Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
Ngày 10 Tháng Tám của mùa Hè 1628, tại thủ đô Stockholm, dưới sự chứng kiến của nhiều nhà ngoại giao và hàng đoàn người dân Thụy Điển, buổi lễ hạ thủy chiến thuyền của Hải Quân Hoàng Gia Thụy Điển, Vasa Warship, diễn ra tại cảng Slussen.
Đây là một chiến hạm mà Hải Quân Hoàng Gia Thụy Điển và Vua Gustavus II hãnh diện nhất, tin rằng chiến thuyền có đủ uy lực tiêu diệt các chiến thuyền của kẻ thù vào thời điểm lúc bấy giờ.
Uy lực của Vasa Warship
Chiến thuyền Vasa được thiết kế và khởi công đóng tại đảo nhỏ Blasieholmen ngay giữa lòng thành phố Stockholm trong suốt một thời gian dài ba năm từ 1626 đến 1628. Chiến thuyền buồm được đóng dài 69 mét, bề ngang rộng 11.7 mét, phần sau thuyền cao 19.3 mét, cột buồm cao đến 52.5 mét, và Vasa có tất cả mười cánh buồm lớn để điều khiển con tàu.
Để bảo đảm chất lượng chiến thuyền, người ta đã tuyển chọn 400 nhân công chuyên nghiệp và dùng cả hàng ngàn cây gỗ oak quý đóng thành thân tàu. Khoang thuyền được thiết kế tương đối rộng rãi so với các chiến thuyền khác cùng thời. Trọng tải Vasa có thể chứa đến 145 thủy thủ và 300 binh lính.
Ngoài ra, để chứng tỏ uy lực mạnh mẽ của một loại chiến thuyền lớn, Vasa được trang bị 64 súng đại bác trong đó có đến 48 khẩu đại bác đạn 24-pounder, tám khẩu đại bác đạn 3-pounder, hai khẩu súng đạn 1-pounder, và sáu khẩu súng cối.
Nhưng nếu chỉ nói đến sự to lớn về con thuyền và sự trang bị vũ khí tạo cho chiến thuyền một uy lực mạnh mẽ là vẫn chưa đầy đủ về con thuyền Vasa.
Vasa Warship còn là một con thuyền nổi bật về nghệ thuật điêu khắc gỗ. Điều này có thể dễ hiểu vì Vasa là một chiến thuyền của Hoàng Gia Thụy Điển nên nó đã được chạm trổ điêu khắc theo những biểu tượng của triều đại nhà vua.
Sư tử là một biểu tượng của đất nước Thụy Điển và cũng là một biểu tượng cho nhà vua, vì thế hình ảnh “sư tử đang gầm và đang ở một vị thế nhảy phóng qua” là một hình ảnh mà người thưởng ngoạn có thể nhìn thấy ngay trước mũi chiến thuyền Vasa.
Nhà vua Gustavus II Adolphus của Thụy Điển thuở đó được Âu Châu mệnh danh là “Sư Tử Phương Bắc” (Lion of the North). Đây là một bức tượng điêu khắc bằng gỗ khổng lồ, nhưng điêu khắc rất tỉ mỉ và tuyệt đẹp tạo cho người xem cảm nhận được khí thế mạnh mẽ qua tiếng gầm và vị thế nhảy phóng của con sư tử.
Phía sau đuôi thuyền là một bức tranh gỗ lớn với hình ảnh hơn 500 tượng thiên thần, quỷ sứ, nhạc sĩ, triều đình, nhà vua và Thượng Đế được điêu khắc chạm trổ. Màu sắc của những bức tượng này đã phai mờ với thời gian mấy trăm năm, chiến thuyền nằm dưới đáy sông, nhưng người ta tin rằng những bức tượng này nguyên thủy có màu sắc rất đẹp và rực rỡ.
Có lẽ mỗi một bức tượng điêu khắc đều có một ý nghĩa nào đó mà chỉ có các nhà nghiên cứu mới lưu tâm và tìm hiểu thêm.
Thảm họa do lòng tham
Chiều Chủ Nhật, 10 Tháng Tám 1628, bầu trời Stockholm gió thổi nhẹ tại bến thuyền neo. Vasa Warship đã trang bị đầy đủ cho chuyến hải hành đầu tiên. Sau tiếng súng thần công chào từ giã mọi người đứng tiễn biệt vào khoảng lúc bốn giờ chiều, Vasa cho trương lên sáu cánh buồm và nhổ neo ra khơi.
Nhưng thảm họa đã xảy đến khi Vasa Warship vừa ló ra khỏi nơi có đảo cao chắn gió, một vài con gió mạnh thổi thốc đến, người ta đã nhận thấy ngay có một điều gì không ổn cho chiến thuyền Vasa.
Đi thêm được một đoạn nữa Vasa Warship bị nghiêng hẳn, nước tràn vào khoang tàu và thuyền chìm hẳn xuống lòng sông rất nhanh, thuyền chỉ mới rời bến được 1,300 mét. Vasa Warship chìm xuống đem theo 53 sinh mệnh và trở thành một thảm họa cho triều đình Thụy Điển lúc đó.
Nhà vua Gustavus II Adolphus mang tham vọng muốn chiến thắng thống trị các đất nước lân bang nên đã không ngần ngại bỏ tiền của ra để xây dựng một hạm đội to lớn hùng mạnh mà không đếm xỉa gì đến sức lực của dân, không thèm nghe các lời nói của những người có trách nhiệm.
Sau khi Vasa Warship bị chìm, nhà vua đã truy tội những nhà thiết kế, những người bỏ công sức ra làm theo lệnh của nhà vua. Một trong lý do chính chiến thuyền Vasa chìm là vì nó không giữ được sự thăng bằng.
Khởi thủy nó chỉ được thiết kế là một chiến thuyền nhỏ hơn Vasa, có hai tầng lầu trong đó có một tầng được dùng để trang bị 32 khẩu súng đại bác hạng nặng ở một nơi nhất định, nhưng sau đó nhà vua nhiều lần đổi ý muốn có đến 72 khẩu thần công lớn đặt trên chiến thuyền Vasa nên vì thế chiến thuyền cần thêm một tầng nữa.
Tuy nhiên, đó là một điều không tưởng với các nhà thiết kế. Người ta đã tăng 32 khẩu đại bác lên đến 48 khẩu đại bác hạng nặng mà đã không kịp thay đổi thiết kế lại chiến thuyền theo đúng ý của nhà vua.
Thảm họa của Vasa Warship đã nằm ngay trong sự “đổi ý” liên tục của nhà vua. Nhà vua đã vắng mặt trong lúc con thuyền Vasa Warship chìm. Khi truy vấn về sự kiện làm chiến thuyền Vasa chìm, người chịu trách nhiệm cuối cùng chính là nhà vua, nhưng nhà vua đã chỉ biết giữ im lặng. Dĩ nhiên ở bất cứ thời đại nào thì người cấp thấp vẫn là những con vật tế thần để vua chúa trốn trách tội lỗi.
Trưng bày chiến thuyền Vasa
Chiến thuyền Vasa nằm chìm sâu xuống 32m dưới lòng sông Stockholm suốt 333 năm trước khi được vớt lên.
Năm 1956, những người lặn đã tìm thấy xác chiến thuyền Vasa hãy còn nguyên vẹn gần đảo Beckholmen khoảng giữa Stockholm.
Người ta đã mất năm năm trời để nghiên cứu làm sao có thể đưa Vasa Warship còn nguyên vẹn lên khỏi mặt nước. Người đó chính là Anders Franzen, một kỹ sư trẻ tuổi đã hoàn thành công việc vớt “Vasa Warship nguyên vẹn” lên khỏi mặt nước vào buổi sáng ngày 24 Tháng Tư 1961.
Ngày nay Vasa Warship được chính phủ Thụy Điển bảo tồn rất kỹ và chiến thuyền được đặt trong Vasa Museum, ngay tại thủ đô Stockholm.
Câu chuyện vớt Vasa Warship lên được và phương cách trùng tu bảo vệ Vasa Warship cũng là một câu chuyện dài mà du khách có thể biết khi đặt chân đến Stockholm. Vasa Museum là một museum rất xứng đáng để du khách đến thăm.
Vasa Warship, một chiến thuyền to lớn của thế kỷ 17, nhưng trở thành một thảm họa cho triều đình Thụy Điển chỉ vì sự ngu dốt và tham vọng của một vị vua. Gustavus II Adolphus lấy gì để đền bù cho sinh mạng 53 người chết theo lúc Vasa Warship chìm xuống lòng sông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét