3 ngày ngắm nét cổ kính thành phố mỏ thiếc ở Malaysia
Với chi phí tiết kiệm, thời gian eo hẹp, Ipoh - thủ phủ bang Perak, xứ cà phê trắng Malaysia, là địa điểm hấp dẫn để bạn khoác ba lô và đi du lịch nước ngoài.
Sau 2,5 giờ xuất phát từ nhà ga trung tâm Kuala Lumpur, tàu đến ga Ipoh ngay phố cổ. Nơi người dân ví von như “Taj Mahal phiên bản Ipoh” bởi lối kiến trúc gần giống và toàn bộ nhà ga sơn màu trắng. Cách đây một thế kỷ, nhà ga này xây dựng với phong cách nghệ thuật Ma Rốc, khai thác xu hướng từ hình tròn, thay vì hình vuông hay hình chữ nhật như những phiên bản khác của nghệ thuật Hồi giáo.
Ipoh gồm phố cũ và phố mới ngăn cách bởi dòng sông Kinta. Phố cũ được nhận diện qua những tòa nhà thấp mang nét kiến trúc thuộc địa Anh có từ 100 năm, điển hình là tòa nhà di sản Ipoh đối diện ga tàu hỏa, dãy nhà với những khung cửa gỗ, tường gạch rêu phong. Còn phố mới có các tòa nhà cao tầng, nhà hàng, quán ăn hiện đại và nhộn nhịp.
Vào thế kỷ 19, Ipoh phát triển mạnh nhờ sự bùng nổ trong việc khai thác thiếc và từng là trung tâm hành chính thứ hai sau Kuala Lumpur dưới thời thuộc địa của Anh. Sau khi độc lập, nền kinh tế của Ipoh giảm đi nhưng tầm quan trọng của thành phố vẫn tỏa sáng cho đến ngày nay.
Để hiểu rõ hơn về tên gọi thành phố mỏ thiếc, du khách có thể ghé bảo tàng Han Chin Pet Soo trên đường Bijeh Timah. Cách đây 120 năm, bảo tàng này từng là câu lạc bộ giải trí dành cho các ông chủ mỏ thiếc, giới thượng lưu người Hoa tại Ipoh. Tòa nhà lưu giữ những cổ vật xưa như bàn ghế, đèn chùm nhập từ châu Âu… tái hiện các mô hình giải trí như phòng chơi mạt chược, phòng khiêu vũ, nghe đàn, phòng hút ống điếu, quầy rượu.
Ipoh giống Penang ở 2 đặc điểm: Tranh vẽ tường theo hiệu ứng đánh lừa thị giác và các dãy nhà cổ kính với khung cửa lá sách. Tuy nhiên, Ipoh mang nét giản dị và gần gũi hơn Penang do chưa bị du lịch hóa. Các tranh tường ở Ipoh không nhiều nhưng cũng đủ toát lên nét độc đáo. Len lỏi vào từng ngóc ngách trong các hẻm nhỏ, tôi khám phá thêm nhiều tranh vẽ đẹp và có ý nghĩa như chúc mừng Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, Lễ hội ánh sáng Deepavali…
Vì Ipoh nổi tiếng với cà phê trắng truyền thống thơm ngon, một số tranh nổi tiếng về chủ đề này như Ông chú với cốc cà phê trắng, Cà phê O hay Sự tiến triển vẽ bên hông bảo tàng trà Ho Yan Hor tái hiện lại hình ảnh thị trấn mỏ thiếc Ipoh xưa. Tôi còn thỏa sức tạo dáng cùng những em bé vui đùa trong tranh, gợi nhớ tuổi thơ một thời nhảy dây, trốn tìm cùng các bạn trong xóm.
Tôi ghé hẻm nhỏ lâu đời Panglima, nơi du khách tới chụp hình, mua quà lưu niệm, ghé các tiệm kem và cà phê. Đi thẳng tới hẻm Market Lane đối diện, tôi hào hứng khi thấy những chiếc ô trắng và đỏ treo xen kẽ, thành từng hàng trên cao, trông rất đẹp mắt. Cuốn tản văn Cô gái bán ô màu đỏ có ghi "Những chiếc ô còn lại cũng đã bật lên, thắm đỏ cả một góc đường”. Đây có thể nói là nét văn hóa đặc trưng của phố cổ Ipoh.
Tôi đến vùng ngoại ô Ipoh, tham quan chùa hang Kek Look Tong, ngôi chùa lâu đời xây trong hang động. Hai dãy cầu thang bên ngoài hang có hình dáng đuôi cá chép. Bên trong hang tượng trưng dạ dày cá, chứa tất cả may mắn, vui vẻ và hạnh phúc. Hang cũng thờ nhiều tượng Phật và tượng các vị Lão giáo làm bằng đồng và thủy tinh. Vách và trần hang là thạch nhũ, qua hàng thế kỷ có những tạo hình đa dạng.
Cách đó 5 phút đi xe là chùa Sam Poh Tong xây dựng từ năm 1912, thờ Phật của cộng đồng người Hoa tại Ipoh, tọa lạc bên trong ngọn đồi đá vôi. Phía trước chùa là khu vườn cây cảnh, hồ nước với cá lội tung tăng. Bên trong thờ các chư vị Phật và tận cùng trong hang là khoảng sân nuôi rất nhiều rùa. Du khách tới đây thường mua cà chua và rau muống cho rùa ăn.
Điểm tham quan nổi tiếng là lâu đài Kellie, nằm trên ngọn đồi và bao quanh bởi hào nước. Tất cả vật liệu công trình nhập từ Ấn Độ. Điều đặc biệt, trên tường gạch của lâu đài có rất nhiều lỗ tròn. Thoạt nhìn, tôi nghĩ những lỗ này có tác dụng đối lưu gió hoặc để gác những cây súng nhằm phòng vệ. Thật ra, ngày xưa kỹ thuật xây dựng chưa hiện đại, thợ xây dùng cây gỗ dài, cắm vào lỗ tròn trên tường để làm dàn giáo.
Khám phá Ipoh, tôi thưởng thức ẩm thực ở các quán ăn lâu đời. Quán Lou Wong trên đường Bandar Timah nổi tiếng 60 năm với cơm gà luộc và gà quay ăn kèm nước chấm sốt ớt rất ngon mà giá phải chăng. Gần đó, quán Nam Heong nổi danh với loại cà phê trắng và bánh tráng miệng. Ngoài ra, còn có nhiều quán ăn ngon tập trung quanh khu phố cổ. Cuối ngày, tôi rẽ vào con hẻm cạnh quán nước Plan B. Trong đó, tiệm Bits & Bobs bán kem dừa rắc đậu phộng ngon ngất ngây, rất đáng để thử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét