Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Một lần đến thăm Hán Chiêu Liệt miếu

(NB&CL) Hán Chiêu Liệt miếu của Trung Quốc là Bảo tàng lịch sử, tôn vinh các anh hùng hảo hán thời Tam quốc Thục - Ngụy - Ngô đặt tại tỉnh Tứ Xuyên miền Tây nước này. Tháng 2/1999, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng ta do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến thăm địa điểm lịch sử này.

Hán Chiêu Liệt miếu là bảo tàng văn hóa, lịch sử thuộc loại lâu đời nhất của Trung Quốc, thuộc quần thể di tích Vũ Hầu Từ nằm ngay giữa lòng Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên với 84 triệu dân. Hán Chiêu Liệt miếu thờ 575 vĩ nhân anh hùng hảo hán của Trung Quốc hy sinh thời Tam Quốc.
Về kiến trúc, Hán Chiêu Liệt miếu không giống bất kỳ một công trình lịch sử tưởng niệm nào xây cất ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu… Cố nhiên cũng không đồ sộ như cố cung ở Bắc Kinh, bởi xây từ đời nhà Minh vào năm 1420 với nhiều cung điện nguy nga. Còn Hán Chiêu Liệt miếu xây từ năm 420 đến 589, trùng tu vào đời Đường mang tính tâm linh nhiều hơn.
 Vũ Hầu Từ.  Ảnh: T.L
Mấy tỉnh miền Tây của đất nước có 1,3 tỷ dân này như Tứ Xuyên, Trùng Khánh… quang cảnh thiên nhiên rất đẹp, trong đó Hán Chiêu Liệt miếu là một điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài cổng bảo tàng là phố phường tấp nập người, xe cộ. Trong cổng là khuôn viên bảo tàng rộng mênh mang, ẩn chứa trong những vườn cây nhiều chủng loại đan xen cao, thấp, cổ thụ hay dậy thì. Không gian này ngày đêm gió thổi rì rào như những người thiếu nữ hát tình ca, ru giấc ngủ ngàn năm thiên thu lẫm liệt đã qua thời trận mạc, gươm khua đạn nổ.  
Nhiều người biết, trong cuộc giao tranh lịch sử ở Trung Hoa qua các thời kỳ, nổi lên là cuộc chiến giữa 3 nước kéo dài 100 năm giữa Ngụy, Thục và Ngô từ năm 184 đến 280 sau Công nguyên, để rồi sau đó La Quán Trung có tiểu thuyết bất hủ Tam Quốc Chí. Cuốn sách có đến 400 nhân vật mà người “Tàu” qua nhiều đời từng nói “mười phần bảy thực ba hư.” Nhưng đó là một tráng ca khó quên .
Chị Lưu Hoa, một đồng nghiệp ở Tứ Xuyên dẫn chúng tôi đến nơi thờ Lưu Bị. Người thuyết minh bảo tàng cho hay, Lưu Bị, vị Hán Chiêu Liệt Hoàng đế được tôn thờ ở vị trí chính diện, nghĩa là ngồi “chiếu giữa”. Cạnh đó là mộ đất cũng của Lưu Bị xây gạch bao quanh có đường kính khoảng 20 mét, cao 10 mét, gắn tấm biển 4 chữ “Thiên Thu lẫm liệt”. Bỗng dưng trong dòng người đến viếng có ai đó nói rằng không biết mộ thật hay mộ giả bởi sự thần bí của Hoàng đế Lưu, chỉ biết rằng, lúc nào cũng có nhiều người xếp hàng đi vòng quanh ngôi mộ để tưởng niệm; không ít người vừa đi vừa lẩm nhẩm cầu khẩn một điều gì đó!
Tượng Lưu Bị tại Hán Chiêu Liệt Miếu. Ảnh: T.L
Thế gian xưa nay đều biết, Tào Tháo nổi tiếng thiên hạ về tính đa nghi, nhưng là điển hình của kẻ thống trị, nhiều mưu ma chước quỷ. Phương châm hành động của Tào Tháo “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”. Đối lập với Tào Tháo, Lưu Bị là con mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà nghèo nhưng thông minh, học giỏi, cháu 5 đời của vua Cảnh Đế thời nhà Hán, luôn hành động “Thà ta bị chết chứ không làm điều phụ nghĩa” hoặc “Luôn báo hiếu nước nhà, muôn thảy dân yên”. Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng cách sắp xếp hiện vật, hình ảnh của hai nhân vật vừa dẫn khiến người đời phải nghĩ suy giữa thiện và ác, giữa nhân văn và phá bĩnh.
Chiều hôm tôi đến thăm Hán Chiêu Liệt miếu, trời Thành Đô dịu mát, người đổ về đây đông như trẩy hội. Đi qua khu vực thờ và mộ Lưu Bị là nơi thờ, trưng bày tiểu sử, tác phẩm, chiến tích của Quan Vân Trường cùng người “khổng lồ” Trương Phi.
 
Lối vào lăng Lưu Bị. Ảnh: T.L
Nhà văn La Quán Trung trong bộ sách Tam Quốc chí, miêu tả Trương Phi  người cao 8 thước, mắt tròn, râu cực dài với dáng đi hệt ngựa phi, tiếng nói cất lên tựa sấm dậy ba vùng… nhưng tượng thờ họ Trương hiện thực hơn, đẹp hơn.  Đó là con người quắc thước, đôi mắt long lanh, toát lên vẻ quyết đoán bên cạnh cây Bát Xà Mâu sáng quắc, người có bệnh tim thoạt nhìn có thể lên cơn sốt!
Người thuyết minh kể: Con trai của Trương Phi là Trương Ba, cháu nội là Trương Tuấn noi gương người đi trước nên đều ra trận và hy sinh lúc trẻ. Bây giờ Hán Chiêu Liệt miếu thờ chung cha con, ông cháu trong khu vực rất tôn kính, khói hương nghi ngút.
Cạnh nơi thờ Lưu Bị, Hoàng Trung là nơi tôn vinh những nhân vật huyền thoại như Quan Vũ (Quan Vân Trường), Trương Phi… những người anh hùng chân chính. Sử sách xứ này gọi họ là ngũ hổ tướng” gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.
Hành lang đặt 47 tượng các vị tướng quan trọng Nhà Thục Hán. Ảnh: T.L
Không chỉ có trong tiểu thuyết mà trong hình tượng ở bảo tàng, Quan Vũ  là một tuyệt tác nghệ thuật, hễ ai đã nhìn, đã ngắm đều khó quên. Quan Vũ, một tay cầm thanh long đao, một tay cầm cương phi như bay trên con ngựa xích thố trước lúc vó ngựa trường chinh. Quan Vũ đẹp trai, thông minh, kiên gan bởi thế mà người đẹp Điêu Thuyền ở phố Vương Phủ đem lòng yêu thương người chiến chinh rồi trở thành hòn vọng phu khi Quan Vũ qua đời ở tuổi 58 trên đường ứng cứu Lưu Bị. Sử sách ví cái chết của ông nhẹ tựa lông hồng, bởi tình người làm nên nghĩa cả.
Bia đá tại di tích. Ảnh: T.L
Lịch sử Việt Nam, thời anh hùng dân tộc Lê Lợi dấy binh ở núi rừng Lam Sơn (Thanh Hóa) vào ngày 7/2/1418 chống quân xâm lược nhà Minh đến từ phương Bắc cũng có Hội thề Lũng Nhai. Núi rừng Lũng Nhai, Lam Sơn, xứ Thanh và giang sơn nước Việt ngày đó, âm vang, lan tỏa 287 từ của lời thề thiêng liêng, lời thề non nước của 22 con người bất tử, mở ra chân trời mới của nước Việt sau Lam Sơn tụ nghĩa, mở ra thời hậu Lê ngời sáng.
Ba bức tượng Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi "Kết nghĩa vườn đào". Ảnh: T.L
Người thuyết minh bảo tàng kể tiếp: Gia Cát Lượng cùng con trai Gia Cát Chiêm, cháu nội Gia Cát Thượng đều tình nguyện ra trận và đều hy sinh vì nghĩa cả và được thờ tại Hán Chiêu Liệt miếu cùng với 575 bức tượng bán thân của các vị hảo hán nước Thục. Nơi đó có dòng chữ: Đức cao nhân trường th - Tâm khon phúc t lai. Tất cả nói lên các vị dù là quan văn hay quan võ, già hay trẻ có chiến công lẫy lừng hay thất bại, nhưng sống mãi với đất Ba Thục hào kiệt thuở xa xưa.❏
 Nguyễn Xuân Lương             

Không có nhận xét nào: