Vương quốc Tây Ban Nha nằm ở bán đảo Iberia tại phía tây nam châu Âu. Quốc gia này rộng hơn 500 nghìn km2, phía bắc và đông bắc giáp với Pháp, Andorra và vịnh Biscay, phía đông và nam giáp Địa Trung Hải, phía tây và tây bắc giáp với Bồ Đào Nha và Đại Tây Dương. Dân số của Tây Ban Nha tính tới hiện tại là gần 46,4 triệu (theo Worldometer). Thủ đô là Madrid.
Tây Ban Nha là đội bóng thường xuyên góp mặt ở các kỳ World Cup hay Euro. Ngoài thành tích và dàn cầu thủ nổi tiếng, nước này còn được thế giới chú ý vì bài quốc ca rất đặc biệt, chỉ có nhạc chứ không có lời chính thức.
Quốc ca của Tây Ban Nha có tên là Marcha Real, có nghĩa là “Cuộc diễu hành hoàng gia” hay “Hành khúc hoàng gia”, là một trong những bài quốc ca cổ xưa nhất ở châu Âu và thế giới. Nhạc phẩm này xuất hiện lần đầu vào năm 1761. Năm 1770, Marcha Real được nhà vua Tây Ban Nha chọn làm bài hát danh dự, được sử dụng trong các sự kiện hoàng gia và sau này được chọn làm quốc ca.
Theo bài viết đăng tải vào tháng 2/2018 trên The Local, Marcha Real là một trong bốn bài quốc ca trên thế giới không có lời bài hát chính thức. Trong quá khứ, có nhiều phiên bản lời gắn liền với bài hát này nhưng hầu hết không được công nhận. Dưới thời nhà độc tài Fancisco Franco, một nhà thơ đã viết lời cho bài hát. Nhưng khi nhà độc tài này bị lật đổ vào năm 1975, bài quốc ca của Tây Ban Nha trở về phiên bản không lời và bắt đầu được sử dụng chính thức từ năm 1978 đến nay.
Năm 2008, Ủy ban Olympic của Tây Ban Nha đã tổ chức cuộc thi sáng tác lời cho quốc ca và đã chọn được lời phù hợp từ 7.000 bài thi nhưng ngay sau đó lựa chọn bị chỉ trích. Năm 2015, một nhà soạn nhạc ở Madrid cũng đã đưa ra phần lời cho bài quốc ca nhưng vẫn không nhận được sự ủng hộ.
Ở các sự kiện thể thao lớn như Olympic hay World Cup, khi quốc ca nhiều lần được vang lên, các vận động viên và cổ động viên của Tây Ban Nha không thể cùng hát một đoạn lời trọn vẹn nhưng phần nhạc điệu không làm giảm niềm tự hào dân tộc trong họ. Riêng tại World Cup, Tây Ban Nha là nước duy nhất sở hữu bài quốc ca không lời.
Quốc khánh Tây Ban Nha được lấy theo ngày Columpus đặt chân tới châu Mỹ
Trang Time and Date thông tin quốc khánh của Tây Ban Nha vào ngày 12/10, được lấy theo ngày Christopher Columpus đặt chân đến châu Mỹ.
Sau khi vận động được sự tài trợ từ Hoàng hậu Isabella I của Tây Ban Nha, ngày 3/8/1492, Columpus cùng đoàn thám hiểm rời cảng xứ Tây Ban Nha tiến về phía tây. Mục đích của cuộc thám hiểm này là đến châu Á, điển hình là Ấn Độ và Trung Quốc – nơi bất kỳ thương lái châu Âu nào thời bấy giờ cũng muốn tới để trao đổi hàng hóa.
Đến ngày 12/10, đoàn thám hiểm do Columbus chỉ huy đã đặt chân tới châu Mỹ. Lúc này, ông vẫn lầm tưởng mình đã đến được Ấn Độ. Tháng 3/1493, đoàn thuyền Columbus trở về Tây Ban Nha trong sự chào đón trọng thể của nhà vua và nhân dân. Ông được phong làm Phó vương và Toàn quyền các thuộc địa ở Tân lục địa.
Sau chuyến đi đầu tiên, Columpus còn thực hiện 3 chuyến thám hiểm nữa tới châu Mỹ nhưng cho tới lúc qua đời, ông vẫn tin rằng mình đã tìm ra con đường biển để đến châu Á. Dù vậy, người đời sau vẫn tôn vinh Columbus là một trong những nhà hàng hải lớn nhất.
Christopher Columbus đã tạo ra bước ngoặt lớn cho lịch sử châu Âu, đồng thời mở ra trang sử mới cho châu Mỹ. Từ phát hiện tình cờ của ông, một kỷ nguyên xâm chiếm và khai phá vùng đất mới bắt đầu.
Theo Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau khi Columpus đặt chân đến châu Mỹ và nhờ sự phát triển của ngành hàng hải, Tây Ban Nha trở thành một trong những đế quốc hùng mạnh nhất tại châu Âu, xâm chiếm nhiều thuộc địa và có ảnh hưởng rộng lớn đến khu vực Mỹ Latin, châu Phi và châu Á.
Bò tót là loài vật biểu tượng của Tây Ban Nha
Nhắc tới Tây Ban Nha, người ta không thể không nhắc tới những chú bò tót. Chúng có tên gọi chính xác là bò đấu Tây Ban Nha, thường xuất hiện trong các trận đấu bò. Thuật ngữ "bò tót" không chính xác về mặt sinh học nhưng nó thông dụng trong truyền thông, và văn học.
Bò tót Tây Ban Nha có thân hình đen bóng, đồ sộ, cặp sừng nhọn hoắt chĩa về phía trước với sự hung hãn của nó chính là một trong những biểu tượng quốc gia của Tây Ban Nha và là biệt danh của đội bóng đá quốc gia này.
Một trận đấu bò ở Tây Ban Nha. Ảnh: Daily Express
|
Lễ hội đấu bò tót San Fermin là dấu ấn văn hóa của Tây Ban Nha. Nó xuất hiện từ thế kỷ 13 và được biết đến nhiều hơn khi diễn ra thường niên từ năm 1562. Tới năm 1926, nhà văn Ernest Hemingway đã giúp lễ hội San Fermin trở nên nổi tiếng hơn khi ông đưa vào tác phẩm “The Sun Also Rises”. Nhờ đó, hàng nghìn du khách tới Tây Ban Nha mỗi năm vào dịp lễ hội này.
Hiện đấu bò tót ở Tây Ban Nha đang vấp phải nhiều chỉ trích của các nhà bảo vệ động vật bởi cách thức đối xử tàn tệ với loài bò tót cùng những vụ tai nạn đẫm máu ngay trên đấu trường
Hai màu chủ đạo trên quốc kỳ Tây Ban Nha là đỏ và vàng
Theo World Atlas, hiến pháp của Tây Ban Nha mô tả chi tiết thiết kế của quốc kỳ nước này. Đó là lá cờ hình chữ nhật nằm ngang, gồm ba dải màu, trên cùng và dưới là dải màu đỏ và ở giữa là dải màu vàng, trong đó dải màu vàng có bề rộng gấp đôi mỗi dải đỏ. Hình ảnh quốc huy Tây Ban Nha được đặt lệch phía lề trái của lá cờ, bên trong dải màu vàng.
Quốc kỳ Tây Ban Nha. Ảnh: Flag Shop
|
Thiết kế lá cờ hiện tại của Tây Ban Nha được dựa trên lá cờ hải quân của vương quốc này, xuất hiện từ năm 1785.
Có nhiều truyền thuyết được kể nhằm giải thích cho ý nghĩa màu sắc trên quốc kỳ Tây Ban Nha. Một truyền thuyết nói rằng màu đỏ và vàng được chọn để tôn vinh truyền thống đấu bò nổi tiếng, trong đó màu đỏ tượng trưng cho máu của những con bò còn màu vàng tượng trưng cho cát trong đấu trường. Một truyền thuyết khác lại cho rằng màu vàng được chọn để đại diện cho Mặt Trời trong khi màu đỏ tượng trưng cho sự đổ máu của người Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha vô địch World Cup một lần
Tây Ban Nha hiện xếp thứ 10 trên bảng xếp hạng FIFA, là đội bóng mạnh, giàu thành tích. Tại World Cup, Tây Ban Nha đã góp mặt tới 14 lần và đã một lần bước lên ngôi vị cao nhất. Ở trận chung kết World Cup 2010, Tây Ban Nha đã thắng Hà Lan 1-0 sau 120 phút thi đấu để lần đầu tiên giành cúp vàng. Ngoài ra, đội bóng này còn từng giành vị trí thứ tư vào năm 1950 và có 4 lần lọt vào tứ kết các năm 1934, 1986, 1994 và 2002.
Tây Ban Nha đến World Cup 2018 với mục tiêu vô địch. Tuy nhiên, ngay trước ngày khai mạc hai hôm, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha đã quyết định sa thải huấn luyện viên trưởng Julen Lopetegui – một trong những nhân tố chính giúp đội bóng được dự vòng chung kết World Cup 2018 do người này đã gia hạn hợp đồng với đội tuyển Tây Ban Nha nhưng vẫn ký hợp đồng ba năm với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của nước này là Real Madrid
Tây Ban Nha nằm ở bảng B với Bồ Đào Nha, Iran và Morocco. Đội bóng này vượt qua vòng bảng nhưng sớm dừng chân ở vòng 1/8 vì để thua Nga trong loạt sút luân lưu sau khi hai đội hòa nhau 1-1 ở 120 phút thi đấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét