qua 15 ngày tìm kiếm các cộng đồng dân tộc sống biệt lập tại Tây Papua. Tháng 10-2018, Maxim Russkikh đã công bố hình ảnh về cuộc sống đời thường của thổ dân Korowai.
Ông kể: "Thổ dân Korowai là những người đi săn thiện chiến. Đôi khi họ vắng nhà nhiều ngày để đi săn chuột, heo rừng, chim, cá. Mồi đánh bắt chủ yếu là bột cọ sago và chuối. Các thổ dân phải chia sẻ những gì săn bắt được".
Các nhà nhân loại học phát hiện bộ tộc Korowai lần đầu vào tháng 3-1974. Theo số liệu năm 2010, bộ tộc Korowai còn 2.868 người. Cách đây 30 năm, bộ tộc sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Trong thập niên 1980, thổ dân đã tiếp xúc với các nhà truyền giáo Tin Lành người Hà Lan. Khác với Brazil hay Peru, Chính phủ Indonesia muốn bộ tộc Korowai từ bỏ lối sống biệt lập nên đã lập khu định cư cho các thổ dân theo đạo. Số thổ dân này đương nhiên sống tách rời khỏi tập tục truyền thống.
Nhà nhiếp ảnh Maxim Russkikh nhận xét: "Bộ tộc Korowai đã sống thành công trong môi trường rừng nhiệt đới khắc nghiệt trong hàng ngàn năm và bảo tồn được văn hóa truyền thống. Còn bây giờ văn hóa của họ biến mất từng ngày".
Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 5: Bộ tộc ăn thịt phù thủy - Ảnh 4.
Các thổ dân Korowai được chữa bệnh tại khu định cư - Ảnh: christiannews.net
Các bộ tộc sống biệt lập ở Indonesia
Trong những năm qua, 40 bộ tộc sống biệt lập đã được phát hiện tại tỉnh Tây Papua (Indonesia). Nhiều bộ tộc đã tiếp xúc với bên ngoài nhưng một số vẫn còn sống biệt lập.
Theo tổ chức phi chính phủ Survival International, khó có thông tin chính xác về lối sống và dân số của các bộ tộc sống biệt lập ở Tây Papua.
Lý do vì chính quyền hạn chế tiếp cận nên không đủ thông tin, vả lại cũng không có đường vào khu vực biệt lập của các bộ tộc trong khi bản đồ chưa thể hiện đầy đủ.
Tổ chức này ghi nhận tại Tây Papua, nói chung các dân tộc bản địa bị đối xử như hạng người dơ bẩn, lạc hậu. Indonesia cũng không có cơ quan chuyên trách bảo vệ dân bản địa như Quỹ Thổ dân quốc gia (FUNAI) ở Brazil.









Không có nhận xét nào: