Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Du lịch Nakhon Phanom qua những di tích Phật giáo

Nakhon Phanom, một tỉnh Đông Bắc Thái Lan giáp biên giới với Lào, đã chính thức khởi động chương trình du lịch văn hóa hướng tới một cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015. Theo chương trình này, Nakhon Phanom vừa chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, vừa triển khai việc hợp tác với các địa phương của Lào và Việt Nam để thực hiện vòng kết nối: ba nước, chín tỉnh giao lưu văn hóa trong ASEAN.
Phó chủ tịch tỉnh Somchai Witdamrong cho biết người Nakhon Phanom rất hiền lành, vui vẻ và đa phần người dân của tỉnh theo đạo Phật. Nakhon Phanom đã phối hợp với các tỉnh Sakon Nakhon, Noong Khai, Bueng Kan của Thái Lan để ký chương trình hợp tác "một ngày du lịch ba nước" với Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình của Việt Nam và Khammouane, Borikhamxay của Lào.

Hiện nay, Nakhon Phanom đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa tâm linh để chuẩn bị đón du khách ASEAN một khi cây cầu hữu nghị số 3 nối tỉnh này với huyện Thaklek, Khammouane của Lào được khai trương.

Tỉnh này nằm cách Bangkok 750km và là nơi duy nhất trên đất Thái có đầy đủ các di tích Phật giáo ứng với ngày sinh của từng người trong một tuần lễ. Các di tích này đều được đặt ở các chùa nằm rải rác trong tỉnh. Những di tích này có những đóng góp sâu sắc về mặt tình thần và được coi là một phần quan trọng của văn hóa vùng Đông Bắc Thái Lan.

Di tích Phra That Phanom dành cho những người sinh vào Chủ Nhật.

Đầu tiên phải kể đến di tích tháp Phra That Phanom nằm trong chùa Phra That Phanom độ trì cho những người sinh vào ngày Chủ Nhật. Đây là di tích Phật giáo chính của tỉnh và được tương truyền rằng do Chúa Trời tạo ra nhằm duy trì bản tính tốt đẹp của con người, đồng thời mang lại cho con người thêm nhiều may mắn, giúp họ yêu thương và kính trọng nhau. Di tích này không chỉ là nơi tôn kính của người Nakhon Phanom mà còn là biểu tượng tinh thần của người Đông Bắc cũng như là người Lào.

Tháp cao 53 mét và đỉnh tháp có khối vàng trang trí nặng 110kg. Người ta cho rằng tháp được xây dựng theo kiến trúc Khmer. Năm 1975, ngọn tháp đã sụp đổ hoàn toàn sau nhiều ngày liên mưa bão. Tuy nhiên, nó đã được người dân quyên góp xây dựng lại và khối vàng trên lại tiếp tục được đặt lên đỉnh tháp.

Di tích Phra That Renu dành cho những người sinh vào ngày Thứ Hai.

Một di tích Phật giáo quan trọng khác là di tích Renu nằm tại Chùa Phra That Renu ở huyện Nakhon Renu. Tương truyền rằng nơi đây dành cho những người sinh vào ngày Thứ Hai. Bên trong bức tượng Phật tại chùa này có xá lợi của Phật tổ và không hiểu tình cờ hay ngẫu nhiên mà bức tượng này lại quay mặt về hướng Đông, cùng hướng với cả khuôn viên chùa. Điều ấn tượng nhất có lẽ là việc ngôi chùa này còn lưu giữ được toàn bộ Bộ Kinh phật, các hình ảnh Phật bằng vàng, bạc và chiếc vương miện đá quý của giới quý tộc ngày xưa ở khu vực này. Renu Nakhon cũng tự hào là nơi còn nhiều người dân tộc Phu Thai sinh sống.

Tiếp đến là di tích Phật giáo dành cho những người sinh vào ngày Thứ Ba: Chùa Phra That Srikhun, nằm ở làng Nakae. Đỉnh của di tích này tương tự như ở di tích Phra That Phanom. Bên trong đó có xá lợi của các sư thầy Phra Mokkanlana, Phra Saribut và Phra Sangkayana. Tương truyền rằng những người tới chiêm bái tại đây sẽ có sức mạnh về tình thần, được vinh danh và có tương lai tốt đẹp.

Tượng phật tại Chùa Phra That Renu dành cho người sinh vào Thứ Hai.

Đối với những người sinh vào ngày Thứ Tư, Chùa Mahachai là một biểu tượng tôn giáo mà họ không thể bỏ qua. Chùa này nằm ở huyện Plapak và quay ra hướng Nam. Di tích Phật giáo được coi là nơi tạo ra ánh dương tỏa đi mười hướng và người tới bái Phật tại đây được tương truyền là sẽ thành công trong kinh doanh, có tương lai xán lạn và thịnh vượng.

Di tích Prasit dành cho những người sinh vào ngày thứ Năm và nằm trong Chùa Phra That Prasit ở huyện Nawa. Trong di tích này có đất được lấy từ bốn địa điểm linh thiêng của Ấn Độ. Đây cũng là di tích Phật giáo duy nhất tại Thái Lan có đầy đủ các biểu tượng Phật giáo linh thiêng. Di tích này rất được sùng kính và người nào tới đây chiêm bái sẽ được thăng tiến trong công việc và có sự tiến bộ rõ rệt trong nghề nghiệp.

Di tích Uthen dành cho những người sinh vào ngày Thứ Sáu nằm tại Chùa Phra That Uthen và bên trong cũng có xá lợi của Phật tổ. Di tích này ứng với các vị Thần của ngày Thứ Sáu và quay mặt về phía Bắc của di tích Phra That Phanom. Bên phía tay phải của nó là phía Đông, giáp với sông Mê Công. Tương truyền rằng những người sinh vào Thứ Sáu là những người có óc sáng tạo, nhiều sáng kiến và thích độc lập. Nếu những người này tới chiêm bái tại đây, cuộc sống của họ sẽ luôn thịnh vượng, giống như ánh ban mai.

Tượng Phật tại Chùa Mahathat dành cho những người sinh vào Thứ Bảy.

Cuối cùng là di tích Phra That Nakhon. Di tích này cũng có xá lợi của Phật tổ và quay mặt ra hướng Tây Nam. Di tích Phra That Nakhon nằm ở Chùa Mahathat của huyện Mương. Nơi đây dành cho những người sinh vào ngày Thứ Bảy. Tương truyền rằng những người sinh vào ngày này tới đây chiêm bái sẽ có được những tước vị xứng đáng.

Với 7 di tích Phật giáo đặt tại 7 ngôi chùa ứng với 7 ngày sinh của mỗi người trong một tuần lễ, tỉnh Nakhon Phanom đang thu hút được nhiều khách du lịch là những người theo đạo Phật hoặc các tôn giáo khác tới đây chiêm bái.

Khách du lịch cũng có thể tới thăm quan các di tích Phật giáo ứng với từng ngày sinh trong tuần của một người nào đó trong gia đình mình. Điều này sẽ tốt cho bản thân họ và gia đình họ. Mỗi một di tích là một huyền thoại hay một câu chuyện kể về sức mạnh to lớn của nó trong việc mang lại hạnh phúc và sự thịnh vượng cho những con nhang đệ tử tới đây.



Tin, ảnh: Hà Linh
(PV TTXVN tại Thái Lan)

Không có nhận xét nào: