Người Tsou có khuôn mặt khác biệt hẳn với 13 dân tộc ít người còn lại của Đài Loan.
"Non xanh, nước biếc. Những cô gái ở vùng núi A Lý đẹp như dòng nước trong trẻo. Những chàng trai mạnh mẽ như dãy núi sừng sững". Đó là những gì người ta thường truyền tai nhau về người Tsou, một dân tộc bản địa của vùng A Lý Sơn, huyện Gia Nghĩa, phía tây nam Đài Loan, theo Taiwan Indigenous Cultural Park.
Theo số liệu năm 2018, bộ tộc Tsou có 8 bộ lạc, với hơn 6.600 người, chiếm khoảng 1,19% tổng dân số bản địa của Đài Loan, khiến họ trở thành tộc người bản địa lớn thứ bảy trên hòn đảo. Trong truyền thuyết Tsou, bộ tộc này ban đầu sống trên núi Yushan và chỉ di cư xuống miền xuôi sau một trận lũ lớn cô lập họ. Ban đầu, gia tộc Liang của bộ tộc Tsou thành lập làng Tefuye ở trên núi A Lý, và tộc Wen lập làng Dabang, cách đó 2 km. Ảnh: Weibo.
Những ghi chép đầu tiên về thổ dân Đài Loan xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17. Họ là người Austronesian (Nam Đảo), có ngôn ngữ và di truyền liên hệ với những người Austronesian, Indonesia, Madagascar và châu Đại Dương. Những bộ tộc tiêu biểu là Atayal, Saisiyat, Bunun, Tsou, Paiwan, Rukai, Ami, Puyuma và Yami... Trong đó người Tsou nổi bật hơn cả với nét đẹp như người châu Âu - khác biệt với 13 bộ tộc còn lại của Đài Loan. Ảnh: Weibo.
Người Tsou tôn thờ những vị thần hiện diện trong mọi khía cạnh cuộc sống của bộ tộc này. Họ có nhiều lễ hội song ba ngày Mayasvi, Miyapo và Homeyaya là quan trọng nhất. Tất cả được tổ chức tại kuba, một nhà mái tranh có vai trò như không gian văn hóa tâm linh của cả làng. Ảnh: Weibo.
Hiện kuba chỉ được tìm thấy ở làng Dabang và Tefuye trên núi A Lý. Đây cũng là nơi đàn ông trong bộ tập tập trung mỗi khi có dịp quan trọng. Ảnh: Weibo.
Thực phẩm chính của người Tsou là gạo, kê, cỏ lồng vực nước, ngô, khoai lang và khoai môn. Họ nấu kê với cơm, cháo gạo, hoặc làm thành bánh mochi. Các thực phẩm khác bao gồm thịt, cá, đậu, rau, thảo mộc... Họ bị cấm ăn thịt gấu và báo. Cơm lam của người Tsou là một đặc sản rất nổi tiếng. Gạo thêm nước được nhồi vào ống tre được nướng rất lâu trên lửa. Người Tsou thường đem theo cơm lam trong những chuyến đi săn trên núi. Ảnh: News.cn.
Người Tsou may quần áo từ da, vải lanh và bông; hầu hết trang phục có màu đỏ, trắng và đen. Nam giới đa phần mặc áo choàng da, là chiến lợi phẩm từ những lần đi săn. Ngoài ra, họ cũng luôn mặc màu đỏ, được cho là màu sắc yêu thích của Thần Chiến tranh. Phụ nữ thích dùng các chuỗi hạt đủ màu kết với nhau làm trang sức. Ảnh: Weibo.
Vùng núi A Lý Sơn có thổ nhưỡng thích hợp để trồng wasabi, một số người Tsou ngày nay theo nghiệp này. Họ còn có đặc sản trà Ô Long trứ danh nhờ học cách trồng trà của người Hán. Lợi nhuận cao từ trà Ô Long và wasabi kéo nhiều thanh niên trai tráng người Tsou trở về với bộ tộc. Gần đây, họ cũng bắt đầu học trồng hoa, đặc biệt là hoa ly với giá bán cao. Ảnh: News.cn.
Dù truyền thống nấu rượu rất được coi trọng, người Tsou ít dùng thức uống có cồn này. Họ thường ủ rượu từ kê, gạo và khoai lang, chỉ đem dùng trong những dịp lễ quan trọng như ma chay, hiếu hỉ, cúng bái. Không phải ai cũng có thể uống rượu, thường chỉ có những bậc già làng và cô dâu - chú rể trong đám cưới mới được uống. Ảnh: Weibo.
Theo truyền thống, đất đai là tài sản chung của bộ tộc. Người con trai cả của mỗi gia đình có đặc quyền thừa kế, gồm cả những vũ khí quý giá trong nhà. Ảnh: JeanDm11958.
Đám cưới của người Tsou cũng có nhiều truyền thống riêng, đặc biệt hôn nhân cận huyết bị cấm hoàn toàn. Đôi lứa yêu nhau có thể tự do thể hiện tình cảm chốn đông người với những cái ôm hay nụ hôn nhẹ nhàng. Ảnh: hero780403.
Du khách tới Đài Loan có thể ghé công viên văn hóa bộ tộc Tsou YuYuPas nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển trên núi A Lý. Theo ngôn ngữ bản địa của người Tsou, YuYuPas nghĩa là "vô cùng giàu có". Mở cửa từ năm 2010 để cải thiện kinh tế vùng sau trận bão Morakot trước đó, công viên YuYuPas rộng tới 2 ha, gồm vô số vườn chè Ô Long. Ảnh: News.cn.
Minh An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét