Nhà văn Lev Tolstoy có câu nói: “Biên giới sinh ra người Kozak, còn người Kozak tạo nên nước Nga.” Và trên toàn nước Nga, người Kozak vùng sông Đông đông đúc nhất với những nét điển hình nhất của cộng đồng này.
Rostov-na-Donu nằm cách Moskva hơn 1.000km về phía Nam, trải dài bên phần lớn nhất của sông Đông, một trong năm dòng sông dài nhất châu Âu trước khi đổ vào biển Azov.
Thành phố ra đời từ thế kỷ 18, song di tích khảo cổ cho thấy con người đã sinh sống nơi đây hơn 5.000 năm. Rostov-na-Donu phần lớn được biết đến nhờ đặc tính Kozak.
Văn hóa người Kozak sông Đông rất đặc thù, nơi truyền thống đạo đức tinh thần, đạo Chính thống giáo và lòng yêu nước được đặt lên hàng đầu.
Trong lịch sử nước Nga, người Kozak sông Đông giữ một vị trí quan trọng chính vì dù điều kiện sống rất khắc nghiệt, luôn bị kẻ thù bao vây, họ đã xây dựng được một cộng đồng mạnh, yêu tự do và sùng tín, có phương ngữ riêng, có nề nếp và tập tục đặc sắc, đề cao tinh thần thượng võ và niềm tin Chính thống giáo.
Thế giới biết đến chất Kozak qua nhân vật Grigori trong tác phẩm “Sông Đông êm đềm” của nhà văn người vùng sông Đông Mikhail Solokhov (giải Nobel Văn học năm 1965), trong bi kịch tình yêu giữa chiến tranh ác liệt, chất “yêng hùng” Kozak vẫn không một giây chịu khuất phục, là chất quyến rũ tạo nên bộ tiểu thuyết anh hùng ca vào loại xuất sắc nhất của nền văn học Nga thế kỷ 20.
[Nga dựng tượng 3-D của thủ môn huyền thoại Lev Yashin tại 11 thành phố]
Ngày hội bóng đá chính là dịp để người Kozak sông Đông thể hiện những nét văn hóa đặc sắc ấy của mình.
Trong thành phố sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện theo chủ đề Kozak, ví dụ những trò chơi đánh trận, nơi dân Kozak sông Đông thi tài cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí, thể hiện sức mạnh ý chí, lòng dũng cảm và tôn vinh chiến thắng của dòng tộc cũng như ngôi làng quê hương.
Thành phố xây dựng cả một Trung tâm Văn hóa-triển lãm "Cận vệ quân Kozak sông Đông" về lịch sử truyền thống thượng võ và lối sống của người Kozak.
Nhân dịp World Cup, nhiều nhà hàng đã nhạy bén dùng thương hiệu “Người Kozak” để thu hút thực khách. Bạn có thể được cấp chứng chỉ “Người Kozak” nếu lặp lại chính xác động tác ghé môi uống cạn chén rượu đặt ngang trên thanh gươm hoặc “nhất kiếm chém đứt cây bắp cải.”
Về với sông Đông, các bạn đừng quên thử món tôm càng và cá trích muối trứ danh, thương hiệu của Rostov-na-Donu. Tuy nhiên, mùa Thu mới đến mùa câu tôm, khi đến quá nửa người dân thành phố đổ ra sông để tìm cho mình thứ sản vật hào phóng và ngon lành của dòng sông Đông.
Cầu Voroshilovsky vừa được đại tu là một trong những biểu tượng của thành phố. Cây cầu đường bộ này thu hút rất đông khách du lịch vì kỹ thuật đặc biệt: thay vì các mối hàn, kiến trúc sư đã sử dụng keo để gắn kết các bộ phận của cây cầu. Toàn bộ thiết kế được giữ chắc trên bộ dây cáp kim loại.
Thành phố có nhiều bảo tàng. Nhất định phải đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật với hơn 6.000 hiện vật, trong đó có tác phẩm của những danh họa như Repin, Aivazovski, Levitan... bạn nhé. Ngoài ra, tôi có hỏi một người bạn vừa từ Rostov-na-Donu trở về xem ấn tượng mạnh nhất về thành phố là gì. Bạn tôi chỉ nói một chữ: “Sạch.”
Cái sạch khiến khách thủ đô phải ngỡ ngàng, còn người Rostov-na-Donu thì lại ngỡ ngàng trước cái ngỡ ngàng về một điều hiển nhiên!
Chuẩn bị cho World Cup 2018, thành phố đã cải tạo lại sân vận động mới. Rostov- Arena được thiết kế dành cho 45.000 người hâm mộ. Khán đài Bắc mở ra quang cảnh ngoạn mục vùng sông Đông, còn từ phía Nam là những cánh rừng và thảo nguyên sông Đông.
Nét đặc thù của sân vận động mới là mặt tiền bằng kính màu, tạo thành từ cấu trúc kim loại và thủy tinh. Rostov-Arena được FIFA đánh giá là một trong những sân vận động hiện đại và công nghệ cao nhất trong số 12 sân vận động World Cup và là một trong số ít sân đảm bảo được sóng điện thoại di động ổn định và an toàn cho trường hợp 45.000 người sử dụng cùng lúc.
Có tình cờ hay không khi tới đây Rostov-na-Donu sẽ đón những đội bóng vốn được coi là có phong cách “máu lửa” nhất hành tinh: Brazil, Mexico, Uruguay. Môn túc cầu vốn chinh phục triệu triệu con tim khán giả ở nhiệt huyết và sự bất khuất, như người Kozak đã sống bên dòng sông Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét