Châu Á có hàng ngàn ngôi đền và ngôi chùa cổ, nhưng nổi tiếng nhất có thể là hai ngôi đền Fushimi Inari, Pura Lahur Poten Bromo và chùa Bulguksa.
Cổng Torii và tham đạo lối đi chính dẫn lên đền Fushimi Inari
|
Tìm may mắn ở Fushimi Inari
Hạnh phúc, may mắn, thành đạt là ước vọng của các tín đồ Thần Đạo tại Nhật Bản mỗi khi hành hương về ngôi đền Fushimi Inari ở cố đô Kyoto. Ngôi đền thiêng này có vẽ dẹp độc đáo, màu đỏ là màu chủ đạo, đã tồn tại hơn 5 thế kỷ, có đến hàng ngàn cổng Torii lớn nhỏ được xây dựng trải dài theo trục đền từ chân lên tận đỉnh núi Inari, nên đền còn được gọi là "ngôi đền ngàn cổng", đặc biệt nhất trong số hơn 32.000 đền thờ Thần Đạo ở nước Nhật, được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Trong tín ngưỡng Thần Đạo, hình tượng con cáo được cho là sứ giả của Inari - vị thần bảo hộ việc kinh doanh. Đền thờ Fushimi Inari ở Kyoto là ngôi đền chính của hệ phái thờ thần bảo hộ kinh doanh ở Nhật Bản, thế nên khắp các ngả đường lên đền, đâu cũng có hình ảnh con cáo ngậm chiếc chìa khóa vàng, biểu tượng của việc canh giữ kho lúa của thần Inari.
Hằng năm khi xuân đến, rất nhiều chủ doanh nghiệp, thương gia tìm đến đền cầu xin làm ăn phát đạt. Khi ước nguyện đạt thành, họ trở lại đền, xây dựng một cổng Torii để tạ ơn, những cổng Torii lớn có giá xây dựng ước tính khoảng 1 triệu yên (hơn 200 triệu đồng).
Kiến trúc cầu đá nguyên vẹn ở Bulguksa với hơn 10 thế kỷ tồn tại
|
Ngôi nhà của thần Brahma
Ở Indonesia, vùng đất quanh đỉnh núi Bromo là nơi hội tụ những tín đồ Hindu giáo từ hơn 500 năm trước. Người bản địa sống dưới chân núi Bromo tin rằng đỉnh núi lửa vẫn đang hoạt động này là ngôi nhà của một trong ba vị thần cao cả nhất Hindu giáo - thần sáng tạo Brahma. Hiện Bromo là điểm du lịch hấp dẫn ở Java, từng được bình chọn là một trong 50 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Dưới chân đỉnh Bromo, người bản địa xây dựng ngôi đền thờ với kiến trúc Bali, có tên Pura Lahur Poten Bromo, để thờ thần Brahma. Chuyện rằng, xa xưa vua Brawijaya có cô công chúa Roro Anteng cùng chồng là Jaka Seger trốn khỏi vương triều, lập ngôi làng Tengger dưới chân núi Bromo nhưng mãi không có con nối dõi.
Cả hai lên đỉnh núi lửa cầu xin thần Brahma và được nhận lời với điều kiện người con út phải hiến thân vào núi lửa để trả ơn thần. Hai vợ chồng có đến 25 người con, nhưng quên thực hiện lời hứa. Người con thứ 25 là hoàng tử Kesuma trong một lần lên đỉnh Bromo đã bị đợt phun trào nham thạch tước đi mạng sống.
Kể từ đó, người Tengger lo sợ cơn thịnh nộ của thần Brahma nên đã xây đền thờ dưới chân núi và hằng năm tổ chức một ngày cúng tế gọi là Yadya Kasada (diễn ra vào tháng 7, tháng 8) với các vật phẩm sống như gà, heo, dê để tạ ơn thần và cầu xin bình an cho dân làng.
Lữ khách khắp thế giới tìm đến Bromo để trải nghiệm một hành trình đặc biệt khi được lênh đênh trên biển cát đen, tiếp cận đỉnh Bromo với lòng núi lửa cuồn cuộn nham thạch, ầm ì nhả khói, cảm giác ớn lạnh xương sống nhưng lại rất an toàn, bởi người Tengger dưới chân núi tin rằng thần Brahma đã đảm bảo sự bình an cho người thăm viếng Bromo.
Vẻ đẹp của Đại Hùng Điện ở Bulguksa cùng lối trang trí Đan Thanh vẽ hoa văn trên tầng mái cổ
|
Ngôi chùa quốc bảo
Hàn Quốc có Phật Quốc Tự (Bulguksa) ở Gyeongju là một điểm đến đặc biệt. Bulguksa đã tồn tại hơn 10 thế kỷ, hiện là Di sản Văn hóa thế giới, không chỉ là điểm tham quan mà còn mang đến cho du khách cơ hội ngược dòng lịch sử về một nền văn minh Silla (Tân La).
Bulguksa ngự trên núi Toham, ẩn trong rừng cổ thụ, với điểm nổi bật là những cây cầu đá có kiến trúc thời Tân La, bên trái là Thanh Vân - Bạch Vân kiều, bên phải là Liên Hoa - Thất Bửu kiều. Gian chính điện đồ sộ của chùa có tên Đại Hùng điện (Daeungjeon), nơi có hai bảo tháp Thích Ca và Đa Bửu án ngữ. Đôi tháp này cũng là hai quốc bảo của Triều Tiên bởi được lưu giữ nguyên bản ở thời Tân La, không gặp lại ở bất kỳ kiến trúc cổ nào khác ở Hàn Quốc.
Hành trình đến Bulguksa không chỉ là những giây phút chan hòa với thiên nhiên, với miền thánh tích, mà còn có thể tìm lại những nét huy hoàng thời Phật giáo cực thịnh nơi vương quốc Tân La giữa nhịp sống hiện đại Hàn Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét