Từ Pakse đến cao nguyên
LĐO
Phải đi xuyên qua tỉnh Champasak, qua những đồn điền cà phê, những ngôi đền ẩn mình thấp thoáng và bao thác nước hùng vĩ dọc theo biên giới Lào - Campuchia mới cảm nhận hết vẻ đẹp của sông Mekong - dòng sông làm nên quá khứ, hiện tại và tương lai của Lào.
Bình minh ló rạng, nóng nực và ẩm ướt trên thành phố ven sông Pakse, và một ngày mới trên dòng Mekong hùng vĩ bắt đầu. Người Thái Lan và Lào gọi đây là Mae Nam Khong – Sông Mẹ, chảy suốt hơn 4.345m dặm từ cao nguyên Tây Tạng, tỏa nhiều nhánh tìm ra Biển Đông.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con đường thủy linh thiêng này đã ghi danh biết bao vị vua, chiến binh, thường dân, nhà chính trị, nhà sư và liệt sĩ. Đây vừa là địa danh, cũng là tiềm năng kinh tế, cung cấp nước sinh hoạt cho làng mạc, vận chuyển hành khách và hàng hóa, tưới nước cho bao ruộng lúa ngô. Đó là nguồn sống của người dân Lào.
“Cuộc sống ở vùng này của Lào yên tĩnh hơn so với Luang Prabang hay Vientiane”, hướng dẫn viên Detoudorn Savannalath nói khi nhấm nháp cà phê đen trong quán cà phê gần bến cảng cũ của Pakse. "Chúng tôi muốn dành thời gian của mình cho mọi thứ, chúng tôi trò chuyện chậm hơn, không vội vàng, thuận theo nhịp điệu của dòng Mekong".
Hơn 9 giờ sáng, thời điểm này tại hầu hết các thành phố ở Đông Nam Á ắt đã rộn lên tiếng ồn ào xe máy, taxi, bán mua nhộn nhịp. Nhưng dọc theo con sông, Pakse dường như mới vừa thức dậy: Người dân địa phương ngồi trên những quán cà phê vỉa hè chơi cờ đam, trong khi những chiếc tuk-tuk thường xuyên lướt qua, và một vài nhà đẩy xe dưa hấu và dứa đi bán.
30 dặm về phía đông của dòng Mekong, những cao nguyên màu mỡ tạo ra 9/10 các loại rau và gần như tất cả cà phê phục vụ nhu cầu của cả nước. Nguồn thực phẩm này được nuôi dưỡng bằng đất núi lửa, khí hậu ôn đới và nguồn nước, bùn giàu dinh dưỡng của Sông Mẹ.
Khamsone Souvannakhily là một trong những người trồng cà phê quy mô nhỏ sống trên cao nguyên.
"25 năm kinh nghiệm rang cà phê sẽ cho bạn một cái mũi rất thính!", anh nói. "Tôi không bao giờ sử dụng đồng hồ đếm thời gian - chỉ cần dùng mũi và tai của mình là đủ”. Khamsone Souvannakhily quỳ xuống lắng nghe tiếng kêu lách tách trong lò và biết rằng các hạt cà phê đã sẵn sàng. Sau năm phút, anh ngắt gas và lấy cà phê ra xay. Khói phả ra và hương thơm của cà phê rang ngập đầy không khí… “A!”, anh kêu lên, “Đó là mùi của Bolaven”.
Tại làng Paksong, cô Nang đang bán sản phẩm của mình vào buổi sáng: Ếch hun khói, cá sông bí ngồi, đậu, khoai lang,… "Bolaven là từ để gọi những khu vườn của người Lào. Việc trồng trọt ở đây rất thuận lợi, chỉ cần đặt hạt giống vào lòng đất, chúng sẽ phát triển. Chúng tôi phải cảm ơn Sông Mẹ vì điều đó”, cô Nang nói.
Xuôi thuyền từ Pakse về phía Nam theo dòng Mekong, ghé thăm ngôi đền cổ Wat Phu trên một sườn núi đá cao, rồi đến Si Phan Don, để hòa mình vào cuộc sống bình yên của những người sống dọc bờ sông Mekong.
Xuôi dòng đến Wat Phu
Vùng ngoại ô thành phố từ từ nhường chỗ cho làng mạc và ruộng lúa. Nhà sàn xuất hiện bên cạnh dòng nước, trâu và bò thư thả tắm mát. Thỉnh thoảng, đỉnh vàng của một ngôi đền ẩn hiện trong sương mù.
Nắng lên rực rỡ trên ngôi đền cổ Wat Phu được xây dựng một thiên niên kỷ trước trên một sườn núi đá cao. Hình các vị thần Hindu được chạm khắc nổi bật trên các bức tường phủ đầy rêu và cỏ dại.
Một cầu thang đá dốc được lót bằng cây frangipani gồ ghề dẫn lên ngôi đền cao nhất ở Wat Phu. Từ khi được phát hiện trở lại, đền thờ này trở thành một địa điểm quan trọng của các cuộc hành hương, đặc biệt là vào thời điểm trăng tròn, khi các nhà sư đi bộ từ bờ sông Mekong đến đền thờ để cầu nguyện.
Trên đảo Si Phan Don
Khi sông Mekong chảy theo hướng Nam về phía Campuchia và đạt đến điểm rộng nhất, nó cũng thay đổi – không còn là một con sông mà trở thành nhiều nhánh sông nhỏ. Khoảng 20 dặm về phía bắc của biên giới Nam Lào, mạng lưới những luồng lạch, nhánh của sông Mekong nối với nhau chia cắt vùng đất này thành nhiều đảo nhỏ.
Quần đảo này được người địa phương gọi là Si Phan Don. Hầu hết các dòng chảy ở đây đều quá cạn và hẹp, do đó chỉ có thể sử dụng phà dài, xuồng câu cá làm phương tiện giao thông đường thủy.
Jong là người rất am hiểm về dòng chảy của Mekong, thường chèo thuyền lang thang khám phá mọi ngóc ngách để phát hiện ra loài cá heo Irrawaddy hiếm. Đôi khi anh còn đi lạc dù đã kiếm sống trên sông hơn 10 năm.
"Bạn không bao giờ biết được sông Mẹ sẽ ra sao. Dòng chảy luôn thay đổi, đặc biệt là vào mùa mưa, khi nước sâu hơn và xiết hơn. Nhưng có những lúc sông lại rất êm đềm”, Jong nói.
“Kìa! Cá heo!”, Jong kêu lên, chỉ vào mũi thuyền. Mặt nước gợn sóng, thoáng thấy một chiếc đuôi - sau đó cá heo biến mất.
Anh lái chiếc thuyền cua một vòng cung, hướng về phía Don Khon. Đằng sau anh, những chiếc thuyền khác đã cùng nhau đánh thức cả một vùng sông Mekong.
Những ngọn đuốc lấp lánh trên mặt nước, và dòng sông phản chiếu bầu trời màu da cam cháy. Mặc cho dòng chảy hay bốn mùa thay đổi, đối với những người sống dọc bờ sông Mekong, sông Mẹ vẫn tiếp tục chảy, mang đến sự sống bất tận cho con người…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét