Nhập môn... thành phố đảo
TTO - Đài Loan là một con rồng châu Á với những kỳ tích về kinh tế vào những năm 80 của thế kỷ 20 làm kinh ngạc cả thế giới.
Không chỉ là một thiên đường ẩm thực, một hòn đảo du lịch với những điểm đến làm say lòng người, mà đó còn là xứ sở đang sở hữu một trình độ tổ chức xã hội và phát triển cộng đồng đáng thèm muốn.
Một hướng dẫn viên du lịch tên Trần Gia Trung bảo tôi: "Khi đến Đài Loan, bạn đừng sợ bị lạc! Thế nào cũng có một người nào đó sẽ giúp bạn đến nơi bạn muốn đến".
Qua 15 ngày đi khắp Đài Loan từ bắc xuống nam, đến các thành phố Đào Viên, Đài Bắc, Tân Bắc, Đài Trung, Cao Hùng và huyện Nam Đầu, tôi đã xác nhận điều Trung nói chẳng hề sai.
Văn hóa xếp hàng
Nơi chúng tôi ở trong những ngày chân ướt chân ráo đến xứ Đài là một nhà khách của Trung tâm Huấn luyện thể thao Phác Viên, thuộc Đại học Thể thao quốc gia (khu Quy Sơn, Đào Viên).
Nhà khách nằm trên một ngọn đồi tràn ngập tiếng chim gọi nắng và phủ đầy oxy của màu xanh cây cỏ.
Từ đây có thể nhìn thấy bên kia con đường chính chạy vào làng đại học có một cái hồ rất đẹp, với mấy chú ngỗng cứ quàng quạc mỗi sáng như cố đếm cho đủ những ai đang chạy bộ vòng quanh.
Cách nhà khách này 10 phút đi bộ là một nhà chờ xe buýt miễn phí đưa hàng trăm người vốn đang giảng dạy, học tập và sinh sống tại các giảng đường, các ký túc xá của Đại học Thể thao quốc gia và Đại học Y khoa Trường Canh đi lại mỗi ngày như con thoi ra vào trung tâm thành phố Đào Viên.
Chính từ cái nhà chờ xe có sẵn ghế ngồi, phân hàng phân lối rõ ràng này, chúng tôi đã để tâm nhìn ngắm và nhận ra một điều bình thường nhưng rất đáng nói: người dân xứ Đài luôn kiên nhẫn và lịch sự xếp hàng mọi lúc mọi nơi!
Không ai bảo ai, từ trẻ con đến người già, từ đàn bà đến đàn ông, dù một người hoặc một nhóm người, khi mua sắm ở cửa hàng hay trung tâm thương mại, khi ăn uống trong nhà hàng hay ngoài chợ đêm, khi lên xe buýt hay xuống tàu điện ngầm... tất thảy đều vào hàng một cách trật tự, ngay ngắn và yên ắng theo đúng một nguyên tắc: ai đến trước được trước!
Họ không ồn ào cười nói. Họ không hề chen ngang, chiếm chỗ, đòi ưu tiên. Họ nhắc nhau dồn hàng khi thấy có người chưa kịp di chuyển, chứ không nhào lên "điền vào chỗ trống" như ở ta.
Họ không đôi co, không cãi vã, không mắng chửi, không động tay động chân, không trút những bực dọc, bất bình, dồn nén của cuộc sống thường ngày vào một ai đó nhân lúc giành giật một chỗ xếp hàng...
Ghế bác ái
Ghế ưu tiên (priority) có ở khá nhiều nước, dành cho người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ có con nhỏ đi cùng.
Riêng ở Đài Loan, người ta gọi nó là "ghế bác ái" (bác ái tọa). Những cặp ghế này thường nằm ngay sau chỗ ngồi của tài xế xe buýt, xe khách, nằm ở tầng dưới (nếu là xe hai tầng), nằm ở đầu dãy trên xe điện, xe lửa hay tại nhà ga, sân bay...
Chúng được bọc vải màu, vải bông hoặc sơn màu khác để dễ phân biệt và thường có kèm theo một dòng chú thích: "Ai cũng có thể ngồi, nhưng hãy nhường ghế cho những người cần thiết hơn!".
Nguồn cơn của dòng chữ này là vì dân xứ Đài quá... bác ái, đến mức không ai chịu ngồi hoặc dám ngồi vào ghế ấy.
Người ta sẵn sàng đứng suốt, kể cả vào giờ cao điểm, kể cả những bà bầu mà chưa có bụng, nếu chưa cảm thấy mình là đối tượng cần được ưu tiên.
"Nhu yếu thẻ"
Chỉ cần ra trạm xe điện (MRT) nạp tiền mua cho mỗi người một cái thẻ có tên là Easy là chúng tôi có thể ngao sơn du thủy ngắm tuyết thưởng trăng khắp xứ Đài, miễn là... nạp cho đủ lộ phí đường xa đường gần!
Trong cuộc thi thường niên "Văn học dành cho tân di dân" 2017, một thí sinh gốc Việt, ký tên là Yvonne Chen, đã tham gia với bài viết mang tên "Hành trình ngàn dặm". Cô viết về cái thẻ Easy như sau:
"Sống ở xứ Đài, vật dụng tiện ích không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày đó chính là thẻ EasyCard (youyouka). Nói về cái thẻ thần thánh này thì đại khái là chỉ cần có nó trên tay là tôi có thể đi ngang dọc bắc nam Đài Loan.
Tôi có thể dùng nó mua thức ăn sáng ở các cửa hàng 24 giờ, sau đó dùng nó ngồi tàu điện hoặc xe buýt đến nhà ga để ngồi cao tốc từ Đài Bắc xuống Cao Hùng (hoặc Đài Nam, Đài Trung...) du lịch.
Đến nơi tôi dùng nó để ngồi taxi hoặc xe buýt đến điểm du lịch mà tôi muốn tham quan, trên đường đi tôi ghé bất kỳ cửa hàng 24 giờ nào để mua thức ăn nhẹ hay nước uống, đến trưa tôi lại dùng nó để mua món gà rán KFC hay món sủi cảo mà tôi yêu thích, và mua một ly cà phê Starbucks để thưởng thức cho tinh thần tỉnh táo cả ngày.
Đến điểm du lịch, tôi tiếp tục dùng nó để mua vé vào cổng, đến tối tôi lại dùng nó để thuê xe đạp YouBike dạo quanh phố phường hoặc mua vé vào rạp xem phim...".
Riêng tôi, xin được đặt tên nó là "nhu yếu... thẻ"! Bởi hầu hết những nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của bạn như đi lại, ăn uống, mua bán, tàu xe, sao chụp, chuyển phát, thanh toán... đều được xử lý gom tụ vào một chiếc thẻ có mấy phân vuông, nằm gọn trong lòng bàn tay, kết nối với những quầy tự động tại vô số các cửa hàng tiện lợi hiện có mặt khắp nơi trên hòn đảo nắng gió này.
Những người dẫn đường tự nguyện
Có hôm, chúng tôi cứ loanh quanh mãi nơi Bệnh viện Trường Canh (Lâm Khẩu, Đào Viên), tìm đường ra trạm xe điện số 8 tuyến màu tím để vào Đài Bắc, bỗng gặp một sinh viên thực tập đang đi ngược chiều với dáng vẻ hấp tấp.
Khi biết chuyện của chúng tôi, bạn liền tận tình đưa chúng tôi đến tận nơi rồi mới quay trở lại chỗ học. Tính ra chúng tôi đã lấy mất của cô gái ấy gần 25 phút.
Một lần khác, khi dáo dác mãi trong tầng hầm siêu thị Đại Nhuận Phát (Phượng Hoàng, Cao Hùng) tìm khu bán đặc sản bánh dứa để mua về làm quà thì chúng tôi gặp một nhân viên phục vụ để nhờ chỉ giúp.
Bà liền bỏ công việc đang làm để đưa chúng tôi đi kiếm chỗ mua bánh cho bằng được
Những cửa hàng tiện lợi
TTO - Rời thư viện 5 tầng của Đại học Ký Nam lúc 23h, bạn Vương Xương Kiệt (Đại học Sư phạm TP.HCM, đang theo học tiến sĩ ngành quản lý giáo dục) đưa chúng tôi đến cửa hàng 7 Eleven gần khu ký túc xá để mua giúp vé tàu cao tốc.
Với dân số hơn 23 triệu người, trung bình 2.200 dân có một cửa hàng tiện lợi, có thể nói là mật độ cao nhất thế giới!
Những cửa hàng thâu đêm
Trong cửa hàng, dưới ánh đèn vàng rực có một tốp sinh viên đang ngồi xì xụp chan chan húp húp ở một góc.
Một sinh viên khác vừa bước vào tìm mua một ít vật dụng. Kiệt bước đến quầy rồi... ấn ấn, chạm chạm vào một cái máy.
Vài phút thao tác nhanh gọn là bạn đã trả lại thẻ Easy và giao cho chúng tôi mấy tấm vé của chuyến tàu tốc hành có số hiệu 0609 xuất phát từ nhà ga Đài Trung vào sớm ngày mai, cho kịp cuộc làm việc với ngành giáo dục Cao Hùng vào buổi trưa.
Một thực tập sinh Việt Nam kể về loại cửa hàng được gọi là tiện lợi ở xứ Đài như sau:
"Tôi bước xuống cửa hàng tiện lợi dưới tòa nhà công ty vào lúc 2h30 sáng. Lúc này trong công ty còn vài nhóm đang cố hoàn thành bản thiết kế để kịp giao cho khách hàng vào hôm sau. Do đang là thực tập sinh nên tôi "được" tổ trưởng sai đi mua đồ ăn đêm cho mọi người.
Có hai nhân viên trẻ ở sau quầy thu ngân. "Xin chào quý khách!", một giọng nói ấm áp cất lên. Chàng trai vừa nói vừa nhoẻn miệng cười.
"Cho tôi 6 ly cà phê và 5 suất oden, 5 xiên cá viên, 5 xiên thịt viên" - tôi nói. Và hai nhân viên nhanh nhẹn gói và xếp vào cả hai túi đầy. Trả tiền xong, tôi nhìn mấy cái túi đồ với mấy ly cà phê trên quầy mà... phát rầu. Làm sao khuân hết đống đồ ăn này cho được?
Nhưng, chàng trai khi nãy chào tôi đã bước khỏi quầy: "Để em xách lên lầu cho chị!". Tôi cảm ơn rối rít và bưng khay cà phê đi theo sau, nhưng hết sức ngạc nhiên khi vào trong thang máy thấy cậu thản nhiên bấm nút lên tầng.
"Sao em biết công ty chị ở lầu mấy?". Cậu ta trả lời: "Chắc chắn là chị ở công ty thiết kế rồi. Tòa nhà này ngoài cửa hàng của tụi em ra, thì làm việc đến giờ này chỉ còn có công ty của chị thôi". Tôi nghe mà thấy thật ấm lòng!".
Những cửa hàng tiện lợi mà cô gái kể cũng chính là các quán có thể "giải khát" nỗi niềm "say sưa" cho đàn ông Việt Nam qua đây có nhu cầu về bia bọt.
Thực tế là người Đài Loan không "hữu hảo" với rượu bia. Suốt 15 ngày trên đất Đài, chúng tôi có nhiều lần được mời cơm trưa, tiệc trưa, tiệc tối, nhưng chỉ duy nhất một lần được chủ tiệc hỏi: "Có vị nào muốn uống rượu không?".
Người dân xứ này thích nước trà, nước không có gas và ưa... trái cây tráng miệng. Vì vậy, đàn ông Việt Nam sang đây muốn nhậu chỉ có hai cách: ra chợ đêm có hàng quán bia bọt, hoặc quay về khách sạn rồi thả bộ đến một cửa hàng tiện lợi gần nhất mà nốc bia thoải mái cho đến... sáng!
Siêu thị nén + văn phòng đa năng
Một công nhân người Việt Nam làm cho một công ty lắp ráp linh kiện điện tử, nhà tại khu Vĩnh An (Cao Hùng) cho biết vì giờ giấc làm việc của hai vợ chồng khó sắp xếp được nên mâm cơm bữa tối của gia đình cô thường xuyên là thức ăn mua từ cửa hàng tiện lợi.
Theo thống kê đăng trên báo Liên Hợp (Đài Loan), tính đến tháng 7-2016 có đến gần 10.500 cửa hàng tiện lợi trên khắp lãnh thổ này.
Cao nhất là chuỗi của 7 Eleven (với 5.125 cửa hàng), FamilyMart (3.015), rồi đến Hi - Life (hơn 1.300), OK (gần 800) và TTL (mới xuất hiện từ năm 2009, chỉ có khoảng 100).
Với dân số hơn 23 triệu người, cứ trung bình 2.200 dân là có một cửa hàng tiện lợi, có thể nói là mật độ cao nhất thế giới! Hệ thống cửa hàng tiện lợi này không chỉ tiện dụng cho người bản xứ, mà còn hết sức hữu ích đối với khách du lịch, du học sinh và người lao động đến từ các nước khác.
Đó như những siêu thị được nén lại kết nối với một văn phòng đa năng được Internet hóa, tuy quy mô nhỏ nhưng có thể lo tất tần tật từ cái ăn, cái mặc, chuyện đi lại, mua sắm đến chuyện chuyển hàng, thanh toán và các dịch vụ văn phòng...
Mỗi nhân viên ở đây giống như một "siêu nhân": lúc là người thu ngân kiêm người bán hàng, lúc là nhân viên quán ăn kiêm nhân viên văn phòng, lúc là người khuân vác đóng gói, có khi lại như một cán bộ ngân hàng...
Nơi đây bạn có thể ăn uống tại chỗ hoặc mua mang đi từ bữa ăn sáng đến ăn khuya, cả thức ăn nhanh, thức ăn hâm nóng, thức ăn đóng gói các loại. Bạn có thể mua văn phòng phẩm, nhu yếu phẩm và tạp hóa, cả một số loại thuốc thông dụng.
Bạn có thể mua được đủ loại vé từ vé máy bay, xe lửa, xe buýt, vé xem kịch, xem ca nhạc, xem thể thao, vé khiêu vũ, vé tham quan... cho đến đủ các loại thẻ: thẻ Easy, thẻ tín dụng, thẻ cào điện thoại, thẻ chơi game trực tuyến...
Bạn có thể thanh toán mọi loại phí: tiền phạt, học phí, phí đỗ xe, phí bảo hiểm, phí truyền hình, các loại phí quy định của chính quyền, các khoản vay, kể cả các khoản đóng góp từ thiện...
Bạn có thể tải nhạc chuông, dò xổ số, đặt khách sạn, mua sắm online, rút tiền mặt từ ATM, phát chuyển nhanh, nhận hàng hoặc gửi hàng đến bất cứ cửa hàng nào mà bạn chỉ định...
Các quầy tự động trong các cửa hàng này còn là một loại "văn phòng di động" có thể giúp bạn nhận, tải, scan, sao chụp, in ấn tài liệu...
Tại các cửa hàng tiện lợi, dân chúng xứ Đài vẫn thường đến để... đi vệ sinh, hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng, ngồi máy lạnh đọc báo, lướt web, "tám" điện thoại mà có khi không cần ăn gì mua gì, thậm chí những người tha hương còn có thể đến để được một chỗ ngủ lại qua đêm!
Cửa hàng tiện lợi là nhà của bạn
Tại Đài Loan, các cửa hàng FamilyMart có thêm một tên tiếng Hoa bên cạnh là Toàn Gia. Người ta đã tung ra câu khẩu hiệu bằng phương thức chơi chữ: "Toàn Gia thị nhĩ gia!" (Toàn Gia là nhà bạn!).
Câu này được dân Đài rất thích, và nay đã trở thành phương châm phục vụ của tất cả các cửa hàng tiện lợi chứ không chỉ riêng của hệ thống FamilyMart
Rác và nhạc Beethoven
TTO - Từ Cao đẳng tư thục Đông Phương thiết kế học viện (Cao Hùng), chúng tôi đi qua một khu dân cư nằm ngay bên hông trường.
Bỗng nghe thấy nhạc hiệu phát ra từ một chiếc xe tải chuyên dụng và chứng kiến được cảnh bà con xứ này đi... đổ rác!
Hỏi ra mới biết tất cả các xe đổ rác ở mọi địa phương, dù do nhiều công ty tư nhân trúng thầu, đều phải đồng phục một màu vàng pha cam đặc hiệu, đều có đèn xoay nhấp nháy kiểu xe cảnh sát và có loa phát cùng một loại nhạc hiệu.
Giai điệu đó trích từ nhạc phẩm Fur Elise (Thư gửi Elise) của Beethoven hoặc Maiden’s Prayer (Lời nguyện cầu của nàng trinh nữ) của nữ nhạc sĩ Tekla Badarzewska - Baranowska do địa phương tự chọn.
Nhưng vì sao phải "huy động" đến thiên tài Beethoven? Nghe là ông Từ Tử Thu, bộ trưởng y tế 1981-1986, đã quyết định chọn đoạn nhạc này là do đã nghe con gái ông tấu bản nhạc ấy trên phím đàn piano.
Vấn đề là bây giờ nó đã trở thành quen thuộc với mọi người, như một thứ "kẻng" báo hiệu thời điểm đổ rác tại từng khu dân cư vào buổi chiều tối.
Từng bị xem là "thiên đường... rác", Đài Loan đã nhanh chóng trở thành nơi có tỉ lệ tái chế rất cao. Đến tháng 4-2016, Đài Loan đạt mức tái chế 55%, trong đó Tân Bắc đạt tỉ lệ 63,5%, còn Đài Bắc đến 67% (trong khi tại Mỹ, theo tạp chí Forbes, thời điểm cao nhất chỉ có 35%).
Phân rác tại nhà, trao rác tận xe
Việc phân loại rác đã trở thành "chuẩn không cần chỉnh" trên xứ đảo Đông Á này. Đến nỗi, bà con VN có người khi sang đây giảng dạy và nghiên cứu, đã từng bị đồng nghiệp Đài Loan thắc mắc: "Trời, chị là dân nghiên cứu mà không biết phân loại rác à?".
Mọi thứ rác đều phải phân thành ba loại, một túi để đựng rác có thể tái chế (giấy vụn, báo cũ, chai nhựa, lọ thủy tinh...), một túi là những rác không tái chế, và một xô là thức ăn thừa hay còn gọi là rác nhà bếp.
Hộp cơm nếu còn dầu mỡ phải dùng nước rửa chén rửa sạch, sau đó để khô rồi mới quăng vào túi rác.
Xe rác thường có dòng chữ: "Không phân loại rác, không được vứt rác". Khi xe rác đến, túi rác tái chế bạn đưa tận tay cho nhân viên vệ sinh (có khi là một xe thu gom rác tái chế riêng, đi theo sau chiếc xe màu vàng), rác không tái chế bạn trực tiếp vứt vào xe, còn xô thức ăn thừa thì bạn đổ vào thùng đựng rác nhà bếp phía sau xe rác, rồi cầm về cái xô của mình.
Nếu bạn không tuân theo quy định đổ rác, tức theo "công thức" ba loại rác - ba cách đổ như trên, bạn có thể bị nhân viên vệ sinh la mắng trước mặt bà con dân phố.
Mỗi khu dân cư có một thời điểm thu gom rác cố định tại một địa điểm cố định. Có cả ứng dụng trên điện thoại di động để báo giờ đổ rác.
Mọi người sẽ tập trung tại đây chờ... giờ G. Những gia đình neo đơn, người già, người bệnh, sẽ có các tình nguyện viên đến giúp chuyển rác.
Khi xe rác đến, rác sẽ đi thẳng từ hộ gia đình đến xe rác rồi về nơi xử lý. Do đó không có chỗ cho rác chất thành đống, tích thành bãi trên lề đường, bên góc phố hay khu đất trống như ở VN. Và cũng không có chuyện bốc mùi, chuyện ruồi bu kiến đậu, chuyện chuột chạy chó tha...
Riêng những thứ rác khủng như bàn ghế tủ giường hư cũ, cây cành cắt tỉa ngoài vườn... thì phải báo cơ quan môi trường hoặc các công ty được chỉ định đến xử lý.
Đừng ảo tưởng bạn có thể len lén đi đêm đổ rác mà không bị phát hiện. Nhà chức trách luôn có cách truy tìm thủ phạm, nếu bị bắt quả tang sẽ bị quay phim và... lên sóng truyền hình, thậm chí có thể bị phạt tiền đến 6.000 đài tệ (hơn 4 triệu VND)!
Không có gì là vứt đi
Từ năm 1991, Đài Loan đã xử lý chất thải rắn bằng lò đốt rác thay dần cho phương thức chôn lấp. Hiện có 26 lò đốt rác (năm cái của tư nhân, còn lại là của nhà nước) xử lý rác gia đình và rác công nghiệp.
Những lò đốt này biến rác thành năng lượng và cung cấp cho các nhà máy điện năng.
Rác thái hữu cơ như khoai đậu, rau cải chưa nấu chín... sẽ được thu gom và giải quyết thành phân bón vi sinh.
Và đồ ăn thừa ở đây không còn là thừa nữa. Từ hộ gia đình, từ nhà hàng khách sạn, chúng được chuyển về các trung tâm... chế biến.
Hết thảy cơm thừa, canh cặn, xương vụn, thịt dư hoặc đồ ăn quá hạn phải bỏ đi, được người ta trộn đều, nấu lên 900C trong vòng một giờ rồi sát khuẩn trước khi bán cho các hộ gia đình và các công ty chăn nuôi.
Trong giá thành nuôi heo, thức ăn chiếm đến 60 - 70%, người chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa thì tiết kiệm 30 - 50% chi phí.
Thật là nhất cử lưỡng tiện: vừa tránh lãng phí, vừa cung cấp nguồn thịt heo sạch. Nghe nói chuyện này chính người Đài học hỏi từ cách làm của người Nhật.
Danh mục rác tái chế ở Đài Loan có đến 14 loại từ giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, đến pin, bóng đèn, băng đĩa, xe máy, đồ điện máy, linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính... với những quy định "hướng dẫn chuẩn bị trước khi bỏ" rất là chi tiết, cụ thể.
Để khuyến khích người dân phân loại rác nhằm tái chế, chính quyền Đài Bắc, Tân Bắc, Đài Trung buộc mọi người phải trả tiền mua các túi riêng để đựng rác không tái chế khi vứt vào xe rác.
Nghĩa là nếu anh không phân loại cho hết rác tái chế, anh phải tốn nhiều túi (tức tốn thêm tiền) khi đổ rác.
Đồng thời nhà nước còn quy định các doanh nghiệp ở ngành nào phải đóng góp vào quỹ hỗ trợ việc tái chế các vật liệu của ngành đó.
Ngay cả các tổ chức tình nguyện cũng góp mặt trong câu chuyện này. Có một tổ chức của phật tử tên là Từ Tế, đã lập ra đến hơn 4.500 điểm xử lý rác tái chế cùng một lực lượng tình nguyện viên hùng hậu.
Mỗi buổi sáng, hàng trăm người về hưu cùng tham gia phân loại rác theo chất liệu, màu sắc và khả năng tái chế: giấy báo có mực in tách riêng ra với giấy vụn, nắp chai tách khỏi thân chai, đồ nhựa xếp theo từng màu, linh kiện điện tử xếp theo từng loại...
Xem ra, chuyện rác "made in Taiwan" đã thành công khi "nối vòng tay lớn" từ người dân đến các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cùng chung tay bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên.
Xã hội tình nguyện
TTO - Tại nhiều ngôi trường mà chúng tôi có dịp đến thăm và làm việc trong suốt chuyến đi, từ tiểu học đến trung học, bên cạnh vị hiệu trưởng bao giờ cũng có thêm một số tình nguyện viên của nhà trường.
Những người "chí công"
Các tình nguyện viên này người thì chăm sóc cây xanh nơi sân trường, người vào bếp nấu ăn cho học trò, có người lên thư viện xếp sách, đọc sách cùng học sinh, có người trực phòng y tế chăm sóc răng miệng, dạy phụ đạo, điều tiết giao thông, tổ chức lễ hội...
Có trường có đến 80 - 90 tình nguyện viên. Họ làm việc thường xuyên, người nào việc đó, giờ nào việc nấy, đóng góp công sức theo sở trường, sở thích, sở nguyện của từng người và dĩ nhiên không nhận thù lao!
Chị Chung Tiểu Hàm, từng là phụ huynh học sinh Trường tiểu học Cảng Hòa (Tiểu Cảng, Cao Hùng), cho biết dù con mình hiện không còn học ở đây nữa, chị vẫn tiếp tục làm tình nguyện viên huấn luyện thiên văn của trường suốt 12 năm qua.
Ngôi trường này nổi danh nhờ một thứ "đồ chơi" đặc sắc: có một đài thiên văn và một trung tâm giáo dục thiên văn cho học sinh cả vùng!
Chị Chung đã góp mặt cùng các thầy cô của trường đi khắp nơi giới thiệu về các loại thiết bị nhìn ngắm trăng sao, chia sẻ các câu chuyện thú vị, những bài học bổ ích từ bầu trời và tổ chức các chuyến đưa học sinh các trường khác về Cảng Hòa để học cách "ngước nhìn lên trời cao"...
Những người như chị Chung được mọi người tại Đài Loan gọi là "chí công". Ở đâu trên lãnh thổ này cũng có thể bắt gặp họ, làm những công việc tình nguyện bình thường hằng ngày, suốt năm suốt tháng chứ không phải theo kiểu phong trào, chiến dịch.
Tại trường học, bệnh viện, thư viện, sở di dân, khu hành chính, quỹ từ thiện, ngoài đường sá hay trong hội quán dành cho cư dân mới..., dễ dàng bắt gặp các tình nguyện viên với nụ cười rạng rỡ, cử chỉ nhẹ nhàng và thái độ thân thiện trong công việc phục vụ cho cộng đồng.
Tình nguyện viên ở Đài Loan không phân biệt tuổi tác, không chỉ người già, người về hưu, mà có cả thanh niên nam nữ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trường học luôn có các môn học, các hoạt động ngoại khóa, khuyến khích học sinh, sinh viên giúp đỡ xã hội và phục vụ công ích.
Tinh thần phục vụ xã hội
Chúng tôi thật xúc động và bất ngờ khi được gặp Trần Ngọc Thủy trong cuộc làm việc chính thức với Tổng thư viện Đài Bắc! Hóa ra người phiên dịch cho chúng tôi lại là một cô gái Việt. Quê của Thủy ở vùng chôm chôm Long Khánh, du học và rồi chọn xứ Đài làm quê hương thứ hai.
Bạn hiện là thành viên tích cực của Hiệp hội Kế thừa văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Đài Loan: vừa dạy tiếng Việt, quảng bá văn hóa Việt Nam, vừa diễn xuất cho các chương trình truyền hình của nhóm Ngôi sao Việt của hiệp hội.
Ngoài thời gian đi học cao học, dạy học và hoạt động cho hiệp hội, Ngọc Thủy còn là một tình nguyện viên tại Sở Di dân Đài Bắc, chuyên giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục cho dân chúng, phiên dịch và hỗ trợ đơn từ cho người nhập cư...
Ngọc Thủy chia sẻ: "Nếu nói về các tình nguyện viên, nhiều người nước ngoài khi đến Đài Loan cảm thấy khó hiểu. Dẫu biết rằng xã hội nào cũng có người nhiệt huyết phục vụ xã hội, nhưng tại sao Đài Loan lại có nhiều người tình nguyện đến vậy? Họ là ai? Sao họ lại nhàn rỗi đến vậy? Chẳng lẽ họ không cần lo lắng gì đến kinh tế và gia đình khi xả thân phục vụ xã hội?".
Tôi thấy mình đang được hưởng thụ niềm vui khi phục vụ người khác!
HÀN TÂY VINH
Cái thắc mắc mà Ngọc Thủy đặt ra ấy được anh Lý Côn Hiến (một cán bộ của Sở Giáo dục thành phố Cao Hùng được phân công làm "hoa tiêu" cho chúng tôi trong những ngày làm việc ở đô thị này) giải đáp tường tận như sau:
Từ hơn 20 năm trước, chính quyền đã khuyến khích những người lớn tuổi, cả những người về hưu đi làm tình nguyện vì đem lại hai lợi ích: vừa tạo nguồn lực giúp ích xã hội, vừa làm cho cuộc sống của mỗi người càng thêm có ý nghĩa.
Giáo viên (về hưu) có thể quay lại cống hiến cho nhà trường, bác sĩ (về hưu) có thể quay lại phục vụ nơi bệnh viện và các công chức hưởng lương hưu vẫn có thể tiếp tục phụng sự cộng đồng...
Các tổ chức phi chính phủ, đội tình nguyện được phép hoạt động thường xuyên ở khắp mọi nơi. Ngoại trừ đội ngũ tình nguyện viên điều tiết giao thông (được gọi là nghĩa giao) và phòng cháy chữa cháy (phượng hoàng chí công) do cảnh sát trực tiếp huấn luyện nghiệp vụ và điều phối hoạt động chung, các lực lượng còn lại đều là những mô hình tự quản.
Tình nguyện dần trở thành một trào lưu của xã hội. Từ đó, tiến thêm bước nữa, chính quyền thúc đẩy lực lượng học sinh, sinh viên tham gia tình nguyện ngay từ khi còn đang đi học thông qua giáo dục chính khóa, hoạt động ngoại khóa, đánh giá xếp loại định kỳ, quy định ưu tiên xét tuyển...
Tất cả vừa làm cho nhà trường gắn bó thực sự với cộng đồng, vừa giúp mỗi bạn trẻ hình thành tinh thần học tập để phục vụ xã hội.
Một "chí công" tên Hàn Tây Vinh, có thâm niên mười mấy năm tình nguyện tại Sở Di dân Đài Bắc đã khiến chúng tôi phải khâm phục về ý nghĩa sâu sắc của tinh thần tình nguyện của người Đài Loan, khi cho biết: "Tôi thấy mình đang được hưởng thụ niềm vui khi phục vụ người khác!".
Tình nguyện để chia sẻ hoạn nạn
Đài Loan thường xuyên gặp thiên tai. Bão lớn bão nhỏ, năm nào cũng có. Tính từ 1911-2016 (105 năm), hòn đảo hình chiếc lá này hứng chịu 360 cơn bão lớn, trung bình mỗi năm chịu 3-4 trận. Dư chấn không thể đếm hết. Chỉ kể những cuộc từ 5 độ richter trở lên, suốt từ năm 2013 đến nay năm nào cũng có một trận động đất gây thiệt hại về người và của.
Khi thiên tai xảy ra tại một vùng nào đó, chính quyền lập tức thành lập bộ phận chỉ huy xử lý với trách nhiệm giao rõ cho người đứng đầu. Sau khi bão tan, động đất ngưng, sẽ huy động quân đội và các đội nhóm tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả, khôi phục cuộc sống với những kế hoạch đã định sẵn: nhóm nào bảo vệ tài sản, nhóm nào dọn dẹp hiện trường, nhóm nào khôi phục điện nước, nhóm nào sửa chữa máy móc, thiết bị...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét