Chúng tôi đến Medan - thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatera của đảo quốc Indonesia vào một buổi chiều tối.
Ấn tượng đầu tiên ở Medan là thành phố yên bình với nhiều cây xanh. Chỉ cần một buổi sáng là bạn có thể thăm hết một vòng các điểm du lịch ở đây như nhà thờ Hồi giáo, cung điện kiêm tư dinh của sultan (tiểu vương). Thế nhưng, tâm điểm của khách du lịch khi đến với Medan không phải dừng chân tại trung tâm này mà phải đến khu vực hồ Toba cách đó khoảng 180 km. Càng gần tới hồ, nhiệt độ càng xuống thấp. Con đường uốn lượn quanh co và hai bên toàn là những cánh rừng tạo cho ta cảm giác như đang trên đường đến Đà Lạt. Thế rồi trước mắt du khách, hồ Toba hiện ra trải dài dưới chân và nằm lọt thỏm giữa những dãy núi mờ mờ phía xa.
Hồ Toba (Indonesia) - Ảnh: Mai Phương |
Hồ Toba là một miệng núi lửa đầy nước, được hình thành từ sau một đợt phun trào kinh hoàng xảy ra cách đây khoảng 75.000 năm. Nằm giữa cao nguyên với chiều dài 100 km và rộng 30 km, Toba được biết đến là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và là hồ núi lửa lớn nhất thế giới. Từ năm 1970, chính quyền mới bắt đầu khai thác du lịch hồ Toba với những dịch vụ khá cơ bản như du lịch bằng ca nô trên hồ, câu cá. Anh chàng hướng dẫn người Medan tên Lian cho biết xung quanh khu vực hồ Toba, người dân sinh sống chủ yếu bằng các dịch vụ như nhà nghỉ, khách sạn và nông nghiệp. Lian cũng phấn khởi giới thiệu và khẳng định hồ Toba là một điểm lý tưởng cho các cặp vợ chồng son đến tận hưởng tuần trăng mật. Toba còn là một nơi thích hợp cho những du khách yêu thích phong cảnh thiên nhiên, yên tĩnh và an bình. Với khí hậu đặc trưng của vùng cao nguyên, nhiều khách sạn và nhà nghỉ xung quanh hồ không hề có máy lạnh. Buổi tối cũng chưa có nhiều dịch vụ giải trí nên du khách đành ngủ sớm, dành sức cho việc khám phá hồ Toba vào hôm sau.
Thăm đảo giữa lòng hồ
Ngay trong lòng hồ Toba có hòn đảo Samosir với khoảng 200.000 dân sinh sống, diện tích tương đương Singapore. Nếu đi từ bờ ra đến đảo bằng ca nô thuê riêng thì chi phí khoảng 700.000 rp (tương đương 1,5 triệu đồng) cho khoảng 4 người cả đi lẫn về. Còn nếu tiết kiệm hơn thì mua vé đi phà với giá 7.000 rp/người/lượt (khoảng 15.000 đồng). Sau 45 phút đi phà, du khách sẽ đặt chân lên đảo Samosir. Những ngôi nhà trên đảo có kiến trúc đặc trưng của người Batak với hai mái vòm cong vút giống như một chiếc thuyền và thấp thoáng sau những rặng cây, những cánh đồng trồng bắp và ớt. Trong số hơn 250 dân tộc ở Indonesia, người Batak nổi tiếng tài hoa về kiến trúc, điêu khắc và âm nhạc.
Một con đường uốn lượn khúc khuỷu xuyên suốt đảo. Nếu không quen ngồi ô tô, có thể bạn dễ dàng bị chóng mặt do các khúc cua khá gấp trong khi anh chàng hướng dẫn viên kiêm lái xe luôn biểu diễn tài nghệ của mình với tốc độ không dưới 80 km/giờ. Ở bất kỳ vị trí nào trên con đường này, du khách đều có thể trải tầm nhìn của mình ra mặt hồ xanh ngút ngàn. Thỉnh thoảng có những chiếc ca nô chở khách du lịch dập dềnh lướt qua. Xa xa thấp thoáng những bè cá của cư dân địa phương và lung linh bóng vài ngôi nhà mái ngói đỏ phản chiếu trên mặt nước.
Nét quyến rũ của Toba còn ở những di tích xưa như nơi xử tử các tội nhân của bộ lạc, khu mộ cổ của các vị vua đã từng trị vì đảo Samosir và nơi xem biểu diễn múa truyền thống nằm rải rác quanh hồ. Nhưng đọng lại trong lòng du khách chính là sự thanh bình từ môi trường đến người dân. Các khách sạn, nhà nghỉ đều nằm ven hồ với những vườn cây râm mát. Những hàng ghế nghỉ chân ven hồ bên cạnh con sóng lăn tăn càng khiến du khách lưu luyến không muốn rời đi.
Mai Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét