Phương tiện giao thông chủ yếu của người dân xứ sở hoa Tulip chính là xe đạp. Đặc biệt, ở các thành phố như Amsterdam và The Hague, có tới 70% hành trình được thực hiện bằng xe đạp.
Trước khi chiến tranh thế
giới thứ II nổ ra, người Hà Lan chủ yếu di chuyển bằng xe đạp. Tuy
nhiên, đến những năm 1950, 1960, các chủ sở hữu xe hơi tăng vọt, giống
như nhiều quốc gia khác ở châu Âu, ở Hà Lan, đường đi bộ ngày càng tắc
nghẽn và người đi xe đạp ngày càng bị ép vào các lề đường. Sự gia tăng
của xe hơi cũng làm tăng số lượng các ca tử vong do tai nạn giao thông.
Năm 1971, ở Hà Lan có 3.000 người tử vong do tai nạn xe hơi, trong đó có
450 trẻ em.
Trong bối cảnh ấy, một phong trào xã
hội ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển, nhằm hướng tới mục
đích an toàn cho tính mạng trẻ em đã được phát động ở Hà Lan. Phong
trào được đặt tên là Called Stop de Kindermoord hay Stop the Child
Murder (Hãy ngừng sát hại trẻ em) được lấy theo tên một bài báo của nhà
báo Vic Langenhoff, người có một đứa con qua đời do tai nạn giao thông.
Cộng với tình hình khó khăn do cuộc khủng hoảng dầu Trung Đông năm 1973,
khi các nước sản xuất dầu đã ngừng xuất khẩu sang Mỹ và Tây Âu, chính
phủ Hà Lan càng có động lực để phát triển thói quen sử dụng xe đạp làm
phương tiện giao thông nhằm thay thế các loại động cơ sử dụng xăng.
Một khẩu hiệu của phong trào Called Stop de Kindermoord
Đầu tiên, chính phủ bắt tay vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng đi xe đạp và quy hoạch đô thị. Một mạng lưới rộng lớn các tuyến đường, làn đường cho xe đạp đã được thiết lập khắp các đô thị. Các tuyến đường này khá rộng, được đánh dấu rõ ràng bằng các ký hiệu riêng, có ánh sáng dẫn đường, được cải tạo để trở nên phẳng lặng hơn. Thậm chí, ở nhiều thành phố, đường đi xe đạp được tách biệt hẳn với đường đi của các phương tiện giao thông cơ giới và có hẳn biển cảnh báo “Bike Street: Cars are guests” (Đường xe đạp: ô tô chỉ là khách). Điều đó cũng có nghĩa là xe hơi trong mọi hoàn cảnh phải nhường đường cho người đi xe đạp.
Biển cảnh báo “Bike Street: Cars are guests” trên đường phố Rotterdam
Sơ đồ một vòng tròn ở Hà Lan cho thấy sự ưu tiên cho người đi xe đạp
Một điều khá đặc biệt là
phần lớn trẻ em ở Hà Lan, trước khi biết đi đã kịp làm quen với xe đạp.
Trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ tuổi thường được cho ngồi trên ghế trước của
chiếc xe đạp được chế tạo giống như xích lô ở Việt Nam hoặc xe đạp chở
hàng. Chỗ ngồi của các em thường được trang bị mái che và các phụ huynh
thì làm mọi điều để con mình được ngồi trên một chiếc xe đạp tốt nhất.
Khi lớn lên một chút, mỗi đứa trẻ sẽ có một chiếc xe đạp riêng với độ an
toàn đảm bảo. Cha mẹ thường đi kèm một bên trong khi các em đạp xe.
Theo luật pháp Hà Lan, người trên 18 tuổi mới được phép lái xe, vì thế,
đi xe đạp trở thành một hình ảnh phổ biến trên đường phố nước này.
Cảnh đi xe đạo trên một con đường ở Hà Lan
Chính phủ Hà Lan cũng tỏ ra tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức cho người đi xe đạp. Trong chương trình giảng dạy chuẩn của Bộ giáo dục không thể thiếu môn học về kỹ thuật đi xe đạp thành thạo. Tất cả các trường học ở Hà Lan cũng có khu để xe đạp miễn phí và có tới 90% học sinh đi xe đạp tới trường.
Groningen, nơi được gọi là thành phố
đại học của Hà Lan với 45.000 sinh viên cũng được xem là giấc mơ của
người đi xe đạp. Ga xe lửa trung tâm có bãi đậu xe ngầm có sức chứa
10.000 xe đạp. Ngoài ra, ở các địa điểm khác nhau như các tòa nhà văn
phòng, các cửa hàng có bãi đỗ xe đạp miễn phí. Tuy nhiên, bạn chỉ được
khóa xe đạp ở những địa điểm có quy định. Với trường hợp đỗ xe đạp sai
vị trí, chiếc xe có thể bị tịch thu và chủ nhân phải nộp phạt chừng 25
€. Với những gia đình sống trong các căn hộ, không có chỗ gửi xe đạp,
họ có thể dựng xe ở các hành lang công cộng. Hình ảnh những hành lang
chật hẹp được chất đầy xe đạp không quá lạ lẫm ở Hà Lan.
Bãi đậu xe đạp phong cách Amsterdam
Tuy số lượng người đi xe đạp ở Hà Lan rất lớn, nhưng người dân nước này không thích bị gọi là “những người đi xe đạp” mà chỉ đơn giản muốn được gọi là người Hà Lan. Đối với họ, xe đạp là một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày chứ không phải là một phụ kiện chuyên môn hoặc biểu tượng của lối sống lạc hậu. Vì thế người Hà Lan cũng không quan tâm đến việc sở hữu một chiếc xe hiện đại, nhiều tiện ích hay các mẫu xe đạp mới nhất. Đơn giản, họ coi xe đạp như một người bạn đáng tin cậy trong hành trình cuộc sống, vì thế những chiếc xe đạp cũ, từng đồng hành với chủ nhân một thời gian dài luôn được trân trọng cho dù có thể chúng không còn hợp thời.
Hà Lan - Giấc mơ của người đi xe đạp
Địa hình Hà Lan vốn nổi tiếng bằng phẳng với các khu dân cư tập trung, vì thế, người dân thích đi xe đạp để tới nơi làm việc mà không phải quá gắng sức, toát mồ hôi vì phải sử dụng năng lượng. Người đi xe đạp cũng không cần thiết phải đội mũ bảo hiểm xe đạp vì các cơ sở hạ tầng, quy định làn đường là bảo đảm vàng cho sự an toàn. Nếu bắt gặp một người đi xe đạp đội mũ bảo hiểm trên đường phố Hà Lan, đó có thể là một tay đua xe đạp hoặc một khách du lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét