(iHay) Chỉ được bán nhiều ở Luang Prabang (Lào), bánh dừa nướng (khao nom kok) đựng trong những chiếc hộp điệu đà gây nhớ, gây thèm cho nhiều du khách từng đặt chân đến đất nước triệu voi này.
Từng là cố đô của người Lào xưa kia, Luang Phrabang còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa về kiến trúc, lịch sử và cả nền ẩm thực độc đáo. Ngoài các món ăn cung đình, những sản vật đường phố cũng được chăm chút tỉ mỉ đẹp như tác phẩm nghệ thuật.
Trong đó có bánh khao nom kok mà du khách quen gọi với các tên dân dã là bánh dừa. Đã đến nhiều nơi như Vientiane, Vang Vieng… nhưng dường như chỉ có quanh khu vực chợ sáng gần bờ sông Nậm Nga mới có bán loại bánh này. Mỗi sáng sớm, từng nhóm du khách đi dọc 2 bên con phố sẽ thấy các cô gái Lào đang luôn tay thoăn thoắt đổ bánh, xiên bánh, có cô thì ngồi gói những chiếc hộp đựng bánh bằng lá chuối hình lục giác ghép từ những mảnh lá nhỏ trông như những chiếc giỏ rất đẹp mắt.
Tôi từng tự hỏi sao các cô phải tốn nhiều thời gian để làm chiếc hộp lá đẹp vậy rồi khách ăn xong bánh cũng đâu giữ lại làm gì. Cô bán hàng cười, đó là văn hóa Lào, chúng tôi làm mọi thứ từ tốn, chậm rãi để khách thưởng thức bánh có cảm giác đang được người thân phục vụ chớ không phải mua từ một tiệm ven đường.
Trên đường đi chợ kiểu gì cũng bắt gặp hình ảnh mỗi người cầm một chiếc hộp lá chuối xanh xanh có vài chiếc bánh tròn nho nhỏ đi ngang qua. Bánh dừa nướng có hình dạng như hai chiếc bánh căn Phan Rang phiên bản nhỏ úp chồng lên nhau. Mỗi hộp khoảng 10 cái bánh có giá gần 13.000 đồng. Đây là món ăn chơi lúc đợi mẹ đi chợ của trẻ con Lào, còn khách du lịch ở xa mua để mang vào quán nước ven đường dùng kèm với trà, cà phê đặc. Chút ngọt bùi của bánh, kèm theo vị đắng nhạt của trà hay chút đậm đà của cà phê làm nên vị rất riêng. Nhiều người gọi đùa bữa sáng với bánh dừa kèm cà phê là bữa sáng kiểu cung đình.
Khá nhiều đầu bếp nổi tiếng từng đến Luang Phrabang để học các làm bánh dừa nướng. Tôi từng xem Luc Nguyễn, đầu bếp gốc Việt nổi tiếng tại Úc quay video giới thiệu cách làm bánh và anh cũng đứng bán bánh dừa tại chợ. Tay anh vừa trộn bột, cô gái kế bên sẽ đứng nướng bánh trên khuôn. Bánh dừa được làm chủ yếu với nước cốt dừa, đường và bột gạo. Nhờ vậy khi nướng lên không bị khô, hay tơi như bánh bột mì mà có chút mềm dịu nhẹ nhàng bánh mousse kiểu tây phương, thơm béo của nước cốt dừa.
Bí quyết làm cho khao nom kok ngon là trong bột trộn có thêm tí muối. Một tí vị mặn sẽ làm cho bánh đậm đà hơn ngọt mà không gắt. Muốn bánh ngon quan trọng nhất là pha bột, công đoạn nướng thì sau cùng, có lẽ đây là loại bánh chưa thấy ai ở Luang Phrabang làm mà bị xấu, nên có lẽ công đoạn nướng bánh không khó lắm.
Tôi cũng tò mò đứng xem cô bán hàng làm bánh như thế nào, nhìn cũng dễ làm lắm. Đầu tiên cô dùng cọ phết lớp mỏng dầu ăn cho bánh không bị dính khuôn, múc một muỗng bột đổ vào khuôn bánh tròn rồi đứng canh lửa khoảng 2-3 phút là nướng xong một mẻ. Sau đó cô xiên từng miếng bánh nướng lấy ra úp chồng lên nhau thành một cặp.
Dường như mỗi người bán hàng có một chiếc đồng hồ bấm giây trong đầu, các cô cứ lần lượt đổ bánh, lần lượt lấy bánh đã chín ra khỏi khuôn mà không cần canh thời gian gì cả. Cứ hết đợt này làm đợt khác, bánh chín vàng đều ngàn cái như một không cái nào bị cháy hay vỡ hỏng dáng bánh vì nôn nóng lấy ra quá sớm.
Có chút quà vặt nhỏ bán vệ đường thôi nhưng thấy sự tỉ mỉ của người bán, từ cách làm chiếc hộp đựng, rồi cả cách họ dùng hai tay trao bánh cho khách khiến người ta nhớ mãi. Tôi đã mua một lúc 2 hộp rồi cầm vào tiệm bán trà ven sông, ngồi chiêu một ngụm cà phê sáng nhấm một chút bánh nướng thơm lừng để khởi đầu ngày mới tưng bừng, sảng khoái và thanh nhàn.
Đến Luang Phrabang ngắm những ngôi nhà cổ, chiêm nghiệm cuộc sống nhẹ nhàng thanh bình của người Lào hiền lành, đừng quên thử bữa sáng theo cung cách người Lào nhé, cũng thú vị lắm đó.
Thiên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét