Tôi dừng chân nơi một quán cà phê trên con đường mang tên Goeth. Cái quán này thuở xưa hẳn Goeth và bạn bè thường tụ hội. Bên kia đường là ngôi nhà Goeth đã ở. Sau cửa sổ căn phòng ấy hẳn ông thường ngồi nhìn trời, mộng mơ – những tâm hồn như thế không thể quay lưng trấp mặt với những gì cao rộng.
Gottingen có khoảng 100.000 dân, trong đó 1/3 dân số thành phố là sinh viên. Tôi đến thăm Gottingen dịp cuối tuần, thành phố rộn ràng những công dân trẻ trung, phơi phới, đẹp như người mẫu, với đủ thứ màu da: trắng, đen, nâu, vàng. Tôi thầm hỏi, không biết ai trong số họ rồi đây sẽ là những nhà khoa học, nhà thơ, nhà doanh nghiệp, thủ tướng, bộ trưởng…
Một thiếu phụ trẻ măng đẩy chiếc xe bên trong có em bé kháu khỉnh mà theo tôi rất có thể là bằng chứng của một cuộc tình thơ dại. Người ta nói, những đứa trẻ sinh ra từ tình yêu và tuổi thanh xuân lớn lên sẽ thông minh sáng láng với tâm hồn cao đẹp. Tôi tin thế. Và tôi bỗng vẫy tay chào nhân cách tí hon đang ngo ngoe trong chiếc xe đẩy kia.
Ôi đôi mắt của cháu mới đẹp làm sao. Hẳn là từ trong bụng mẹ, cháu đã được nghe những lời hay ý đẹp từ trên giảng đường. Mong sao sự nghèo khổ và bom đạn đừng bao giờ đến với cháu. Mong sao lớn lên cháu được sống trong âm nhạc, tình yêu và hòa bình. Và cả bà mẹ trẻ kia nữa, tôi cũng cầu cho cô và tình yêu của cô xanh mãi cây đời.
Tôi chụp nhiều ảnh dưới tượng đài cô gái Liesel – biểu tượng của thành phố. Chuyện kể rằng, hồi ấy có chàng sinh viên quý tộc yêu cô gái nghèo chăn ngỗng. Họ không lấy được nhau chỉ vì họ khác giai tầng. Câu chuyện tình buồn ấy là nỗi đau đối với Gottingen. Rồi người ta cho dựng tượng nàng ở quảng trường trung tâm thành phố. Đó là một cô gái trẻ, dịu dàng, thơ ngây, tay ôm bó hoa, tay xách con ngỗng, miệng như muốn nói điều gì…
Theo tục lệ của Gottingen, sau khi bảo vệ thành công luận án, các tân tiến sĩ đến quảng trường, leo lên đài nước, nghiêng mình hôn lên má cô gái. Không nghi ngờ gì nữa, cô gái là nhân vật được hôn nhiều nhất thế giới. Có phải đó là nụ hôn muộn màng, hối tiếc hay là một lời nguyện ước. Rằng mọi đỉnh cao trí tuệ, mọi học hàm học vị chẳng có ý nghĩa gì nếu như không góp phần kiến tạo nên một thế giới mà những người yêu nhau không hề bị bất cứ ai chia lìa họ.
Gottingen có nhiều quán sách, nhiều hàng hoa. Hèn chi thành phố lúc nào cũng phảng phất cái mùi của tri thức và tình yêu. Bên kia đường, một chàng trai trẻ ôm bó hoa trên tay. Nhìn nét mặt ngời ngời của cu cậu chắc không đi dự sinh nhật bạn gái thì cũng đến điểm hẹn.
Chao ôi, những đóa hồng tươi thắm thế cần gì phải nói lời tỏ tình. Mong sao, những đóa hoa kia dù có héo tàn đi trong đôi ba ngày nhưng tình yêu của họ thì mãi mãi bền lâu cho đến mai sau. Đi trên đường phố Gottingen, người ta chỉ muốn nghĩ những điều tốt lành, nói những lời tốt lành, làm những việc tốt lành.
Các buổi hòa nhạc được tổ chức thường xuyên và khắp nơi trong thành phố. Nhưng sự kiện âm nhạc vang dội nhất của Gottingen là Festival Handel được tổ chức dịp đầu hè, đủ mặt anh tài âm nhạc khắp nơi về dự. Gottingen là thành phố vui sống, không hề có chỗ cho những nỗi buồn.
Quảng trường trung tâm đủ rộng cho những trái tim cuồng nhiệt, nếu bạn không muốn đi xa một chút ra vùng ngoại ô tham gia các trò chơi thể thao như chèo thuyền, cỡi ngựa… hay thơ thẩn ven hồ Seeburg nổi tiếng có tuổi đời 2.500 năm.
Buổi tối lang thang qua các đường phố Gottingen là một hạnh phúc. Rất dễ có cảm giác có một nhân loại thu nhỏ đang dạo chơi ở đây. Chỉ mấy vị “nhân loại con” là được nằm xe, miệng cười tươi như hoa còn đôi mắt thì ngời theo bố mẹ. Ôi, mưa ở Gottingen cũng giống như mưa ở Baghdad, những bông hồng ở Gottingen cũng giống như những bông hồng ở Baghdad, cớ sao trẻ em ở Baghdad không được như trẻ em ở Gottingen!
Là “Thành phố Đại học”, là “Cái nôi của tri thức”, không biết sinh mệnh của Gottingen được định đoạt từ bàn tay của số phận hay từ sự tính toán của một đầu óc lỗi lạc? Thời ấy, các thành phố trong vùng tranh nhau những công trình vừa được quy hoạch. Kassel nhanh tay giành phần béo bở: xây dựng ngành tư pháp, kinh tế. Không lâu sau, Kassel trở thành thành phố công nghiệp, hiện đại với đầy rẫy tội phạm và các vấn đề xã hội.
Trong lúc Gottingen, không ngờ định mệnh mỉm cười với chữ nghĩa, trở thành thành phố đại học, cái nôi của tri thức, niềm kiêu hãnh của nước Đức, chốn bồng lai tiên cảnh giữa cõi trần. Âu đây cũng là bài học cho nhân loại bất cứ thời đại nào: không được coi thường giá trị tri thức.
Ai từng đến với Gottingen hẳn mong có ngày trở lại. Hôm chia tay, tôi cũng hẹn với Gottingen sẽ trở lại. Gottingen là một trong ít thành phố đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trên những con đường tôi đã đi qua. Và thú thật, mỗi lần nghĩ về nó, tôi hay liên tưởng đến thành phố Huế thương yêu của tôi, rồi thầm mơ, ước chi… ước chi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét