Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

“Ta balô” cùng tàu euro


Không một hồi còi, chẳng thanh âm ken két của những toa tàu rùng rùng chuyển bánh, tàu TGV 9553 nhẹ nhàng rời khỏi ga Đông - Paris (Pháp) lúc 9g10. Vun vút lao với tốc độ 310km/giờ, cuối cùng tàu đỗ xịch ở ga trung tâm của Frankfurt (Đức) lúc 13g05, kết thúc cuộc du hành 12 ngày đêm xuyên châu Âu bằng tàu hỏa của chúng tôi.
Vé trong tay, Euro là của bạn
TT - Anh soát vé nhã nhặn trả lại chúng tôi tấm vé và yêu cầu ghi bổ sung ngay số hộ chiếu, ngày đi đầu tiên và cuối cùng vào những dòng còn để trống. Khi chúng tôi thực hiện xong, anh nhanh nhẹn đưa vé vào chiếc máy nhỏ cầm tay, bấm nhẹ.
Trên vé hiện ra ngày 13-10-12 (ngày đầu tiên chúng tôi dùng xe lửa đi từ Frankfurt đến Dresden, Đức). Nghĩa là từ giờ trở đi, chiếc vé có thời hạn 15 ngày bắt đầu được tính thời gian sử dụng.
Diện tích Công quốc Monaco chỉ có 2km2 nhưng đây là nước có GDP trên danh nghĩa cao nhất thế giới. Có lẽ vì đất hẹp nhưng giàu nên nhà ga phải xây trong núi mà vẫn rất sang trọng? - Ảnh: Duyên Trường
Vé thông hành “nặng ký” hơn hộ chiếu
Eurail Global Pass là tấm vé đi toàn tuyến của Eurail mà tôi đặt mua ở TP.HCM, với giá cho hai người, ngồi toa hạng nhất là 914 euro (1 euro khoảng 27.000 đồng). Kèm theo vé là bản đồ đường tàu nối liền các thành phố lớn của 23 nước châu Âu và bảng lịch trình 2012 ghi rõ giờ, phút đi và đến của... 11.000 chuyến tàu.
“Your pass. Your Euro”. Đó là hàng chữ ghi trên bảng lịch trình mà tôi tạm dịch cho oai “Vé trong tay, Euro là của bạn”. Với hai cặp vé trọn tuyến (Eurail Global Pass), tôi và ba người bạn bên Nhà xuất bản Trẻ, nếu có sức và giỏi chạy sô thì có quyền đi tất tần tật 23 nước, trong vòng nửa tháng.
Lần đầu tiên “vượt biên” trên chuyến tàu từ Berlin (Đức) qua Prague (Czech), ngoài vé, chúng tôi được dặn dò thủ thêm hộ chiếu. Khi tàu vừa qua đường biên giới, bóng dáng những cảnh sát Czech đã xuất hiện. Hai người trong số họ đi dọc toa tàu nhìn chúng tôi, cười chào và... đi thẳng. Ở nhiều đường biên khác cũng chẳng ai soát xét gì hộ chiếu, cứ như thể chúng tôi là dân Euro thứ thiệt. Thôi thì kết luận vui: Đúng là “thủ tục hải quan” ở đây lỏng lẻo quá!
Nhưng “Euro của tôi” không phải nơi nào cũng giống nhau. Một sáng ở ga Marseille, khi chúng tôi hối hả kéo vali vào đường ray đi Cannes thì bị chặn lại ngay từ ngoài. Cô nhân viên Pháp xinh xắn nhưng rất kiên quyết không cho chúng tôi vào vì chưa đăng ký đặt chỗ trước theo quy định (áp dụng ở Pháp và Ý).
Trình bày lý do không kịp đăng ký, kèm theo bài ca đậm màu than vãn, cuối cùng người đẹp đường tàu ”động lòng trắc ẩn” và... dắt cả nhóm tới gặp trưởng tàu. Sau hai nụ hôn áp má chào nhau buổi sáng theo đúng kiểu Tây (rất tiếc là chỉ giữa nhà tàu với nhau) cùng vài câu trao đổi ngắn, chúng tôi thở phào bước lên tàu.
Đi xe lửa nhớ máy bay
Sạch. Thoáng. Hiện đại. Giống như đi máy bay ở Việt Nam... Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi đặt chân lên tàu ICE của Đức, đi từ Frankfurt đến Koln (Cologne). Kéo vali đi dọc các toa tàu hạng hai, chúng tôi nhìn thấy những ghế ngồi bọc nỉ sang trọng. Các toa tàu rộng thoáng, cửa ra vào, cửa sổ đều làm bằng kính trong để khách thoải mái phóng tầm mắt ngắm cảnh.
Có toa dành riêng làm nhà hàng được thiết kế rất “teen”. Riêng toa hạng nhất có những phòng nhỏ 4-6 người, có bàn xếp, tạp chí, kệ trên đầu để cất đồ, ổ cắm điện, đèn bàn, đèn trần... Tàu chạy chừng 15 phút đã có anh nhân viên đẩy xe đến gửi bánh, kẹo, nước ngọt. Còn ở chuyến tàu TGV 9553 hai tầng, từ Pháp sang Đức, bữa ăn thật “ngồn ngộn” gồm bánh mì thịt jambon muối, trứng luộc, phômai, bơ, bánh croissant, yaourt, nước cam. Các cánh cửa ngăn toa đều bấm nút hoặc tự động.
Nhiều chuyến đi liên tiếp giúp chúng tôi hiểu ra đúng là xe lửa Tây có sang hơn, hiện đại hơn, nhưng không phải là tuyệt đối, tất cả. Có vài chuyến tàu đến tờ tạp chí đọc chung cũng chẳng có nói gì kẹo bánh. Trên chuyến tàu địa phương từ Roma đến Genova (đều thuộc Ý), sự cũ kỹ của từng ghế ngồi, toa tàu, nhà vệ sinh cứ lồ lộ ra như cô thiếu nữ đã qua tuổi xuân sắc mà quên phấn son, trang điểm. Cũng may đây là chuyến tàu Tây duy nhất mà chúng tôi gặp phải trong suốt cuộc hành trình.
Đa số tàu châu Âu đều sạch, hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Mỗi đoàn tàu luôn có toa giải khát bày biện lịch sự, thiết kế khá bắt mắt. Trong ảnh: quầy giải khát trông giống quầy bar trên con tàu cao tốc TGV đi từ Marseille về Cannes (Pháp) - Ảnh: Duyên Trường 
Ga châu Âu - bức tranh nhiều sắc màu
Đi Eurail có cái sướng là lịch trình của 11.000 chuyến tàu đều được ghi rõ đến từng phút (và không hề có chuyện delay như đi máy bay ta). Chọn chuyến, định giờ và cứ thế mà đi. Tuy nhiên với các chuyến tàu đêm và một số tuyến thì bắt buộc phải đăng ký chỗ trước.
Chẳng hạn chuyến tàu đi Vienna (Áo) đến Venice (Ý), từ 20g40-8g34, chúng tôi phải đăng ký và muốn ngủ ngon thì đặt giường nằm, giá 36 euro. Du lịch bụi mà xài như thế thì sang quá, nên ép thân chọn ghế ngồi, chỉ 9 euro. Tàu chạy, bốn ghế ngồi được kéo ra, đấu nối vào nhau thành hai chiếc giường nhỏ đủ cho nhóm chúng tôi nằm như cá mòi đóng hộp và cố đánh giấc.
Nhà ga ở Vienna, Venice hay nhiều thành phố khác đều có điểm giống nhau: như một trung tâm thương mại nhiều tầng. Các shop rộn ràng thời trang mùa đông. Các tiệm sách, báo, quán ăn, cửa hàng giày dép nhan nhản. Nhà ga lớn càng hoành tráng, nhiều sắc màu. Tàu chạy trên đầu mặc tàu, bên dưới người người vẫn nhộn nhịp mua sắm, ăn uống. Một điều thật ý nghĩa với những “ta balô” là giá cả trong các nhà ga quốc tế này cũng “xêm xêm” giá các cửa hàng ngoài phố.
Với 18 thành phố chúng tôi đi qua, nhà ga Công quốc Monaco tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất dù thuộc hàng ga nhỏ với chỉ ba đường ray xuôi ngược. Vừa bước chân xuống tàu tôi đã bị lóa mắt bởi vòm hầm tàu làm bằng gỗ. Những ngọn đèn vàng chạy dài hắt ra dòng ánh sáng ấm cúng mà sang trọng. Theo thang cuốn, ngược lên sảnh lớn tìm cà phê, tôi ngỡ ngàng hơn khi dưới chân mình là những ván gỗ bóng loáng. Bước đi trong ánh đèn vàng tương tự dưới hầm, tôi cứ ngỡ như đi vào một nhà hàng, bar rượu sang trọng nào đấy. Ra khỏi sảnh mới phát hiện ga nằm trong lòng núi.
Một balô, một bản đồ
TT - Hết ngày dài lại đêm thâu
Chúng tôi đi trên đất châu Âu
Ăn như mèo và ngủ như trâu.
Venice được xây dựng trên một quần đảo và đến thế kỷ 19 mới có đường chính nối vào đất liền đem đến một trạm xe lửa, rồi sau đó là một đường cho xe hơi. Tuy nhiên đi lại bên trong thành phố vẫn hoàn toàn trên những con đường khá hẹp (ảnh trái) và kênh đào - Ảnh: L.Đ.T. - Thành Nam

Lời chế lại câu thơ của nhà văn Kipling vang lên lúc gần 1g sáng, trong căn phòng trọ 9m2 thuộc khu ngoại ô Paris lạnh lẽo. Cả đám cười ồ. Nhẩm tính 12 ngày làm “ta balô”, chúng tôi đã có 60 giờ 20 phút để ngồi xe lửa, chừng vài giờ đồng hồ “quá giang”xe buýt, tàu điện ngầm, còn lại cứ tì tì cuốc bộ ròng rã.
Một balô trên lưng, một bản đồ cầm tay và thỉnh thoảng... hỏi đường, mỗi ngày trung bình chúng tôi có thể tự tạo ra một tour đi bộ trên dưới chục cây số.
“Công nghệ đi lại”
Euro là của bạn, nhưng bạn phải biết làm chủ nó bằng “công nghệ đi lại”! Tôi nhủ thầm với chính mình khi vừa xách vali nhảy mau xuống một trạm dừng, rồi hộc tốc chạy tìm một chuyến tàu khác nhảy lên. Đó là lần lên nhầm tàu khi di chuyển từ thành phố Linz về Vienna (Áo).
Đến bất kỳ nhà ga nào ở châu Âu cũng luôn gặp một chợ đời nhộn nhịp. Nếu cứ xăm xăm dạo chợ, lữ khách sẽ không có đường ra. Do đó, theo “công nghệ “được truyền đạt từ những người đi trước, vừa đến ga là phải có phút lặng, tìm chỗ... đứng. Từ đó sẽ tiến hành các thao tác: tìm phòng hướng dẫn thông tin, soi các bảng điện tử về chuyến tàu đến - đi ở đường ray nào. Rồi cứ thế kéo vali mà chạy tìm cổng lên/xuống đường ray của tàu mình.
Tại những ga không trang bị hoặc có mà ít thang cuốn, khách phải ì à ì ạch vác vali leo lầu. Nếu lên nhầm cầu thang, bi kịch khuân vác sẽ xảy ra. Còn lần đi từ Pháp sang Đức, chúng tôi cứ phải xách vali lên xuống liên tục để tìm chỗ ngồi vì các toa tàu không thông suốt. Ở ga hoặc ở nhà trọ, theo lịch trình tự soạn, gửi hành lý lại (khoảng vài đồng euro/vali gửi ở ga), rồi thì mỗi người một balô trên lưng, bắt đầu bài ca đi bộ kết hợp xe buýt, xe điện hay metro.
Thành Nam, nhiều năm liền đi châu Âu, lại là thầy dạy tiếng Anh, được giao trọng trách là người dẫn đường cho nhóm. Đến ga,thành phố nào, công việc đầu tiên của Nam là tìm mua bản đồ. Song bản đồ không phải lúc nào cũng có sẵn loại lớn hay có thêm “phụ đề” tiếng Anh.
Praha là nơi thử thách cao độ lữ khách vì bản đồ toàn tiếng Tiệp, các bảng chỉ đường cũng thế và người dân lại ít biết tiếng Anh. Tình huống “đường xưa lối cũ” đi tới đi lui vì vậy vẫn hay xảy ra trong tour đi bộ.
Louvres là một viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nằm bên bờ sông Seine - Paris được xây dựng vào năm 1190. Đây là một địa điểm thu hút nhiều lữ khách tìm đến thả bộ trong khu vực rộng lớn của bảo tàng, nếu mỏi chân khách có thể ngồi nghỉ, thư giãn ngoài trời hay trong quán cà phê - Ảnh: L.Đ.T.
Chậm bước cùng thành phố đi bộ
Venice (Ý), thành phố được tạo dựng trên 117 hòn đảo, với 150 kênh đào, nước bao quanh nên có tên là “thành phố nước”. Nhưng cả Venice không có chiếc xe nào, muốn tham quan trong thành phố chỉ có đôi chân nên mới có tên “thành phố đi bộ”.
Từ nhà ga Santa Lucia bước ra đã nhìn thấy “đại lộ nước” (Grand Canal), cùng trạm “xe buýt dưới nước” (vaporetti) trước mặt. Mua chiếc vé 7 euro và theo xe - một phà lớn, chúng tôi làm một vòng, trước khi bắt đầu tour đi bộ, kéo dài đúng một buổi.
Từng xem nhiều phim, ảnh về Venice, ấn tượng đọng lại là những chiếc thuyền mũi cong truyền thống Gondonla, lướt nhẹ nhàng trên con kênh nhỏ, nước trong xanh. Còn giờ đây, trong mắt tôi hiện ra một bộ mặt khác của Venice.
 Ngoài đường lớn ở sát đại kênh đào song bị đứt quãng, còn lại chỉ là những con đường nhỏ như hẻm ở nhà. Đường rộng 2-3m, thậm chí 1m cũng có, trải đá, chạy đan dọc trong khu vực trung tâm. Ở một số đường nhỏ có nhiều shop thời trang be bé, bày biện rất lịch sự, sang trọng và nếu soi về giá thì chi phí cả chuyến đi xuyên châu Âu của tôi có khi chỉ mua được... một tấm áo. Những ngôi nhà trên phố hẹp cũng rất nhỏ về bề ngang, nhưng được tô vẽ màu sắc rực rỡ. Nhiều ngôi nhà tô đậm thêm nét lãng mạn của thành phố bằng khóm cây xanh, chùm hoa rũ trên bancông, cửa sổ. Qua tìm hiểu được biết dù kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái, những căn hộ be bé này vẫn có giá trên 10.000 euro/m2.
Thú vị nhất là vừa qua, vừa ngắm cầu Rialto. Cao 11m, dài chưa tới 50m, làm bằng đá trắng, được trang trí bằng nhiều gương mặt được chạm trổ với tuổi thọ trên 400 năm, Rialto nối liền hai bờ của kênh đào lớn. Đứng trên thành cầu nhìn xuống, nhìn vào, nhìn xa là có thể “tóm gọn” khung cảnh của Venice lãng mạn và kỳ ảo này: những con thuyền, những con tàu lướt trên sông nước mênh mang; những tòa nhà cổ kính, hoành tráng mấp mé chực chờ chìm trong nước, quảng trường rộng nằm sát kênh đào với nhà thờ, quán ăn, cà phê ngoài trời và thi thoảng những chú bồ câu lững thững dạo chơi...
Cứ mê mải ngắm nhìn và chạnh nhớ: ôi kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn của ta vừa được cải tạo, nâng cấp nhưng không biết đến khi nào có được gương mặt nước và khung cảnh xung quanh như thế này nhỉ?
Đâu rồi bảo tàng sôcôla?
Nghe nói ở Bonn (Đức) có Bảo tàng sôcôla lớn nhất nước Đức nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, nên sau khi tham quan mấy điểm di tích ở Cologne xong, chúng tôi ra tàu trực chỉ Bonn. Để rồi vừa dạo qua nơi ở của nhà soạn nhạc cổ điển Beethoven xong, mới tá hỏa khi nắm lại thông tin: bảo tàng nằm ở Cologne. May là hai thành phố này cách nhau chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ ngồi tàu cao tốc. Lại nghe Bảo tàng sôcôla Cologne mang hình dáng một con tàu nằm bên bờ sông Rihne, nên cả nhóm cứ hỏi đường ra sông mà trực chỉ. Rihne xinh đẹp hiện ra trong trời chiều mới quyến rũ làm sao.
Người dẫn đường nhanh chóng mở bản đồ ra, à nó nằm tay phải, cách chừng 2-3km. Để cho chắc, anh tiến ngay đến một xe cảnh sát đậu gần đấy hỏi đường. Cảnh sát Đức trông nghiêm đến thế nhưng lại cười thật tươi và rất nhiệt tình, vừa đưa tay chỉ hướng, vừa xổ mấy câu tiếng Anh: qua hai cây cầu là tới thôi nhưng ở bờ bên kia sông.Thế là đi. Gặp cầu thứ nhất, sẵn đèn xanh qua bờ bên kia luôn cho tiện. Chao ôi, sông Rihne rộng chi mà rộng thế, đường dẫn lên cầu lại dài và dốc nên vừa đi vừa thở. Mất khoảng nửa giờ là đã đến bến bờ mơ ước. Thêm một lần hỏi đường lại, chớ nhìn trên bản đồ không ra nó nằm ở bờ bên nào cả. Người thứ nhất rồi đến người thứ hai đều trả lời như đinh đóng cột, kèm tay chỉ... qua bờ bên kia! Sông Rihne ơi, lần tái ngộ này sao thấy mi rộng khủng khiếp, rộng khiến từng bước chân như muốn khuỵu xuống.
Từ ngoài nhìn vào, con tàu sôcôla lộng lẫy thật, nhất là ở tầng trên nhìn qua lớp kính trong, thấy những thỏi kẹo to đùng, vàng chóe như những nén vàng ngày xưa. Đúng là bảo tàng sôcôla, vì đủ loại sản phẩm đa dạng, đẹp mắt, lại có cả biểu diễn quy trình sản xuất. Thật thú vị và ngọt ngào, đủ để quên chuyện chocolate ở bến bờ nào...
Tìm lại dấu xưa
TT - Theo những chuyến tàu đêm ngày, đến những thành phố lớn nhỏ, nhóm “ta ba lô” chúng tôi không thể nào bỏ qua những dấu xưa của châu Âu.
Đó có thể là những vùng đất lâu đời với những thành quách lâu đài xưa cũ. Đó cũng còn là những vết tích lịch sử của những năm tháng chưa hẳn đã xa...
Tại quảng trường nhà hát Dresden, du khách có thể gặp lại hình ảnh những bậc “vương giả” ngày trước đang dạo chơi - Ảnh: L.Đ.T.

Nhan nhản khu phố cổ
Lần đầu tiên đặt chân đến một khu phố cổ châu Âu- ở thành phố Frankfurt am Main (Đức), chúng tôi cảm thấy ... tê người. Những ngôi nhà cổ được gìn giữ gần như xưa (ấy là tôi đoán thế) với các đường nét kiến trúc đẹp không lẫn vào nay được. Quảng trường Romer rộng rãi, lót đá đen, từng bước chân vọng âm vang vui tai. Nhiều quán ăn, quán cà phê lộ thiên thật xinh xắn, dễ thương.
Giữa quảng trường có một tượng người khỏa thân (như nhiều tượng khác ở châu Âu) đặt giữa một vườn hoa nhỏ. Và bất ngờ từ trong một tòa nhà cổ to lớn bước ra một đôi vợ chồng vừa “bóc tem”. Bạn bè cầm mỗi người một cành hoa đứng hai hàng chào. Rồi những nụ hôn vợ chồng, bằng hữu trao nhau. Rồi chiếc xe hoa chạy kéo lê lóc cóc một dây lon rỗng phía sau...
Chẳng riêng Frankfurt, 18 thành phố ở châu Âu tôi qua đâu đâu cũng có những khu phố cổ hay quảng trường dễ thương đến nao lòng. Mỗi nơi một vẻ, như ở Prague (CH Czech), khu phố cổ Old Town mang nét đẹp vừa cổ kính vừa quý phái và toát lên dấu ấn độc đáo nhờ tháp đồng hồ thiên văn Astronomical... Chỉ có điều tình thiệt mà thưa, việc tiếp cận sâu các giá trị văn hóa ở những địa chỉ cổ thường phá vỡ kế hoạch chi tiêu của “ta balô”. Như đến Ý vào đấu trường La Mã Colloseum ngày nào, chỉ ngắm nhìn những tường đá không “lành lặn” cũng đã mất 12 euro...
Đi dưới rặng bồ đề
Buổi sáng cuối thu, chớm đông ở Berlin, thong thả rảo bước trên đại lộ Unter den Linden (dưới rặng cây bồ đề), bốn cái miệng không ngớt lời cảm thán về sự quyến rũ của một khung cảnh yên bình. Đại lộ có vỉa hè rộng lớn với đường dành cho người đi bộ, người đi xe đạp và đường dành cho...những hàng cây bồ đề chạy dài. Chút thu còn đọng lại trên cành lá những sắc màu đa dạng-xanh phớt, vàng nhạt lẫn đỏ thắm, như tô thêm nét đẹp thơ mộng cho con đường trứ danh này.
Ở một góc cuối đại lộ, cổng thành Brandenburg sừng sững hiện ra với sáu cột đá chính lớn, cùng tượng nữ thần chiến thắng Victoria trên cỗ ngựa tứ mã (Quadriga). Với số tuổi hơn 220 năm, từ lâu cổng thành này được xem là một trong những biểu tượng chính của Berlin, nên du khách cứ nườm nượp vào ra. Anh Stilwell - người duy nhất ngồi bán bưu thiếp và “đóng dấu visa” ngay giữa quảng trường kề sát cổng thành, nhìn tôi xác định quốc gia và bất ngờ tung ra câu hỏi lơ lớ “Khỏe không?”. Qua anh, chúng tôi được biết bức tường Berlin ngăn chia Đông Đức và Tây Đức trước đây cũng chạy ngang cổng thành này. Còn bây giờ?
Sau gần đúng một buổi, vừa đi ngắm thiên hạ, cửa hàng trên con đường mua sắm, vừa dừng uống cà phê, ăn nhẹ ở quán vỉa hè, vừa dò bản đồ và hỏi đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu tưởng niệm Gedenkstätte Berliner Mauer trên đường Bernau vào lúc xế chiều. Tại đây chỉ còn lưu giữ một đoạn tường dài gần 1 km cũ kỹ, lỗ chỗ, lòi cả cốt thép bên trong. Kề liền bờ tường là một hàng cột thép nâu đỏ, dựng có khoảng cách rộng hẹp khác nhau để nhìn xuyên vào trong.
Lách qua hàng cột thép này, chúng tôi bước vào một sân cỏ rộng lớn như sân bóng. Đập vào mắt du khách là hàng trăm ảnh chân dung những người mà sự sống hay cái chết của họ liên quan đến bức tường chia cắt và tái hợp. Chúng tôi tò mò đến những cây cột lớn hình khối đặt gần đấy mới biết đó là những phòng trưng bày thu gọn. Chỉ cần đọc hướng dẫn, bấm số là du khách có thể xem nhiều tư liệu, hình ảnh, những thước phim video, có thuyết minh về những “dấu xưa” đã xảy ra trước đây ở hai phía bức tường...
Du khách xem ảnh những người đã chết tại khu tưởng niệm bức tường Berlin - Ảnh: Duyên Trường
“Leo gắng sức” cùng đỉnh cao Vatican
Nối đuôi dòng người đứng xếp hàng trên quảng trường rộng lớn của thành quốc Vatican, mất hơn nửa giờ chúng tôi mới tới cửa an ninh. Cũng giống như thủ tục khi vào phòng chờ máy bay, tất cả đồ đạc mang theo phải đưa qua máy soi.
Bước chân vào trong đại giáo đường thánh Peter, dù là người ngoại đạo, tôi vẫn cảm được không khí tôn nghiêm đang bao trùm không gian tĩnh lặng rộng lớn. Người người lặng lẽ qua lại, kẻ thì say mê, nhìn ngắm những bức tượng bằng đá cẩm thạch, những bích họa hoành tráng hoặc bỏ 2 đồng euro vào máy dập để có một mảnh kim loại nhỏ với biểu tượng của tòa thánh về làm kỷ niệm...
Sau màn tham quan nhẹ nhàng, nhóm chúng tôi bàn với nhau việc “chinh phục “đỉnh giáo đường. Theo số liệu ngay tại chỗ thì chiều cao mái bát úp với cửa trời trên mái là 138m, tổng cộng có 551 bậc thang lên, ai yếu sức thì dùng thang máy sẽ giảm bớt được 320 bậc.
Một khuyến cáo được đưa ra: những người có bệnh sử về tim, thần kinh yếu thì không nên thử sức mình. Điều này làm tôi nhớ cách đây vài năm, một lần đi khám tim mạch và được yêu cầu làm thử nghiệm “đạp gắng sức “. Hồi ấy tôi đã đạp đến mức sắp không còn thở nổi thì mới được dừng. Thôi thì cứ thử “leo gắng sức”, đến lúc hết leo nổi thì lại dừng. Thế là tất cả đồ đạc mang theo, kể cả áo ấm được cởi bớt cho vào balô, gửi lại một bạn trong nhóm - đã từng đến thành quốc này và leo đỉnh rồi, trông coi hộ để nhẹ người mà thử sức.
Lối đi lên đỉnh tháp giáo đường phần lớn là hẹp, với nhiều đoạn hình xoáy trôn ốc. Cứ bước đi lên, quay vòng vòng một lúc là hoa cả mắt. Muốn dừng lại đi xuống cũng không được vì bậc thang quá hẹp chỉ vừa đủ cho một người đi. Tôi phải vừa đi vừa dừng, liên tục ngoái đầu nhìn ngược về sau để khỏi chóng mặt. Cuối cùng cuộc “leo gắng sức” cũng đạt đích. Hành lang vòng cung trên chóp mái quá hẹp. Lố nhố người chen nhau nhìn hoặc chụp ảnh bên dưới và cũng một lượng người tương ứng dựa lưng vào tường...thở tự do liên hồi. Muốn di chuyển qua lại phải chen nhau mà đi. Dăm phút ngắn ngủi ngắm nhìn trời xanh và chụp ảnh khung cảnh hạ giới bằng điện thoại di động, tôi nhanh chóng tháo lui.
Xuống sân, chưa kịp hoàn hồn đã nghe bạn ở lại “dưới trần” thông báo: có một tin buồn! Mới quay qua quay lại thoáng cái đã bị chôm mất một balô. Tôi điếng người khi trong balô bị mất của tôi có máy ảnh và sổ tay ghi chép cuộc hành trình cả tuần qua. Tiếc cái tài sản giá trị này, tôi và cả nhóm đi lục từng thùng rác một, mong kẻ cắp chê quyển sổ không giá trị mà ném lại. Vô vọng!
Lủi thủi rời khỏi thành quốc Vatican và tự an ủi rằng: còn có nhiều người đồng cảnh như mình khi đến đây. Bởi theo một thông tin trên Bách khoa toàn thư thế giới, thành Vatican có tỉ lệ tội phạm trên đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới!
Mái nhà cho người du lịch bụi
TT - Sau một ngày mệt nhoài vì cuốc bộ tham quan Dresden và ngồi tàu, 8 giờ tối chúng tôi đặt chân đến sân ga Berlin và lếch thếch đi tìm chỗ trọ. Trong đêm vắng lạnh, tiếng lốc cốc của vali kéo trên nền đá gợi nhớ âm thanh vang vang của xe ngựa trên đường ra chợ sáng tinh sương hay lúc chiều về ở quê nhà ngày xưa...
Tại những phòng trọ tập thể, khách phải ở ghép, không phân biệt màu da, giới tính và rất bất tiện về chuyện vệ sinh. Trong ảnh là phòng bốn người ở một nhà trọ gần ga Berlin - Ảnh: Duyên Trường
Khách sạn như nhà mình
Meninger, khách sạn mà chúng tôi đăng ký trước qua mạng, là một tòa nhà cao tầng nhưng chẳng có sao nào cả. Phòng nhỏ, sạch sẽ, không điện thoại, bố trí khá ngồ ngộ với... hai giường tầng đâu góc nhau. Với giá sinh hoạt đắt đỏ của châu Âu mà chỉ 14 euro/người, vậy là tốt rồi.
Trên tờ rơi quảng cáo của Meninger có hàng chữ The urban traveller’s home (tạm dịch Ngôi nhà đô thị dành cho du khách). Tôi chỉ có thể cảm hết ý nghĩa của cụm từ này vào sáng hôm sau, khi tính toán chuyện ăn sáng. Meninger có tổ chức ăn buffet, nhưng mỗi khách phải đóng thêm 5,9 euro.
Du lịch balô dè sẻn đến từng đồng một, nên bốn chúng tôi lấy mì gói mang từ Việt Nam sang, xuống dưới sảnh tìm xin nước sôi, nào ngờ được cô tiếp tân chỉ dẫn vào một căn phòng nhỏ y như ở nhà. Có bàn ăn, bếp, nồi niêu xoong chảo, chén đũa, mấy lọ gia vị... Cạnh bếp có tủ lạnh, mở ra thì thấy để sẵn jambon, phômai, bánh mì, yaourt, chuối kèm tờ giấy nhỏ: Mời dùng miễn phí. Đây chắc là của du khách nào mang theo dùng không hết nên để lại làm “công tác xã hội”?
Kề bên là một tủ giặt sấy quần áo, bỏ vào 5 euro là có thể giải quyết nhanh chóng những bộ đồ dơ! Thì ra ở khách sạn nhưng sinh hoạt cứ y như ở nhà mình.
Gõ Google, được biết châu Âu có rất nhiều nhà trọ (hostel) tạo điều kiện sinh hoạt y như ở nhà mình. Tiếc rằng Meninger lại là “hàng hiếm” trong suốt chuyến du hành. Một số nhà trọ, khách sạn bình dân khác mà chúng tôi đến ở đều không được kiểu “nhà mình”. Như ở Prague, khách sạn Louis Leger, chúng tôi phải kê khai, trình hộ chiếu; với Ferrarese ở Rome, hai sao hẳn hoi, ngoài 120 euro tiền phòng còn lấy thêm 2 euro/người gọi là thuế thành phố...
Phòng trọ đồng hương
Hai tấm đệm nhỏ dành cho ba gã đàn ông, một chiếc giường nhỏ dành cho quý bà duy nhất, một chiếc tủ đứng đặt quần áo và một cái bàn nước mini là đã chật kín căn phòng chưa đến 10m2. Muốn mở vali ra ư? Xin nhanh tay dựng một chiếc đệm lên! Muốn đi vệ sinh? Vui lòng bước ra ngoài, vào phòng kế bên và gõ cửa để tránh chạm mặt với người không quen...
Đó là phác họa về căn phòng trọ (thuộc khu 3 ngoại ô Paris) của bốn chúng tôi trong ba ngày đêm ở Paris. Do “đụng hàng” với một số anh chị ở Tiền Giang qua dự hội chợ, nên chỗ ở của chúng tôi bị thu hẹp chỉ còn bằng nửa. (Chút vui đính kèm: giá thuê phòng cũng giảm tương ứng). Phòng nằm trong một căn nhà có khuôn viên khá rộng rãi, với một diện tích lớn phía trước là sân. Phòng ở gia chủ cùng nhà bếp nằm bên dưới, còn lại ba phòng tầng trên dành cho thuê.
Chủ nhà là một cặp vợ chồng Việt kiều. Chồng tài xế, vợ làm nhà trẻ kiêm luôn quản lý nhà trọ không tên. Giá rẻ hợp lý (15 euro/người), giao tiếp dễ dàng, vui vẻ, nên nhiều dân Việt công tác hay du lịch balô thường tìm đến đây.
Những ngày ở Frankfurt, Đức chúng tôi cũng trọ tại nhà người Việt. Anh Tòa, dân Bình Phước, đi nấu ăn thuê, vợ là chị Thoa, người Hải Phòng, ở nhà chăm nom con cái. Thỉnh thoảng có mối quen giới thiệu, hai vợ chồng cho người Việt ở trọ, gọi là cải thiện kinh tế chút chút. Nơi trọ này rất là “nhà mình”. Phòng ở rộng rãi, ngăn nắp sạch sẽ, chẳng có sự “trộn lẫn giới tính”.
Không chỉ cho trọ, chị Thoa còn sẵn lòng nấu món ăn Việt theo yêu cầu, với chi phí đố kiếm đâu ra trên nước Đức. Hai vợ chồng đều vui vẻ, nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ đồng hương khi có yêu cầu. Có hôm sau chục ngày đi bụi, mệt và ngán ngẩm thức ăn Tây, chỉ cần alô trước, về đến nhà đã có sẵn nồi cháo gà Việt Nam nghi ngút khói. Trở trời, viêm họng, khô da, hỏi một tiếng là có thuốc ngay...
Được biết những phòng trọ nặng tình đồng hương ở trời Âu giờ cũng kha khá. Có nơi lên mạng để quảng cáo, có nơi in card để đưa người ở trước giới thiệu người ở sau.
Một quán cà phê hè phố ở thành phố Cannes, Pháp - Ảnh: Duyên Trường
Tôm hùm “mai phục”
Tại các thành phố châu Âu mà chúng tôi đến, từ những quảng trường lịch sử rộng lớn cho đến những con phố nhỏ đi bộ đều có các quán cà phê ngoài trời. Những quán này bày biện khá lịch sự và chẳng hề bát nháo như quán lề đường của ta. Trong tour đi bộ, bao giờ chúng tôi cũng chọn loại quán này để ăn nhẹ hoặc uống cà phê kết hợp ăn trưa với “thực đơn” mua từ siêu thị mang theo. Thỉnh thoảng có những cuộc đi bộ, rồi tàu điện xe lửa nối tiếp nhau cấp tập khiến thời gian không cho gì vào bụng lên đến gần 20 giờ. Sau lúc ấy, thường chúng tôi lại vào quán hẳn hoi, mỗi người một suất theo kiểu Tây và xin thêm vài cái đĩa không để tạo thành một bữa ăn chung nhiều món như ở quê mình.
Sau cả chục ngày ăn uống theo kiểu du lịch bụi ở trời Tây, tôi mới thấm thía hai câu Đi Tây phải sống như ta/Để khi về nhà ta sống như Tây được ghi lại trong Vì cuộc đời là những chuyến đi của Hiên Bonnin Trần. Nhưng cuộc đời luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ nên có lúc đi bụi mà cũng ăn sang.
Đó là giữa tour đi bộ thành Venice, chúng tôi dừng bước để ghé vào một quán ăn - cà phê ngoài trời khá dễ thương. Đã 16 tiếng đồng hồ, tính từ lúc lên tàu ở Vienna, chúng tôi chưa có gì bỏ bụng nên quyết định ăn cho đầy đủ. Một xà lách trộn, một khoai tây - bò và một spaghetti hải sản mà chúng tôi chỉ nhìn thấy hình quảng cáo trước quán (không thấy giá), có để những con sò đen rất lạ.
Tiết kiệm, gọi ba món dùng chung cho bốn người. Món hải sản dọn ra, chia nhau xơi trước những con sò đen bên trên. Kế đến là spaghetti. Nhưng chỉ một gắp đũa đầu tiên là phát hiện cái đầu tôm nhọn nằm ẩn khuất dưới những cọng mì. Trời ơi... một chú tôm hùm bị xẻ đôi nằm chìm bên dưới. Dù chú ta thuộc dòng họ tôm hùm khiêm tốn về vóc dáng, nhưng cứ “hùm” là nghe đã đe dọa túi tiền rồi.
Khỏi nói thêm gì về mặt mũi của những nhà “ta balô” lúc này. 80 euro riêng cho đĩa mì Ý hải sản có thể sẽ làm tăng thêm sự nể trọng khách Việt Nam ở anh bồi bàn, nhưng sẽ làm teo tóp lại những bữa ăn kế tiếp.
Dù sao thì Venice ơi, với chú “tôm mai phục” này, bạn đã tạo thêm một ấn tượng nhớ mãi cho chuyến du lịch bụi. Chuyến du lịch mà chúng tôi chỉ mất gần 1.000 euro/người cho 12 ngày dùng xe lửa đi 18 thành phố ở châu Âu. Cái giá đó tôi không dám chắc là có rẻ hơn so với đi xe hoặc máy bay không. Chỉ có thể nói rằng với xe lửa kết hợp đi bộ, chúng tôi đã cảm thấy là đã có được lợi thế hơn trong việc tiếp cận và cảm nhận phong phú nhịp đời cùng cảnh quan châu Âu.
LƯU ĐÌNH TRIỀU

Không có nhận xét nào: