Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Ăn chè trên phố cổ Melaka

TTO - Cendol là một món chè tráng miệng rất phổ biến ở Đông Nam Á, thế nhưng dân đi bụi vẫn bảo nhau, đến Melaka (Malaysia) mà không thưởng thức cendol thì thật phí hoài chuyến đi. Bởi thế suốt hai ngày lang thang ở Melaka, tôi đã thu xếp thời gian để thử vài món cendol.
Cendol Melaka và đủ món chè hấp dẫn trên thực đơn quảng cáo - Ảnh: Băng Giang
Phố đi bộ Jalan Hang Jebat (còn được gọi bằng cái tên nổi tiếng khác là Jonker Street) có rất nhiều các cửa hàng lớn nhỏ bán món tráng miệng cendol. Bạn cũng dễ dàng tìm thấy món ăn bình dân này ở rất nhiều ngõ nhỏ phố nhỏ khác quanh dòng Melaka. Một trong những địa điểm được dân đi ưa thích hơn cả là cửa hàng Jonker88 nằm giữa phố đi bộ Jonker Street. Giá cả hợp lý, thực đơn phong phú và khẩu vị thật khó quên.
Những ngày đi bụi khác ở Malaysia, tôi cũng có dịp được thưởng thức một món tráng miệng có tên cực thông dụng “ABC”. Bạn luôn dễ dàng tìm mua được một bát ABC khổng lồ với nhiều loại nguyên liệu (vừa ăn, vừa đoán) ở nhiều cửa hàng bán đồ uống khác nhau. Sau này, khi tìm hiểu tôi mới biết ABC chính là một loại chè thập cẩm được dân bản địa sáng tạo ra từ món Cendol cơ bản kết hợp với các món ăn địa phương khác có tên đầy đủ là Air Batu Campur, viết tắt là ABC.
Giữa những ngày nóng nực hoặc sau một hành trình lang thang khám phá Melaka, thật không gì thú vị và hợp lý bằng một bát/ly chè cendol mát lạnh. Thành phần chính của món chè cendol gồm sữa dừa, bột lọc (bột nếp), thạch màu, đá bào và đường cọ.
Ngoài ra, tùy theo khẩu vị từng nơi hay từng món chè mà người ta sẽ cho thêm đậu đỏ, thạch đen, bột ngô, bột nếp... cùng các loại kem, hoa quả khác để tạo ra các dòng cendol phong phú, mà nổi tiếng nhất là món cendol sầu riêng. Đây cũng là món cao giá nhất nhất trong bảng giá so với các món cendol thông thường khác (3-5 Rm/1 bát-ly, khoảng 20-35.000 đồng).
Dễ dàng nhận thấy một trong những thành phần chính của cendol được làm từ nguyên liệu chính là bột nếp và bột ngô, có màu xanh bắt mắt và ở Việt Nam, chúng tôi vẫn quen gọi là “sâu xanh” hoặc trong các cửa hàng chè Thái sẽ được nhắc với tên là “Thái xanh”.
Hỗn hợp bột này sẽ được hòa với nước dứa tươi và được pha trộn kỹ lưỡng trước khi đun trong chảo nóng. Trong quá trình đun, nước lá dứa tươi sẽ được cho thêm để đảm bảo hỗn hợp bột sẽ luôn được mềm mại và không dính, màu sắc vừa mắt.
Cơm rang Nasi Goreng và món tráng miệng thập cẩm ABC - Ảnh: Băng Giang
Để cắt bột ra thành nhiều miếng nhỏ, người ta sẽ dùng một dụng cụ giống như cái nồi lớn có đục nhiều lỗ nhỏ ở đáy và đặt lên trên một chậu nước lạnh. Dội hỗn hợp bột đã nguội vào chiếc nồi nhiều lỗ này và ép chúng thành khuôn qua lỗ. Thế là đã có nguyên liệu chính cho món chè cendol.
Đậu đỏ cũng là một thành phần phổ biến trong món chè tráng miệng. Được ninh trong khoảng 2-3 giờ cho đến khi hạt nứt ra, có màu hạt dẻ sẫm. Đường cọ đun chảy sậm màu cánh gián đặt trong một nồi lớn, sẵn sàng để tưới vào ly đá bào.
Món tráng miệng cendol đã xong, bạn muốn ăn kèm với sầu riêng, đu đủ hay xoài? Hãy chọn khẩu vị mà bạn yêu thích nhất rồi thưởng thức từng thìa mát lạnh, đã đời. Để luôn nhớ rằng, mình đã từng ngồi ở phố cổ Jonker Street và biết thế nào là cendol Melaka!
ĐỨC HÙNG

Không có nhận xét nào: