Nias là hòn đảo lớn nhất trong
chuỗi 131 đảo lớn nhỏ nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia. Đảo
Nias có nền văn hoá và đặc điểm tự nhiên rất khác biệt so với các khu
vực khác ở tỉnh Bắc Sumatra. Chính điều này đã làm nên vẻ đẹp riêng cho
nơi đây.
Đảo Nias hoang sơ
Xưa kia, đảo Nias có tên gọi là Tano Niha
tức ‘Miền đất của người’. Người Nias tự xưng mình là Ono Niha. Ono Niha
có nghĩa là ‘Đứa con của người’. Đến đây, khách du lịch có cơ hội chiêm
ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ rất thú vị.
Từ xưa, người Nias chủ yếu làm nghề nông.
Họ sống trong những ngôi làng nằm cạnh nhau. Làng Bawomataluo nằm ở độ
cao 270 mét so với mặt biển là một khu vực khá hẻo lánh, cuộc sống của
người dân nơi đây rất bình dị và chất phát.
Làng Bawomataluo với ngôi nhà omo sebua ở giữa làng
Trong tiếng Nias, Bawomataluo có nghĩa là
‘ngọn đồi mặt trời’. Lần đầu đặt chân đến, làng Bawomataluo không giống
như tòa thành lũy khép kín như tôi từng tưởng tượng mà là một chốn rất
yên bình, không ồn ào, náo nhiệt như ở thành thị.
Dạo bước trên các ngã đường trong làng,
bạn sẽ thấy người dân nơi đây vui vẻ, sống chan hòa cùng thiên nhiên.
Buổi sáng người lớn ra đồng làm việc, trẻ con cùng nhau đến trường học.
Ngoài sống dựa vào nghề trồng lúa nước, người dân Nias còn trồng nhiều
loại thảo dược bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
Ở làng Bawomataluo có một trụ đá cao
khoảng hai mét. Trụ đá này được tạo thành từ nhiều hòn đá nhỏ xếp chồng
lên nhau. Ngày xưa, nam giới Bawomataluo thường nhảy qua trụ đá này nhằm
chứng tỏ rằng họ đã trưởng thành và có thể xông pha nơi sa trường giết
giặc, bảo vệ xóm làng. Ngày nay, tuy nghi thức nhảy qua trụ đá không còn
phổ biến nữa, nhưng nó đã trở thành một phần quan trọng trong lịch sử
phát triển của làng Bawomataluo.
Nghi thức nhảy qua trụ đá được thực hiện để chứng tỏ một thanh niên đã trưởng thành
Ngôi nhà truyền thống omo sebua nằm ở
trung tâm của mỗi ngôi làng trên đảo Nias. Theo người dân địa phương,
omo sebua được xây dựng dành riêng cho trưởng làng và tầng lớp Si’ulu.
Si’ulu có nghĩa là quý tộc hoàng gia Sumatra. Toà kiến trúc này còn thể
hiện rõ quan niệm của người Nias về vũ trụ. Nóc nhà truyền thống omo
sebua tượng trưng cho thượng giới, cửa sổ tượng trưng cho bầu trời và
các vì sao. Lối xây cất độc đáo với những cây cột lớn bằng gỗ và mái nhà
cao ngất của omo sebua không chỉ có chức năng phòng thủ khi bị các bộ
lạc khác đánh chiếm mà còn tăng cường tính bền vững của tòa nhà trước
các trận động đất trên đảo.
Ngôi nhà omo sebua tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có của chủ nhân
Các tác phẩm điêu khắc tinh xảo dùng
trang trí trong ngôi nhà omo sebua từng được xem là vật tượng trưng cho
quyền lực và sự giàu có. Địa vị xã hội mà tầng lớp Si’ulu có được là từ
quyền lực, sự giàu có và lòng tôn kính của người dân. Mỗi lần Si’ulu mua
lễ vật như trâu, bò, dê cúng tế thần linh thì địa vị của họ càng được
nâng cao.
Đảo Nias còn có nhiều địa điểm thú vị
khác, trong đó có làng Hilnawala Fau cách làng Bawomataluo không xa.
Trên đường đến làng Hilnawala Fau, bạn sẽ đi ngang qua một bãi đá nổi
tiếng với nhiều tảng đá bí ẩn và cổ xưa ở làng Tundro Baho.
Tương truyền, xưa kia có 6 vị thần tiên
đã giáng trần tại bãi đá này. Theo kết quả khảo cổ, di tích này có
khoảng từ năm 5.000 đến năm 3.000 trước Công Nguyên. Người Nias tin rằng
vạn vật đều có linh hồn, giữa người sống và người chết luôn có mối quan
hệ mật thiết với nhau. Theo những người dân địa phương lớn tuổi, bãi đá
cổ từng là một toà kiến trúc hùng vĩ và được người xưa xây dựng nhằm
tưởng niệm việc 6 vị thần tiên xuống trần. Hiện di tích này đã thu hút
vô số nhà khảo cổ từ khắp nơi trên thế giới.
Trên đảo Nias có rất nhiều loại ngôn ngữ
địa phương và khi phát âm, mỗi chữ thường kết thúc bằng một nguyên âm,
nhờ vậy âm điệu khi nói cứ nối tiếp nhau, tạo một cảm giác rung động,
trầm buồn nhưng không đơn điệu.
Trẻ em trong làng Hilnawala Fau đều biết
hát dân ca và nhảy những vũ điệu truyền thống. Người dân làng Hilnawala
Fau luôn coi trọng lối sống tập thể, việc ca hát và nhảy múa đã trở
thành một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của người Nias từ
thuở xa xưa cho tới nay.
Ca hát và nhảy múa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống
tinh thần của người dân đảo Nias
Người dân trong làng Hilnawala Fau có tập
tục tái hiện lại nghi lễ Maluaya. Đây là nghi thức vô cùng trang trọng
khi tiễn đưa chiến binh ra chiến trường và chào đón họ trở về. Trong
nghi lễ này, vật tế lễ là những con heo đực được chọn lựa kỹ. Sau khi
tắm rửa cơ thể sạch sẽ, những thanh niên trai tráng trong làng sẽ nhận
nhiệm vụ mang heo đến đặt phía trước nhà truyền thống omo sebua để tế
sống và cắt lấy máu ngay tại chỗ.
Ngày xưa, người ta thường hiến tế 10 con
heo, nhưng ngày nay họ chỉ giết một hay hai con mà thôi. Trước kia, nghi
lễ Maluaya thu hút vài trăm người, hiện số người tham gia ngày càng ít,
quy mô cũng nhỏ hơn trước.
Sau nghi thức này, heo được đưa ra phía
sau nhà để xẻ thịt chia cho những người tham dự và chuẩn bị nấu các món
ngon. Đặc biệt, các vị chức sắc và giới quý tộc trong làng sẽ nhận được
những phần thịt ngon. Bầu không khí diễn ra hoạt động Maluaya rất náo
nhiệt.
Thị trấn Telukdalam nằm ở phía Nam đảo
Nias là trạm dừng chân của nhiều khách du lịch. Từ trung tâm thị trấn đi
đến bãi biển Sorake mất khoảng 30 phút ngồi xe. Bãi biển Sorake được
xem là một trong những địa điểm lý tưởng cho môn thể thao lướt sóng ở
Đất nước vạn đảo. Nơi đây được 3 vận động viên lướt sóng người Australia
lần đầu tiên phát hiện vào năm 1975.
Hồng Mẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét