ANH ĐÀO, THEO TRÍ THỨC TRẺ
Nếu tới thành phố này, những hội con nhà giàu, tiểu thư công tử đều không có "đất diễn", vì người giàu và người nghèo ở đây dường như không có sự phân biệt.
Nhắc đến Bhutan, chắc hẳn không có nhiều người cảm thấy mới mẻ bởi mức độ nổi tiếng về loại chỉ số không dành để đo sự phát triển về kinh tế hay ô nhiễm môi trường mà đơn giản là để kiểm nghiệm xem người dân của họ có hạnh phúc hay không.
Và cũng thật bất ngờ là con số này ngày càng tăng và khiến các quốc gia khác trên thế giới cũng phải "nóng lòng".
Chúng ta cũng từng biết tới phong cách sống hạnh phúc của người Bắc Âu nhưng trong một bài viết mới được xuất bản hồi tháng 8 của tờ BBC thì một nơi nữa cũng có quan điểm sống hạnh phúc vừa được khám phá.
Điều quan trọng là vùng đất này không có phạm vi quốc gia mà chỉ dừng lại ở cấp thành phố nhưng người dân nơi đây vẫn sống cực kỳ hài lòng. Nơi đó có tên là Sinop, một địa danh du lịch nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước nối liền hai châu lục Á và Âu.
Những cảm quan ban đầu về Sinop
Nhà báo Joshua Allen đã có chuyến đi từ thủ đô Istanbul kéo dài 730 km để tới Sinop. Ấn tượng đầu tiên của anh là không khí ở đây cực kỳ trong lành và sảng khoái, đâu đó còn phảng phất cả mùi gỗ linh sam kỳ bí.
Đường đến thành phố Sinop đi qua những ngọn đồi thoai thoải và những chú bò rải rác dạo chơi trên những cánh đồng. Một bên cửa kính xe là những cây thường xuân xanh rì rào trong gió, còn ở cửa sổ đối diện lại là những bãi biển hẹp nằm song song với con đường.
Theo Viện thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, tỉnh Sinop xếp hạng thấp so với phần còn lại của quốc gia này về y tế và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác là tinh thần thì Sinop lại đứng đầu trong cuộc khảo sát về mức độ hài lòng với cuộc sống, tức là người dân ở đây hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc.
Sống làm sao để được hạnh phúc?
Sẽ có tương đối ít người biết rằng, Sinop chính là quê hương của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Diogenes, người tôn trọng lối sống thuận tự nhiên và coi đây là cách nhanh nhất để đạt đến sự thỏa mãn.
Ở Sinop không có đèn giao thông nhưng so với sự hỗn loạn ở thủ đô Istabul thì những chiếc xe ở đây lưu thông cực kỳ dễ dàng. Người dân chọn cách đi bộ thay vì lái xe vì không ai vội vã tới đâu cả dù có là buổi sáng ngày trong tuần.
Thậm chí, ở Sinop, các viên chức nhà nước còn không làm việc sau ngày thứ Tư, tức là họ chỉ làm việc 3 ngày một tuần, một con số quá ít so với phần đa các quốc gia khác trong khu vực, mà đặc biệt là so với những nơi bận rộn như Nhật Bản hay Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước có nhiều người theo đạo Hồi và nhà nước đã có lệnh cấm bán rượu xung quanh các nhà thờ. Tuy nhiên, theo sự quan sát của nhà báo Allen thì người dân ở đây đã làm hoàn toàn ngược lại khi có san sát các quán rượu được mở bên cạnh nơi thờ tín ngưỡng.
Phụ nữ Hồi giáo ở thành phố này cũng được đối xử rất đặc biệt khác với những nơi khác như tự do mặc quần short ra đường hay ra khỏi nhà vào lúc 3 giờ sáng mà chẳng có ai nói động tới một lời. Những điều đó đã tạo cho con người sự thoải mái và được sống là chính mình.
Nhà báo Allen đã hòa mình vào không gian tươi xanh xinh đẹp của Sinop và tiếp xúc nhiều hơn với người dân nơi đây. Anh đã hỏi họ về cách họ sống, nhìn mọi sự và nhận được câu trả lời rằng "ở đây họ không có cảm giác một số người thì giàu có còn một số người khác thì nghèo khổ".
Tại đó, tất cả mọi người dân từ nhiều tầng lớp khác nhau đều đến cùng một quán café để thưởng thức đồ uống và ăn bánh một cách thư thái.
Ở một số nơi khác như thủ đô Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ, người ta rất dễ dàng bắt gặp các hội con nhà giàu, tiểu thư nhà giàu, công tử nhà giàu toàn những thanh niên chơi trội. Họ đi siêu xe, uống rượu trong các hộp đêm sang chảnh, hưởng thụ những thú vui trên trời dưới biển một cách công khai, không suy nghĩ.
Nhưng ở Sinop không như vậy, người giàu và người nghèo gần như không có khoảng cách về diện mạo bên ngoài hay những gì họ thể hiện khi ra ngoài phố.
Bên trong ngôi nhà của họ có thể khác nhau vì sự bài trí đồ đạc hay tiện nghi nhưng một khi đã ngồi cùng nhau bên ngoài thì giữa họ chỉ có điểm chung là sự điềm đạm cần có để giữ hòa khí cho cả thành phố mà thôi.
Người dân Sinop vẫn giữ cho mình được khu phố cổ từ thời những người Hy Lạp còn sống ở đó. Họ cũng có kiến thiết thêm nhưng hầu như không hề xuất hiện những tòa nhà chọc trời.
Người dân nơi đây chỉ đơn giản thích được sống với thiên nhiên chan hòa, nơi những người hàng xóm hoàn toàn có thể vươn người ra khỏi cửa sổ để trò chuyện. Họ cũng có thể làm như vậy nếu muốn mua gì đó ở các cửa hàng tạp hóa. Nói tóm lại họ đang sống với quy tắc cực kỳ tối giản nhưng vẫn đủ đầy.
Người Bhutan sống hạnh phúc vì không tham sân si, không sống quá giàu có, luôn kiêu hãnh, tự tin và nhất là họ không sợ cái chết. Còn với những người dân sống ở Sinop, Thổ Nhĩ Kỳ họ cũng luôn tìm được lý do để thật hạnh phúc bằng sự giản đơn ngay trong tâm hồn mình.
Do vậy, dù có ở đâu trên thế giới này, dù là ở châu Âu hay châu Á thì hạnh phúc vẫn được đo bằng những chuẩn mực ngang nhau.
Vì những lý do nói trên, thật không khó hiểu để Sinop trở thành một điểm đến hấp dẫn tại Thổ Nhĩ Kỳ của những người ưa dịch chuyển.
Hiện tại, vé máy bay từ Việt Nam bay thẳng sang thành phố này đang có mức giá khoảng 587 đô la (khoảng hơn 12 triệu đồng) nên việc đi du lịch tới đây cũng là điều không mấy khó khăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét