Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

“Lặn ngụp” thử thách trên sa mạc Safari huyền bí


(NLĐO) - Thời thơ ấu của tôi vất vả trăm bề với những khó khăn thiếu thốn chất chồng nhưng lại hạnh phúc vô song khi được nuôi nấng, vỗ về khôn lớn bằng những câu chuyện thần thoại đầy hấp dẫn như “Nghìn lẻ một đêm”…
Công trình dệt gấm bằng từ ngữ với những sợi tơ muôn màu của nó thể hiện trí tưởng tượng phong phú  của các dân tộc phương Đông trong  “Aladin và cây đèn thần”, “thủy thủ Sinbad”, “Alibaba và 40 tên cướp”….  đã  truyền tụng  khắp bốn phương khiến tâm trí non nớt của tôi ngày ấy chỉ ao ước một lần được đặt chân đến xứ sở huyền bí  này.

Thế rồi ước mơ của tôi đã thành hiện thực khi công ty Du lịch Vietravel cùng hãng hàng không nổi tiếng Emirates  đưa đoàn nhà báo chúng tôi đến Dubai vào khoảng thời gian lý tưởng  nhất trong năm, tháng 12, khi  tiết trời vừa  lập đông với nhiệt độ trung bình từ  20-23 độ C.
1.Dubai là xứ sở của sự xa hoa, hào nhoáng. Ở Dubai dường như có tất cả mọi thứ đặc sản. Nhưng  với tôi, đặc sản nổi bật nhất của Dubai mà không nơi nào cạnh tranh được chính là sa mạc. Phát huy thế mạnh “tiềm ẩn” của mình, ngành du lịch Dubai đã mạnh dạn đưa chương trình  khám phá sa mạc Safari vào tất cả hành trình tour để bất kỳ du khách nào đã đặt chân đến quốc gia  dầu mỏ này cũng có cơ hội thưởng thức chút đặc sản nắng, gió và cát… rất ấn tượng và mãi mãi không thể nào quên!

Có lẽ rất trân trọng cánh nhà báo chúng tôi nên công ty Vietravel đã cắt cử cô hướng dẫn viên 5 sao nổi tiếng nhất công ty Phạm Thụy Thanh Phương- người phụ nữ  từng đặt chân đến 45 quốc gia trên toàn thế giới và dày dạn kinh nghiệm đường tour Dubai- tham gia dẫn đoàn; mặc dù mùa này cô cũng vất vả “chạy sô” với nhiều đoàn khách lớn. Hành trình khám phá sa mạc của chúng tôi được bố trí vào ngày cuối của chương trình tour, sau khi chúng tôi đã no mắt với các kỳ quan Tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới 828m; đảo cọ nhân tạo Palm Jumeirad lớn nhất thế giới; Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed lớn nhất thế giới cũng như các khách sạn sang trọng, đẳng cấp 7-8 sao đầu tiên trên thế giới như Emirates,  Atlantis, Burj Al Arab hình cánh buồm đặc trưng… Bởi thế, với đặc sản cuối cùng là sa mạc Safari – tour không dành cho người yếu tim, cao huyết áp, phụ nữ có mang… , không ai trong đoàn chúng tôi nỡ bỏ cuộc, dù nhóm chúng tôi toàn những kẻ chết nhát thứ thiệt!

Trước giờ xuất phát, Thanh Phương liên tục nhắc nhở: Các anh chị chuẩn bị tinh thần nhe, chúng ta sẽ trải nghiệm cảm giác mạo hiểm khi ngồi trên xe Land Cruiser với tốc độ chóng mặt và băng qua những triền dốc cao khuất tầm nhìn để rồi ngay sau đó xe sẽ đổ dốc thật nhanh, hết sức bất ngờ băng qua con dốc tiếp theo cao gấp nhiều lần… Cứ thế, Thanh Phương đã khuyến cáo chúng tôi đủ mọi điều hấp dẫn, huyền bí cũng như kinh dị trên sa mạc đồng thời dặn dò kỹ lưỡng: ăn lưng bụng vào buổi trưa để không khó chịu khi lăn lộn trên sa mạc;  phải thắt dây an toàn cẩn thận;  hít thở đều... Lại nữa, muốn ngắm vẻ hoang vu của sa mạc chỉ nên nhìn qua kính cửa xe, chớ có dại mà rướn người về phía trước, phòng khi xe lăn trên cát sẽ trặc cổ như chơi!

2.Đúng 15 giờ chiều, chúng tôi lên đường. Đoàn chúng tôi gồm 15 người, chia  làm 3 nhóm, mỗi nhóm 5 người được 3 bác tài là những “tay lái lụa” vùng sa mạc chở trên 3 chiếc Land Cruiser vững chãi, được mệnh danh là những “người hùng”  trên sa mạc. Nhóm chúng tôi chọn chiếc xe cuối cùng vì được tư vấn: đây là xe chạy với tốc độ chậm nhất trong đoàn, chỉ đi sau 2 chàng “yêng hùng” đằng trước thôi. Vừa lên xe, cài dây an toàn xong, Thanh Phương đã phát cho mỗi người một số bao nilon đề phòng nôn ói. Quả thật, các bác tài vùng Vịnh lái xe tốc độ quen rồi nên chúng tôi bắt đầu chóng mặt khi kim đồng hồ xe cứ nhích dần lên khi ra ngoại ô hướng về sa mạc. Hai bên đường dần hiện ra những đồi cát cao ngất, vàng óng mượt mà trong nắng. Xe chạy được khoảng 30 phút, bác tài thả chúng tôi 10 phút ở một trạm dừng chân  để “xả” mọi thứ, chuẩn bị cho chuyến thử thách đầy quyết liệt. Để trông giống chất Ả Rập, chúng tôi quyết định  “tậu” những  chiếc khăn quấn đầy màu sắc và được những chàng  bán hàng khéo léo buộc thật đẹp, thật chặt lên đầu. Lúc này trông cả đoàn chẳng khác nào những Mohamad Ali… Trong lúc chúng tôi thi nhau diện đẹp, các bác tài tranh thủ  xì lốp xe bớt để dễ dàng tiến vào sa mạc. Đã từng tham gia nhiều trò chơi trên “biển” cát Phan Thiết nhưng lần này khi chạm mặt với sa mạc Dubai tôi thật sự bị choáng bởi nó mênh mông quá! Cũng từng đặt chân đến sa mạc Vọng Âm ở Nội Mông (Trung Quốc) và chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng nhưng đến sa mạc này tôi không khỏi ngạc nhiên. Không còn là “biển” cát mà thật sự như một “ đại dương” cát. Bạn biết không, lần trước ở  sa mạc Vọng Âm, tôi nghe như trong cát có tiếng hát. Nếu lãng mạn, bạn sẽ cảm giác cát như thay đổi hình dạng và màu sắc theo chiều gió cuốn, theo từng thời khắc trong ngày; đặc biệt hun hút trong từng đụn cát ấy là tiếng hát của gió, của cát hòa quyện vào nhau tạo nên một âm hưởng độc đáo chỉ có thể cảm nhận được ở sa mạc. Lần ấy,  tôi như bị mê hoặc vì mất phương hướng. Phải vượt sa mạc trên chiếc xe jeep mui trần nên tôi cảm được tất cả sự nguy hiểm phía trước. Bốn bề mênh mông là cát, chẳng thấy đâu là bến bờ.

3. Lần này cũng thế.  Sa mạc Safari trập trùng với những vực thẵm mà độ sâu của nó thật đáng nể. Cứ như để thử thách con người. Có chỗ cát dựng cao như một quả  núi, sừng sững như muốn “ngăn sông cấm chợ”. Có lẽ lần này tôi bớt sợ hơn vì ngồi trong xe hơi bít bùng, mặc gió cát phần phật bay tơi tả bên ngoài. Phía trước là gì tôi không biết; chỉ thấy những chiếc xe oằn mình vượt qua đại dương cát. Bất giác, tôi nghe Thanh Phương hét lên: các anh chị cẩn thận! Chưa kịp ứng phó thì  xe chúng tôi  lúc lật nghiêng, lúc lật ngửa, có lúc lại “tàn nhẫn” ném chúng tôi chạm nóc mui xe. Có lúc xe như bị rơi xuống vực thẵm mấy mét, y như cảm giác ngồi trên phi cơ  lúc con chim sắt “bay qua vùng thời tiết xấu”, cứ hụp lên hụp xuống liên tục.  Những tiếng hét thất thanh từ trong xe vang lên như vừa xem xong đoạn phim kinh dị…. Nhưng thật sự, cảm giác lúc ấy hết sức thú vị!  Có lúc tôi cảm nhận xe như  chỉ chạy bằng hai bánh trước, lúc lại bằng  hai bánh sau;  lúc như nghiêng hẳn sang hai bánh trái; lúc như trôi tự do theo từng tảng cát … báo hại chúng tôi rơi từ trạng thái ngổn ngang này đến cảm giác hụt hẫng khác.  Có người rú lên năn nỉ tài xế quay lại và đòi xuống xe. Nhưng mọi việc đã trễ mất rồi…. Thật bất ngờ, xe của chúng tôi sa lầy trong một vực thẵm. Nhanh như cắt, bác tài  xe trước quay lại giúp sức. Chỉ với vài đường bẻ vô lăng thanh thoát như múa, xe chúng tôi đã ngoan ngoãn  nhẹ nhàng vượt qua chướng ngại vật  để lại bon bon tiếp tục hành trình. Thế mới biết, để vượt qua những đụn cát đầy thử thách này, các bác tài phải trải qua một khóa huấn luyện khắc nghiệt và nắm vững  từng ngõ ngách trong sa mạc này như lòng bàn tay... Hành trình lặn ngụp trong sa mạc kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ thật sự là một thử thách lớn để chúng tôi “vượt lên chính mình”. Cuối cùng chúng tôi cũng thoát ra khỏi con ngựa sắt, để thỏa thích ngắm nhìn hoàng hôn thật đẹp trong sắc cam rực rỡ cũng như chiêm ngưỡng những chàng Ả Rập trong trang phục trắng tinh tươm, dài phủ kín chân với hàm râu quai nón rậm rạp cùng nụ cười tươi rói. Máy ảnh, máy quay phim trên tay mọi người bắt đầu mở hết công suất nhưng những gương mặt thì tê tái, chưa hoàn hồn sau cú vượt sa mạc đầy ấn tượng và quá nhiều cú sốc rợn người!

4. Đêm hôm đó, chúng tôi được xả stress bằng buổi tiệc Ả Rập trong những túp lều dựng bằng lá khô cách sa mạc khoảng 15 phút xe chạy. Phía trước là khoảng đất trống với 4 chú lạc đà 2 bướu để khách tự do  cưỡi thử cảm giác của người du mục thuở nào. Bên trong là một sân khấu lớn ở giữa để trình diễn những vũ điệu Ả rập uyển chuyển với những động tác xoay váy tuyệt vời, múa bụng đặc trưng của Ai Cập.… Còn xung quanh là những khu vực để khách khám phá văn hóa Ả Rập như  vẽ tay, vẽ bụng, hút sheesha; thưởng thức các món nướng . Có lẽ vì quá mệt khi vật lộn với sa mạc nên chúng tôi không tận hưởng hết được nét văn hóa đặc trưng trong đời sống Ả Rập. Thật đáng tiếc!

Đêm hôm đó giấc mơ của tôi toàn hình ảnh những cổng thành Baghdad, những người du mục cưỡi lạc đà vượt sa mạc, những tiếng nhạc réo rắt đầy mê hoặc, cám dỗ…

Rời Dubai, tôi luôn ấn tượng về  một sa mạc cằn cỗi, một quốc gia nghèo khó khi chưa phát hiện ra tài nguyên dầu mỏ, chỉ sau 41 năm đã vươn mình thành một xứ sở  giàu đẹp, rỡ ràng là thế. Tất cả  cứ như một giấc mơ… Và trong những giấc mơ của tôi luôn có hình ảnh những đôi mắt mang sức hút lạ kỳ của những   người đàn ông Ả Rập – những người không bao giờ được phép say xỉn bởi rượu bia, không phì phò khói thuốc, giỏi bán buôn và chuyên doanh du lịch…
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch VietravelTrước đây lữ khách chỉ quan tâm đến Ai Cập với những kỳ quan thế giới, còn Dubai chỉ là điểm dừng chân. Nhưng năm nay hãng hàng không Emirates và các hãng lữ hành đã chọn Dubai làm điểm đến chính trong các chương trình tour. Bởi lẽ Dubai gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới thông qua các dự án xây dựng nhiều sáng tạo và các sự kiện thể thao lớn. Bước đầu Vietravel đã gặt hái những kết quả khả quan cho hành trình mới này: Trong năm 2011, lượng khách đi Dubai và Ai Cập là 100; nhưng khi Vietravel kết hợp với hãng hàng không Emirates, trong năm 2012 đã có 300 lượt khách đến Dubai. Tuy lượng khách đến thời điểm này vẫn chưa nhiều nhưng chúng tôi đánh giá đây là thị trường tiềm năng. Gần đây hãng hàng không Emirates đã mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Dubai chứ không  quá cảnh như trước. Điều này cũng tạo thuận lợi cho khách khi đến Dubai.  Hiện Vietravel đang chào bán 2 sản phẩm: Dubai- Abu Dhabi và Dubai- Ai Cập rất hấp dẫn để phục vụ khách trong dịp lễ sắp tới. 
Xuân Hòa

Những tuyệt tác ở xứ cát và nắng

SGTT.VN - Ấn tượng đầu tiên của tôi về Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) là cát và nắng. Để không muốn trốn nắng thì mặc trùm cho kín. Và, khí hậu dịu hơn vào tháng cuối năm, khoảng 27 – 30oC không làm tôi thấy khó chịu để ngắm những công trình “đỉnh nhất” ở Dubai và Abu Dhabi.
Ra đảo theo từng nhánh cọ
Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed là một trong mười thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Bên cạnh toà tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới với những kỷ lục, “táo bạo” là từ mà nhiều người nhận xét về công trình quần đảo cọ ở Dubai. Thoạt nghe đảo cọ, chúng tôi cứ tưởng đảo có những rừng cọ. Thì ra Palm Jumeirah là đảo nhân tạo lấn biển có hình dáng một cây cọ khổng lồ, mỗi bên tám nhánh, được bao bọc chung quanh bằng một vành cung hình trăng lưỡi liềm, toàn bộ diện tích là 25km2. Phương tiện phổ biến đi từ đất liền ra đảo là tàu điện trên không. Muốn nhìn rõ hình dáng đảo cọ, nhiều du khách thuê máy bay lượn. Còn đi tàu điện trên không, chúng tôi cũng có thể nhận ra từng nhánh cọ, mỗi nhánh là một dải đất trải dài trên mặt biển. Trên mỗi nhánh cọ, khách sạn sang trọng, công viên giải trí, nhà hàng, khu shopping, khu thể thao… lần lượt mọc lên phục vụ khách du lịch và rất nhiều biệt thự, căn hộ cao cấp được xây bán.
Một góc đảo cọ Palm Jumeirah – một công trình lấn biển.
Palm Jumeirah hướng đến phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút du khách giàu có trên thế giới, thích đến đây để hưởng thụ những thứ xa xỉ nhất. Cô Elena Corlateanu, quản lý kinh doanh của Atlantics – khách sạn lớn nhất trên đảo cọ, cho biết, khách sạn có 1.539 phòng đều nhìn ra biển, mỗi phòng như một căn hộ, giá khoảng 1.000 USD đến 20.000 USD/đêm. Một bể sinh vật cảnh khổng lồ xuyên khách sạn với 65.000 con cá lớn nhỏ đủ loại. Để thể hiện đẳng cấp của họ trên đảo, năm nào khách sạn cũng tổ chức những lễ hội đặc biệt, như năm ngoái lễ hội tình nhân có chiếc bánh sôcôla đính 2.000 viên hột xoàn trị giá 5 triệu USD, đêm Giáng sinh có những chiếc bánh 1,7 triệu USD, uống ly càphê capuchino dát vàng 8.000 USD cho khách sở hữu.
Những du khách chỉ đến xem cho biết đảo cọ Palm Jumeirah như chúng tôi cũng cảm nhận được đẳng cấp mà người ta muốn tạo ra ngay khi ngồi vào những chiếc ghế bọc nệm êm ái, trên tàu điện đi ra đảo.
Sheikh Zayed – kiệt tác kiến trúc Hồi giáo
Ở UAE, thứ sáu và thứ bảy là ngày nghỉ. Chúng tôi đi từ Dubai sang tiểu vương thủ đô UAE là Abu Dhabi vào ngày thứ sáu, nên dù trên đường đã nhìn thấy thánh đường Sheikh Zayed với những tháp vươn thẳng lên bầu trời, nhưng phải chờ đến 4 giờ chiều mới được cho vào tham quan.
Người hướng dẫn cho biết, đây là một trong mười thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới, thời điểm đông tín đồ đến làm lễ lên tới trên 40.000 người. Hàng ngày có khoảng 4.000 – 6.000 người khách thập phương đến viếng thăm. Để giữ sự tôn nghiêm, mọi người khi vào trong thánh đường đều phải đi chân đất, riêng nữ bắt buộc mặc áo dài đen, choàng khăn kín tóc; mặc như nữ tín đồ Hồi giáo ở UAE. Khó chọn được một bộ vừa vặn với mình, nên chị nào cũng vất vả giữ cho bộ áo đen và chiếc khăn choàng không sút ra vì nếu khăn rơi khỏi mái tóc, lập tức được nhân viên ở thánh đường nhắc nhở choàng lại.
Khu nghỉ dưỡng Atlantis ở trên công trình lấn biển của đảo cọ.
Thánh đường Sheikh Zayed rộng khoảng 22.000m2, một công trình kiến trúc nguy nga. Đặt bước chân trần lên sàn đá cẩm thạch, tôi giật mình vì nó mát lạnh. Người ta nói, sàn cẩm thạch này luôn mát lạnh vậy cho dù nhiệt độ ngoài trời có lên tới 50oC. Thánh đường có 82 mái vòm, trong mỗi vòm đều lắp đặt loa để gọi tín đồ khi đến giờ làm lễ. Từ ngoài vào có 1.096 cột mang hình cây chà là – loại cây đặc trưng của Trung Đông. Lá chà là đều được dát vàng.
Chính điện của thánh đường có sức chứa khoảng 8.000 người, đây là khu vực tập trung những kiệt tác. Tường, sàn và trần là những mảng hoạ tiết cây cỏ hoa lá nạm bằng đá cẩm thạch và các loại đá quý. Đáng ngưỡng mộ là chiếc thảm lớn nhất thế giới được 1.200 phụ nữ Iran làm bằng tay trong suốt 18 tháng với 38 tấn len. Tấm thảm có diện tích gần 6.000m2 với 2,2 tỉ mũi kim. Chiếc đèn chùm treo dưới mái vòm cao 70m ở chính giữa phòng có độ dài đến 15m, nặng 9,5 tấn được làm bằng pha lê màu xanh, đỏ, vàng và trắng.
Nghe nói, để xây dựng thánh đường, Abu Dhabi đã huy động trên 50 kiến trúc sư giỏi nhất đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tuy mang nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, nhưng tổng thể Sheikh Zayed rất hài hoà, vừa toát lên vẻ nghiêm trang của tôn giáo, vừa đầy vẻ yên bình, thân thiện mời gọi mọi người gặp nhau nơi đây.

Dã ngoại trong sa mạc Arập

SGTT.VN - Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) có sa mạc chiếm khoảng 90% diện tích. Sau những ngày tham quan các công trình tuyệt tác ở Dubai và Abu Dhabi, tôi đã có một ngày dã ngoại về với thế giới của những người Arập trong sa mạc.
Cảm giác mạnh trên những ngọn cát
Đóng trại đêm trong sa mạc nhưng có nhiều loại hình vui chơi và đều mang phong cách Arập.
Khí hậu sa mạc nhiều lúc thay đổi đột ngột, ban ngày nóng hầm hập có khi trên 40oC, nhưng đêm có thể xuống chỉ 14 – 15oC. Tránh cái nóng gay gắt ban ngày, dịch vụ dã ngoại trên sa mạc ở Dubai chỉ bắt đầu vào buổi chiều. Chúng tôi được đón bằng xe bảy chỗ ngồi. Người hướng dẫn giải thích, chỉ xe hai cầu mới thích hợp vào sa mạc. Trước khi vào cuộc biểu diễn xe trên địa hình phức tạp, tài xế xì bớt hơi trong lốp xe. Anh bảo, ai thích cảm giác mạnh thì ngồi phía trước và dù ngồi ghế nào, đều phải thắt dây an toàn, không rướn người lên coi khi xe chạy và không nên chụp hình, quay phim vì không biết khi nào xe chồm lên cao chót vót, rồi lao xuống bất ngờ, có thể gây chấn thương. Xe vào sa mạc không chạy đơn lẻ mà tập hợp đủ đoàn 10 – 15 chiếc mới xuất phát, chiếc nọ cách chiếc kia năm phút, còn vì sao như vậy, “khi vào sa mạc sẽ biết”. Cái cách nói bỏ lửng đó của hướng dẫn viên càng làm chúng tôi háo hức.
Đến giờ xuất phát, tài xế mở nhạc Arập sôi động nhằm tạo hưng phấn cho khách. Đến lúc này tôi đã hiểu vì sao các xe cách nhau năm phút, có vậy du khách mới quan sát thấy chiếc xe này vừa chồm lên đỉnh đồi cát bên đây, thì chiếc khác đã lao xuống bên kia đồi, cứ như biến mất rồi lại nhảy lên. Có những tài xế còn biểu diễn xe treo lơ lửng trên ngọn cát như làm xiếc. Đó là cách cho du khách tăng “cảm giác mạnh”. Pha biểu diễn xe trên địa hình khoảng 20 phút. Xe dừng lúc hoàng hôn buông xuống, cát vẫn rực rỡ trước khi mặt trời đi vào màn đêm sa mạc.
Đóng trại đêm giữa sa mạc
Xe tiếp đưa chúng tôi đến khu trại dã ngoại về đêm, dựng giữa những đồi cát trong sa mạc. Có khoảng 20 trại như vậy. Trong đêm tối, tiếng nhạc vang lên ở nhiều hướng, khiến ai nấy liên tưởng mình đang đi vào những bộ lạc Arập.
Đón khách ở trước trại là những chú lạc đà. Lưng lạc đà hơi gồ ghề, không dễ ngồi như lưng voi. Khi lạc đà từ tư thế quỳ gối đứng lên, ai nấy chới với, đột ngột bị đẩy lên cao.
Trại tôi đến hôm đó thật đông, khoảng 300 du khách, nhiều nhất là khách từ châu Âu, châu Á. Phải khen cách tổ chức của họ! nhiều gian nhà chung quanh trại, tạo thành một mô hình thu nhỏ diễn tả đời sống và tập tục truyền thống của người Arập. Tôi rảo quanh các gian nhà. Họ làm những lọ tranh cát bán cho khách, so với tranh cát Việt Nam thì không đẹp bằng nhưng vẫn có người thích thú khi được lồng tên mình vào lọ tranh cát lưu niệm. Trong gian nhà vẽ hoa trên chân tay, các cô, các bà Âu – Á kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đến lượt mình. Chỉ một phụ nữ trung niên không nói gì, cứ cặm cụi vẽ hết người này đến người khác. Tay của chị thoăn thoắt, lướt đến đâu, hoa hiện lên tay, chân khách đến đó, đường nét thật mềm mại. Mực vẽ lưu lại trên da khoảng một tuần mới phai. Ở gian nhà trang phục Arập truyền thống, người phục vụ cũng miệt mài giúp khách mặc áo, đội khăn cho đẹp để chụp hình lưu niệm.
Đi vào sa mạc, nên đi dép hay giày thấp hở mũi và có quai hậu, không nên mang giày bít hết chân và không mang vớ để tránh cát chui vào giày, đi sẽ rất khó chịu. Trang phục nên thật gọn, nữ không nên mặc váy vì bất tiện khi lên xuống xe hoặc cưỡi lạc đà. Trong sa mạc, có ngày gió nhiều, cát sẽ bay vào mặt, nên mang theo khăn choàng đầu, khẩu trang. Bạn cũng cần mang sẵn áo khoác phòng khi thời tiết chuyển đổi đột ngột vào ban đêm.
Phái nam hầu như không ai bỏ qua nơi hút thuốc sheesha – một kiểu hút thuốc lào Arập. Thuốc sheesha có trên 20 loại thảo mộc khác nhau, ai thích hương nào chọn thuốc đó. Tẩu thuốc gắn vào một dây dài nối giữa một thân bằng kim loại, dáng như chân đèn cao trong bộ lư đèn quê nhà. Thuốc bỏ vào cái phễu, bên trên để than hồng. Mọi người cùng hút chung một tẩu, nhưng mỗi người được một cái đót nhựa nhỏ gắn vào đầu ống hút. Khói thuốc thơm mùi thảo mộc, chứ không gắt như mùi thuốc lá.
Chúng tôi ăn tối ở đây với những món ăn truyền thống của người Arập và tiết mục chính là xem biểu diễn múa xoay váy xoè và múa bụng. Sân khấu ở giữa, chung quanh là bàn đặt trên những tấm thảm, khách ngồi trên gối êm ái, có cả gối để dựa lưng. Anh chàng múa xoay váy thật điêu luyện, mỗi lớp váy anh tung lên hay xoè ra lại thành những hình ảnh khác nhau đầy sắc màu huyền ảo. Múa bụng – múa truyền thống của người Arập – nhưng vũ công biểu diễn là các cô gái Đông Âu, bởi phụ nữ Dubai luôn tuân thủ nghiêm luật Hồi giáo.
Dù món ăn trong đêm dã ngoại không hợp khẩu vị lắm nhưng trại của người Arập giữa sa mạc thật sự ấn tượng...
bài và ảnh: Các Ngọc

Không có nhận xét nào: