Vũ Huế
Sundarbans nằm lọt thỏm trong vùng đồng bằng tươi tốt và rộng lớn trước vịnh Bengal. Đó là nơi bảo vệ hàng triệu cư dân xung quanh khỏi lũ lụt và bão tố, vừa là chốn nương náu của vô số các loài động-thực vật. Trong đó có cả loài hổ Bengal lừng lẫy.
Bengal là tên vịnh lớn nhất thế giới. Nó nằm trong khu vực Nam Á, tại phía đông bắc Ấn Độ Dương, có tổng diện tích lên đến 2172 triệu km2 và có một độ sâu ấn tượng - trung bình từ 2586-2600m.
Ngoài hai cửa sông vĩ đại là sông Hằng và sông Brahmaputra, Bengal còn nhiều cửa sông quan trọng khác, ví dụ như Mahanadi, Godavari, Krishna, Irrawaddy... Rừng ngập mặnSundarbans được hình thành bởi sự hợp lưu của 3 con sông, sông Hằng - sông Brahmaputra - sông Meghna.
Kết cấu ấn tượng
Nếu nhìn từ trên cao, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi độ rộng lớn và kết cấu cực kỳ đa dạng của Sundarbans. Chằng chịt trong mảnh đất trũng rộng đến hơn 10.000 km2 này là hệ thống kênh rạch, mương máng phức tạp đệ nhất. Nhưng cũng chính nhờ có chúng mà việc di chuyển trong rừng trở nên dễ dàng hơn.
Do tiếp giáp với vịnh Bengal sâu thăm thẳm, Sundarbans liên tục bị nước biển xâm lấn, từ đó hình thành nên môi trường rừng ngập mặn đa dạng với đủ các loại hình địa chất, từ bãi bồi, cồn cát, lạch thủy triều đến đầm lầy, rừng ngập mặn, rừng nước lợ...
Với mỗi một loại địa hình, Sundarbans lại phát triển một hệ sinh thái riêng. Do thủy triều đều đặn lên xuống, lúc lớn có thể dâng ngập cả 1/3 diện tích đất, nó vừa có các đầm lầy vĩnh cửu lại vừa có những đầm lầy "nửa mùa".
Chúng nằm cao hơn mức thủy triều trung bình, có độ cao dao động từ khoảng 0,9-2,11m so với mặt nước biển.
Đủ các kiểu loại rừng
Sundarbans bắt đầu từ sông Hooghly, Tây Bengal, Ấn Độ kéo dài tới sông Baleswar, Bangladesh. Ở rìa ngoài, do ít bị nước biển xâm nhập hơn, khu vực này phát triển loại hình rừng đầm lầy nước lợ với kiểu thực vật nhiệt đới lá rộng quen thuộc.
Mùa mưa, do tiếp nhận một lượng nước ngọt lớn từ trời rơi xuống, độ mặn trong các khu rừng nước lợ lại càng nhạt. Những con sông cũng không chỉ gia tăng lưu lượng nước mà còn ngập phù sa. Khi tràn qua rừng, chúng để lại một lớp đất mới màu mỡ. Nhờ vậy, thực vật thuận lợi sinh trưởng mạnh mẽ.
Theo ghi nhận của tiến sĩ sinh học David Prain (Anh) thì Bangladesh có tới 334 loài thực vật, bao gồm từ các loại cỏ nước đến những loài thân gỗ lớn. Đặc biệt, Bangladesh không có nhiều đước (Rhizophoraceae), chi mấm (Avicenneaceae), trâm bầu (Combretaceae) như các rừng ngập mặn khác, mà lại đầy rẫy đại kích (Euphorbiaceae), cẩm quỳ (Malvaceae).
Sau rừng nước lợ, Sundarbans hình thành đủ các loại rừng thấp khác như rừng ngập mặn, rừng duyên hải, rừng hỗn hợp nước mặn + nước lợ… Kế tiếp là đầm lầy nước ngọt, đầm lầy nước lợ, bãi bồi, cồn cát... với những loài cỏ nước và cây bụi nhỏ.
Sở hữu loài hổ biết bơi độc đáo
Dưới tán lá xanh ngắt của đủ các loại hình rừng thấp, Sundarbans nuôi dưỡng chí ít là 150 loài cá, 270 loài chim, 42 loài động vật có vú, 35 loài bò sát và 8 loài lưỡng cư. Nếu xét trên tổng số lượng các loài động vật hoang dã ở Bangladesh, nó giữ 30% các loài bò sát, 37% các loài chim và 34% các loài động vật có vú.
Thú vị là dù ngày nào cũng bị thủy triều phiền hà, Sundarbans vẫn phát triển các loài thú săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn, ví dụ như mèo ri (Felis chaus), mèo cá (Prionailurus viverrinus), mèo báo (P. bengalensis).
Đặc biệt, nó còn là lãnh địa của nhà hổ Bengal (Panthera tigris tigris) nổi danh.
Hổ Bengal điển hình bởi sắc lông màu cam hoặc nâu sáng với những vằn đen đẹp mắt. Chúng rất lớn, có thể nặng từ 180-300kg, sinh trưởng trong nhiều loại môi trường khác nhau, từ đồng cỏ, rừng mưa, rừng cây bụi đến rừng ngập mặn.
Mặc dù không mấy hứng thú với các loài ăn thịt khác như báo hoa mai, gấu, cá sấu… nhưng nếu thiếu đói, hổ Bengal vẫn ngấu nghiến tất. Chúng thậm chí không tha cả ếch nhái, gà vịt nữa.
Về cơ bản, hổ Bengal là loài ưa sống về đêm song vẫn thức vào ban ngày. Dù to lớn và rõ ràng là thiếu linh hoạt hơn các loài báo, chúng vẫn leo trèo khá tốt. Nếu không ăn hết thức ăn, chúng có thể lôi lên cây để giấu.
Đặc biệt, hổ Bengal còn sở hữu khả năng bơi vô địch. Trong khi hầu hết các họ nhà mèo đều ghét nước, loại "mèo lớn xác" này lại khoái trò phục kích bên bờ sông. Chúng cũng không ngại phóng ào xuống nước, bơi rượt con mồi đến tận cùng.
Món khoái khẩu của nhà hổ Bengal là hươu đốm (Axis axis), mang Ấn Độ (Muntiacus muntjak), lợn rừng (Sus scrofa) và khỉ Maca mulatta. Đáng tiếc là dù được bảo vệ kỹ lưỡng, loài động vật đặc hữu này vẫn bị săn trộm quá nhiều.
Thêm vào đó, chúng cũng thường xuyên tấn công người, gây ra cái chết của từ 30-100 người/năm, nên lắm lúc cũng trở thành mục tiêu trả thù của thân nhân người đã mất.
Ước tính hiện tại, Sundarbans chỉ còn khoảng 180 cá thể hổ Bengal.
Đeo mặt nạ dọa hổ khi vào rừng
Từ xưa, các cư dân sinh sống quanh rừng ngập mặn Sundarbans đã luôn chìm trong nỗi lo sợ bị hổ Bengal tấn công. Thế nên trước lúc bước chân vào lãnh địa của chúa sơn lâm, người ta thường khấn vái, xin nữ thần Banbibi hoặc quỷ vương Dakkhin Rai bảo vệ mình khỏi nanh vuốt hổ dữ.
Giữa Sundarbans đầy bất trắc, cô bé Banbibi may mắn dược một con nai cưu mang. Mãi tới 7 năm sau, Berahim mới thấy ăn năn mà quay vào rừng tìm lại con gái, đem về nuôi dưỡng. Theo truyền thuyết của cả người Ấn giáo lẫn Hồi giáo quanh Sundarbans thì Banbibi chính con gái của đạo sư Berahim với vợ hai là Golalbibi. Tuy nhiên, để chiều lòng vợ cả Phulbibi vốn bị vô sinh, Berahim vứt bỏ con gái mới sinh trong rừng.
Người ta cũng cho rằng, chính Banbibi đã đánh bại quỷ vương Dakkhin Rai, người ưa hóa thân thành hổ dữ để tấn công những kẻ bất phục tùng.
Ngạc nhiên là trong khi thờ nữ thần Banbibi, cư dân quanh Sundarbans cũng thờ luôn Hổ thần Dakkhin Rai. Họ thường đeo mặt nạ Dakkhin Rai phía sau gáy như vật hộ thân, tin rằng nó sẽ giúp xua đuổi hổ dữ mỗi lúc vào rừng tìm kiếm mật ong hay lấy củi.
Tham khảo: National Geographic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét