Vương quốc Đan Mạch bao gồm Đan Mạch ở Bắc Âu và hai quốc gia tự trị cấu thành là Faroe ở Bắc Đại Tây Dương và Greenland ở Bắc Mỹ. Diện tích Vương quốc là hơn 2,2 triệu km2. Chính quốc Đan Mạch rộng chỉ gần 43.000 km2, dân số tính đến năm 2018 là 5,7 triệu, theo Worldometers.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích 2.166.086, có quốc hội riêng và quyền tự chủ giới hạn. BBC thông tin, Đan Mạch đóng góp hai phần ba ngân sách hàng năm của Greenland, phần còn lại chủ yếu đến từ việc đánh bắt cá.
Đánh bắt cá là nghề chính ở Greenland. Ảnh: Getty Images
|
Thuộc khu vực khí hậu Bắc cực, mỗi năm người dân Greenland chứng kiến hai tháng liền ánh mặt trời không bao giờ tắt.
Hơn 80% diện tích bề mặt đảo được bao phủ bởi một dải băng dày 4 km. Các nhà khoa học lo sợ sự nóng lên toàn cầu khiến lớp băng tan quá nhanh. Tuy nhiên, điều này cũng có thể giúp tiếp cận nguồn khoáng sản tiềm năng dễ dàng hơn.
Chỉ 57.000 người sống trên hòn đảo khiến Greenland trở thành nơi thưa dân nhất thế giới (quốc gia có chủ quyền thưa dân nhất là Mông Cổ). Cư dân Greenland phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng như thất nghiệp, nghiện rượu và HIV/AIDS
Cây cầu nối liền Đan Mạch và Thụy Điển có thiết kế đặc biệt
Cầu Oresund nối thủ đô Copenhagen của Đan Mạch và thành phố Malmo của Thụy Điển được xem như kiệt tác kiến trúc do con người tạo dựng. Điểm thú vị của Oresund chính là sự kết hợp giữa một cây cầu dây văng dài 8 km và một đường hầm ngầm dưới biển dài 4 km. Chính vì thế, nhìn từ trên cao, cây cầu như đột ngột biến mất giữa biển khơi.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư George K.S. Rotne của Đan Mạch, Oresund do cả hai quốc gia cùng quản lý. Du khách đi qua đây đều phải trả phí.
Ảnh: Wikipedia
|
Đảo nhân tạo Peberholm là điểm trung chuyển giữa cầu và đường hầm. Hòn đảo nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú, gồm hơn 500 loại cây, đồng thời là nơi các loài chim cũng như cóc xanh chọn để sinh sản và trú ẩn.
Oresund có 4 làn xe trên đường bộ và đường riêng dành cho tàu hỏa. Khoảng 2/3 số hành khách lựa chọn tàu hỏa để di chuyển trên chặng đường chỉ kéo dài 35 phút. Nhờ con đường này, khoảng 3,7 triệu người có thể dễ dàng đi lại và làm việc ở cả hai quốc gia.
Cây cầu và hệ thống ngầm được khởi công vào năm 1995, mở cửa đón những vị khách đầu tiên vào ngày 1/7/2000. Từ khi hoàn thành đến nay, Oresund trở thành biểu tượng ngoại giao của Đan Mạch và Thụy Điển.
Sản phẩm đồ chơi nối tiếng toàn cầu do người Đan Mạch sáng tạo
Theo website chính thức của Lego, tên trò chơi này là viết tắt của hai từ trong tiếng Đan Mạch “leg godt”, có nghĩa “chơi hay”.
Tập đoàn Lego được thành lập năm 1932 bởi thợ mộc Ole Kirk Kristiansen ở Billund, Đan Mạch. Công ty được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hiện thuộc sở hữu của Kjeld Kirk Kristiansen, cháu của người sáng lập.
Những viên gạch Lego có thể được dùng để lắp ráp thành nhiều công trình, phương tiện tùy trí tưởng tượng của trẻ. Ảnh: Brickset
|
Trong gần một thế kỷ qua, từ một xưởng mộc nhỏ, Lego đã phát triển thành doanh nghiệp hiện đại, ghi dấu ấn là một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Sản phẩm quan trọng nhất của Lego là gạch lắp ráp. Những viên gạch bằng nhựa với nguyên tắc lồng vào nhau thông qua các ống cung cấp khả năng lắp ráp không giới hạn, kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ.
Quốc kỳ Đan Mạch có lịch sử lâu đời
Quốc kỳ lâu đời nhất được liên tục sử dụng cho đến ngày nay là của Đan Mạch, thường được gọi là Dannebrog. Theo kỷ lục thế giới Guinness, thiết kế Dannebrog đã được thông qua năm 1625, gồm một cây thánh giá Scandinavia (cây thánh giá Bắc Âu) trên nền đỏ.
Tuy nhiên, các vị vua Đan Mạch được xác nhận từng sử dụng lá cờ đỏ chữ thập trắng từ thế kỷ 14. Một truyền thuyết liên quan đến lịch sử quốc gia cho rằng lá cờ có nguồn gốc từ trận Lyndanisse năm 1219.
Quốc kỳ Đan Mạch. Ảnh: The Copenhagen Tales
|
Về sau, các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Iceland cũng sử dụng thiết kế này trên quốc kỳ của mình.
Đan Mạch đã tham dự World Cup 5 lần
Đan Mạch từng đoạt cúp của Giải vô địch bóng đá châu Âu năm 1992. Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá quốc gia với biệt danh “Thùng thuốc nổ Đan Mạch” chưa có duyên ở giải đấu lớn nhất hành tinh.
Đội hình thi đấu của Đan Mạch tại World Cup năm nay. Ảnh: Playerswiki
|
Kể từ lần đầu tham dự World Cup năm 1986, đội mới chỉ lọt vào tứ kết một lần vào năm 1998. Ở mùa giải năm nay, Đan Mạch buộc phải dừng bước ở vòng 1/8, sau khi để Croatia chiến thắng nhờ loạt sút luân lưu trong trận đấu ngày 1/7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét