Bạn không phải mua vé tàu quá sớm, không cần mang theo nhiều đồ vệ sinh cá nhân.
Theo Gaijinpot, sau một vài năm sống ở Nhật, anh Alex Sturmey (người Anh) rút ra được nhiều điều bạn không nên làm khi ở đây:
Mua vé tàu quá sớm
Các chuyến tàu cao tốc Shinkansen của Nhật vào ga chính xác đến từng giây và liên tục có chuyến mới. Do đó, bạn không cần phải đặt mua vé tàu quá sớm như ở các nước khác.
Hãy cứ chọn một ngày thứ 7 ngẫu nhiên để bắt một chuyến tàu từ ga Tokyo tới Kyoto. Bạn chỉ mất 10 phút chờ tàu và 2 giờ 18 phút di chuyển.
Nếu lựa chọn đi Shinkansen, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến tốc độ nhanh như đạn bay của loại tàu này. Ảnh: Gaijinpot.
|
Hành khách cũng có thể đặt trước shiteiseki (ghế đặt trước) với một khoản phí nhỏ, nhưng điều đó cũng có nghĩa bạn phải lên đúng chuyến tàu đó. Cách linh hoạt hơn là mua jiyuseki (ghế không đặt trước). Số lượng ghế này thường chiếm 3-4 khoang của tàu cao tốc, vì vậy cơ hội được ngồi ghế sẽ cao. Trừ các dịp nghỉ lễ, bạn có thể thoải mái và nhanh chóng lên tàu tới các điểm tham quan của Nhật mà không cần đặt chỗ.
Đóng gói đầy đủ đồ vệ sinh cá nhân
Phần lớn du khách thường mang theo đồ vệ sinh cá nhân nhưng điều này không cần thiết nếu tới Nhật. Hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn hay ryokan (nhà trọ truyền thống của Nhật) sẽ cung cấp cho bạn tất cả những gì cần thiết nhất: dầu gội đầu, xà phòng tắm, khăn tắm và dao cạo dùng một lần, thậm chí cả quần áo ngủ và dép đi trong nhà.
Trong các nhà vệ sinh công cộng ở Nhật luôn có đầy đủ giấy vệ sinh, xà phòng. Nhiều nơi còn phục vụ cả khăn lau tay miễn phí. Ảnh: Gaijinpot.
|
Không chỉ vậy, ngay cả các phòng tắm công cộng giữa thành phố cũng được trang bị đầy đủ. Nhà vệ sinh hầu như luôn có đủ giấy, xà phòng rửa tay và các loại máy bán hàng để du khách mua kẹo cao su hoặc bao cao su. Bạn sẽ gặp những nhân viên phân phát các gói giấy nhỏ để phòng trường hợp bạn gặp nhà vệ sinh không có giấy. Các cửa hàng tiện lợi cũng bày bán sẵn trọn bộ vệ sinh cá nhân bao gồm mọi thứ từ kính áp tròng cho tới bàn chải đánh răng, đồ lót.
Tin tưởng vào Wi-Fi công cộng
Mỗi khi đi du lịch nước ngoài, điều đáng sợ nhất có lẽ là không thể truy cập Internet. Bạn có thể nghĩ rằng với nền tảng công nghệ thương hiệu Nhật, Wi-Fi công cộng ở quốc gia này chắc hẳn sẽ vô cùng tiện lợi? Không hề. Dù bạn tìm được một điểm kết nối miễn phí, bạn cũng sẽ phải mất cả tiếng đồng hồ để qua được các vòng đăng nhập dịch vụ trong trường hợp bạn biết tiếng Nhật. Tốt hơn hết, du khách nên mua cục phát Wi-Fi cầm tay hoặc sim di động để truy cập mạng. Việc thiết lập rất đơn giản và giá cả cũng vừa phải.
Đợi người phục vụ ở nhà hàng
Nhiều thực khách thường giữ thói quen ngồi vào bàn và chờ đợi người phục vụ đến tiếp đón. Thói quen đó cần thay đổi ở Nhật nếu bạn không muốn đói lả người.
Ở hầu hết các quán cà phê hoặc nhà hàng, khách sẽ thu hút sự chú ý của chủ quán hoặc người phục vụ bằng cách giơ tay lên và nói to "Sumimasen" (Xin lỗi hoặc Làm ơn). Hầu hết các bồi bàn sẽ chờ bạn thực hiện động tác này, vì họ sẽ không bao giờ muốn làm phiền khách phòng khi họ đang có một cuộc trò chuyện quan trọng.
Người phục vụ ở Nhật luôn nhiệt tình nhưng cũng rất ý tứ, sợ làm phiền khách. Ảnh: Oyster Hotel Reviews.
|
Trong một izakaya (quán rượu Nhật), bạn thường sẽ ngồi ở đâu đó giữa một mê cung quanh co của các gian phòng bằng gỗ với cửa trượt và giày dép chất đống ở khắp mọi nơi. Khi đó, bạn chỉ cần nhấn nút "pin pon" huyền diệu trên bàn để gọi người phục vụ. Nếu không có nút bấm này và bạn cũng không thể gọi to át được những nhóm khách ầm ĩ của bàn bên, vậy chúc may mắn sẽ đến với bạn.
Mang theo một chiếc vali khổng lồ khắp mọi nơi
Nhật có một dịch vụ không thể chê vào đâu với những du khách thích mang nhiều đồ đạc - "Du lịch không hành lý". Dịch vụ này không chỉ giải phóng bạn khỏi đống đồ lỉnh kỉnh từ lúc khởi hành cho tới khi bạn hạ cánh, mà còn đưa chúng đến tận khách sạn. Không chỉ an toàn với những hỗ trợ cá nhân hóa, dịch vụ còn có trang web rất dễ hiểu đi cùng mức giá hợp lý. Ví dụ, để gửi một chiếc vali lớn nặng 25 kg từ sân bay Narita (Tokyo) đến tận một khách sạn ở Hokkaido (cách nhau hơn 1.100 km), mức giá là 3.240 yên (680.000 đồng).
Trường Đặng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét