(TNO) Từng là nơi diễn ra những cuộc tấn công đổ bộ kinh hoàng, Guam, một lãnh thổ ngoài đất liền của nước Mỹ, nay đã trở thành đảo du lịch bồng bềnh giữa tây Thái Bình Dương, mỗi năm đón hơn một triệu du khách.
Chúng tôi, đoàn doanh nhân, nhà đầu tư và nhà báo Việt Nam, đến Guam không chỉ vì muốn khám phá vùng đất mới... Khả năng mở tuyến du lịch thưởng ngoạn một chút chất “Mỹ ở châu Á” cho du khách Việt có thể không còn là chuyện xa vời.
Khám phá Guam
Sau hai chuyến bay bằng hai loại máy bay khác nhau của hãng Eva Air với tổng cộng 7 tiếng rưỡi bay trên không về hướng đông và hơn 5 tiếng quá cảnh, thưởng thức bữa tối ở Đài Bắc (Đài Loan), đoàn chúng tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế A.B. Won Pat Guam vào lúc 4 giờ 40 sáng (giờ ở Guam đi trước 3 tiếng so với giờ ở Việt Nam).
Sân bay này dành riêng cho các chuyến bay dân sự, tọa lạc cách nơi tập trung các khách sạn, cửa hàng bách hóa chỉ từ 5 đến 10 phút đi xe. Rất thuận tiện.
Guam, hòn đảo du lịch bồng bềnh giữa tây Thái Bình Dương |
Tuy bầu trời còn tối đen nhưng chị Jennifer Mai Anh Ada đã đón chúng tôi với nụ cười tươi rói và lời chào của người bản xứ Chamorro, “Hafa Adai”. Về không gian và thời gian, Guam cách thủ đô Mỹ Washington D.C khoảng 12 tiếng nên lời chào Hafa Adai này được người đảo Guam biến thành lời chúc “nửa ngày tốt lành” (half-a-day).
Giữ vai trò đại sứ lưu động của chính quyền Guam, chị Jennifer Ada đã góp phần lớn cho sự hình thành của chuyến khảo sát của đoàn chúng tôi, dẫn đầu bởi Công ty Du lịch Thiên Thanh (Blue Sky Travel).
Khí hậu, khung cảnh, ẩm thực nơi đây rất gần gũi với Việt Nam |
|
Guam thân thuộc
Nhận phòng ở tòa tháp Pacific Island Club lúc 6 giờ sáng, chúng tôi nóng lòng chờ đến lúc khởi đầu chương trình khám phá Guam. Là điểm đến du lịch biển nên Guam có tất cả những sản phẩm và dịch vụ du lịch biển như công viên hải dương, du thuyền, trượt nước, parasail (ca-nô kéo dù), lặn sâu (scuba), tàu ngầm quan sát đáy đại dương (tàu Atlantis), thám hiềm hang động, câu cá đại dương, hải trình quan sát cá heo.
Guam có đủ những loại tôm cá, trái cây rất quen thuộc với ẩm thực Việt và cũng không hề thiếu những rặng dừa kết trái nặng trĩu ở phía trước các khách sạn, cạnh sân golf, bên bãi biển. Thời thiết, khí hậu ở đây giống hệt như ở Việt Nam cũng với hai mùa mưa, mùa nắng.
Có thể nói rằng hai con đường đẹp nhất trên đảo Guam (rộng, thẳng với rất nhiều làn xe, đúng kiểu đường phố ở Mỹ) chính là Tumon và Marine Corp. Drive.
Đường Tumon chạy dài theo bãi biển và vịnh cùng tên là nơi đã mọc lên đủ các thương hiệu khách sạn Mỹ, từ Hilton, Hyatt, Holiday qua Marriott, Outrigger đến Sheraton và Westin. Chính trên con đường dài này mà du khách được dịp thỏa mãn thú vui mua sắm mỗi khi đi du lịch. Ngoài Acanta Mall ra còn là Tumon Sands Plaza với một không gian rộng lớn dành trọn cho hàng hóa đính nhãn LV và nhất là không gian Galleria DFS chuyên về hàng miễn thuế.
|
Suốt chiều dài đường Tumon là những đường rẽ ngang đều dẫn đến con đường lớn Marine Corp. Drive với rất nhiều dấu tích lịch sử. Gần cuối đường này, tại phía nam thủ phủ Hagatna, tọa lạc trên ngọn đồi Adelup phía sau Phức hợp Thống đốc Ricardo J. Bordallo (nơi làm việc của thống đốc và những cơ quan hành chính) có hai dấu ấn quan trọng phần nào mô tả lịch sử đảo Guam. Đó là Latte of Freedom, một đài quan sát xây theo hình dáng cái cốc có chân dài, giống như những “latte” đã từng đóng vài trò phần đế vững vàng bằng đá vôi cho những căn nhà sàn của thổ dân Chamorro thời xa xưa.
Tạo điều kiện cho du khách Việt
Được mệnh danh là hòn ngọc vùng Micronesia, đảo Guam có diện tích tương đương với Singapore, gần những thành phố lớn của châu Á như Bắc Kinh (5 tiếng bay), Hồng Kông (4 tiếng 30 phút), Seoul (4 tiếng 30 phút), Tokyo (3 tiếng 30 phút), Manila (3 tiếng 30 phút), Cairns (4 tiếng 40 phút)… nên cũng có thể sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách Việt.
“Hãy đến thật đông vui để thưởng thức một phần của nước Mỹ ở châu Á, chúng tôi sẽ nỗ lực thật nhiều để việc du khách và thương nhân Việt đến với đảo chúng tôi được thật dễ dàng, càng sớm càng tốt”, Thống đốc Guam, ông Eddie Baza Calvo nhấn mạnh khi tiếp đoàn chúng tôi. Và cả bà hạ nghị sĩ Madeleine Z. Bordallo, đại biểu của Guam tại Hạ viện Mỹ cũng khẳng định rằng sẽ theo đuổi việc tìm giải pháp miễn trừ visa nhập cảnh Guam cho du khách Việt.
Nếu ngày nay, Guam là điểm đến du lịch của rất nhiều khách Nhật (hạng nhất với hơn 747.000 khách trong 11 tháng qua), khách Hàn (hạng nhì với hơn 152.000 khách), khách Nga, khách Đài Loan và khách Trung Quốc… thì mấy trăm năm về trước, hòn đảo này là điểm trung chuyển quan trọng của các đoàn thương thuyền Tây Ban Nha xuất phát từ Acapulco, Mexico tiến về Manila, Philippines và những thương cảng khác ở châu Á. Trên tàu, ở chuyến đi là vàng và bạc còn ở chuyến về là đủ mọi loại nông sản phẩm quý giá.
Thời huy hoàng này kéo dài gần 250 năm để rồi kết thúc vào năm 1815, tức sau khi nổ ra cuộc Cách mạng Mexico. Sau cuộc chiến Mỹ - Mexico, đảo Guam được Mexico nhượng hẳn cho Mỹ với giá 20 triệu USD vào năm 1899.
|
P. Nguyễn Dũng
Guam không chỉ là căn cứ quân sự của Mỹ mà còn là một hòn đảo du lịch hấp dẫn, có nhiều người Việt thành đạt.
200 người Việt và 25 quán phở
Khi nhận được lời mời của Công ty Blue sky Travel - đại diện cho Cơ quan Phát triển kinh tế Guam (GEDA) và Hãng hàng không Eva Airways, trong đầu chúng tôi cứ hình dung về một Guam với đầy súng đạn, tên lửa, tàu bay, lính Mỹ đầy đường! Thế nên, khi xuống sân bay của Guam vào lúc 4 giờ sáng, chúng tôi bất ngờ thật sự về cái nơi được gọi đùa là “đảo súng đạn” này.
Buổi sáng ở Guam yên bình đến lạ. Ánh nắng mặt trời có phần chói chang hơn, có lẽ vì Guam cũng là những địa điểm của châu Á - Thái Bình Dương đón mặt trời sớm. Nhìn biển và những khách sạn ven biển, chợt có cảm giác mình đang ở Nha Trang, cũng những bãi cát trắng, biển xanh, nắng vàng rực rỡ vào mùa hè. Nhưng không, Guam là nước Mỹ thu nhỏ. “Nước Mỹ của châu Á” - như câu slogan của ngành du lịch Guam. Ngoài kia là đường phố có những căn nhà vuông vắn, thấp, là những hộp đêm san sát, những siêu thị khổng lồ mở thâu đêm suốt sáng, là những cửa hàng thời trang cao cấp…
“Có khoảng 200 người Việt định cư ở đây” - chị Jennife Ada Mai Anh, Đại sứ lưu động của Guam ở Việt Nam, người làm cầu nối cho chúng tôi đến đây, cho biết. Chị còn nói thêm, đa số người Việt ở Guam làm nghề mở quán ăn. “200 người mà có đến 25 quán ăn người Việt, mà quán nào cũng có phở” - chị hãnh diện tiết lộ.
|
Biết được tâm lý đoàn Việt Nam vừa sang, chị đã đặt chỗ cho chúng tôi bữa trưa tại một quán ăn người Việt có tên là Trường’s. Quán có các món phở, bún bò Huế, bún riêu, chả giò… Chị Trang chủ quán cho biết gia đình chị đã sang đây mấy chục năm và mở quán ăn Việt cũng ngần ấy năm. “Trước đây, bán mỗi ngày được khoảng ba, bốn ngàn đô (USD) là chuyện thường, giờ thì ít hơn. Khách chủ yếu là người bản xứ, du khách và vài lính Mỹ thích món ăn Việt”. Chị cũng cho biết do thổ nhưỡng không khác Việt Nam nên nhà chị cũng tự trồng các loại rau cần thiết cho món phở và các món khác để đúng hương vị Việt.
Trong mấy ngày ngắn ngủi ở Guam, chúng tôi còn ghé quán phở khác của một gia đình có quê quán Sóc Trăng sang bên này lập nghiệp. Quán mang một cái tên bình thường là Phở, rất đông khách. Anh Sang, con của chủ quán, cho biết người Việt ở bên này cũng giúp nhau sống, chứ không có cạnh tranh gì. “Có đến gần 200.000 người sống ở đảo này và hình như rất nhiều trong số họ thích món ăn Việt” - anh cười hiền cho biết. Chợt nhớ lời ông Eddie Baza Calvo - Thống đốc Guam, khi tiếp chúng tôi đã bày tỏ: “Món ăn Việt là một trong những món chúng tôi lựa chọn mỗi khi đãi khách quý vì nó hàm chứa một nền văn hóa trong đó”.
Bác sĩ của mọi người
Trước khi sang Guam, chị Mai Anh có nói với chúng tôi ở Guam có một người còn nổi tiếng hơn chị và là bác sĩ duy nhất người Việt ở Guam. Quả thật, khi gặp anh rồi mới thấy điều đó đúng.
Anh Nguyễn Văn Hòa, người Nha Trang, đã hành nghề bác sĩ ở Guam từ năm 1995 đến nay. Anh có dáng người đậm, cao to, da ngăm đen đúng chất dân miền biển. Anh cho biết rời Việt Nam khi còn nhỏ, từ trước 1975 và học ngành y ở Mỹ. Anh đến Guam cũng vì mê biển và hợp với anh - “con người của nhiệt đới”. Lúc đầu anh chỉ mở phòng mạch nhỏ, trước khi cùng với mấy người bạn Mỹ mở một bệnh viện tư ở đây. Hiện mỗi ngày bệnh viện của anh khám và chữa bệnh cho cả trăm người trở lên, trong đó tất cả người Việt ở đây, như anh đùa: “Đều là bệnh nhân của mình”.
Thưởng thức phở Việt ở Guam - Ảnh: C.M.H |
Thống đốc Guam tiếp đoàn nhà báo Việt Nam, chị Mai Anh (thứ ba từ trái) - Ảnh: C.M.H - M.A |
Anh cho biết thêm, anh và vợ cùng cô con gái dự định tháng 3 năm sau sẽ về Việt Nam đi khám bệnh cho người nghèo và trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Biết Báo Thanh Niên có những chương trình giúp người nghèo và học bổng Nguyễn Thái Bình, anh tha thiết đề nghị chúng tôi làm cầu nối để anh “giúp được cho quê nhà thì mình sẽ giúp”.
“Trâu” Việt trên phố
Có thể nói chúng tôi có được chuyến đi đến Guam phần lớn là nhờ chị Mai Anh. Câu chuyện về người phụ nữ này cũng thật độc đáo. Rời Việt Nam đến Mỹ cũng trước năm 1975 lúc còn bé như anh Hòa, mãi đến 1987 chị mới đến Guam lập nghiệp. “Lúc đầu mình mở nhà hàng và lần lượt bảo lãnh cả 14 người thân từ Việt Nam sang đây sinh sống”. Cuộc sống của chị thật sự sang trang khi về làm dâu trong một gia đình giàu nhất nhì ở Guam này. Gia đình chồng chị là người bản địa, sở hữu 18 bất động sản lớn ở Guam, kể cả Ngân hàng Guam (Bank of Guam). Người anh họ của chồng từng là thống đốc của Guam. Hiện toàn bộ gia sản gần như do chồng chị (con trai cả) và chị cùng các cô em gái của chồng quản lý và kinh doanh. Anh P.Sonny Ada, chồng chị Mai Anh, đã rất nhiệt tình khi thuyết phục được Thống đốc Guam, kể cả bà nghị sĩ quốc hội Mỹ Madeleine Z.Bordallo tiếp đón đoàn báo chí, doanh nghiệp từ Việt Nam sang.
Một câu chuyện về chị Mai Anh mà ở Guam nhiều người đều biết. Đó là việc chị đưa 80 con trâu bằng sợi thủy tinh và to như trâu thật, từ Việt Nam sang để trang trí trên những đường phố và các công sở ở Guam. Quả là chúng tôi cũng đã tò mò khi đi trên đường phố Guam thấy những con trâu có nhiều hình vẽ trên thân. “Trâu là hình ảnh quen thuộc của Việt Nam cũng như của Guam, nên mình muốn trang trí thêm cái hồn Việt ở nơi này” - chị Mai Anh tâm sự. Chị đang đề xuất với chính quyền của Guam đưa thêm cây cảnh, gốm sứ từ Việt Nam sang để làm đẹp đường phố Guam. Trong ngôi nhà của chị ở Guam có cả một khu vườn Việt với tre, thanh long và 2 “con trâu” đang gặm cỏ.
Kể về chị Mai Anh thì còn nhiều cái để kể, nhưng có lẽ những gì chị làm cho Việt Nam mới đáng khâm phục. “Từ 2005, mình đã đưa các doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào khu chế xuất Tân Thuận. Từ đó đến nay mình luôn mong muốn đưa nhiều doanh nhân các nước khu vực, kể cả của Guam vào làm ăn ở Việt Nam và ngược lại. Mình đang thuyết phục để bà Madeleine Z.Bordallo và ông Eddie Baza Calvo vận động cấp cao hơn ở Washington miễn thị thực (visa) cho người Việt mình thật dễ dàng như đối với một số nước trong khu vực”.
Chị cũng đã cùng với chị Thanh Phi - Giám đốc Công ty Blue sky Travel, anh Tưởng Quang Vũ (Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Eva Air tại VN) bắt tay nhau hứa hẹn một ngày không xa sẽ đưa được nhiều doanh nhân và du khách Việt sang Guam tìm cơ hội đầu tư và tham quan mua sắm, vì như chị nói: “Guam không chỉ là căn cứ quân sự, mà còn là nước Mỹ ở châu Á, là nơi rất gần Việt Nam về mặt địa lý và khí hậu…”.
Đảo Guam có diện tích rộng gần 550 km2 nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, cách Philippines gần 2.000 km về phía đông. Mặc dù không cách Việt Nam quá xa nhưng việc di chuyển đến Guam mất khá nhiều thời gian. Nếu di chuyển bằng đường hàng không và chỉ đổi chuyến một lần thì cũng có thể mất 12 giờ mới hoàn thành hành trình từ Việt Nam đến Guam.
Đảo Guam là một lãnh thổ hải ngoại có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ. Lãnh thổ có tổ chức là nền tảng pháp luật ở đảo này chịu sự chi phối của Mỹ bằng một đạo luật cụ thể, Guam có cơ quan nghị viện riêng. Ngoài ra, đảo Guam cũng có một đại diện trong hạ viện Mỹ nhưng mang tư cách quan sát viên, không được bỏ phiếu. Về khái niệm “chưa hợp nhất” tức Guam chưa chính thức trở thành một phần lãnh thổ hợp nhất trong lãnh thổ quốc gia. Vì thế, Guam chưa được hưởng quy chế là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Mỹ và không trao đổi hay nhượng quyền.
Hoàng Đình
(tổng hợp) |
Cao Minh Hiển - Hồng Hạn
(NLĐO) - Đảo Guam - nơi khởi đầu ngày sống và làm việc của Mỹ, chỉ có hơn 178.000 cư dân (trong đó cộng đồng Việt khoảng 200 người) sống trên một diện tích bằng Singapore hoặc Hồng Kông đã trừ phần Tân Giới nhưng lại có rất nhiều khách sạn và resort (cộng chung hơn 10.000 phòng), 7 sân golf, vô số nhà hàng, spa và không gian bán hàng rộng lớn. Vì Guam ngày càng thu hút nhiều khách du lịch xuất phát từ các nước châu Á.
Buổi sáng dành cho tham quan, ngắm cảnh (nhớ mang dép lê hai quai cao su cho thật thoải mái), ra biển xanh tìm ngắm các gia đình cá heo (đừng quên nón, mắt kính râm, dầu chống nắng) hoặc lặn ngắm san hô và các đàn cá đủ màu. Buổi chiều dành cho thư giãn, nghỉ ngơi trong spa, mát xa chân và đầu, cơ bắp hoặc tung gậy đánh golf một trong số 7 sân 18 lỗ được thiết kế bởi những golf thủ cự phách như Jack Nicklaus, Arnold Palmer.
Để rồi dành trọn buổi tối cho shopping, từ 19 giờ đến 23 giờ, sau khi đã tập trung đầy đủ năng lượng với bữa tối thịnh soạn. Bạn nhớ nếm thử món gà kelaguen (gà cắt miếng nhỏ trộn với chanh, muối, dừa bào nhuyễn, ớt xanh ăn với bánh chiên làm bằng bột bắp) và món nướng kiểu thổ dân Chamorro (sườn heo, đùi gà, cánh gà nướng lửa than sau khi đã tẩm nước tương đậu nành, dấm chua, chanh) và tráng miệng với món bánh ngọt màu đỏ tươi du nhập về từ tận miền nam nước Mỹ nay là món khoái khẩu của cư dân địa phương.
Nếu đi mua sắm ở Guam du khách sẽ được cưng chiều hết mức, đó là điều mà người viết cảm nhận được trong 5 ngày ở đây. Vì hàng thời trang cao cấp tại đây có giá rẻ 20% so với hàng cùng thương hiệu bày bán ở Nhật, Hàn… và do thuế nhập khẩu hàng hóa vào Guam là bằng 0 nên xem như mọi sản phẩm bán cho du khách đều nghiễm nhiên là “hàng miễn thuế”. Thậm chí bạn có thể bay đến Guam chỉ để mua sắm mệt nghỉ từ 10 giờ đến 23 giờ, trở về khách sạn chất hàng vào vali rồi trở ra sân bay lúc bình minh để bay trở về nhà. Guam cũng có siêu thị Kmart mở cửa 24/24 giờ mỗi ngày.
Khách sạn nào trên đảo cũng có sẵn vài chiếc xe để chở khách đến các điểm shopping hoặc ra sân bay. Còn hệ thống xe buýt Red Guahan Shuttle với những chiếc xe sơn màu đỏ rất bắt mắt và không thể nào nhầm lẫn thì liên tục di chuyển giữa các khách sạn, resort, sân golf, danh thắng, điểm mua sắm với giá vé khá rẻ (nếu mua loại vé sử dụng nhiều lần trong 5 ngày).
Hãy chờ chiếc xe buýt đỏ ấy tại trạm chính, nó sẽ chở bạn đến SM Store (mở cửa từ 10 giờ - 21 giờ); Agana Shopping Center (từ 10 giờ - 20 giờ); JP Superstore (từ 9 giờ - 23 giờ). Khi đến Guam Premier Outlets (mở cửa đón tiếp khách tiêu dùng từ 10 giờ -21 giờ), bạn sẽ tha hồ chọn mua hàng giá rẻ của nhiều nhãn hàng thời trang nổi tiếng, từ nước hoa, giày dép đến áo quần… trong cửa hàng rộng lớn của nhà Ross với slogan rất cám dỗ “Dress for less” (hàm ý trang phục đẹp với ít tiền hơn). Nhưng hãy biết rằng nội việc xếp hàng chờ đến phiên tính tiền lấy hàng ra đi cũng tốn khoảng vài chục phút, nhất là vào lúc tan tầm cuối ngày làm việc, chiều ngày thứ bảy.
Tại không gian shopping cao cấp Tumon Sands Plaza, hàng Louis Vuitton đã có trưng bày những kiểu túi xách mới nhất cho mùa thu đông 2012-2013. Nhưng giá chẳng rẻ, cái túi màu hồng với chất liệu óng ánh sẽ khiến tài khoản của bạn nhẹ đi không dưới 5.000 đôla trong khi cái túi nhỏ với chất liệu gợi hình ảnh da con beo con (baby leo) cũng phải từ 1.500 đôla. Du khách không có xe riêng, ngại xách nặng và đi bộ mỏi chân trong màn đêm ư ? Đừng lo, sau khi mua hàng LV, bạn hãy nêu yêu cầu thì ắt có xe của Tumon Sands Plaza chở bạn về đến nơi.
Từ điểm bán hàng này, du khách có thể đi bộ 10 phút là đã đến nơi tập trung mọi thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Đó là không gian Galleria của DFS, một thương hiệu hàng đầu trong lãnh vực hàng miễn thuế. Ai thích nhãn hàng nào cũng được thỏa mãn, từ Burberry, Bottega Veneta, Celine, Chanel, Coach, Dior, đến Gucci, Prada, Ralph Lauren, Versace…
Trong Micronesia Mall, du khách gặp lại thương hiệu Macy’s rất quen thuộc ở các thành phố lớn trong đất liền ở Mỹ (cư dân Guam gọi là U.S mainland) với nhiều chủng loại hàng hóa bán với giá vừa túi tiền nhiều người. Nhưng các cửa hàng ABC Stores hiện diện ở rất nhiều đường phố tại đây là nơi mà cả đến những du khách với kinh phí lữ hành rất khiêm tốn cũng tìm thấy được những món quà vừa ý đem về nhà làm quà tặng người thân, bạn bè.
Anh Lĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét