Minh họa của Choai.
Trước ngày lên đường đến Hàn Quốc, tôi nhắc liên tục trên ô chat nhóm rằng các bạn đồng hành nên nhớ mang theo thực phẩm đi. Còn các vật dụng khác, dù có cần đến đâu thì quần áo, giày dép, mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm trong vali cũng phải nhường chỗ cho đồ ăn.
Cô bạn thuở nhỏ của tôi có vẻ không vui, thấy sao mà sắm sanh gạo mì khổ thế, bảo cậu có vẻ quan trọng việc ăn uống nhỉ, đi chơi thì vào nhà hàng mà thưởng thức cho ngon lành, đàng hoàng.
Nhà văn An Hạ thì tới lui gửi các đường link về ẩm thực Hàn Quốc, những là Bulgogi (thịt nướng), Japchae (miến trộn), Seolleongtang (canh bò), Dakjuk (cháo gà), Hotteok (bánh nhân ngọt)... Nàng háo hức bảo toàn món ngon thôi chị ạ, em sẽ ăn sạch cả Seoul cho coi.
Tôi thở dài, có nói cách nào người chưa từng trải cũng không hiểu, mới phẩy tay ra điều “Thôi, cứ trải đi rồi biết”. Bữa đầu tiên chúng tôi tìm được một hàng thịt nướng khá ngon ở khu phố cổ. Bò và lợn nướng lên cuộn với lá mơ thơm rồi chấm nước sốt kiểu Hàn Quốc. Lại thêm ly nước quế nóng để gà miệng vị thơm cay, ngọt dịu, khi ngoài kia tuyết lây phây đã bám mờ cả mặt kính. Sướng đến thế là cùng.
Ba giờ chiều rồi, dạ dày đang gắt gỏng mà lại được bữa xì xèo thịt nướng thế này, người ta liếc nhìn tôi thắc mắc: Đồ ăn Hàn ngon đấy chứ! Tôi phản biện:
- Đồ nướng không phải một món đặc trưng. Nó là loại thực đơn quốc tế, vì hầu như quốc gia vùng miền nào trên thế giới này cũng có món nướng cả. Từ Mù Căng Chải đến tận Sahara, từ Mông Cổ tới Rome, từ Lào tới New York, và người Thái, người Tàu, người Nga, tộc nào cũng ăn đồ nướng cả. Đó là kiểu “nấu ăn” giản đơn từ thời nguyên thủy. Bò cá lợn gà, cứ hơ lên đống lửa là xong. Có khác nhau chỉ ở phần gia vị ăn kèm mà thôi. Vì thế món nướng tuyệt đối không thể coi là một đồ ăn Hàn hay đồ ăn của bất kỳ dân tộc nào được.
Tất nhiên, đó cũng là bữa ăn “thành công” duy nhất của chúng tôi trong suốt kỳ nghỉ ở xứ Kim Chi.
Từ Seoul, chúng tôi đã vừa di chuyển đến Gyeongju, cố đô của Hàn Quốc. Sau bữa tối đầy bực dọc ở nhà hàng của những người Hoa nấu cơm Hàn, chúng tôi trở về hostel. Hostel Blueboat nằm trên gác hai của một tòa nhà. Nó có một sảnh chờ nhỏ xinh với bản đồ hàng hải cổ xưa dán trên vách tường và một căn bếp dễ thương nhất thế giới.
Những dụng cụ làm bếp tinh tế khiến tôi thấy mình như đang trong một biệt thự nhỏ, và những người khách đủ màu da từ các căn phòng nhỏ xíu kia chính là khách mời của biệt thự. Đã 9 rưỡi tối. Chúng tôi bắt đầu... bày biện. Giá để ly có đúng năm chiếc cho năm người (chiếc thứ sáu chắc đã bị vỡ mất).
Tôi đặt lên bàn ăn màu nâu sậm một đĩa táo và gói bánh nhân đậu đỏ mua ở cửa hàng của bà hoàng bánh bông lan dưới nhà. An Hạ khui chai vang ở cửa hàng tiện lợi. Màu đỏ booc đô sóng sánh trong ly như không khí của bất kỳ bữa tiệc nào. Thủy loay hoay gọt táo và tôi mở chai vang Hàn Quốc.
Thành phố này khá lặng lẽ. Ngoài kia thì rét lắm thôi, có lẽ tuyết rơi rồi cũng nên. Gió mùa đang hun hút lùa qua những ngã tư không người và thốc thác trên những cánh đồng trơ gốc. Nhưng trong này thì ấm áp và vui vẻ quá đi mất. Mắt con gái tôi lấp lánh dưới ánh đèn vàng, và những người bạn thân thiết đang đỏ ửng mặt vì cố nín cười để khỏi làm phiền tới khách ở trọ.
Đã sang một ngày mới. Từ cửa sổ mờ hơi nước của phòng ngủ tí hon với hai chiếc giường bé xíu nối đuôi nhau, tôi nhìn xuống đường Wonhwa. Thực kinh ngạc khi trái với hình dung, quá nửa đêm vẫn có xe chạy qua chạy lại dù thưa thớt (nhưng ban ngày Wonhwa vẫn thưa vắng đấy thôi) và cả vài người đi bộ nữa, nhưng lạ nhất là phía bên kia đường vẫn có một cửa hàng sáng đèn.
Đằng sau ô cửa che tấm rèm nhựa trong, chủ tiệm đang bán món gì mà nghi ngút khói. Ban ngày thì họ đóng cửa im ỉm mà tối giăng đèn ra bán là sao. Nhưng ngộ hơn nữa là rất đông khách mua. Người ta ăn gì thế? Tò mò cực độ, tôi rủ An Hạ xuống coi xem giao thừa mà lại buôn bán gì, nếu ngon thì ta cũng ăn.
- Ừ mình đi – Nàng ta đồng ý cái rụp.
Chúng tôi khoác vội chiếc áo đại hàn rồi xỏ chân vào đôi ủng. Hơi lạnh ập vào mặt khiến tôi sốc nhiệt. Một gã da đen ăn mặc phong phanh đứng trên vỉa hè nhìn hai bọn tôi cười toe toét vẻ làm thân. Hóa ra dưới này đông vui phải biết. Chúng tôi băng sang đường và chui vào tấm rèm nhựa. Vợ chồng chủ quán đứng sau chiếc nồi to đang sôi sùng sục. Họ dùng nó để nhúng chả cá cho nóng.
Tưởng gì, chả cá Odeng và bánh gạo Tteokbokki là cặp đôi sung sướng của người Hàn, nhưng tôi ghét nhất hai món này. Khắp vỉa hè từ Bắc chí Nam ở Hàn Quốc người ta bán và mua bánh gạo xào cay Tteokbokki. Nó chỉ là cục bột nếp đã qua chế biến rồi xào lên với ớt, tròn trùng trục, dai dai cứng cứng, ăn cứ bứ mãi trong miệng.
Người ta hay ăn Tteokbokki kèm chả cá. Chả cá Odeng cũng đơn giản là bột cá xay tráng mỏng rồi dồn lại xiên que, khi ăn chan thêm canh nóng là nước dùng hầm với rong biển, củ cải. Có thế thôi mà người Hàn nghiện, nghiện đến nỗi rét mướt cũng bày ra bán bán mua mua.
Trong quầy còn có món gà tẩm bột xào cay và vài thức linh tinh khác mà tôi biết tỏng là rất không ngon. Chẳng ăn được gì nhưng không khí ở cái tiệm bán món ăn vặt lúc nửa đêm ấy sao mà ấm cúng. Về đi ngủ thôi kẻo trời sáng mất. Tôi yêu Gyeongju. Điều gì ở đây cũng dễ thương quá đỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét