Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Brunei - Nơi chốn bình yên


Ngôi làng xây dựng trên mặt nước tại Brunei được nhà biên sử người Ý, Antonio Pigafetta gán cho tên “Venice miền viễn đông”.
Việc đầu tiên Antonio Pigafetta muốn làm khi đến Brunei vào năm 1521 là tham quan làng nước – nhà sàn của người châu Âu. Ngày nay, sau hơn 500 năm, làng nước vẫn giữ nguyên hình ảnh một cộng đồng miền quê yên ả trên mặt sông với những con thuyền. Mặc dù nơi đây có nhiều thay đổi như sự phát triển của truyền hình vệ tinh, vật liệu xây dựng... nhưng hình ảnh về ngôi làng trên mặt nước vẫn được giữ nguyên.
 
Làng nổi Kampong Ayer yên ả trên sông.

Tên nước chính thức của Brunei là Ngara Brunei Darussalam (đất nước Brunei, nơi chốn bình yên). Trong đó,"Darussalam" theo tiếng Ả Rập có nghĩa “nơi chốn bình yên”. Lịch sử Brunei có từ hơn 1.500 năm trước. Nhiều bằng chứng lịch sử chứng minh rằng, khoảng thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, Brunei có giao thương với Trung Hoa. Những nhà buôn lúc đó gọi đất nước này là Vương quốc Puni hoặc Poli.
Vào thế kỷ thứ 14, đạo Hồi trở thành quốc giáo của Brunei. Vào thời đó, vương quốc Hồi giáo này trải dài từ phía nam là đảo Borneo, ôm trọn vẹn Indonesia và vươn tới phía bắc là Philippine. Vương quốc Brunei kéo dài sự hưng thịnh đến thế kỷ thứ 16 trước khi bị thực dân phương Tây nhấn chìm trong ách nô lệ suốt nhiều thế kỷ.
 
Làng nổi Kampong Ayer.

Ngày nay, mọi người biết đến Brunei như một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa. Doanh thu từ dầu hỏa chiếm tỷ trọng 95% trong kim ngạch xuất khẩu.
Về phương diện địa lý, vương quốc trải dài trên diện tích 5.765 km2, nằm ở bờ tây bắc đảo Borneo. Đó là bang Malay lâu đời nhất ở Borneo. Láng giềng của vương quốc bao gồm bang Sabah, Sarawak của Malaysia và Kalimantan của Indonesia.
 
Đài tưởng niệm thùng dầu thứ 1 tỷ được chiết xuất tại Seria-Brunei.

Brunei có 4 quận: Brunei – Muara (bao gồm thủ đô Bandar Seri Begawan), Temburong, Tutong va Belait. Nguồn thu chủ yếu từ dầu hỏa, khí hóa lỏng ở duyên hải Seria, Kuala Belait (cách thủ đô khoảng 100 km). Dân số của Brunei hiện nay gần 400.000 người, 2/3 là người gốc Mã lai. Phần còn lại là người Hoa, những sắc tộc thiểu số khác và người lao động nước ngoài.
Ngôn ngữ chính của Brunei là tiếng Mã Lai. Tuy nhiên, tiếng Anh cũng được dùng phổ biến. Đạo Hồi là tôn giáo chính thức của vương quốc nhưng những người theo các tôn giáo khác vẫn được tôn trọng.



                                                                           Theo VnExpress


Tò mò đi Brunei

Brunei tuy không đặc sắc nhưng tôi cảm thấy có cái gì đó hay hay khó tả, khác hẳn với những gì tôi đọc trên diễn đàn người ta chê xối xả về đất nước này.

Tôi biết trước Brunei là đất nước chán ngắt, buồn tẻ và khá đắt đỏ cũng như chẳng có gì để đến chơi nhưng vì tò mò muốn xem thử Bruinei ra sao, con người họ như thế nào nên cuối cùng tôi cũng quyết định đi đến nơi này. Hồi trước, đi Brunei có đường bay thẳng của hãng hàng không Royal Brunei bay từ TP HCM, nhưng sau một thời gian ngắn do bay quá ít khách, lỗ lã triền miên vậy nên cho dù là hãng hàng không quốc gia của một đất nước giàu có lục địa, chứa đầy dầu mỏ cũng phải đau lòng xót ruột. Thế nên hãng này đã quyết định cắt bỏ đường bay ế khách này để rồi cách duy nhất cho những ai muốn bay đến Brunei từ Việt Nam là phải bay qua Kuala Lumpur hay Singapore rồi nối chuyến bay đi tiếp. Brunei nằm trong khối ASEAN nên người Việt Nam không phải lo vụ visa, cứ mua vé rồi book khách sạn xong là đi.
Ham đi nhưng ít tiền vậy nên tôi book vé của hãng giá rẻ AirAsia. Nhiều người chê hãng này nhưng tôi thì thấy khoái vì cứ nghĩ "tiền nào của nấy" nên chẳng chút so sánh gì với các hãng đắt tiền cho mệt. Tôi chọn chuyến bay đêm của AirAsia đi Kuala Lumpur. Đến Kuala Lumpur là hơn nửa đêm nên tôi trải tấm bạt đêm mang theo ngủ luôn ở sân bay để tiết kiệm. Tôi dự định book vé đi luôn qua Brunei ngay sáng hôm sau nhưng giá vé ngày đó khá cao và những ngày kế tiếp sau đó rẻ hơn phân nửa nên tôi quyết định ở lại Mã Lai chơi 1 ngày rồi ngày kế sau đó mới đi Brunei. Ngày ở lại Mã Lai, tôi không đi vào KLCC chơi vì bản thân không thích thành phố này mà tôi đón xe bus chuyến sáng khởi hành tại sân bay đi Malacca, thành phố tôi rất thích ở Mã Lai, có kiểu na ná như Hội An mà tôi có ghé qua một lần và bây giờ muốn quay lại. Tôi ở Malacca chỉ một đêm và chỉ loanh quanh thả bộ lòng vòng, đi uống cafe bên bờ sông, dạo chợ đêm rồi về khách sạn nghỉ ngơi.

Thánh đường Hồi giáo hoành tráng ở Brunei.
Tôi đón xe bus chuyến chiều quay trở lại sân bay giá rẻ LCCT để ngủ đêm tại đó rồi sáng hôm sau bay chuyến bay sớm lúc 6h hơn để đi Brunei. Lắc lư theo chuyến xe bus hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi đến sân bay lúc trời nhá nhem tối. Tranh thủ 3 tiếng internet miễn phí ở sân bay, tôi vào check email, up hình Malacca lên Facebook rồi sau đó ăn cơm tối với hộp cơm chiên tôi mua ở bến xe Malacca xong đi tìm chỗ ngả lưng chờ đến sáng sớm bay đi Brunei.
Brunei chào đón tôi vào buổi sáng trời trong xanh có nắng vàng chang chói. 3 giờ bay từ Kuala Lumpur giúp tôi có được một giấc ngủ dài bù lại đêm hôm trước ngủ vật vờ ở sân bay lạnh ngắt. Từ trên máy bay nhìn xuống lúc sắp hạ, Brunei nằm bên biển xanh ngắt đầy cây xanh trải dài khắp đất nước. Nghe nói cây xanh chiếm đến 75% đất nước giàu có nhất ASEAN nên không khí ở đây rất trong lành, mát mẻ. Nhà cửa ở đây không san sát mà rải rác nằm chen mình trong những rừng cây xanh ngút ngàn. Sân bay Brunei sạch sẽ gọn gàng, du khách đến đây khá ít nên sân bay vắng vẻ khác hẳn với những đất nước khác vùng Á Châu tôi đã qua. Ra khỏi sân bay với thủ tục nhập cảnh nhanh gọn, tôi đón taxi về khách sạn The Brunei ở khu trung tâm check in rồi tắm rửa sau đó vác ba lô bắt đầu đi chơi.
Khách sạn The Brunei tôi book theo phản hồi khá tốt từ Tripadvisor nằm ngay trong khu trung tâm thủ đô Banda Seri Begawan nên đi đâu cũng dễ. Khách sạn rất đẹp nhưng giá khá cao vì ở Brunei chi phí cao hơn mấy nước ASEAN khác. Taxi đi từ sân bay về trung tâm không xa bao nhiêu nhưng giá dao động từ 25 đến 30 Brunei dollard (khoảng hơn 400.000 đồng) nhưng được cái xe taxi ở đây rất mới và đẹp với số lượng khoảng 50 chiếc cho cả đất nước. Đất nước Brunei nhỏ xíu với diện tích 5765 km2 và dân số chưa tới 500.000 người nên đi ra đường rất vắng vẻ. Là đất nước Hồi giáo nhưng rất ít khi tôi gặp những người phụ nữ trùm khăn đen mặc đồ đen kín mít như ở Kuala Lumpur. Họ ăn mặc bình thường, phụ nữ chỉ trùm khăn thôi chứ không mặc đồ đen chừa hai con mắt huyền bí như tôi tưởng tượng lúc đầu. Người dân Brunei cũng thân thiện, vui vẻ. Họ sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng Male (Mã Lai) và tiếng Anh, vậy nên đi chơi ở đây không gặp trở ngại về ngôn ngữ, chỉ có điều... chẳng có gì để chơi!
Cũng đến giờ trưa, tôi vác ba lô đi lang thang tìm quán ăn để lót dạ bữa trưa. Lòng vòng mãi không thấy món gì hấp dẫn, tôi ghé Coffee Bean ăn món tây cho chắc ăn rồi ngồi nghỉ chút, sau đó đi bộ ra bến sông đón tàu đi thăm làng văn hóa lịch sử hơn 600 năm nổi tiếng ở Brunei mang tên Kampung Ayer (Water Village).
Mặc cả trả giá, cuối cùng tôi chốt giá với bác tài đi 1 giờ giá 20 Brunei dollar. Tôi cùng hai người bạn lên tàu và bác tài tăng tốc đưa chiếc tàu gỗ nhỏ gắn máy lao vun vút trên dòng sông Brunei hướng về phía ngôi làng tôi thấy nhấp nhô mái phía trước xa xa. Trời Brunei nắng chang chang nhưng mát rượi vì đi trên sông có gió ngập hơi nước. Anh lái tàu nói tiếng Anh ở mức độ đủ hiểu đưa chúng tôi vào "water village" xem cảnh sống của người dân sống ở đây.
Ngôi làng trên nước Water Village.
Tuy sống nhà sàn trên sông nhưng nhà ở rất sạch sẽ và tiện nghi. Đúng là đất nước dầu mỏ có khác, sống trên nước mát rượi vậy mà nhà ai cũng gắn máy lạnh hẳn hoi. Nước sạch được dẫn đến từng nhà để dùng, nhà trên nước nhưng trật tự ngăn nắp có số nhà, hộp thư phía trước rất bài bản. Ngôi làng nổi này có đầy đủ trường học, nhà thờ Hồi giáo, cơ quan hành chính làng, cây xăng, chợ búa... Anh lái tàu cũng sống ở khu làng trên nước này nên mời chúng tôi về nhà chơi, uống nước để biết thêm cuộc sống của con người làng trên nước độc đáo này. Gia đình anh có 4 đứa con, anh làm nghề lái tàu, chị vợ thì ở nhà nuôi con thôi chứ không đi làm vì đất nước này giàu có nên nhà vua lo cho dân tất cả: đi học, đi bệnh viện cũng miễn phí. Người dân không phải lo đóng thuế và hay hơn cả là họ không bao giờ lo đói vì đã có nhà vua lo cho, cứ hết tiền thì vua cho múc dầu mỏ lên bán là có tiền.
Brunei là đất nước Hồi giáo nên trên đất nước này có vô số thánh đường Hồi Giáo (mosque) hoành tráng. Gần khách sạn tôi ở là cái mosque to nhất Brunei và cũng là to nhất Đông Nam Á tên là Jame Assr Hassanil Bolikah Mosque. Thánh đường này nghe nói xây mất mấy chục năm, mất hết mấy hàng tỉ USD mới hoàn thành. Quả thật, đây là thánh đường rất hoành tráng đồ sộ. Chóp trên dát vàng rực rỡ, tường xây bằng gạch nhập từ Âu châu, bên trong trải thảm Ả Rập, tường sơn dát vàng khắp nơi, đèn chùm chiếu sáng bằng pha lê cũng dát vàng rực rỡ... Bên ngoài thì du khách chụp hình thoải mái nhưng vào trong thì cấm chụp hình. Tôi được ngắm thánh đường vào những thời điểm khác nhau trong ngày nên cảm nhận được cái đẹp của nó ở những thời điểm khác nhau, mang những nét quyến rũ không giống nhau. Lúc ánh nắng chiếu vào thánh đường khoe mình trên hồ nước lung linh rực rỡ, khi hoàng hôn buông xuống thánh đường đẹp huyền bí mê hoặc và lúc đêm xuống thì thánh đường ngập trong ánh đèn sáng rực trông thật kiều diễm, lấp lánh giữa màn đêm.
Là đất nước Hồi giáo nên không có rượu bia, thuốc lá gì được bán ở xứ này cả. Ở đây shopping mall hay hàng quán cũng nghỉ bán rất sớm. Mới 8h tối là họ lục đục đóng cửa không cần bán buôn gì mặc dù tôi và hai người bạn còn đứng coi đồ lựa chọn. Rồi đến 9h tối là phố xá vắng hoe vắng hoắc, nhà ai về nhà nấy ngoại trừ vài ba quán cafe gần khách sạn tôi còn người ngồi là những người nước ngoài, họ đang đi làm việc tại đây chứ chẳng tìm ra dân bản địa đi chơi đêm.
Các cửa hàng shopping, ăn uống ở Brunei đều đóng cửa từ rất sớm.
Ở Brunei, người nước ngoài từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Việt Nam qua đây đi làm khá nhiều. Đa phần làm bên xây dựng, bán nhà hàng, giúp việc... Tôi chứng kiến cảnh người lao động nước ngoài xếp hàng để gửi tiền về nước ở Western Union gần nơi tôi ngụ mới để ý và hỏi. Theo những người tôi hỏi thì lao động qua đây làm lương cao hơn và được cái không có gì để ăn chơi nên họ dư dả được rất nhiều để gửi về cho gia đình mình.
Brunei chỉ có vậy nên không cần nhiều thời gian mà chỉ ở 2 ngày một đêm là đã đi hết đất nước. Brunei tuy không có gì đặc sắc nhưng tôi cảm thấy có cái gì đó hay hay khó tả, khác hẳn với những gì tôi đọc trên những diễn đàn người ta chê xối xả về đất nước này. Mà cũng không nói được vì đi chơi với mỗi người có một kiểu thưởng thức, trải nghiệm khác nhau nên nhận xét về nơi đến sẽ khác nhau. Tôi đi để trải nghiệm nơi mình tới, chen lùng với cuộc sống địa phương để biết họ đang sống thế nào và nếu thích, tôi sẽ quay lại khi có dịp chứ không nghĩ là mình đến để in dấu chân một lần cho có theo số lượng rồi lại đi tiếp nơi khác...
Ngôi sao

Không có nhận xét nào: