Binh sỹ Nga diễu hành kỷ niệm 75 năm chiến thắng lịch sử Stalingrad tại Volgograd, ngày 2/2. (Nguồn: THX/TTXVN)
Nằm trải dài trên 90km bên bờ sông Volga hùng vĩ, cách Moskva gần 1.000km về hướng Đông Nam, thành phố Volgograd gắn liền với Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945, là một trong bảy thành phố của Nga được trao tặng danh hiệu “Thành phố anh hùng”.
Mặc dù bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, song với nỗ lực, ý chí phi thường, Volgograd không ngừng vươn lên và trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và thương mại chính của Liên bang Nga.
Người dân Volgograd kỳ vọng việc đăng cai các trận đấu bóng đá trong khuôn khổ Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup 2018) sẽ tạo thêm "cú hích" trong việc phát triển thành phố.
Được thành lập năm 1589 với tên gọi Tsarisin và năm 1925 được đổi tên là Stalingrad nhằm tôn vinh công lao của lãnh tụ Josef Stalin.
Cái tên thành phố Volgograd được sử dụng từ năm 1961, lấy theo tên sông Volga, dài khoảng 3.70 km, tương đương sông Mississippi ở Mỹ và là con sông dài nhất châu Âu.
Thành phố Volgograd nổi tiếng với trận đánh Stalingrad lịch sử chống phátxít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trận chiến kéo dài 200 ngày đêm với những cuộc giao tranh khốc liệt nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, khiến hàng triệu người thương vong, các cơ sở của thành phố đều bị đổ nát bởi sự tàn phá của bom đạn.
Mặc dù bị lực lượng hùng mạnh phátxít Đức bao vây và chiếm đóng, nhưng cuối cùng Hồng quân vẫn đảo ngược được tình thế và giành chiến thắng oanh liệt.
Đây là thất bại lớn đầu tiên của phátxít Đức, được xem mà một điểm xoay chuyển cục diện cuộc chiến. Vì có ý nghĩa lịch sử to lớn như vậy nên nhiều quan chức cấp cao Nga kêu gọi khôi phục tên gọi Stalingrad.
Hiện, chính quyền thành phố Volgograd cho phép khôi phục tên Stalingrad 6 ngày mỗi năm, để phục vụ mục đích kỷ niệm.
Ngày nay, ký ức về chiến dịch Stalingrad lịch sử vẫn được nhân dân thành phố Volgograd trân trọng lưu giữ trong các bảo tàng, thông qua các di tích lịch sử, đài tưởng niệm.
Ngay trên đồi Mamayev, nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất trong chiến dịch Stalingrad, xây dựng một quần thể đài tưởng niệm hoành tráng ngợi ca chiến công bất tử của những người anh hùng đã hy sinh xương máu bảo vệ thành phố.
Trung tâm của quần thể tưởng niệm là tượng đài điêu khắc "Mẹ Tổ quốc kêu gọi." Bức tượng khắc họa bà mẹ Nga trong tư thế tiến lên phía trước cùng thanh kiếm trong tay, tượng trưng cho lời kêu gọi của Tổ quốc thúc giục những người con ra mặt trận để đánh đuổi quân thù.
Để đi từ chân đồi tới bức tượng người ta sẽ phải bước qua 200 bậc thang, tượng trưng cho 200 ngày chiến đấu khốc liệt của trận đánh Stalingrad.
Để chuẩn bị cho World Cup 2018, một sân vận động với sức chứa 45.000 khán giả, phía trên các khán đài trang bị mái che, sân cỏ tự nhiên với hệ thống sưởi ấm, vừa mới được khánh thành ngay phía dưới đồi Mamayev.
Sân vận động Volgograd đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, mái che của sân vận động được xây dựng với các dây cáp và đây là lần đầu tiên ở Nga có sân vận động từ cấu trúc dây cáp.
Không chỉ xây mới sân vận động, trong những năm qua chính quyền thành phố Volgograd cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và đặc biệt là du lịch.
Theo Chủ tịch Ủy ban chuẩn bị và tổ chức World Cup 2018 của Volgograd, ông Arkady Grushko, việc chuẩn bị World Cup 2018 cho phép Volgograd tạo bước đột phá quan trọng trong việc phát triển "ngành công nghiệp không khói."
Hiện, nhiều chương trình du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh của thành phố đã được thiết kế nhằm phục vụ du khách đến với Volgograd trong mùa Hè năm nay.
Dự kiến, Volgograd sẽ đón khoảng 1,4 triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới trong dịp World Cup. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, chính quyền thành phố Volgograd đã huy động được gần 1.500 tình nguyện viên phục vụ các "thượng đế" đến với thành phố anh hùng.
Du khách khi đến Volgograd nên sử dụng phương tiện giao thông hàng không, vì nếu di chuyển bằng tàu hỏa sẽ mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, hành trình tàu hỏa đi từ Moskva đến Volgograd mất khoảng 20 giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét