Sau 2 tháng với hàng loạt các chuyến máy bay, tàu hỏa, xe bus đường dài tôi đã dọc theo cung “Con đường tơ lụa” với những trải nghiệm đáng nhớ.
Phần 1: Chuẩn bị lên đường
Dự án khôi phục các công trình cổ thuộc con đường tơ lụa đang được các nước Trung Á xúc tiến trong những năm gần đây. |
Con đường tơ lụa xuất phát từ thành Trường An (Tây An, Trung Quốc ngày nay), qua Tân Cương của Trung Quốc, Mông Cổ, Trung Á sau đó rẽ nhiều nhánh đi Ấn Độ, Trung Đông rồi sang châu Âu. Nhưng tôi lại chọn điểm xuất phát của mình lại là Kuwait thuộc khu vực Trung Đông nhiều tài nguyên về dầu hỏa. Như vậy tôi đi theo lộ trình ngược lại với đoàn thương nhân lạc đà năm xưa.
Lý do là tôi đặt được vé máy bay giá rẻ qua Kuwait, mặt khác nếu đi vào lúc này khi Tân Cương còn nhiều bất ổn, không an toàn cho một người du lịch một mình, lại không biết tiếng Hoa. Tôi nghĩ đây cũng là một trải nghiệm mới, có nghĩa tôi đi theo hành trình của đoàn thương nhân Trung Hoa sau khi bán được lụa là, gốm sứ và giờ đây họ đang thảnh thơi với những hàng hóa mới hay những thỏi vàng thu được để trở về quê hương.
Hành trình của tôi sẽ bắt đầu từ xứ Trung Đông vào mùa hè, nắng nóng có khi lên đến 45 độ C.
Thủ đô Ashgabat của Turkmenistan, trước đây đã là một điểm dừng chân quan trọng của những thương nhân lạc đà trước khi vào đất nước Ba Tư. |
Sắp xếp hành lý cho khoảng thời gian 2 tháng, tôi mang theo một ít lương khô để chuẩn bị cho ngày khởi hành rơi vào mùa lễ hội Ramadan của người Hồi giáo. Cuối tháng 6, nhiệt độ Sài Gòn bắt đầu nhích dần lên những con số 34-35 độ C. Xem thông tin thời tiết, tôi cũng có thể hình dung những ngày mình ở Trung Đông khí hậu như thế nào.
Tôi sẽ đi qua Kuwait, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Trong đó, những ngày ở Kuwait và Iran là những ngày cao điểm của tháng chay. Hầu như các cửa hàng bán thức ăn sẽ không mở cửa cho đến 21h. Đây là vấn đề khá vất vả cho một khách du lịch nước ngoài như tôi.
Thông tin khí hậu ở các quốc gia Trung Á cũng là một thách thức. Turkmenistan có khí hậu nóng vì đa phần địa hình là sa mạc. Uzbekistan nóng như rang ở khu vực giáp biên giới với Turkmenistan, còn vùng núi giáp với Kyrgyzsyan thì khí hậu mát mẻ hơn bởi xung quanh được bao phủ bởi những ngọn núi cao.
Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga, qua các nước Trung Á nằm trên cung đường "Con đường tơ lụa" năm xưa. Anh đã dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM.
Kyrgyzstan và Tajikistan lại được xem là nóc nhà của thế giới, khí hậu rất chênh lệnh giữa vùng trung du và núi cao. Vì vậy, việc tìm hiểu thông tin và khí hậu cho cả một vùng Trung Á rộng lớn trong lộ trình khiến tôi cũng vất vả cho việc chuẩn bị hành lý mang theo.
Quyết định mang một áo lạnh có thể chịu lạnh được đến 5 độ C, cùng một áo len mỏng cũng đã chiếm đi khoảng không gian giới hạn trong cái vali loại trung. Thuốc thang, áo mưa, máy ảnh, pin dự phòng, đèn pin, ổ cắm điện cùng một số quần áo được tôi chuẩn bị hoàn tất trước khi lên đường.
Một vấn đề quan trọng mà tôi nhớ lại là khâu chuẩn bị visa cho cung đường mà dường như rất ít thông tin dành cho người Việt. Tại Kuwait, tôi sẽ xin visa tại cửa khẩu với chi phí khoảng 10 USD. Tại Iran, tôi quyết định sẽ xin tại cửa khẩu nốt với số ngày được cấp là 14 ngày với chi phí 40 EUR. Turkmenistan là quốc gia đòi hỏi phải có thư mời từ cá nhân hay tổ chức của họ nếu người Việt Nam muốn nhập cảnh. Tôi tìm thông tin và nhờ một công ty du lịch tại Turkmenistan là thư mời với một ít phí dịch vụ.
Tại Uzbekistan, tôi sẽ làm visa từ Tehran. Thật may mắn đối với người Việt, Kyrgyzstan miễn visa cho công nhân Việt Nam khi du lịch đến nước họ. Từ Bishkek, tôi sẽ đến lãnh sự Tajikistan để xin visa. Tất cả những thông tin trên tôi đều tìm hiểu từ Internet, đôi lần gửi mail trên các trang tư vấn về du lịch hay đọc những ấn phẩm dành cho khách du lịch ba lô, nhưng dường như vẫn không có gì chắc chắn cho những khách Việt Nam như tôi.
Lịch trình chắc chắn tôi sẽ lưu lại những thành phố du lịch lớn, thủ đô của các nước, những điểm đến nằm trên cung con đường tơ lụa năm xưa, hay những điểm du lịch nổi bật về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp hay các di sản được thế giới công nhận. Tôi cũng sẽ dành thời gian thật nhiều đến với các khu Bazzar hoành tráng ở Trung Đông để hòa mình vào không khí nhộn nhịp mà hàng trăm năm trước đây, nó từng là điểm đến của những đoàn người từ phương Đông xa xôi.
Hành trình kết thúc trên cung Pamir huyền thoại, cung đường thuộc 2 nước Tajikistan và Kyrgykistan với những dãy núi tuyết cao trên 7.000 m. |
Hành trình của tôi với những câu chuyện trải nghiệm về du lịch sẽ qua các chặng đường:
Iran, vùng đất của nền văn minh Lưỡng Hà
Turkmenistan, đất nước của những câu chuyện thời hậu Xô Viết
Uzbekistan, 4 di sản trên con đường tơ lụa
Kyrgystan và Tajikistan, nóc nhà của thế giới
Phần 2
Hành trình đi ngược 'Con đường tơ lụa': Iran hiếu khách
Lưỡng Hà là vùng đất giữa hai con sông Tigre và Euphrate. Đây là vùng đất nổi tiếng phì nhiêu, màu mỡ, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp như trồng nho, ô liu, lúa mạch...
Nhà thờ Hồi giáo của người Armeni, với dãy núi cao là thuộc phần đất của Azerbaijan. Con đường tơ lụa không chỉ thuần túy về mặt thương nghiệp mà còn là hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn. |
Sau 3 giờ bay, tôi đáp chuyến bay từ Kuwait đến Tehran, thủ đô Iran bằng hãng hàng không Kuwait Airways. Sân bay Iran khá hiện đại, tôi nhanh chóng bước chân vào khu vực làm visa.
Vì đã đọc trước một số thông tin ở nhà, tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, bao gồm hộ chiếu, ảnh, lịch trình tham quan Iran và quan trọng đó là phần xác nhận đặt phòng khách sạn. Vì Iran bị cấm vận từ phương Tây, tôi đã phải tìm khách sạn qua một số trang tư vấn về du lịch như TripAdvisor hay sách dành cho du lịch bụi Lonely Planet thay vì sử dụng cách thông thường là đặt phòng qua Booking hay Agoda.
Đợi khoảng 15 phút, chúng tôi được nhân viên hải quan yêu cầu đóng 40 euro phí visa và thời gian lưu trú là 15 ngày. Cách này sẽ tiện lợi và nhanh chóng hơn thay vì phải xin visa tại Đại sứ quán Iran tại Hà Nội (nếu như bạn không ở Hà Nội như tôi).
Do vị trí nằm giữa biển Địa Trung Hải và Trung Á, lại có 2 con sông là đường giao thông quan trọng, cư dân vùng Lưỡng Hà còn làm nhiều nghề thủ công và tham gia buôn bán. Sự phát triển kinh tế thương nghiệp là một nét bổ sung quan trọng vào nền kinh tế Lưỡng Hà. Đây là điểm đến quan trọng của đoàn thương nhân lạc đà từ Trung Hoa để mua bán và trao đổi hàng hóa. Ngày nay, Lưỡng Hà thuộc vùng đất của lãnh thổ Iraq, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và tây nam Iran.
Tehran đón tôi bằng cái nóng như thiêu như đốt trong một ngày hè cuối tháng 6. Hiện tại, đây là thời điểm tháng Ramadan của người theo đạo Hồi, tất cả quán ăn đều đóng cửa cho đến 21h. Hầu như người Iran ở nhà nấu ăn trong dịp lễ này, một số ít ra ngoài khi các nhà hàng mở cửa.
Hai tuần ở Iran, tôi không ít lần rơi vào tình cảnh đi cả ngày mà không có tí thức ăn nào trong người ngoài việc dùng một ít lương khô mang từ Việt Nam và trữ sẵn một vài trái chuối trong ba lô để ăn lấy sức. Ở Trung Đông, đặt biệt là Kuwait và Iran nơi tôi đi qua, người Hồi giáo thực hiện khá nghiêm túc những quy định của tháng Ramadan. Nghĩa là trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi sẽ không ăn, không uống, không hút thuốc... nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi.
Nhập gia tùy tục, đôi lúc tôi cũng phải lén lút để uống nước, ăn ít hoa quả sao cho cảnh sát và người địa phương không phát hiện, dù theo luật Hồi giáo, khách du lịch nước ngoài không theo đạo có thể ăn uống bình thường trong tháng Ramadan.
Iran là một quốc gia có trữ lượng dầu thô đứng hàng thứ 4 trên thế giới, nên chính phủ có đủ nguồn tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho xã hội. Theo một số đánh giá, Iran là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Thủ đô Tehran có hệ thống giao thông công cộng khá tốt. Hầu như những ngày ở đây, tôi đi tham quan bằng xe điện ngầm hoặc xe bus công cộng với giá rất rẻ. Lang thang như thế tôi mới có dịp làm quen, tìm hiểu cuộc sống ở một đất nước dường như rất lạ lẫm đối với như du khách khác biệt về ngoại hình như tôi.
Ngày thứ 2 ở đây, tôi vừa bước chân ra khỏi ga xe điện ngầm, chợt có một cô gái Iran với đôi mắt to, hàng mi cong vút đặc trưng của Trung Đông với bộ trang phục đen truyền thống của phụ nữ Hồi giáo nở nụ cười chào thân thiện. Cô gái thỏ thẻ bằng tiếng Anh rành rọt: “Anh muốn tìm trạm xe lửa phải không?”.
Thật bất ngờ là tại sao cô ấy biết tôi đang tìm ga xe lửa để mua vé từ tehran đi Tabriz. Tôi chợt nhớ lại là trước khi bước chân ra khỏi metro, tôi hỏi thăm một anh chàng lối thoát để ra ga xe lửa. Có lẽ cô nàng này nghe lỏm và cố tình đợi tôi ở cửa ra. Hiểu được mọi chuyện, tôi gật đầu trả lời “yes”. “Anh có thể đợi em chút xíu, em đang đợi người bạn đến đón, khoảng 5 phút thôi. Bạn em đến sẽ dẫn anh đến ga xe lửa gần đ
Tôi giật mình về lời đề nghị giúp đỡ dễ thương từ cô gái mà cứ ngỡ những luật lệ Hồi giáo khắc nghiệt sẽ làm cho người phụ nữ “giữ kẽ” hơn với nam giới, đặc biệt là người lạ như tôi. Chúng tôi bắt đầu rôm rả và hỏi thăm nhau một số thông tin cá nhân, về chuyến du lịch đến đất nước cô ấy.
Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga, qua các nước Trung Á nằm trên cung đường "Con đường tơ lụa" năm xưa. Anh dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM.
Khoảng 5 phút sau, một anh chàng cao to giống người Ấn hơn là người Iran đến. Cô ấy giới thiệu đây là bạn của mình rồi nói gì đó bằng tiếng Iran để tôi tự hiểu là họ sẽ dẫn tôi đến trạm xe lửa gần đấy. Iran hôm đấy nhiệt độ lên đến 42 độ C vào lúc 15h. Trời hầm hập, không có nổi một cơn gió nhỏ.
Từ trạm metro đến ga xe lửa với quảng đường khá xa nhưng cuộc nói chuyện của chúng tôi dường như rút ngắn khi nào không hay. Cuối cùng chúng tôi cũng đến ga xe lửa hiện đại ở Tehran. Họ dẫn tôi đến quầy bán vé và hỏi thông tin giúp để mua vé đi Tabriz. Tuy nhiên, họ chỉ bán vé vào giờ cuối ở ga, còn nếu đi vào ngày hôm sau như dự định của tôi thì phải đến các công ty du lịch để mua vé.
Giá cả ở các công ty du lịch và tại ga như nhau. Họ lại vội vã dẫn tôi tiếp tục đi tìm công ty du lịch ở gần đó. Tôi mua được một vé giường nằm khá tốt trên tàu vì được họ phiên dịch giúp. Trước khi chia tay, tôi đề nghị chụp chung với họ một tấm hình lưu niệm. Cô gái gật đầu lia lịa không chút do dự. Tôi tạm biệt và không quên hỏi cách thức về lại khác sạn bằng xe bus.
“Mai em nghỉ phép. Nếu anh muốn, em sẽ đưa anh đi dạo Tehran bằng bất cứ phương tiện nào anh thích: xe bus, xe điện, xe gắn máy hay thậm chí xe đạp…” cô bẽn lẽn. Tôi “đứng hình” vì lời đề nghị quá nhiệt tình này, nhưng chưa biết phải trả lời sao vì ngày mai tôi có một ngày dành thời gian để làm visa Uzbekistan tại sứ quán. Tôi từ chối và không quên xin địa chỉ email để gửi cho cô ấy và người bạn trai tấm hình.
Trong suốt chuyến đi dọc theo Con đường tơ lụa, không ít lần tôi gặp được sự chào đón thân thiện, giúp đỡ nhiệt tình của người dân bản địa chứ không phải họ chỉ tò mò về sự lạ lẫm của du khách nước ngoài. Có thể xã hội Iran ngày càng hiện đại, người theo đạo Hồi cởi mở hơn và cần được thế giới quan tâm, chia sẻ hơn.
Quảng trường hồi giáo lớn nhất Tây Á ở thành phố di sản Isfahan. |
Hành trình của tôi ở xứ Ba Tư khá thuận lợi. Hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, xe chất lượng cao, các điểm tham quan phục vụ khách du lịch bài bản, chuyên nghiệp làm cho lộ trình của tôi đi được nhiều hơn so với kế hoạch.
Tôi đã tham quan được các thành phố du lịch rất nổi tiếng như Tehran, Tabriz, Isfahan, Kuzechtan, Shiraz, Kerman, Yazd và Mashhad. Lịch sử lâu đời từ đất nước Ba Tư hùng mạnh cách đây hàng nghìn năm đã để lại cho Iran khối di sản đồ sộ. Hiện nay, Iran có 19 di sản văn hóa do UNESCO công nhận, trong đó có những di sản được công nhận từ những năm đầu tiên khi tổ chức này ra đời.
Tôi dành nhiều thời gian để tham quan chợ Tabriz, một nơi giao lưu văn hóa từ thời cổ đại và khu phức hợp lịch lịch sử này từng là một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất trên Con đường tơ lụa trước đây. Nằm ở trung tâm của thành phố Tabriz, Tây Bắc Iran, khu chợ rộng lớn này bao gồm nhiều chợ nhỏ.
Chợ Amir Bazaar kinh doanh mặt hàng vàng và đồ trang sức, hay chơ Mozzafarieh chuyên bán các loại thảm Ba Tư, một chợ nhỏ bán giày dép, và nhiều khu chợ khác nữa bán các loại hàng hóa khác nhau. Thời gian thịnh vượng nhất của chợ Tabriz, mà dân địa phương hay gọi là bazaar, là ở thế kỷ 13 khi thành phố này trở thành thủ đô của vương quốc Safavid. Thành phố bị mất vị trí thủ đô vào thế kỷ 16, nhưng ngôi chợ này vẫn có tầm quan trọng như là một trung tâm thương mại và kinh tế.
Khu chợ bán vàng nổi tiếng nằm trong Bazzar Tabriz, một điểm dừng chân của đoàn thương nhân phương Đông trao đổi hàng hóa ở xứ Ba Tư trước đây. |
Iran quá rộng lớn để tham quan trong khoảng 2 tuần nên tôi chỉ ưu tiên dành những nơi mình yêu thích, như quần thể cung điện lộng lẫy Golestan ở Tehran, khu phức hợp cổ Chogha Zanbil của nền văn minh Elamite nằm ở tỉnh Khuzestan, quần thể nhà thờ Hồi giáo Armeni nằm sát biên giới với Azerbaijan về hướng Tây Bắc, quảng trường lớn nhất tây Á Naghsh-I Jahan và thánh đường có niên đại 12 thế kỷ Jameh ở Isfahan, thành phố lịch sử Bam, kinh đô nghi lễ Persepolis của Đế quốc Ba Tư dưới thời nhà Achaemenes (khoảng năm 550-330 TCN) cách 70 km về phía đông bắc của thành phố hiện đại Shiraz ở tỉnh Fars, hệ thống thuỷ lực lịch sử tại Shushtar, hay thành phố linh thiêng của người Hồi giáo Mashhad… Đây đều là những công trình kiến trúc và cảnh quan được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Phần lớn số đó đều là những chứng tích lịch sử cho con đường tơ lụa xuất phát từ phương Đông.
Chia tay vùng đất thuộc một phần nền văn minh Lưỡng Hà xưa kia từ thành phố biên giới Mashhad, tôi vẫn mơ được một lần quay trở lại, có thể để khám phá tiếp đất nước xinh đẹp này, hay cũng có thể là vì người Iran hiếu khách, tốt bụng.
Phần 3 Một tuần du ngoạn quốc gia biệt lập nhất Trung Á
Từ vùng đất Thánh Mashhad của người Hồi giáo, tôi bắt xe taxi đến đến với Sarakhs, một thành phố biên giới thuộc tỉnh Razavi Khorasan của Iran để tới Turkmenistan
Đoạn đường dài 178 km, nhưng tôi chỉ tốn khoảng 2 giờ đồng hồ để đến biên giới. Cơ sở hạ tầng của Iran khá tốt, mặt dù địa hình ở đây đã có chút thay đổi về độ cao. Tôi nhanh chóng làm thủ tục visa tại cửa khẩu với thư mời đã được chuẩn bị từ trước ở Việt Nam. Hiện tại, có hai cửa khẩu bằng đường bộ từ Iran qua Turkmenistan mà khách du lịch có thể sử dụng. Một là từ Mashhad, du khách có thể bắt taxi đến thành phố nhỏ Quchan rồi sau đó bắt tiếp một chuyến taxi khác với quảng đường 60 km nữa để đi đến khu vực biên giới với Turkmenistan. Cách này thường được các khách du lịch muốn tham quan thủ đô Ashgabat trước và rất đông khách du lịch nước ngoài chọn lựa cách này. Cách thứ 2 là như tôi đã trải nghiệm. Tôi bắt taxi để đi đến Sararkhs và qua luôn cửa khẩu, từ đó sẽ bắt xe để đến với thành phố Mary. Rất ít du khách đi bằng cách thứ 2 như tôi, vì họ chủ yếu chỉ muốn tham quan thủ đô của Turkmenistan. Nhưng cách này lại rất thu hút dân biker, vì đoạn đường từ Mashhad đến Sararkhs tuyệt đẹp, với địa hình đồi núi đầy thử thách cho du khách trải nghiệm. Sau khi làm thủ tục xuất cảnh ở phía Iran, tôi lại lên chiếc xe bus phục vụ ở khu vực này chở qua biên giới để đến cửa khẩu phía bên Turkmenistan với giá 100.000 rial (75.000 đồng) với khoảng cách chừng 5 km, bằng với giá tiền tôi đi taxi ghép từ Mashhad tới Sarakhs. Có thể khu vực biên giới này ít khách du lịch nước ngoài qua lại nên việc làm thủ tục nhập cảnh cho họ với các hình thức chuyển xe đạp qua biên giới, làm visa tại cửa khẩu chưa được nhân viên xuất nhập cảnh thuần thục. Tôi đến khu vực biên giới lúc 10h, phải qua vài lần kiểm soát an ninh từ đo nhiệt độ cơ thể, kiểm tra hành lý, máy chụp hình, ghi thông tin nhập cảnh bằng tay vào sổ của bảo vệ… sau đó mới nộp hồ sơ chính thức vào nơi làm thủ tục xin visa. Tôi được hướng dẫn qua đóng tiền lệ phí nhập cảnh và lệ phí phục vụ dành cho ngân hàng ở quầy bên cạnh trước khi trở lại khu vực xét duyệt visa. Sau hơn vài lần chờ đợi nhỏ do cúp điện, nhân viên hải quan ăn trưa và thời gian gọi điện đến đại lý du lịch nơi tôi nhờ làm dịch vụ thư mời, tôi lại quay trở lại quầy bên cạnh để đóng lệ phí visa vừa được duyệt với giá 55 USD và 2 USD lệ phí ngân hàng. Đến 13h, tôi được cầm quyển hộ chiếu với tấm visa Turkmenistan còn “nóng hổi”, chạy nhanh ra cổng để tìm xe về Mary. Thời tiết ở Turkmenistan hôm đó được mọi người bảo là ngày nóng nhất từ đầu mùa hè đến giờ. Tôi xem nhiệt độ hiển thị trên xe tài xế là 43 độ C. Hơn nửa ngày đi chuyển, làm thủ tục, và cái nắng nóng chưa buông tha từ Trung Đông, nhưng khi nhận được visa, tôi dường như quên hết. Thế là tôi cũng đến được đất nước xem như biệt lập nhất ở Trung Á để bắt đầu tiếp tục hành trình khám phá những địa danh nổi tiếng trên con đường tơ lụa năm nào. Merv trước đây là thành phố ốc đảo giữa sa mạc Karakum rộng lớn, nằm trên con đường tơ lụa và từng là thành phố đông dân nhất thế giới. Turkmenistan có 3 di sản văn hóa thế giới đều nằm trên con đường tơ lụa: quần thể di tích Kunya ở Urgench, pháo đài Nisa của người Parthia cách thủ đô Ashgabat 18 km về phía Tây Nam và khu khảo cổ Merv gần thành phố Mary có niên đại hàng nghìn năm. Trong đó Merv được xem là thành phố ốc đảo rất quan trọng trên con đường tơ lụa, nối kết với trung tâm kinh tế, chính trị và tôn giáo Bukhara của Uzbekistan thời bấy giờ. Tôi lên kế hoạch tham quan Merv rồi sau đó sẽ bay về thủ đô Ashgabat được xem là thủ đô đẹp nhất vùng Trung Á. Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga, qua các nước Trung Á nằm trên cung đường "Con đường tơ lụa" năm xưa. Anh dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM. Xe bắt đầu đưa tôi băng qua địa hình bán sa mạc để đến với thành phố Mary xinh đẹp. Đây là một thành phố cấp tỉnh điển hình ở Turkmenistan, nơi có khoảng 200.000 người sinh sống và được xây dựng chủ yếu theo phong cách Liên Xô với các đường sắt kết nối và các tòa chung cư cao thấp. Tuy nhiên, cả thành phố được quy hoạch đường sá rộng rãi cùng với hệ thống kiến trúc từ tượng đài, quảng trường, chợ, nhà thờ rất độc đáo. Chỉ ở Mary một ngày, nhưng tôi vẫn cảm nhận hết được nét duyên dáng, cổ kính như bất kỳ một thành phố châu Âu nào. Một điều đặt biệt là đâu đâu tôi cũng thấy treo hình vị tổng thống đương thời như một anh hùng thật sự của người dân Turkmenistan. Hôm sau, tôi dành trọn một ngày để tham quan khu khảo cổ Merv, cách thành phố Mary chừng 40 km. Khu di tíchtừng có vị trí rất quan trọng dưới thời đế quốc Ba Tư, đạt đỉnh cao của sự thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của người Turkic trong thế kỷ 12. Đến năm 1221, Merv đã rơi dần vào suy thoái sau khi bị quân Mông Cổ cướp phá trong một cuộc chinh phạt khiến hàng chục nghìn người chết. Đến thời các Sa hoàng Nga, Merv đã được khai phá và phát hiện sau hàng trăm năm bị lãng quên. Tôi leo lên một ngọn đồi cao nhất của khu vực, phóng tầm mắt để có thể tưởng tượng một thành phố Merv có từng hàng nghìn năm lịch sử, từng là một thành phố đông dân nhất trên thế giới giờ chỉ còn lại những bờ tường đất bao quanh một khu vực rộng lớn giữa sa mạc Kara Kum.Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Turkmenistan ở thủ đô Ashgabat được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, với sức chứa 7.000 người.
Hiện nay, Turkmenistan là một trong những quốc gia có trữ lượng khi tự nhiên và dầu hỏa đứng hàng thứ 5 thế giới. Vì vậy, chi phí chi phí xăng dầu và gas rất rẻ. Việc di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác được sử dụng phổ biến là xe lửa hay máy bay. Tôi quyết định thử phương tiện hàng không ở đất nước Trung Á này, khi có anh bạn người địa phương mà tôi quen ở Mary bảo rằng trước đây, thời vị Tổng thống tiền nhiệm Niyazov, giá vé hàng không ở Turkmenistan rất rẻ, chừng khoảng 15-20 USD cho một lượt từ Mary đi Ashgabat. Bây giờ có thể tăng lên đôi chút do điều kiện kinh tế có phần khó khăn hơn. Tôi được tư vấn mua vé trực tiếp từ sân bay vì nhu cầu đi lại của người dân hay khách du lịch ở Turkmenistan rất ít. Thủ đô Ashgabat chào đón tôi với thời tiết đỡ oi bức hơn, vì nằm giáp biên giới Iran, nơi có những dãy núi cao che chắn. Thành phố xây dựng khá hiện đại mà anh taxi bảo đó cũng là nhờ vào công vị Tổng thống đầu tiền thời hậu Xô Viết, ông Niyazov. Ông là người đặt nền móng đầu tiên cho sự thay đổi thần kỳ hình ảnh của Ashgabat và đất nước Turkmenistan. Sau khi ông qua đời năm 2006, Tổng thống đương nhiệm Gurbanguly Berdymuhamedov tiếp tục công việc chỉnh trang thủ đô để biến Ashgabat trở thành thành phố tuyệt đẹp nhất ở Trung Á. Hình ảnh thường thấy ở Ashgabat là những tòa nhà bằng đá cẩm thạch với lối kiến trúc hiện đại, cầu kỳ, được dát mái vàng cùng với hệ thống đường nội ô rộng rãi, những khu vực quảng trường rộng lớn, những đài phun nước khổng lồ hay những tượng đài của Tổng thống Niyazov cùng hình ảnh tổng thống đương nhiệm được treo trang trọng khắp nơi. Một kiến trúc hiện đại ở thủ đô Ashgabat.
Sau khi tham quan Ashgabat, tôi quyết định mạo hiểm đến với “Cửa Địa Ngục” cách thủ đô 280 km về hướng bắc. Đây là một nơi hoang vắng, chưa có những tuyến xe buýt di chuyển hằng ngày nên tôi đành thuê một xe 4 chỗ đi và về trong ngày. Thật ra, “cánh cửa địa ngục” là một hố gas khổng lồ. Dưới thời Xô viết, khi các nhà địa chất của Liên Xô tiến hành khoan thăm dò trong vùng sa mạc Karakum, họ đã khoan thủng các lớp đất ngầm có chứa khí gas. Lo ngại khí độc có thể phán tán, họ quyết định đưa lửa vào miệng hố với hy vọng đốt cháy toàn bộ khí thoát ra và lửa sẽ tắt trong vài tuần sau đó. Thế nhưng, hơn 40 năm qua, không một chuyên gia nào của Turkmenistan có thể dập tắt ngọn lửa này. Đổi lại, những ngọn lửa cháy mãi ở miệng núi lửa nhân tạo Darvaza đã trở thành biểu tượng về lượng khí đốt dự trữ khổng lồ của Turkmenistan, đồng thời mang biệt danh "cửa địa ngục" bởi ngọn lửa âm ỉ luôn rực sáng giữa sa mạc hoang vắng. Anh tài xế bảo tôi, tổng thống nước này có chỉ thị lấp miệng hố để đảm bảo an toàn cho người dân lân cận, nhưng hiện nay vẫn chưa có một giải pháp khả thi nào. Còn đối với những khách du lịch như tôi, việc trải nghiệm 1 lần đến “cánh cửa địa ngục” là một may mắn, bởi biết đâu trong tương lai nó sẽ biến mất vĩnh viễn bởi bàn tay con người. Một tuần trôi qua thật nhanh ở đất nước kỳ bí Turkmenistan ngay cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Chia tay những con người Turkmenistan vui vẻ, lạc quan, tôi lại bắt đầu một hành trình mới từ thành phố Turkmenabat, thành phố cửa ngõ phía bắc của Turkmenistan để đến với những câu chuyện kỳ thú của những “thương nhân lạc đà” xung quanh 4 thành phố di sản nổi tiếng ở Uzbekistan
Phần 4
4 di sản ngàn năm tuổi của Uzbekistan
Tạm biệt Turkmenistan, tôi tiếp tục đến với hành trình đất nước Uzbekistan với những di sản trên con đường tơ lụa huyền thoại: Bukhara, Samarkand, Shakhrisyabz và Itchan Kala.
Từ Turkmenabat, thành phố phía bắc của Turkmenistan, tôi di chuyển khoảng 30 km, xuyên qua những cánh đồng bông bạt ngàn để đến khu vực biên giới. Gần đến khu vực cửa khẩu Farap-Alat, xe tiếp tục dọc theo con đập nổi tiếng dài hàng chục km nằm giữa biên giới 2 nước. Đây cũng là công trình dẫn nước từ cho sông Amu Daryo giữa hai chính phủ Turkmenistan và Uzbekistan xây dựng từ thời Xô Viết. Khi làm thủ tục nhập cảnh, tôi và các hành khách nước ngoài khác bị hải quan soi rất kỹ hành lý, nhất là máy tính xách tay, máy chụp hình và thuốc men y tế, lượng ngoại tệ mang vào. Bên ngoài khu vực cửa khẩu là trạm xe taxi chuyên vận chuyển khách từ biên giới về thành phố cổ Bukhara. Tôi thương lượng với một chiếc 4 chỗ và đi cùng anh bạn người Turk với giá 25 USD cho quãng đường gần 100 km đến khách sạn nằm ngay trong khu vực phố cổ. Thành phố lịch sử Bukhara có niên đại 2.500 năm Sau khi nhận phòng có giá 10 USD/ đêm (tương đối rẻ), tôi tản bộ để khám phá thành phố cổ xưa. Bukhara khi đó thời tiết dịu hơn nhưng nắng vẫn còn khá gắt. Người dân theo đạo Hồi cũng vừa trải qua tháng Ramada truyền thống nên nhiều quán ăn đã hoạt động bình thường. Bukhara được các nhà khoa học xác định có niên đại khoảng hơn 2.500 năm qua các di chỉ khảo cổ được phát hiện tại đây. Thành phố nằm giữa hai sa mạc rộng lớn trải dài từ Trung Quốc đến Ấn Độ, và là điểm dừng chân quan trọng của đoàn thương nhân lạc đà trước đây. Tôi đi sâu vào bên trong khu vực trung tâm thông qua những cổng vòm to lớn được xây bằng gạch có niên đại hàng trăm năm. Không gian ở Bukhara được tái hiện như là một thành phố nhộn nhịp bày bán rất nhiều các mặt hàng lưu niệm truyền thống. Tôi có thể cảm nhận được bầu không khí và màu sắc của thành phố Bukhara xưa kia đã thu hút những đoàn người dừng chân mua bán, trao đổi hay nghỉ ngơi thư giản để tiếp tục hành trình về phương Nam. Tháp Kalyan, biểu tượng của thành phố cổ Bukhara, có niên đại 2.300 năm. Dừng chân trước một ngọn tháp cao, tôi nghe thêm được những câu chuyện về Bukhara từ cô hướng dẫn viên địa phương đang thuyết minh cho một đoàn khách du lịch nước ngoài. Ngọn tháp Kalyan là công trình mang tính biểu tượng của Bukhara được xây dựng cách đây khoảng 2.300 năm. Trong một thời gian dài, Kalyan còn là công trình cao nhất khu vực Trung Á. Nó cũng là một “ngọn hải đăng”, vì vào ban đêm những ngọn đuốc trên đỉnh tháp sẽ được thắp sáng dẫn đường cho những đoàn thương nhân đi vào thành phố. Hiện nay, Bukhara còn bảo tồn khá nguyên vẹn các công trình cổ như những lăng mộ, trong đó có lăng mộ của Ismail Samani được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, các tháp gạch và các nhà thờ Hồi giáo thế kỷ 11 và một số công trình có từ thế kỷ thứ 17. Và điều quan trọng là tôi luôn cảm nhận được không khí của một khu đô thị sầm uất của hàng nghìn năm trước. Samarkand, thành phố trung tâm trên con đường tơ lụa Hơn 10 ngày khám phá Uzbekistan, phương tiện di chuyển chủ yếu của tôi giữa các thành phố lớn là tàu hỏa. Hệ thống tàu hỏa ở Uzbekistan tiện nghi và sạch sẽ. Tôi chỉ cần đến hệ thống bán vé tại các nhà ga để có thể mua vé cho hành trình tiếp theo. Đa số các nhà ga ở Uzbekistan đều nằm gần trung tâm thành phố. Phương tiện thứ 2 tôi sử dụng để đi những nơi có khoảng cách gần hơn mà không có tàu hỏa là đi taxi ghép. Với giá nhiên liệu rất rẻ ở Uzbekistan, đây là sự lựa chọn tốt nhất để tôi tiết kiệm chi phí mặc dù đôi lúc mất thời gian một chút để đợi đủ khách. Samarkand luôn được xem là thành phố trung tâm trên con đường tơ lụa huyền thoại năm xưa với nhiều di tích văn hóa, tôn giáo độc đáo. Từ Bukhara, tôi đến Samarkand bằng tàu hỏa với khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ cho quãng đường 250 km. Samarkand là thành phố lớn thứ 2 ở Uzbekistan sau thủ đô Tashkent. Thành phố có lịch sử cùng thời với các thành phố cổ khác như Rome, Athen, Babylon và Bukhara. Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga, qua các nước Trung Á nằm trên cung đường "Con đường tơ lụa" năm xưa. Anh dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM. Thời hoàng kim của Samarkand là vào khoảng năm 1370, thành phố ốc đảo này là trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của châu Á. Alexander Đại Đế và Thành Cát Tư Hãn từng chinh chiến tại đây, và Timur Lenk đã lấy Samarkand làm thủ đô vương quốc của ông. Timur là quốc vương của một vùng đất rộng lớn gồm Ba Tư và Mông Cổ, Trung Á, phần đông Trung Quốc và phần bắc của Ấn Độ ngày nay. Thời gian ở Samarkand, tôi đã có dịp chiêng ngưỡng các công trình kiến trúc tôn giáo hoành tráng bật nhất ở Trung Á. Nổi tiếng với hai công trình kiến trúc là thánh đường Bibi- Khanym và Registan, Samarkand đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới năm 2001. Đây là hai công trình tiêu biểu cho kiến trúc Timurid. Phần bên ngoài và bên trong của mặt tiền các cổng vòm đều được trang trí bằng nhiều loại gạch men với nhiều hoa văn trạm khắc tinh xảo, sống động với màu xanh đặc trưng của đất nước Uzbekistan. Shakhrisyabz, thành phố xanh của Hoàng đế Timur Từ Samarkand, tôi bắt xe taxi ghép với giá 20.000 som (khoảng 170.000 đồng) khứ hồi đi Shakhrisyabz. Đoạn đường hơn 80 km với ngọn đèo Takhzakaracha chắn giữa. Tài xế đôi lần dừng xe để tôi có thể ngắm toàn cảnh vùng trũng từ đỉnh đèo, và uống một vài ngụm nước mát lạnh được dẫn xuống từ những ngọn núi cao. Tài xế bảo, người dân địa phương thường uống những loại nước từ thiên nhiên khi có điều kiện đi trên đường. Thậm chí họ còn bỏ đi những phần nước dở trong chai nước khoáng để lấy nước từ những con suối thiên nhiên này. Tôi có một trọn một ngày để khám phá di sản Shakhrisyabz, theo tiếng địa phương được gọi là thành phố xanh. Shakhrisyabz đón tiếp tôi với thời tiết khá nóng vào những ngày giữa tháng 7. Thành phố dường như rất ít cây xanh vì đang trong quá trình tôn tạo, sửa chữa nhưng đây cũng là yếu tố để các công trình cổ của thành phố nổi bật lên khi nhìn thấy từ phía xa. Anh tài xế với chút tiếng Anh cũng đã thông tin cho tôi biết thành phố lịch sử này còn là nơi sinh của hoàng đế Timur Lenk xuất thân Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ vào thế kỷ 14. Đỉnh đèo Takhzakaracha nằm trên độ cao 1780 m nhìn về phía “thành phố xanh” lịch sử Shakhrisyabz. Tôi tham quan một số công trình tiêu biểu nơi đây mà hầu như các di tích không tồn tại nguyên vẹn như ở Samarkand hay Bukhara. Cung điện Mùa hè Timur là công trình vĩ đại nhất trong số các công trình do vua Timur xây dựng. Nhưng công trình này đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích của cổng tháp khổng lồ cao 65 m với đá xanh, trắng vàng được khảm rất tinh xảo. Các công trình ở Shakhrisyabz hầu hết liên quan đến vị vua Timur oai hùng trước đây như cung điện, lăng mộ, quần thể các nhà thờ Hồi giáo… Các công trình này đều thể hiện quá khứ vàng son của một đế chế hùng mạnh ở Trung Á và thế giới. Itchan Kala, một báu vật của Uzbekistan Từ Samarkand, tôi bắt chuyến tàu đêm đi ngược về hướng tây bắc để đến thành phố Urgench, sau đó đi xe bus khoảng 30 km để đến Khiva. Tôi đặt được một khách sạn ở ngay cổng vào của di sản Itchan Kala. Đây là di sản mà tôi dành nhiều thời gian tham quan nhất: một buổi chiều và trọn vẹn cho ngày hôm sau. Itchan Kala được bao bọc bởi một vòng tường thành kiên cố, khép kín, cao khoảng 10 m. Thành phố trước đây thuộc ốc đảo Khiva, điểm dừng chân cuối cùng của đoàn thương nhân trước khi băng qua sa mạc rộng lớn đến đến với Ba Tư. Thành phố Khiva lần đầu tiên được những lữ khách Hồi giáo ghi chép lại vào thế kỷ thứ 10, mặc dù di chỉ khảo cổ cho thấy thành phố đã tồn tại từ thế kỷ thứ 6. Đến đầu thế kỷ 17, Khiva đã trở thành kinh đô của Hãn quốc Khiva được cai trị bởi Hãn quốc Astrakhan, một vương triều của Thành Cát Tư Hãn. Tôi dành trọn thời gian để “sống chậm” tại đây. Không quá rộng và nhiều ngóc ngách như Bukhara, Itchan Kala cần nhiều thời gian để du khách hồi tưởng lại một không gian xưa qua từng lối đi, từng hoa văn họa tiết trên những công trình cổ, ngồi hàng giờ trong một thánh đường nhỏ xem người địa phương đọc kinh, cầu nguyện hay lang thang, trò chuyện với những nghệ nhân làm sản phẩm truyền thống bằng tay rất độc đáo. Với tôi, Itchan Kala là một báu vật trong hành trình khám phá Uzbekistan.
Trắng đêm băng đường đèo ở Trung Á
Những chiếc xe tải chở hàng 18 bánh chạy tốc độ 20 km/h trên cung đường nối Langar tới Murghab. Chỉ một sơ suất nhỏ, chúng có thể rơi xuống vực.
Tajikistan và một phần Đông Nam của Kyrgyzstan thường được xem là nóc nhà thế giới, do có những đỉnh núi cao trung bình trên 4.000 m. Phần trung tâm ở Tajikistan và dãy Pamir được bao phủ những những ngọn núi tuyết vĩnh cửu trên 7.000 m. Đây cũng là đoạn đường hiểm trở mà đoàn thương nhân phương Đông thủa xưa phải vượt qua để đến với những đô thị lớn trao đổi những hàng hóa, sản vật thời đó.
Xa lộ Pamir là đoạn đường hiểm trở vượt qua dãy núi Pamir cao trung bình trên 4.650 m so với mặt nước biển, nối từ thành phố Osh của Kyrgyzstan đến thị trấn Murghab, và rẽ vòng cung trái xuyên qua tỉnh Gomo Badakhshan để kết thúc ở thủ phủ Khorog. Xa lộ có chiều dài 1.252 km và còn được gọi chính thức với tên là M41.
Để bắt đầu trải nghiệm trên xa lộ Pamir, tôi phải di chuyển đến thành phố Khorog. Đoạn đường dài 500 km đi vòng theo đường biên giới với đất nước Afghanistan. Phương tiện di chuyển chủ yếu từ Dushanbe đến Khorog chủ yếu là loại xe 4 cầu, vượt được tốt cho những đoạn đường đèo dốc cao. Chúng tôi chờ đợi gần 2 giờ đồng hồ để đủ số lượng 6 khách trên chiếc xe 7 chỗ ngồi để đến Khorog. Một ngày vất vả với 14 tiếng trên xe, nhưng bù lại tôi được thưởng ngoạn vùng núi tuyệt đẹp vùng biên giới giữa hai nước.
Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga, qua các nước Trung Á nằm trên cung đường "Con đường tơ lụa" năm xưa. Anh dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM.
Hiện tại có 2 cách để đi cung Pamir từ Khorog. Một là tôi bắt xe để đến Murghab, băng qua công viên quốc gia Badakhshan nằm trên độ cao 4.000. Tuy nhiên, chủ nhà trọ bảo rằng đoạn đường này hiện có một đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, xe không thể đi qua. Nếu chọn cách này, tôi sẽ phải rời xe, kéo vali đi bộ khoảng 3 km rồi sau đó bắt một chuyến xe khác để về Murghab. Một số khách du lịch cũng chọn cách này nếu họ vác ba lô thay vì va li kéo bất tiện như tôi.
Tôi chọn cách thứ 2, rủi ro hơn, mà tôi cũng được nhiều người khuyên là không nên sử dụng. Tôi quyết định liều, vì theo Lonely Planet, đây là đoạn đường biên giới tuyệt đẹp. Cách này buộc tôi sẽ di chuyển đến thị trấn cực nam của Tajikistan là Eshkashem dài 108 km, đường đá bi rất hẹp. Từ Eshkashem tiếp tục bắt xe đến thị trấn Langar với chiều dài 90 km, sau đó tiếp tục bắt xe đến Murghab. Đây là đoạn đường được cảnh báo là rất ít xe di chuyển. Tôi hít một hơi thật sâu lấy tự tin để chọn cách này, chỉ trông chờ vào may rủi trên hành trình để về đến Murghab như đúng lịch.
Từ Khorog, tôi bắt một chuyến xe bus địa phương để đến Eshkashem với giá 40 somoni Tajikistan (khoảng 140.000 đồng), trong khi anh bạn người Nhật chọn cách 1 để đến Murghab. Đoạn đường hẹp nhưng thật tráng lệ giữa một bên núi đá dựng đứng và một bên là vực sâu của con sông Panj.
Ngày hôm sau, tôi dậy sớm và bắt chuyến xe đi Langar. Mọi chuyện bắt đầu khó khăn khi tôi đợi hàng giờ vẫn chưa có chuyến xe địa phương nào đi qua khu vực này để về Langar. Thỉnh thoảng tôi có thấy những chiếc xe đi chiều ngược lại chở theo những nhóm khách Tây.
Anh bạn địa phương giải thích: “Thông thường khách du lịch đi từ Osh đến Murghab rồi từ đó về Langar và Khorog. Còn bạn đi ngược lại nên xe cộ rất ít”. Do đặt vé máy bay, tôi khởi đầu từ Dushanbe và kết thúc tại Osh, tôi không còn cách nào lựa chọn cho cung đường truyền thống mà mọi người hay đi. Lúc này tôi chỉ biết chờ đợi và hy vọng. Cuối cùng, tôi cũng tìm được xe với đủ số lượng người ghép khởi hành đi Langar với giá 100 somoni (350.000 đồng) sau 2 giờ chờ đợi.
Đoạn đường từ Eshkashem đến Langar với nhiều đoạn bùn lầy nguy hiểm, nhưng lại là một cung đường biên giới tuyệt đẹp giữa Tajikistan và Afghanistan. |
Những khó khăn, thách thức bắt đầu tiếp tục xuất hiện. Đoạn đường này còn hẹp hơn đoạn trước. Một số nơi không còn rải đá, hoàn toàn là bùn đất lầy lội do mưa. Những đoàn xe tải xếp hàng dài cả cây số. Một số thanh niên địa phương cùng các tài xế xe tải cùng nhau hỗ trợ để từng chiếc xe con có thể qua được những đoạn đường kinh khủng này.
Tôi mất hơn 4 giờ đồng hồ để đến Langar, nơi có nhiều suối khoáng nóng trị liệu rất tốt, cũng là điểm đến cho du khách. Nhưng tôi không còn tâm trí để hưởng thụ tắm suối, chỉ lo nghĩ đến chặng đường tiếp theo, do nhiều người địa phương cho rằng sẽ rất ít có cơ hội để bắt taxi chứ đừng nói gì đến chuyện sẽ ghép được cho đủ số người để tiết kiệm tiền.
Tôi quyết định sẽ chờ để bắt xe về Murghab trong đêm, vì ngày tôi bay từ Osh đã gần kề. Trong suốt 3 giờ, chỉ có vài xe trống dừng lại và ra giá trên trời cho một mình tôi đến Murghab. Tôi cố gắng chờ đợi thêm, biết đâu sẽ có xe có khách để tôi có thể tiết kiệm được một ít tiền.
Nhưng 4 giờ trôi qua vẫn chưa thấy thêm chiếc xe nào. Trời bắt đầu lạnh với từng cơn gió buốt. Tôi nghĩ đến chuyện bắt xe tải để quá giang. Đây cũng là một mẹo mà tôi đọc được trên các sách tư vấn du lịch dành cho những người đi bụi.
Một chiếc, rồi 2 chiếc, 3 chiếc đi qua với những làn khói bụi mù mịt, bỏ tôi lại phía sau. Một bác tài dừng lại và ra hiệu cho tôi hiểu rằng trời đã gần tối, họ sẽ không di chuyển vào ban đêm nên họ sẽ tìm chỗ ngủ để sáng mai tiếp tục khởi hành. Quả thật, những chiếc xe tải chở hàng 18 bánh với tốc độ 20 km/h, chạy chầm chậm trên cung đường này mà chỉ một sơ suất nhỏ là chúng có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào.
Tôi thất vọng và dự định tìm một chỗ ngủ ở nhà dân gần đó thì một xe 7 chỗ dừng lại. Tài xế ra giá luôn mà không cần đợi tôi gật đầu, vì anh ta hiểu rằng chỉ có những khách du lịch như tôi đến giờ này mới có nhu cầu đi trên cung đường mà người bản địa suốt vài năm còn chưa đặt chân tới. Không tìm được xe ghép như mong đợi, nhưng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm để đến Murghab trong một hành trình trong đêm với mức chi phí mà sau này nhiều người bảo là tôi rất may mắn. Trên 250 km đường đèo núi, tôi đã có một đêm không ngủ với trăng, sao và mùi gió lạnh buốt đến rợn người.
4h, tôi đến thị trấn Murghab. Tài xế dừng xe ở nhà một người quen để dùng bữa sáng với bánh mì, bơ, mứt, trà sữa. Căn nhà truyền thống của người Pamir được gọi là Huneuni Chid, có gắn những biểu tượng của Hồi giáo Shia Ismaili, là phái được đa số người Pamir theo. Từ bên ngoài, nhà trông giống như một khối gạch đơn giản, thấp, được trát vữa sơ sài nhưng bên trong rất ấm cúng.
Cuộc dân hàng ngày của người Pamir ở thị trấn Murghab. |
Hành trình trên cung Pamir
Tôi ra bến xe và cùng chia kinh phí với một nhóm khách Nhật để bắt đầu trải nghiệm mong đợi trong hành trình, vượt xa lộ Pamir để về Osh. Đoạn đường dài 412 km luôn là nơi đầy thách thức mà khách du lịch muốn chinh phục. Đoạn đường này chạy qua công viên quốc gia Tajik tuyệt đẹp nằm bao quanh hầu hết dãy núi Pamir sừng sững đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2013. Đây cũng là sự công nhận cho một nơi đẹp đẽ nhất và cũng là nơi khó đến nhất trên trái đất. Đoạn xa lộ này được trải nhựa khá tốt. Thiên nhiên hùng vĩ làm tôi không thể chợp mắt một giây phút nào. Đoạn đường này cũng là cung đường mong đợi của những khách du lịch thích trải nghiệm bằng xe đạp hay xe gắn máy. Xe chạy hơn 200 km thì đến hồ nước mặn Karakul. Đây là hồ nước có đường kính 25 km, sâu và khép kín với màu xanh huyễn hoặc của trời. Hồ được ví như một viên ngọc xanh khổng lồ nằm sát biên giới với Kyrgyzstan, Trung Quốc trên dãy Pamir hùng vĩ này.
Cung Pamir trên nóc nhà thế giới, phía xa là hồ nước Karakul và đỉnh Lenin huyền thoại. |
Trước khi qua cửa khẩu 2 nước, anh tài xế có chỉ cho chúng tôi nhìn thấy phía trước là đỉnh núi mang tên Lenin trên độ cao 7.134 mét, nơi có những dòng sông băng hùng vĩ ngự trị.
Xa lộ Pamir tiếp tục trên phần đất Kyrgykizstan. Những cánh đồng cỏ xanh bạt ngàn cùng những đàn gia súc hàng nghìn con chi chít gặm cỏ trên các sườn núi cao đang dần hiện ra trước mắt. Khi cách Osh 100 km, tài xế chủ động dừng xe cạnh một khu vực nhà Yurk truyền thống bên đường. Họ mời tôi nhấm nháp chút sữa ngựa như làm trọn vẹn hơn cảm xúc trước khi chia tay với vùng đất được xem heo hút nhất trên thế giới, nơi một phần hành trình của đoàn lạc đà nhẫn nại đi về phương tây khi xưa.
Hành trình ngược ‘con đường tơ lụa’ khép lại nhưng tôi hy vọng có lúc sẽ quay trở lại với Trung Á, nơi còn có những con người hiếu khách dường như từ nghìn năm qua vẫn không thay đổi…
Email: nhungbuocchantravel@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét