Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Hong Kong xưa và nay

Nhiều tòa nhà chọc trời và bến cảng mọc lên tại Hong Kong so với hơn 50 năm trước.

Slide
Phố Ladder (Lâu Thê), khu Thượng Hoàn, tây bắc đảo Hong Kong những năm 1950 (trái) và hiện tại (phải). Ảnh: Old HK.

Slide
Sân bay Khải Đức ở vịnh Cửu Long vài tuần trước khi đóng cửa vào tháng 5/1998 (trái). Đây là sân bay quốc tế của Hong Kong từ năm 1925, chỉ có một đường băng dài 3.390 mét sát biển, khiến nó trở thành một trong những sân bay khó hạ cánh nhất thế giới lúc bấy giờ. 
Tháng 6/2013, một bến phà hiện đại thay thế đường băng cũ. Bến phà cao 4 tầng, diện tích mặt sàn 184.000 m2, có sức chứa hai tàu lớn dài 360 mét, chở được 5.400 hành khách và 1.200 thủy thủ. Trên mái là công viên rộng với thảm cỏ và cây xanh. Ảnh: AFP/SPA.

Slide
Toàn cảnh Hong Kong nhìn từ đỉnh núi Thái Sơn (Victoria Peak), núi cao nhất đảo Hong Kong những năm 1960 (trái) và hiện tại (phải). Ảnh: Old HK.

Slide
Đường Can Mặc (Connaught Road), tuyến đường chính ở phía bắc đảo Hong Kong những năm 1950 (trái) có mặt đường rộng, nhìn ra biển, thuyền neo đậu cách những tòa nhà mang kiến trúc Anh chỉ vài mét.
Connaught ngày nay (phải) là con đường nhộn nhịp toàn nhà cao tầng và trung tâm thương mại, không còn nhìn thấy bờ sông.

Slide
Tòa thị chính Hong Kong năm 1985 (trái) và nay (phải). Ảnh: Old HK/Wikipedia.

Tòa thị chính Hong Kong nằm ở quảng trường Edinburgh, tồn tại từ năm 1869 tới 1933 (trái). Tòa thị chính hiện tại xây dựng vào cuối thập niên 50 trên diện tích 10.000 m2, gồm tổ hợp hai tòa nhà cao 12 tầng và 3 tầng, một khu vườn và một bãi đỗ xe ba tầng.

Slide
Tòa nhà Nữ hoàng (trái) năm 1910 bên bờ sông, vài con thuyền nhỏ đậu ở bến trước tòa nhà. Hơn 100 năm sau, tòa nhà Nữ hoàng được thay thế bằng khách sạn Đông Phương, bên cạnh là những tòa nhà chọc trời. Ảnh: Old HK.

Slide
Cầu Thanh Mã xây dựng từ năm 1992 và hoàn thành ngày 17/4/1997, trước khi Hong Kong về với Trung Quốc. Đây là cây cầu có nhịp lớn thứ 7 thế giới, có cả đường sắt lẫn đường bộ. Cầu rộng 41 mét, cao 206 mét, có hai tầng với 6 làn đường bộ, hai làn đường sắt, dài 2,2 km, nối hai hòn đảo lớn nhất Hong Kong là Thanh Y và Mã Loan. Ảnh: Wikipedia.

Slide
Bảng hiệu quán ăn, tiệm giặt là, salon tóc trên một con phố ở Cửu Long năm 1997 (trái). Trong khi nhiều thứ thay đổi ở Hong Kong, thì những bảng hiệu đủ màu sắc trên đường phố vẫn không thay đổi (phải).
Hồng Hạnh

Cuộc chiến ngôn ngữ ở Hong Kong giữa tiếng Quảng Đông và phổ thông

Người Hong Kong lo lắng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, tiếng Quảng Đông, sẽ mai một trước làn sóng sử dụng tiếng Trung Quốc phổ thông.

Khi Hong Kong chính thức trở về với Trung Quốc vào năm 1997, chỉ khoảng 1/4 người dân biết tiếng phổ thông. Giờ đây, sau 20 năm, số người Hong Kong sử dụng thành thạo tiếng Hoa phổ thông đã tăng lên gấp đôi, theo BBC.
"Đặc biệt người trẻ nói tiếng phổ thông ngày càng tốt", Chan Shui-duen, giáo sư về Trung Quốc và nghiên cứu song ngữ tại trường đại học Bách Khoa Hong Kong, cho biết. 
Tiếng phổ thông, ngôn ngữ chính thức ở Trung Quốc đại lục, lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn. Chính quyền Trung Quốc muốn phổ cập tiếng phổ thông để gia tăng quyền lực của nhà nước trung ương tại một quốc gia vốn có nhiều sắc tộc và nhiều ngôn ngữ địa phương. 
Ngôn ngữ để thành công
cuoc-chien-ngon-ngu-o-hong-kong-giua-tieng-quang-dong-va-pho-thong
Ông Andrew Sullivan, chuyên gia tài chính 55 tuổi, đã sinh sống và làm việc ở Hong Kong từ năm 1996. Ảnh: Bloomberg.
Andrew Sullivan nhớ lại năm 1996, khi mới đến Hong Kong, chàng thanh niên người Anh chưa từng có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực tài chính đã dễ dàng xin được công việc phân tích tại một công ty chứng khoán.
"Khi đó, anh không cần một hồ sơ xin việc hoàn hảo", Sullivan nói.
Nhưng đó đã là quá khứ. Hai thập niên kể từ sau khi Anh trao trả mảnh đất từng là thuộc địa trong suốt 154 năm, mọi thứ đã thay đổi. Ngày nay, kể cả chuyên gia nước ngoài nhiều kinh nghiệm muốn kiếm được công việc ổn định trong ngành tài chính tại Hong Kong cũng phải biết tiếng phổ thông. Và không chỉ riêng ngành tài chính, lao động trong tất cả những ngành nghề thương mại khác đều cần sử dụng thành thạo tiếng Hoa phổ thông, theo Bloomberg.
John Mullally, một chuyên gia nhân sự, cho biết năm 2010, 40% các vị trí trong ngành tài chính ở Hong Kong do các chuyên gia nước ngoài đến từ các nước phát triển như Anh, Mỹ và Australia nắm giữ. Bây giờ, con số đó chỉ là 5%.
"Hàng tuần, tôi gặp rất nhiều chuyên gia ngân hàng dày dặn kinh nghiệm. 15 năm trước, họ có thể dễ dàng kiếm được việc làm ở đây nhưng giờ đây họ đang rất chật vật", Mullally nói.
Ngày càng nhiều các công ty tài chính và ngân hàng đầu tư ở Hong Kong có nhu cầu tuyển dụng những nhân sự hiểu biết về Trung Quốc. Ví dụ như Ngân hàng Singapore năm ngoái đã thuê 20 giám đốc quan hệ khách hàng có khả năng sử dụng thành thạo tiếng phổ thông.
"Bây giờ, khó mà tìm thấy một chuyên viên ngân hàng mới vào nghề mà không biết nói tiếng phổ thông", Quinlan, 33 tuổi, giám đốc một công ty tư vấn tài chính, nhận xét.
Thậm chí, đối với những vị trí cấp cao, các ngân hàng ưu tiên những người khoảng 40-50 tuổi từng làm việc trong các cơ quan hoặc doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc nhằm tận dụng sự hiểu biết và quan hệ của họ với đại lục.
Sau hơn 20 năm ở Hong Kong, Andrew Sullivan, giờ đã 55 tuổi, từng làm việc cho những tên tập đoàn sừng sỏ như Goldmans hay Morgan Stanleys, nay sắp bị một công ty chứng khoán Trung Quốc sa thải. Quay trở về Anh chắc chắn không phải là lựa chọn đầu tiên của Sullivan vì anh đã sống xa quê hương quá lâu.
"Bây giờ, tôi và nước Anh chẳng còn điểm chung nào nữa", Sullivan nói. 
Cuộc chiến ngôn ngữ
cuoc-chien-ngon-ngu-o-hong-kong-giua-tieng-quang-dong-va-pho-thong-1
Quốc kỳ Trung Quốc ở Hong Kong. Ảnh: BBC.
Juliana Liu, khi đi tìm trường mẫu giáo cho con gái hai tuổi, đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra hầu hết những trường danh tiếng nhất ở Hong Kong đều dạy tiếng phổ thông và tiếng Anh, chứ không còn sử dụng tiếng Quảng Đông nữa.
Ruth Benny, người sáng lập ra công ty tư vấn giáo dục Top Schools, cho biết 99% khách hàng, kể cả người dân bản địa lẫn người nước ngoài đang sống ở Hong Kong, đều muốn con em họ học tiếng phổ thông hơn là tiếng Quảng Đông.
"Theo tôi, tiếng Quảng Đông cũng không còn được ưa chuộng tại các bậc giáo dục cao hơn", bà Benny nhận xét các gia đình nói tiếng Quảng Đông truyền thống giờ đây muốn con cái họ thông thạo tiếng phổ thông để dễ dàng giao tiếp xã hội.
"Đúng như dự đoán, sau khi Hong Kong về với Trung Quốc, tiếng phổ thông đã được ưu tiên hơn và trở nên phổ biến hơn", theo Brian Tse, giáo sư chuyên ngành giáo dục tại trường đại học Hong Kong.
Năm 2010, Ủy ban về Giáo dục Ngôn ngữ và Nghiên cứu, một cơ quan chuyên trách tư vấn của chính phủ, đã công bố kế hoạch cấp kinh phí lên tới 26 triệu USD cho các trường học ở Hong Kong để chuyển sang giảng dạy và học tập bằng tiếng phổ thông. Trong vòng 4 năm, chương trình thu hút sự tham gia của 160 trường học.
Theo ước tính của nhóm chuyên gia gìn giữ tiếng Quảng Đông, khoảng 70% các trường tiểu học và 25% các trường trung học ở Hong Kong hiện nay đã chuyển hẳn sang dùng tiếng phổ thông. 
Dù Bắc Kinh khẳng định rằng chính quyền khuyến khích học sinh Hong Kong dùng thành thạo cả tiếng Quảng Đông và tiếng phổ thông cộng với tiếng Anh nhưng theo ông Robert Bauer, một chuyên gia nghiên cứu tiếng Quảng Đông giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Hong Kong, Bắc Kinh đang khuyến khích các trường học ở Hong Kong để đổi toàn bộ chương trình học sang tiếng phổ thông. 
"Họ nhận yêu cầu từ Bắc Kinh," ông Bauer nói, "Tiếng Quảng Đông khiến Hong Kong khác biệt so với đại lục. Chính phủ Trung Quốc không muốn điều đó".
Nhiều người Hong Kong lo ngại tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ thể hiện bản sắc của Hương Cảng, sẽ dần mai một, thậm chí, tiến tới bờ vực trở thành ngôn ngữ chết. Nhưng nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lau Chaak-ming khẳng định tiếng Quảng Đông không chết. Ít nhất là bây giờ.
"Không hề. So với các ngôn ngữ địa phương khác ở Trung Quốc, tiếng Quảng Đông còn được sử dụng rộng rãi hơn nhiều", ông Lau nói.
"Nói và viết bằng tiếng Quảng Đông hiện đang trở thành một hành động chính trị," Robert Bauer nhận xét về xu hướng người trẻ Hong Kong muốn đòi nhiều quyền tự trị nhiều hơn cho Hong Kong nênhọ tìm đủ mọi cách để bảo vệ bản sắc của đặc khu này.
An Hồng

Hong Kong - nơi vực thẳm giàu nghèo sâu nhất 40 năm qua

Chênh lệch giàu - nghèo ở Hong Kong đang ở mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ qua.

  • Vụ cháy chung cư lộ hố sâu giàu - nghèo trong lòng London
nguoi-ngheo-o-hong-kong-dang-song-khon-kho-hon-bao-gio-het
Gần một triệu người Hong Kong sống trong đói nghèo, theo số liệu của chính phủ công bố năm 2015. Ảnh: SCMP.
Vào 1/7, người dân Hong Kong kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc sau 156 năm nằm dưới sự cai trị của Anh, nhưng Lau Mei-tin, một người bán rau ở chợ, không có tâm trạng ăn mừng, Reuters đưa tin.
Cuộc sống ở trung tâm tài chính Hong Kong ngày càng đắt đỏ, buộc những người như cô Lau phải lao động cật lực để kiếm sống qua ngày.
"Bạn phải làm việc cho tới chết. Nếu không làm việc và làm việc, bạn sẽ không đủ tiền để trang trải những chi phí sinh hoạt hàng ngày", bà Lau than thở.
"Cuộc sống hiện tại ở Hong Kong thật tệ hại".
Theo số liệu thống kê, mức độ bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội Hong Kong đã đạt đến đỉnh điểm trong vòng hơn 40 năm qua. Năm ngoái, với dân số 7,3 triệu người, Hong Kong có hơn 4.000 người siêu giàu sở hữu khối tài sản ròng tối thiểu 30 triệu USD, chỉ xếp sau New York và London, theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank.
Theo một báo cáo của Oxfam, bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, thu nhập của 10% hộ gia đình giàu nhất ở Hong Kong gấp hơn 44 lần so với 10% những gia đình dưới đáy xã hội.
Lương không tăng, chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng, cộng với giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, 1/7 dân số Hong Kong đang sống trong cảnh "giật gấu vá vai", thậm chí rơi vào khủng hoảng.
Hong Kong vốn được biết đến như một trung tâm tài chính của thế giới, với cuộc sống xa xỉ trong những tòa nhà chọc trời. Nhưng không phải ai cũng biết Hong Kong cũng bị đánh giá là một trong những nền kinh tế bất bình đẳng nhất thế giới. 
Cô Lau nhìn vào tờ lịch treo trên tường với vẻ bồn chồn lo lắng. Một tuần nữa cô mới có lương, đồng nghĩa cả gia đình 4 người đang sống trong căn hộ chật hẹp ở Hong Kong sẽ không đủ ăn. 
Cuộc sống ở Hong Kong đang khốn khó hơn bao giờ hết, trừ khi bạn là một tỷ phú, theo Bloomberg.
"Chúng tôi sẽ phải ăn ba bữa cháo vì nhà không còn tiền", người phụ nữ 42 tuổi nói. Lau là trụ cột trong gia đình, một mình cô nuôi con gái 7 tuổi, con trai 15 tuổi và người chồng mất sức lao động.
Mỗi tiếng làm việc, cô Lau chỉ kiếm được 5,4 USD.
"Hong Kong là một trường hợp điển hình nhất về tình trạng chênh lệch giàu nghèo lên đến cùng cực và gần như không có cách nào để cải thiện tình trạng này", Richard Florida, tác giả cuốn "Cuộc khủng hoảng mới ở thành thị", nhận xét.
Khủng hoảng nhà ở
nguoi-ngheo-o-hong-kong-dang-song-khon-kho-hon-bao-gio-het
Simon Wong, 61 tuổi, đang hút thuốc trong căn nhà "quan tài" ở Hong Kong. Ảnh: Reuters.
Chênh lệch giàu nghèo ở Hong Kong thể hiện rõ nhất ở vấn đề nhà ở. Trong vòng 14 năm qua, giá nhà ở Hong Kong đã tăng gần 400%. Theo số liệu của Demographia, khi so sánh giữa thu nhập và giá trung bình trên thị trường bất động sản, giá nhà Hong Kong đắt đỏ hơn nhiều so với các thành phố như Sydney, London và San Francisco.
Người nghèo Hong Kong sống trong những "căn hộ quan tài" hay "nhà lồng" với diện tích vỏn vẹn vài mét vuông. Một căn hộ siêu nhỏ có diện tích 12 m2 có giá lên tới hơn 400.000 USD.
Trong khi đó, hầu hết các tỷ phú giàu nhất Hong Kong lại tích lũy của cải nhờ kinh doanh bất động sản. Lợi nhuận của tập đoàn bất động sản Cheung Kong Property thuộc sở hữu của tài phiệt Li Ka-shing đạt 2,3 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, công ty Henderson Land Development của tỷ phú Lee Shau Kee, người giàu thứ hai ở Hong Kong, ghi nhận lợi nhuận 1,8 tỷ USD.
Tổng tài sản mà 10 người giàu nhất Hong Kong đang nắm giữ tương đương với 47% GDP của đặc khu hành chính này, theo Bloomberg Billionaires Index.  
Cô Lau cho biết 7 năm qua, cô chưa có một ngày nghỉ ngơi vậy mà vẫn không dành dụm được gì."Tôi chỉ hy vọng con cái tôi được học hành tử tế và không lặp lại cuộc sống của mình. Còn tôi, chẳng thấy hy vọng nào ở tương lai cả".
An Hồng

Không có nhận xét nào: