Không như Tokyo vốn đã hiện đại hóa từ lâu, Kyoto có tất cả những điều làm nên chất Nhật thuần khiết. Vây đâu là những bí quyết bỏ túi của tôi khi đi du lịch Kyoto?
[inline_article id=87912]
Tokyo đã dần trở thành một trong những đô thị quốc tế hóa rõ ràng, tức là ở trung tâm Tokyo, ta có cảm giác nơi này hiện đại cũng giống như Seoul, như Hồng Kông, như Singapore, như New York. Phải đi sâu vào những ngóc ngách nhỏ xíu, len lỏi vào những con hẻm nhỏ thì may ra mới thấy được một Tokyo có cái cũ bên cạnh cái mới. Trong khi đó, cố đô Kyoto lại là tất cả những gì người ta vẫn thường đóng khung với nước Nhật. Nhật Bản là gì? Trong suy nghĩ của tất cả mọi người, phải chăng đó là những ngôi đền, là vườn Nhật, là những phố cổ nhỏ xíu “như tay em trong tay anh”, là geisha, là trà đạo, là sống thật chậm, thật tĩnh lặng. Kyoto có tất cả những điều làm nên chất Nhật thuần khiết.
Dưới đây những bí quyết bỏ túi của tôi khi đi du lịch Kyoto.
[inline_articel id=208627]
1. ĐẾN ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?
Tôi đến 9A Nam Quốc Cang mua một Japan Railpass. Với JR pass này bạn có thể đi khắp nơi trong nội ô Tokyo và từ thành phố này qua thành phố khác khắp nước Nhật bằng shinkansen (tàu điện siêu tốc) mà không phải trả thêm phí. Cụ thể, tôi dùng JR pass để đi từ Tokyo đến Kyoto khứ hồi và từ Tokyo ra sân bay Narita. Nếu bạn có nhiều thời gian khám phá khắp nước Nhật, JR pass này sẽ là một món hời vì bạn có thể nhảy tàu xuống dọc đường, thăm thú một chút rồi lại lên tàu đi tiếp, hoàn toàn miễn phí. Ở nội ô Tokyo và Kyoto, nếu nơi bạn đến sử dụng tàu của JR (sẽ có biển báo rõ ràng) thì bạn đưa pass này cho người soát vé xem và đi vào miễn phí.
Một cách để lên kế hoạch cho chuyến đi hoàn hảo nhất là ngay khi bạn đến Tokyo, bạn đi đến một trong những sân ga lớn như là Tokyo, Shibuya, Shinagawa…và đổi voucher JR pass đã mua ở Việt Nam sang vé thật. Sau đó bạn nhờ nhân viên ở sân ga book giùm tất cả các chuyến sẽ đi. Ví dụ, ở trường hợp của tôi, cô ấy book giùm và xuất luôn 3 vé: từ Shinagawa station đến Kyoto, từ Kyoto trở về Shinagawa và từ Shinagawa đến sân bay Narita. Cô nhân viên này rất chuyên nghiệp, tư vấn và xếp lịch tàu cho bạn hoàn hảo không dư không thiếu.
Ảnh:To Europe And Beyond
2. ĐI LẠI Ở KYOTO
Tôi sử dụng subway và tàu điện thuộc JR line. Rất dễ dàng ngay cả với những người ngu ngơ như tôi. Mỗi khi tôi muốn đến đâu, tôi thường ra sân ga, thò đầu vào phòng Information và nói tên nơi tôi muốn đến, ví dụ tôi la lên: “Fushimi Inari”. Thế là anh nhân viên Information sẽ nói cho tôi biết “100 yen/200 yen” gì đó và chỉ tôi đi như thế nào, ra platform nào lên tàu số mấy. Tôi chạy ra mua vé và làm đúng như thế. Đi đến những điểm xa xa như Fushimi Inari hay Arashiyama cũng chỉ đổi tàu một lần, đường đi khá dễ hiểu. Tóm lại: cứ thò đầu vào phòng Information mà hỏi, sẽ có người giải đáp tận tình.
3. KHÁCH SẠN Ở KYOTO
Có 3 khu vực tập trung nhiều ryokan, khách sạn để ta có thể ở trọ: khu vực Downtown Kyoto, nhà ga Kyoto và Higashiyama (Hyatt Regency ở khu vực này, tôi cũng chọn khu này). Ở downtown và nhà ga thì không khí hiện đại nhộn nhịp, đi lại dễ dàng nhưng ở Higashiyama thì yên tĩnh, cổ kính hơn. Khách sạn tôi ở nằm bên sông, đi bộ ra Philosopher’s Path (Con đường Triết học) và đền Heian, đền Nanzen-ji vài phút. Phòng rẻ nhất khoảng 100USD/đêm.
4. GIẤC MƠ KYOTO
Với du khách bình thường, du lịch Kyoto không có gì nhiều hơn là đền Thanh Thủy (Kiyomizu-dera) và đền Vàng (Kinkakuji). Hai ngôi đền này rất đẹp nhưng vấn đề là vì quá đẹp và quá nổi tiếng nên đền đầy chật du khách, nhất là người Hoa. Một số điểm đến khác vắng vẻ hơn, có hồn hơn như:
– Fushimi Inari: chính là ngôi đền với 10,000 cánh cổng thiêng màu đỏ dẫn lên đỉnh núi Mt.Inari. Bạn có nhớ cảnh cô bé Chiyo chạy qua hàng hàng lớp lớp những tori đỏ trong phim Hồi ức một geisha? Đó chính là ở Fushimi. Tôi đến đây lúc 12h trưa, vắng vẻ thanh tịnh. Nắng xiên xiên qua hằng hà sa số những cánh cổng chỉ một màu đỏ tươi. Ta đi giữa cổng thiêng, ngoài kia là rừng xanh, hương gỗ ngập tràn không gian. Lên đến giữa sườn núi, bỗng chốc mở ra một mặt hồ xanh. Không có nhang khói, không có người bán rong, cũng chẳng thấy bóng nhà sư nào, chỉ có ta an lạc trong từng bước chân.
– Sanjusan-gendo: tiếc quá ngôi đền không cho khách đến viếng được chụp hình nên tôi chẳng có hình ảnh minh họa nào để diễn tả cho bạn. Nhưng bạn cứ tưởng tượng hình ảnh 1001 pho tượng phật Quan âm và các thần hộ vệ cao lớn bằng người thật xếp hàng đứng suốt dọc hai bên sảnh. Không gian bên trong đền âm u, chỉ có ánh vàng đồng hắt lên từ vàng lá dát trên một nghìn bức tượng lặng yên. Cũng không nhang khói, bạn ước điều gì chỉ cần im lặng nói trong lòng hay thắp một ngọn bạch lạp, chắc chắn một ngàn vị Quan âm sẽ lắng nghe.
– Đền Thanh Thủy: để tránh “đám đông điên loạn” đang làm mất đi sự tôn nghiêm của “đệ nhất cảnh quan” này, hãy dành thời gian đi vòng vòng những ngõ nhỏ xung quanh đền. Những hẻm nhỏ liêu xiêu, những dốc con xưa cũ dưới chân núi dẫn lên đền đẹp như một bài thơ hai-ku. Lạc lối trong đó, chẳng cần thoát ra, để thấy mình như đang đi giữa cố đô của những thế kỷ xa vắng.
– Arashiyama: vùng ngoại ô của Kyoto với rất nhiều đền chùa, hồ nước và rừng trúc. Để cảm nhận sự thanh bình tuyệt đối, hãy thuê một chiếc xe đạp ở tiệm nhỏ ngay gần ga tàu và dạo quanh Arashiyama. Tôi không còn cần biết điểm đến là đâu, không còn tìm hiểu đền này là đền gì, thờ ai, lịch sử ra sao. Chỉ việc lóc cóc đạp xe khắp nơi, lạc đường thì hỏi. Tôi có mua một ít bánh ngọt trên đường, khi nào mệt quá thì vào sân đền gỡ bánh ra ăn, chìm trong thanh thản rồi lại đi tiếp.
– Gion & Pontocho: hai khu vực là cái nôi của geisha. Những ai yêu Sayuri và ngài Chủ Tịch chắc chắn sẽ cảm thấy nơi này như là mơ. Bạn thuê một chiếc xe đạp của khách sạn, khoảng 1,000 yen/24 tiếng và chạy ra khu này. Bên dòng suối nhỏ, những nhà hàng theo kiến trúc cổ xưa hắt bóng xuống nước. Bên dòng suối này Chiyo gặp Ken Iwamura lần đầu tiên. Kỳ bí, lung linh. Bạn dắt xe đi giữa Pontocho, hai bên là nhà cổ thắp đèn, mỗi bước chân đều như lạc vào xa xưa.
Kyoto, có lẽ không một sách du lịch nào có thể đưa ra trọn vẹn danh sách những nơi nào cần đến ở cố đô, mà cũng chẳng cần thiết phải làm thế. Bởi cách tuyệt vời nhất để chìm trong Bình An Kinh là lạc lối.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Ngọc
Ảnh: Unsplash
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét